Có nên làm nhiệt điện than giáp ranh TPHCM? (Văn Nam)

Dù có sử dụng công nghệ mới tới đâu, nhà máy nhiệt điện than cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường như phát tán bụi, tro xỉ than, nước thải công nghiệp... Đặc biệt, nếu đặt nhà máy nhiệt điện than tiếp giáp với khu dự trữ sinh quyển, khu đô thị cảng, khu đô thị sinh thái hiện đại thì trong tương lai, mối đe dọa về môi trường càng tăng lên bội phần!




Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các địa phương gồm Long An, TPHCM và các bộ, ngành liên quan về địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực Long An. Trung tâm điện lực Long An có tổng công suất 2.800 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỉ đô la Mỹ sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 17,7 GWh mỗi năm. Đơn vị tư vấn đề xuất hai địa điểm có thể đặt nhà máy nhiệt điện, một là tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước; hai là tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc.

Dù đây là nhà máy nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện cho miền Nam trong khoảng 10 năm tới trong bối cảnh nguồn khí Đông Nam bộ đang suy giảm nhưng địa điểm dự kiến đặt nhà máy đang đặt ra nhiều câu hỏi cần giải quyết về môi trường, giao thông và an toàn hàng hải.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia năng lượng, đối với nhiệt điện than thì điều kiện quan trọng nhất để đặt nhà máy chính là phải nằm ở vị trí xây dựng được cảng nước sâu đi kèm và luồng tàu vận chuyển nhiên liệu than thuận lợi, đồng thời nguồn nước cấp và thải nước làm mát cho nhà máy trong quá trình vận hành phải phong phú.

Đối chiếu với các điều kiện trên, đơn vị tư vấn dự án và chính quyền tỉnh Long An cũng như nhiều bộ, ngành đang nghiêng theo hướng đặt cảng than và nhà máy bên bờ hữu sông Soài Rạp (xã Phước Vĩnh Đông, Cần Giuộc). Sông này lâu nay đã được nạo vét làm luồng chính cho tàu lớn đến 50.000 DWT ra vào các cảng TPHCM và trong tương lai sẽ được nạo vét cho tàu lớn tới 70.000 DWT đi, phù hợp với quy mô một cảng than có công suất tương đương. Một điều kiện thuận lợi nữa là về giải tỏa mặt bằng. Khu đất rộng 133 héc ta tại Cần Giuộc này được tỉnh Long An quy hoạch chuyển từ đất cụm công nghiệp sang công nghiệp nhiệt điện, trong đó có đến 80 héc ta đất công nghiệp đã được san lấp đến cao trình 2,3 mét giúp giảm thời gian và chi phí đền bù.

Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông và môi trường, nếu bố trí Trung tâm Điện lực Long An tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc bên bờ hữu sông Soài Rạp thì nhà đầu tư chắc chắn sẽ gánh chịu một chi phí san lấp rất lớn bởi khu vực này có nhiều sông, kênh rạch lớn chằng chịt cần phải san lấp và nắn trả lại các hướng tuyến dòng chảy cho nước thoát lũ.

Chưa kể hiện nay, nếu nhìn vào chiều dài tuyến bờ sông Soài Rạp thì đã có nhiều dự án khác đang xin chủ trương đầu tư nên không còn đủ mặt bằng để bố trí các tuyến bến than, dầu và bến tổng hợp. Ngoài ra, về giao thông đường bộ, hiện chỉ có một tuyến duy nhất theo hướng đường Nguyễn Văn Tạo từ Hiệp Phước (TPHCM) tới trung tâm điện lực này nhưng đây là tuyến đường hẹp, khó đi, chắc chắn sẽ là trở ngại lớn cho quá trình thi công dự án.

Sau cuộc họp với các địa phương, bộ, ngành liên quan đến việc chọn địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực Long An hồi  đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã kết luận thống nhất địa điểm quy hoạch xây dựng Trung tâm Điện lực Long An tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An bởi ở đây vừa thuận lợi về giải phóng mặt bằng, vừa nhận được sự đồng thuận của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Long An.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng nêu yêu cầu dù làm ở vị trí nào thì nhiệt điện Long An cũng phải đảm bảo tuân thủ các quy định, quy chuẩn về môi trường và cần phải gấp rút phê duyệt địa điểm quy hoạch để đảm bảo tiến độ song song với quy hoạch phát triển điện quốc gia (tổng sơ đồ điện 7), tức sẽ đưa vào vận hành từ năm 2024-2026.

Địa điểm dự kiến xây Trung tâm Nhiệt điện Long An này nằm giáp ranh với huyện Cần Giờ của TPHCM và cách cửa Soài Rạp khoảng 20 ki lô mét. Với nhiều khả năng Trung tâm Điện lực Long An sẽ được đặt tại một vị trí giáp ranh với TPHCM như vậy, nhiều nhà đầu tư, chuyên gia về đô thị, môi trường tại TPHCM đã lên tiếng phản ứng.

Trong một báo cáo góp ý về vị trí đặt Trung tâm Điện lực Long An, ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận, cho rằng nếu chọn như vậy thì trung tâm điện lực này sẽ nằm lọt giữa các luồng kênh rạch vốn là nơi lọc không khí tốt nhất cho cả một khu vực rộng lớn. Với hướng gió chủ đạo khu vực miền Nam là Tây Nam thì vị trí nói trên sẽ gây ô nhiễm rất lớn đến khu đô thị Hiệp Phước - là một trong những khu đô thị trọng điểm mang tính đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Còn theo một lãnh đạo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, đoạn sông qua khu vực dự kiến xây trung tâm nhiệt điện nói trên hẹp, uốn khúc và luồng chính Soài Rạp khó khăn cho bố trí cảng than và không đảm bảo an toàn cho tàu bè ra vào cảng Hiệp Phước.

Trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định: dù có sử dụng công nghệ mới, nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than nếu đặt tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc sẽ tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường như phát tán bụi, xả thải tro xỉ than, nước thải công nghiệp... ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của khu đô thị cảng Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè (TPHCM). Đồng thời, nhà máy nhiệt điện còn có khả năng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nuôi trồng thủy sản khu vực huyện Cần Giờ (TPHCM).

Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý các đơn vị tư vấn chọn địa điểm cần tính đến việc bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh sông Vàm Cỏ và sông Cần Giuộc từ hoạt động lấy nước mát và thải nước làm mát từ các nhà máy nhiệt điện. Đặc biệt, lưu ý đến khả năng không khí (bị chất thải gây ô nhiễm) phát tán đến TPHCM đồng thời áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để phòng ngừa, giảm thiểu tác động do rủi ro và sự cố môi trường như úng lụt, sạt lở bờ sông trong quá trình thi công, vận hành.

Theo thông tin TBKTSG thu thập được, hiện nay, một tổ hợp các nhà đầu tư của Hàn Quốc đang quan tâm đến việc đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Long An 2 thuộc Trung tâm Điện lực Long An với công suất trước mắt là 1.600 MW, tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn than/năm, sử dụng nguồn than nhập khẩu từ Úc, Indonesia vận chuyển bằng tàu trọng tải 50.000- 70.000 DWT vào bến tiếp nhận than của nhà máy theo luồng sông Soài Rạp.

Theo đề xuất của tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc nói trên, dự kiến vị trí xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long An 2 có diện tích 133 héc ta tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An nằm giữa các sông Soài Rạp (có chiều dài đường bờ sông 1.700 mét), sông Kênh Hàng (chiều dài đường bờ sông 800 mét) và Rạch Mương Sở Chánh; đi kèm với đó là các cảng chuyên dụng gồm: hai bến cảng tiếp nhận than từ luồng Soài Rạp có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT; ba bến nhập đá vôi, thạch cao, hàng hóa vật tư khác tiếp nhận tàu 3.000-5.000 DWT; một bến xuất tro xỉ có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 DWT; một bến dầu tiếp nhận tàu 1.000 DWT.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:

Việc phát triển Trung tâm Điện lực Long An là cần thiết, song song với các trung tâm điện lực khác như Vĩnh Tân, Duyên Hải, Sông Hậu, Long Phú, để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao cho khu vực phía Nam trong tương lai. Tuy nhiên, bài học trước mắt chính là cần phải “chặn” được những thiết bị, công nghệ kém vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chọn công nghệ lò hơi phù hợp vừa giảm giá thành sản xuất điện, vừa lọc được các chất độc hại môi trường. Về địa lý, xây  nhà máy nhiệt điện trên bờ hữu sông Soài Rạp sẽ phù hợp vì có thể xây dựng được cảng than công suất lớn, đáp ứng tiêu thụ hàng triệu tấn than mỗi năm.


Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TPHCM):

Đặt vị trí xây nhà máy nhiệt điện giáp ranh với TPHCM là không hợp lý bởi tro xỉ nhiệt điện, khói thải cho dù có đưa lên cao tầng ống khói hơn 3.000 mét thì khi gặp gió Tây Nam đặc trưng của vùng này từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, nhiều khả năng khói thải, tro xỉ sẽ luân chuyển trong không khí phát tán đến các khu đô thị, khu dân cư của TPHCM. Xét về kinh tế môi trường thì xây nhiệt điện ven sông Soài Rạp là không đủ điều kiện, bởi sẽ đánh đổi nhiều giá trị khác về hệ sinh thái, môi trường. Do phát triển nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu điện cho vùng kinh tế phía Nam là cần thiết nên có thể tập trung các nhà máy nhiệt điện vào một khu vực, chẳng hạn tập trung phát triển tăng công suất nhiệt điện tại Trà Vinh - nơi có sẵn một số nhà máy nhiệt điện và cảng xuất nhập hiện hữu, dễ mở rộng.