Tấn công đại học Mỹ, Trump đẩy nhân tài vào tay Trung Quốc (Chi Phương)
Báo cáo được công bố trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường cải thiện hình ảnh, mở cửa đón nhiều khách du lịch hơn và nỗ lực nâng cao danh tiếng của các trường đại học trong giới học thuật quốc tế. Theo tạp chí Time, Trung Quốc từ lâu đã tìm cách thu hút nhân tài của thế giới bằng cách gia tăng đầu tư vào giáo dục đại học, gia tăng trợ cấp nghiên cứu khoa học và công nghệ, cũng như tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài.
Theo bảng xếp hạng 2025-2026 100 trường đại học tốt nhất thế giới, Trung Quốc có đến 15 trường đại học lọt vào danh sách này. Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh được xếp hạng cao nhất trong bảng xếp hạng của U.S News World Report, tăng hai hạng từ năm ngoái và xếp thứ 11. Đại học Bắc Kinh và Đại học Chiết Giang cũng lần lượt vươn lên vị trí thứ 25 (từ vị trí 31) và thứ 45 (từ vị trí 51). Đây là một bước nhảy vọt so với bảy năm trước. Lúc đó, chỉ có hai trường đại học Trung Quốc lọt vào top 100: Đại học Thanh Hoa (thứ 50) và Đại học Bắc Kinh (thứ 68).
Nếu như các trường đại học của Hoa Kỳ vẫn nằm trong top 10, thì các bảng xếp hạng gần đây chỉ ra rằng các trường đại học của Trung Quốc đang thu hút các nhân tài quốc tế hơn. Thứ hạng của các trường ở Trung Quốc « tăng ổn định », vào lúc mà chính quyền của Donald Trump nhắm vào một số trường đại học, cắt giảm trợ cấp, có thể đe dọa đến sức cạnh tranh của các trường này.
Các nghị sĩ Dân Chủ tại Ủy ban đối ngoại tại Thượng Viện, chỉ ra trong bản báo cáo rằng việc « Hoa Kỳ rút khỏi vị thế lãnh đạo toàn cầu dưới chính quyền Trump đưa Trung Quốc vào vị thế thuận lợi, và Bắc Kinh đặt nhiều kỳ vọng vào thời điểm này », để đẩy Hoa Kỳ về phía sau. Báo cáo cũng chỉ ra rằng chính sách của Donald Trump đã «đặt nền móng cho tình trạng chảy máu chất xám ».

Trump « tấn công » vào các trường đại học như thế nào ?
Donald Trump đã thực hiện một chiến dịch gây sức ép đối với các trường đại học của Hoa Kỳ, từ việc cắt giảm hàng tỷ đô la hỗ trợ nghiên cứu, đến việc hạn chế tuyển sinh viên quốc tế. Tổng thống Hoa Kỳ thậm chí đã nhắm vào một số trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, như Harward, hiện vẫn giữ vị trí đầu trong bảng xếp hạng. Một số trường đại học tại châu Á cố gắng tận dụng tình trạng chảy máu chất xám này nhằm thu hút sinh viên chuyển từ Harvard qua học.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng chiến dịch của ông Trump sẽ làm nản lòng sinh viên quốc tế đến Hoa Kỳ, đẩy họ về phía các trường của Trung Quốc. Simon Marginson, giáo sư đại học Oxford, cho rằng chính phủ của Trump đang tạo ra các khoảng trống để các đối thủ có thể lấp đầy,” và “vị thế của các trường đại học Trung Quốc sẽ dần được củng cố về lâu về dài”.
Nhân tài Trung Quốc trở về Hoa lục tìm cơ hội ?
Một điểm khác cũng đáng chú ý là số sinh viên Trung Quốc, vốn tỷ lệ cao nhất trong tổng số sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ với hơn 37 0 000 người trong năm học 2019-2020, đã giảm hơn 25 % vào năm học 2023-2024. Ấn Độ hiện đã vượt qua Trung Quốc về số lượng sinh viên du học tại Hoa Kỳ.
Báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc đại học Princeton, Harward và Viện Công nghệ Massachusettes MIT chỉ ra rằng gần 20 000 nhà khoa học gốc Hoa đã rời Hoa Kỳ đến các quốc gia khác, gồm cả Trung Quốc, từ năm 2010 đến năm 2021.
Xu hướng này đã gia tăng khi chính quyền Trump khởi xướng “sáng kiến Trung Quốc”, điều tra các nhà khoa học bị nghi có liên hệ với Bắc Kinh, viện dẫn lo ngại về an ninh quốc gia, với hơn 20 học giả bị truy tố. Chương trình này đã bị chỉ trích là “phân biệt chủng tộc” và gieo rắc sợ hãi” trong cộng đồng khoa học. Một nghiên cứu của MIT vào năm 2021 chỉ ra rằng phần lớn các vụ khởi tố do bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thực hiện nhắm vào các nhà nghiên cứu Trung Quốc và gốc Á đều không có liên can đến gián điệp kinh tế hoặc đánh cắp công nghệ, sở hữu trí tuệ.
Cắt đứt quan hệ với Trung Quốc vì lý do an ninh ?
Từ năm 2020, trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump cũng nhắm vào các sinh viên Trung Quốc qua việc hạn chế cấp visa. Khoảng 1000 visa của sinh viên đã bị hủy với lý do “có quan hệ” với các trường đại học “quân sự, dân sự” của Trung Quốc.
Một số trường đại học tại Hoa Kỳ cũng đã chấm dứt quan hệ đối tác, học thuật với các trường đại học Trung Quốc trong thời gian gần đây. Ví dụ, đạo học California, Berkeley, đã cắt đứt hợp tác với Viện Thanh Hoa – Berkeley Thâm Quyến vào tháng Hai năm nay, sau khi chính quyền Trump mở điều tra về các khoản tài trợ không được chính phủ Trung Quốc tiết lộ. Đại học Michigan cũng chấm dứt 2 thập kỷ hợp tác với đại học Giao thông Thượng Hải vào tháng Giêng vì lý do an ninh.
Cùng lúc đó, hàng ngàn nhà nghiên cứu Trung quốc đã trở về Hoa lục, và các chuyên gia dự báo rằng những sinh viên nghiên cứu sinh Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội tại các nơi khác, có thể là tại chính Trung Quốc. Theo giám đốc của công ty tư vấn Snethil Nathan, các trường đại học Trung Quốc đang tuyển chọn những sinh viên Trung Quốc xuất sắc nhất, không đi theo mô hình quốc tế, tức là tuyển những người tài giỏi nhất của thế giới, mà tuyển sinh từ trong nước, bởi Trung Quốc có đủ nguồn lực”.
Donald Trump “bóp nghẹt” môi trường học thuật tại Hoa Kỳ
Môi trường học thuật tại Hoa Kỳ những năm gần đây khá “nghẹt thở”, khi chính quyền Trump đưa ra các biện pháp sàng lọc chặt chẽ những người xin thị thực du học, yêu cầu ứng viên phải có trang mạng xã hội.
Hồi đầu năm nay, khi quay trở lại Nhà Trắng, Donald Trump đã bắt đầu nhắm vào các sinh viên nước ngoài, trục xuất, đe dọa cấm sinh viên quốc tế học tại Harward (chiếm gần 30 % tổng số sinh viên của trường ). Washington đã cáo buộc đại học Harward không tuân thủ các yêu cầu về hồ sơ, thi hành chính sách về đa dạng sắc tộc, hòa nhập, đồng thời chỉ trích cách xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine xảy ra trong khuôn viên trường.
Trump muốn các cơ sở giáo dục này phải tuân theo yêu cầu của ông về chương trình giảng dạy cũng như các hoạt động xã hội trong khuôn viên trường. Trong chiến dịch “gây áp lực” này, tổng thống Hoa Kỳ cũng đe dọa cắt giảm ngân sách và hủy bỏ các hợp đồng liên bang, tài trợ cho các nghiên cứu.
Những chính sách của Trump đã tổn hại đến “danh tiếng tự do ngôn luận” và sự ổn định tài chính và nghiên cứu, vốn là những điểm mạnh thu hút các sinh viên quốc tế, khiến ngành nghiên cứu và công nghệ của nước này có thể dần thiếu hụt nhân lực, mất vị thế dẫn đầu toàn cầu.
Lệnh cắt giảm hàng tỷ đô la tài trợ cho nghiên cứu liên bang được cho là sẽ làm suy yếu các nghiên cứu về ung thư, HIV, bệnh hồng cầu. Một bài phân tích được công bố vào hồi đầu tháng Bảy chỉ ra rằng việc cắt giảm tài trợ của Hoa Kỳ khiến một phần ba chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản gặp rủi ro.
Trong khi 75 % các nhà khoa học ở Mỹ đang cân nhắc rời khỏi đất nước, theo một thăm dò của tạp chí Nature, công bố hồi tháng Ba, thì Trung Quốc tăng cường quyền lực mềm. Các khoản trợ cấp của chính phủ cho giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học tăng mạnh, đạt được những thành quả đáng kể. Trong giai đoạn 2018-2020, Trung Quốc đã xuất bản một phần tư số bài nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới, vượt qua Hoa Kỳ.
Theo Lex Zhao, quản lý tại công ty đầu tư mạo hiểm One way Ventures, “Hoa Kỳ cần nhắc nhở các nước khác và chính Hoa Kỳ về cuộc cạnh tranh vị thế trên thị trường nhân tài toàn cầu… “Không thể tự mãn nếu muốn duy trì thế thống trị trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo”, và chính sách của Trump đang “đẩy nhân tài quốc tế khỏi các thể chế của Hoa Kỳ, để họ rơi vào vòng tay của những nước chào đón nồng nhiệt hơn, thậm chí là những nước thù địch với Hoa Kỳ”.
Chi Phương
19/07/2025
Nguồn: www.rfi.fr