Dân chủ ở Hàn Quốc và con ngáo ộp ổn định chính trị ở các nước độc đoán (Nguyễn Anh Tuấn)
Chiến thắng của nền dân chủ Hàn Quốc,
cũng như những diễn biến củng cố dân chủ gần đây của một quốc gia Đông Á
khác là Đài Loan, còn cho thấy hạt giống dân chủ hoàn toàn có thể bắt
rễ, trổ mầm và đơm hoa kết trái ở những quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho
giáo với xã hội nặng tính thứ bậc. Đây cũng là những dẫn chứng có sức
nặng chống lại quan điểm rằng tự do-dân chủ chỉ là những giá trị Tây
phương nên không phù hợp với các nước Á Đông, vốn đặt trên nền tảng một
hệ giá trị khác.
Ngày 10 tháng 3 năm 2017 đã đi vào lịch
sử Hàn Quốc khi lần đầu tiên một tổng thống dân cử, bà Park Geun
Hye, chính thức bị Tòa án Hiến pháp phế truất, sau khi bị luận tội bởi
Quốc Hội cuối năm ngoái giữa làn sóng biểu tình kéo dài trong suốt nhiều
tháng.
Vậy là, không giống như người cha gây
nhiều tranh cãi của bà, Tổng thống Park Chung Hee, dưới nền độc tài của
chính ông ta đã bị lật đổ bằng một cuộc ám sát đậm mùi thuốc súng và để
lại sau đó 10 năm xáo trộn quốc gia, bà Park hôm nay đã được nền dân chủ
và pháp trị Hàn Quốc cho ‘về vườn’ một cách ôn hòa, văn minh, không
tiếng súng. Nền quản trị quốc gia, nhờ được thiết kế tốt (với sự phân
biệt rõ ràng giữa hành pháp chính trị và hành pháp công vụ) nên vài
tháng sau khi bà Tổng thống bị đình chỉ quyền lực, vẫn chưa có dấu hiệu
gì sẽ rơi vào khủng hoảng, dù đất nước này trên danh nghĩa vẫn đang
trong tình trạng chiến tranh với láng giềng Bắc Hàn trên một bán đảo
chưa bao giờ bình yên hơn nửa thế kỷ qua.
Sự kiện này thêm một lần nữa chứng tỏ
những luận điểm như “đa đảng thì loạn”, “chuyển tiếp chính trị dẫn đến
mất ổn định” chỉ là con ngáo ộp mà những kẻ nắm quyền khắp mọi nơi, bao
gồm cả Việt Nam, đưa ra để hù dọa người dân nhằm duy trì trật tự hiện
hành – thứ trật tự bảo vệ đặc quyền đặc lợi của họ.
Chiến thắng của nền dân chủ Hàn Quốc,
cũng như những diễn biến củng cố dân chủ gần đây của một quốc gia Đông Á
khác là Đài Loan, còn cho thấy hạt giống dân chủ hoàn toàn có thể bắt
rễ, trổ mầm và đơm hoa kết trái ở những quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho
giáo với xã hội nặng tính thứ bậc. Đây cũng là những dẫn chứng có sức
nặng chống lại quan điểm rằng tự do-dân chủ chỉ là những giá trị Tây
phương nên không phù hợp với các nước Á Đông, vốn đặt trên nền tảng một
hệ giá trị khác.
Đúng như phát biểu của Chủ tịch Quốc Hội
Hàn Quốc Chung Ui-hwa trong diễn từ bế mạc Hội nghị Lần thứ 8 Phong
trào Toàn cầu vì Dân chủ – Seoul tháng 11/2015 mà người viết có cơ hội
được tham dự:
“Dân chủ, một khi đã chiến thắng ở Hàn Quốc, sẽ chiến thắng ở bất kỳ đâu trên thế giới”