Buýt nhanh Hà Nội có phân cách cứng khi xe cộ ùn tắc là quá bất công? (VNE)

Thành viên Nguyễn Vân Anh cho rằng: “Nghìn người nhường đường cho vài chục người, đường đã bé, tắc ngược tắc xuôi lại còn chia năm xẻ bảy”.

Sinh viên, người lao động nghèo được hưởng lợi từ BRT, trong khi những người còn lại phải chịu cảnh ách tắc. 

Một video vừa được chia sẻ trên diễn đàn Otofun gây tranh cãi với status: "Phân cách cứng đã có. Thật tuyệt vời! Người lao động, sinh viên học sinh như chúng em được nhờ rồi ạ!". Video ghi lại cảnh buýt nhanh có làn riêng, đi lại rất thông thoáng nhờ dải phân cách cứng, còn bên cạnh là dòng phương tiện ùn ứ tại khu vực giao cắt giữa đường Giảng Võ với Đê La Thành (Hà Nội).

Rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xung quanh status. Đa số ý kiến cho rằng buýt nhanh chỉ khiến đường phố thêm tắc trong khi chưa giải quyết được phần đa nhu cầu giao thông của người dân. Một người nick Vũ Lê cho rằng hình ảnh "quá bất công". Thành viên Nguyễn Vân Anh cho rằng: “Nghìn người nhường đường cho vài chục người, đường đã bé, tắc ngược tắc xuôi lại còn chia năm xẻ bảy”. Đồng tình, thành viên Anh Đức nhận định: “Buýt nhanh phục vụ cho số ít học sinh, sinh viên, người già – những người có nhu cầu giao thông ít, vậy có hợp lý không khi bao người bị ảnh hưởng bên cạnh?”.

Phản hồi lại quan điểm của số đông trên, nhiều người cho rằng buýt nhanh hay phương tiện giao thông công cộng là phương án giải quyết ùn tắc hiện nay. Người dùng Vũ Lan nhận định: “Những người chê buýt nhanh xin hỏi đã đi chưa hay chỉ ngồi xem và phán? Có cách nào giải quyết tắc đường tốt hơn phương tiện công cộng không?”. Thành viên Tùng nói: "Những người phản đối làn đường riêng cho BRT sao không cất ôtô xe máy ở nhà và dùng buýt nhanh vì quyền lợi chung? Suy nghĩ ích kỷ như các bạn thì giao thông Hà Nội sẽ chẳng bao giờ khá lên được".

Quan điểm của bạn thế nào? Buýt nhanh đang phục vụ chỉ số ít người? Nên hay không nên làm dải phân cách cứng?

Minh Đức tổng hợp