Đồng bằng sông Cửu Long với những khó khăn trước mắt (Mặc Lâm-RFA)

 Thiếu nước là một vết dao khác cắt sâu vào da thịt đồng bằng sông Cửu Long khi vào mùa khô hầu như cả vùng không có mưa, nguồn nước quan trọng nhất vẫn từ con sông Mekong và ngay cả vần đề của con sông này cũng đã và đang làm cho người dân các tỉnh miền Tây băn khoăn vì không biết khi nào thì nó không còn là của mình nữa.


Sau nhiều thập niên trù phú với các sản vật được thiên nhiên ưu đãi như lúa, cây ăn trái và động vật hoang dã thân thiện với con người, giờ đây người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với biến đổi khí hậu, Mekong cạn dòng cũng như canh tác khó khăn hơn bởi ngập mặn và thiếu nước.

Vùng kinh tế quan trọng

Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích gần 40 ngàn cây số vuông, dân số hơn 18 triệu người, là vùng kinh tế hết sức quan trọng của đất nước. Sản lượng lúa chiếm hơn 50% sản lượng thủy sản chiếm 65% và 70% sản lượng cây ăn trái trên cả nước.

Ngoài lúa ra tất cả tài nguyên khoáng sản thiên nhiên gần như không có khiến việc phát triển kinh tế, xã hội của đồng bằng chỉ trông cậy vào xuất khẩu gạo còn người dân canh tác thêm ở sân vườn nhà mình với tâm lý kiếm được chút nào hay chút nấy.
Lúa tuy là huyết mạch của người nông dân nhưng nếu tập trung hết sức người lẫn kỹ thuật chạy theo sản xuất đại trà, công nghiệp thì cái hại của nó sẽ khó lường trước, bởi nó sẽ làm biến mất diện tích rừng tràm ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và ngay cả vùng U Minh Thượng và Hạ.

Cây lúa dù sao cũng không làm cho người nông dân giàu có một cách nhanh chóng và vì vậy ước muốn thoát nghèo ngày một lớn và bức thiết hơn. Giải pháp nuôi trồng thủy sản đã trở nên thời sự và câu chuyện nuôi cá da trơn, tôm cùng các loại thủy sản khác đã thúc đẩy cuộc sống người dân vượt ra bên ngoài chiếc vòng tròn khoanh vùng bởi nghèo khó. Đời sống của những gia đình này lần hồi biến đổi, nhưng tiếc thay sự biến đổi của họ kéo theo sự biến đổi đất đai do nhu cầu khai mở nước mặn cho con tôm đã lần hồi làm đất không còn giữ được phù sa do ngập mặn.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nay đã về hưu sống cùng con cá vườn rau chia sẻ với chúng tôi:

Nói chung thì vấn đề này cũng thăng giáng lắm! Cá da trơn có lúc lên lúc xuống. Trường hợp của tôi đây cũng nuôi mười mấy năm nhưng bây giờ cũng nghỉ rồi vì thấy tình hình này bây giờ cũng lớn tuổi mệt quá nên nghỉ. Cá bữa nay nó lại lên giá nữa rồi cũng không biết chừng nào nó xuống lại, thị trường nó bấp bênh vậy đó. Lúa gạo cũng vậy hiện nay nó đang trầm lắng nói chung thì tình hình chưa có gì để nói chưa có gì tốt hay xấu lằm, đặc biệt lắm. Bây giờ cá da trơn hiện nay sản lượng trong ao nó sụt giảm dữ lắm, thị trường đang hút cho nên nó lên giá. Nhưng có điều phục hồi nó lại như thế nào thì tôi cũng chưa biết quản lý ngành như thế nào.

Từ sự “thăng giáng” của con cá da trơn tới mức xuất khẩu đáng mơ ước của con tôm thật không khác gì một giấc mơ thời thượng của người nông dân miền nam. Chính thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mơ chung giấc mơ này khi ông yêu cầu Việt Nam phải là thủ phủ của con tôm so với thế giới và mức xuất khẩu tôm trong những năm tới phải đạt bằng được con số 10 tỷ đô la. Nói về việc này ông Nguyễn Minh Nhị chia sẻ:

Cái này tôi không nắm được cụ thể nhưng tôi có thông tin là xuất khẩu tôm hai năm nay nó tăng lên tới gần ba tỷ gì đó. Có lẽ thông tin đó nó cũng gây hứng khởi còn con số 10 tỷ như thế nào thì tôi không rõ, nhưng nuôi tôm hiện nay đang có triển vọng của thị trường nên nó nổi lên và thủ tướng nắm nó có chỉ đạo khuếch trương thế nào thì tôi không biết nhưng tôi tin là nó có xu hướng khởi sắc.

Thiếu nước mùa khô

Theo Giáo sư TSKH Nguyễn Ngọc Trân, một chuyên gia về biến đổi khí hậu nhận xét thì “quy hoạch diện tích nuôi tôm 5 năm được các tỉnh ven biển hoàn thành trong một, hai năm. Nhiều cống ngăn mặn bị tháo ra để lấy nước mặn nuôi tôm…. Rừng ngập mặn bị mất dần; đáng quan ngại nhiều nơi trong vùng ngọt hóa, người dân khoan giếng bơm nước ngầm mặn lên nuôi tôm.”

Cái giá phải trả ấy đang hiện hữu và ngày một rõ nét hơn khi đất ngập mặn ngày một nhiều và lan rộng.

TS Nguyễn Đình Long, nguyên Viện phó Viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ kinh nghiệm của ông:

Những vấn đề anh nói những hướng xử lý phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long là đúng rồi. Tôi cho là muốn phát triển thì đúng là muốn có đột phá mới thì thứ nhất phải nhìn nhận thách thức mới đó là tác động của biến đổi khí hậu, nó trực tiếp và trên cái diện rộng trên giòng Cửu Long. 

Thứ hai là nguồn nước sông Cửu Long thì bây giờ sử dụng nguồn nước cũng khó và ít dẫn tới ngập mặn đã bắt đầu. Đổi cái trục mới trong sản xuất nông nghiệp mới chính vì vậy nên đồng bằng sông Cửu Long tuy là cái vựa lúa nhưng nông nghiệp bây giờ cần thay đổi thật mạnh, phải khai thác từ cái bất lợi trở thành cái thuận lợi mới, tiềm năng mới tức là phải chuyển trục mới không còn là cây lúa nữa bởi vì lúa chỉ có mức độ thôi mà nên tập trung phát triển thủy sản.
Thế mạnh thứ hai là cây ăn trái, thứ ba mới đến cây lúa. Nếu chúng ta còn tiếp tục cây lúa thì thực tế bây giờ cây lúa hạn chế khả năng cạnh tranh rất nhiều ví nhiều yếu tố sản xuất cây lúa không còn thuận lợi như trước nữa.

Thiếu nước là một vết dao khác cắt sâu vào da thịt đồng bằng sông Cửu Long khi vào mùa khô hầu như cả vùng không có mưa, nguồn nước quan trọng nhất vẫn từ con sông Mekong và ngay cả vần đề của con sông này cũng đã và đang làm cho người dân các tỉnh miền Tây băn khoăn vì không biết khi nào thì nó không còn là của mình nữa.

Con sông không chỉ riêng của Việt Nam mà nó chia sẻ với 5 nước từ thượng nguồn cho tới Việt Nam là chót sổ. Chẳng may cho Việt Nam cả 5 nước đều trông cậy vào nguồn nước của Mekong vì mục đích sản xuất lúa nước. Trong thời gian tới, thủy điện và phát triển cây lúa sẽ vắt dần đến cạn kiệt nguồn nước Mekong và người dân Đồng bằng công Cửu Long sẽ là nạn nhân chung cuộc.

Theo dự báo trong những năm tới, do biến đổi khí hậu nên mực nước biển sẽ ngày một dâng cao, khả năng xâm nhập mặn sẽ rất lớn. Nước thượng nguồn Mekong về bị giảm sút sẽ không đủ lưu lượng để đẩy mặn, do đó nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa càng làm cho bài toán ngập mặn lâm vào thế bí hơn.

Vì vậy, cuộc sống trù phú, ổn định và đáng mơ ước của người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang lâm vào bước ngoặc của thử thách. Thử thách từ biến đổi khí hậu đến từ biển, cho tới các nước lân cận từ thượng nguồn sông Mekong lẫn thử thách do chính cư dân của nó trong các kế hoạch không hoàn chỉnh thúc đẩy sự phát triển bền vững.