Trump tiếp tục kéo nước Mỹ xuống dốc, Putin dùng vũ khí thời gian (Thụy My)
Le Monde cuối tuần nhận định, khi đưa ra những điều kiện không thể chấp nhận được về đề nghị ngưng bắn của Hoa Kỳ, Vladimir Putin sử dụng một chiến thuật hiệu quả : câu giờ. Quả bóng quay lại phần sân của ông Trump. Le Point cho rằng « Make America Great Again » khiến Hoa Kỳ suy sụp, giúp cho các đế quốc độc tài đang hụt hơi lấy lại sức. Theo Le Nouvel Obs, chủ nghĩa bảo hộ hoang tưởng của tổng thống Mỹ đã làm đảo lộn thế giới.
Cuộc thương chiến của Donald Trump và chiến tranh ở Ukraina là chủ đề được các tuần báo chú trọng nhất kỳ này. Courrier International đăng ảnh trang nhất hai quân nhân nam và nữ, chạy tít « Đứng bên người Ukraina ». Từ Kiev tới Kramatorsk, từ Kharkiv tới Odessa, người dân cảm thấy như thế nào khi bị Hoa Kỳ bỏ rơi sau ba năm chiến đấu ?
Ảnh bìa của Le Point là một người phi công trong buồng lái, điểm qua tình trạng quân đội Pháp, châu Âu, Ukraina, Nga, từ việc tái vũ trang, nguyên tử, tình báo, công nghệ. L’Express đăng hình vẽ một người lính trên vai vác tờ giấy bạc euro cuộn tròn theo dạng một khẩu pháo, chạy tựa « Cái giá cho sự an toàn của chúng ta trước Putin ».
The Economist nói về « Chính sách mới của Mỹ », Le Nouvel Obs đăng ảnhtổng thống Mỹ, phía sau là lá cờ có dòng chữ « Made in USA », nhận định « Chiến tranh thương mại : Thách thức đầy ảo tưởng của Trump »
Vũ khí thời gian của Putin
Le Monde cuối tuần trong bài xã luận « Putin và vũ khí thời gian » nhận định, khi đưa ra những điều kiện không thể chấp nhận được về đề nghị ngưng bắn của Hoa Kỳ, đồng thời vẫn khẳng định muốn đối thoại với Donald Trump, tổng thống Nga sử dụng một chiến thuật đã chứng tỏ hiệu quả : câu giờ.
Câu trả lời của Vladimir Putin cho Donald Trump hôm thứ Năm 13/3 khi đặc sứ Mỹ đến Matxcơva là « ủng hộ, nhưng còn một số chi tiết ». Putin muốn nói chuyện về điều này với Mỹ và « có thể gọi cho tổng thống Trump » vì cần nêu ra « những câu hỏi quan trọng ». Đối với ông ta, ngưng bắn « cần dẫn đến một hòa bình bền vững và giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ».
Trên thực tế, yêu sách ông chủ điện Kremlin không hề thay đổi. Các « vấn đề quan trọng » đó luôn là những đòi hỏi khi xâm lăng Ukraina từ ba năm qua : phi quân sự hóa, vô hiệu hóa quân đội Ukraina, thay đổi chế độ ở Kiev tức tổng thống Zelensky phải ra đi, sáp nhập vĩnh viễn những lãnh thổ chiếm được. Có nghĩa là Ukraina phải đầu hàng – điều không thể chấp nhận đối với các nhà lãnh đạo và người dân Ukraina sau khi bằng ấy người con đã hy sinh để bảo vệ đất nước ; và rất nguy hiểm cho châu Âu. Tổng thống Zelensky không bị lừa, ông tố cáo ngay « thủ đoạn thao túng có thể đoán trước » của Putin.
Quả bóng quay lại phần sân Donald Trump
Vladimir Putin không muốn bác bỏ ngay lập tức để tránh khiêu khích, do Donald Trump đã đe dọa một loạt trừng phạt. Theo Le Monde, việc đối thoại với tổng thống Hoa Kỳ sẽ đặt Nga vào vị thế đại cường - nói chuyện với người đứng đầu siêu cường Mỹ luôn là giấc mơ từ khi Liên Xô sụp đổ, trong khi Vladimir Putin vẫn đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã vì tội ác chiến tranh.
Nhưng nhất là Putin có thể tranh thủ thời gian để chiếm thêm đất. Ông ta đã chơi trò câu giờ nhiều lần. Tại Gruzia năm 2008 với tổng thống Nicolas Sarkozy ; tại Minsk năm 2015 với thủ tướng Angela Merkel, tổng thống François Hollande và Petro Porochenko - Putin lần khân cho đến khi quân ông ta chiếm được giao điểm chiến lược Debaltsev ở Donbass.
Giờ thì Putin muốn nói chuyện với Donald Trump trong khi quân Nga và Bắc Triều Tiên chiếm lại Kursk, đoạt mất của Ukraina đòn bẩy lãnh thổ duy nhất nếu đàm phán. Tướng Koutouzov, người thắng Napoléon nói : « Sự kiên trì và thời gian là vũ khí chiến tranh của tôi ». Theo truyền thống Nga, Vladimir Putin áp đặt vũ khí thời gian cho một tổng thống Mỹ vội vã và thiếu kiên nhẫn.
Le Figaro cuối tuần cho rằng « Giữa Donald Trump và Vladimir Putin, ván bài tẩy ngoại giao tiếp tục ». Quả bóng lần này quay lại phần sân của ông Trump. Sau khi bẻ ngoặt tay Volodymyr Zelensky để buộc chấp nhận nguyên tắc ngưng bắn 30 ngày mà không có bảo đảm an ninh, tổng thống Mỹ nay phải thương lượng với một nhân vật thâm hiểm. Chừng như Donald Trump ngần ngại không muốn cứng giọng trước Matxcơva.
Mỹ quay mặt, đồng minh chuẩn bị thay đổi chiến lược quốc phòng
Các nước châu Âu hy vọng sự ngoan cố của Vladimir Putin rốt cuộc sẽ giúp ông Trump sáng mắt. Về phía châu Âu sẽ phải xử trí ra sao ? Le Point dẫn báo cáo « Make European Defense Great » của Cơ quan Sáng tạo Đột phá Châu Âu (JEDI) công bố hôm 13/03 về tình trạng các quân đội ở châu lục. Theo đó châu Âu cần chuyển từ giai đoạn xung đột không cân xứng với các nhân tố phi nhà nước hay các nước nhỏ, sang kỷ nguyên đối phó với các địch thủ ngang tầm.
Hoa Kỳ có những lợi ích ngày càng khác với châu Âu và muốn tập trung vào châu Á, xu hướng này có từ trước Donald Trump. Cần phải nhanh chóng xem xét lại mô hình các quân đội châu Âu, từ lực lượng viễn chinh trang bị tân tiến thành quân đội đông đảo trong chiến tranh cường độ cao. Theo chuyên gia Kévin Martin của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, đối với Pháp cũng như châu Âu, tương lai được quyết định trong 6 đến 24 tháng nữa, để xác định được vị trí cho những thập niên tới.
Ưu tiên hàng đầu là tái lập dự trữ đạn pháo, riêng Pháp có số lượng thấp nhất châu Âu. Hiện đang thiếu từ đạn thông thường cho đến đạn pháo, hỏa tiễn không đối không Meteor tân tiến nhất thế giới chỉ có vài chục. Cần trang bị chiến xa và vũ khí đầy đủ cho quân nhân. Thiết giáp, chiến hạm, chiến đấu cơ : kỹ nghệ châu Âu cần phải cung cấp đầy đủ. Việc 12 nước châu Âu mua 400 chiến đấu cơ F-35 của Mỹ giá trên 70 tỉ đô la khiến châu lục lệ thuộc vào Washington qua các phần mềm và việc bảo trì.
Bên cạnh đó là « drone hóa » các đơn vị. Kinh nghiệm Ukraina cho thấy các drone sát thủ rất hiệu quả trong việc tấn công và trinh sát. Quân đội Pháp vẫn còn duy trì được kỹ năng cần thiết để chế tạo vũ khí tinh xảo, dù ngân sách bị cắt giảm trong những năm qua. Tình báo cũng hết sức quan trọng, lâu nay phải dựa vào Hoa Kỳ. Châu Âu chỉ có khoảng hai chục vệ tinh thám sát, trong khi Hoa Kỳ sở hữu gấp bốn lần và Nga gấp đôi. An ninh mạng cũng bị bỏ quên, nay đa số quân đội đã có các đơn vị chiến tranh điện tử, hợp tác với những cơ quan dân sự để chống lại những hoạt động đa diện nhắm vào các bệnh viện, mạng năng lượng… Cơ sở hạ tầng hiện chưa phù hợp cho việc di chuyển các thiết bị nặng.
Ukraina đang là thành lũy bảo vệ châu Âu trước Nga. Điều đáng lo là khi phụ tùng thay thế và đạn dược của Mỹ không còn đối với 280 đại pháo, 40 giàn phóng rốc-kết, gần 7.000 thiết giáp…chưa kể 100.000 áo giáp cũng không thể sử dụng mãi. Trong cuộc chiến tiêu hao này, châu Âu khó thể bù đắp ngoại trừ vét sạch kho vũ khí của chính mình. Trước mắt, sự kiệt quệ của quân Nga có thể cứu vãn Ukraina.
Châu Âu và « khoảnh khắc Macron »
L’Express nói về « Khoảnh khắc Macron » của châu Âu. Từ bảy năm qua với bài diễn văn ở Sorbonne cổ vũ các láng giềng chủ động quốc phòng, lời kêu gọi của Emmanuel Macron vẫn là tiếng kêu trong sa mạc. Nhưng sự trở lại ồn ào của Donald Trump chứng tỏ « những cảnh báo của người Gô-loa là có lý » - tờ báo Mỹ Politico nhắc lại, tướng De Gaulle thời trước đã từng lo ngại về sự lệ thuộc vào Mỹ. Nhật báo Đức Die Zeit nhận xét, Pháp tự coi là người bạn lâu đời nhất của Hoa Kỳ, Anh là bạn thân thiết nhất, nhưng đặc biệt chỉ hai nước này sở hữu vũ khí nguyên tử ở châu Âu.
Theo L’Express, năng lực răn đe của Pháp khiến các đồng minh quan tâm chưa từng thấy, đây là cuộc cách mạng sắp tới. Họ đang lo sợ sẽ không được Hoa Kỳ bảo vệ nếu Nga tấn công. Không loại trừ trường hợp Donald Trump rút 100.000 lính Mỹ và những quả bom nguyên tử khỏi châu Âu.
Nhiều giải pháp được bàn bạc : các láng giềng tham gia tập trận hạt nhân với Pháp, bố trí các đơn vị không quân chiến lược tại một nước đối tác, có thể với các hỏa tiễn địa-không ASMPA. Vấn đề đóng góp tài chánh được đặt ra, nhưng quyết định tấn công tối hậu nằm trong tay tổng thống Pháp. Những cuộc thảo luận này mới cách đây vài tháng không ai có thể nghĩ đến.
Trở thành « dân chủ phi tự do », Trump kéo nước Mỹ xuống dốc
Về mặt chính trị, khi bàn về « Trump hay sự suy sụp của đế quốc Mỹ », tuần báo Le Point dự báo Hoa Kỳ đang dần trở thành dân chủ phi tự do, sẽ dẫn đến sự bất ổn và mất lòng tin nghiêm trọng.
Vào đầu thế kỷ 21 với các vụ khủng bố năm 2001, khủng hoảng tài chánh 2008, hai cuộc chiến thất bại ở Afghanistan và Iran, Hoa Kỳ chừng như mất đi thế thượng phong trước Trung Quốc. Trong những năm 2010, nước Mỹ đã tái lập sức mạnh nhờ dân số, nền kinh tế năng động, tiến bộ công nghệ, ảnh hưởng ngoại giao và sự thống trị về quân sự ; trong khi đó Trung Quốc chuyển sang suy trầm.
Cuộc cách mạng bảo thủ của Donald Trump với khẩu hiệu « Make America Great Again », trên thực tế làm Hoa Kỳ xuống dốc, mang đến cơ hội bất ngờ, giúp cho các đế quốc toàn trị phục hồi. Thay cho thời kỳ hoàng kim được hứa hẹn, nước Mỹ trở lại với thời kỳ đồ đá. Trump tập trung mọi quyền lực, bất chấp Hiến pháp, vô hiệu hóa mọi công cụ kiểm soát, làm tổn hại Nhà nước pháp trị. Hoa Kỳ hành động như tư bản thực dân, vượt ra ngoài mọi quy chuẩn đạo đức.
DOGE làm phân rã chính quyền liên bang, qua mặt Quốc Hội để sa thải trên 100.000 công chức liên bang và cắt nhiều tỉ đô la chi tiêu công. Cùng lúc đó, Trump áp dụng chính sách bảo hộ và chống di dân. Chỉ trong vài tuần lễ, Trump gây hỗn loạn cho thương mại và thanh toán quốc tế đồng thời gây bất ổn cho kinh tế Mỹ. Tăng trưởng lâu nay vẫn ở tốc độ gần 3 % nay bị sụt mất 0,5 %, và không loại trừ bị suy thoái. Lạm phát tăng trên 3 %, thất nghiệp nơi dân số hoạt động là 4,1 %...
Món quà ngoài mong đợi cho Nga và Trung Quốc
Về địa chính trị, việc Hoa Kỳ đứng về phía các đế quốc độc tài đã kéo vị thế đại cường toàn cầu duy nhất của thế kỷ 21 xuống thành tầm khu vực. Các liên minh chiến lược tan vỡ khiến Washington không còn hệ thống cộng hưởng giúp bảo đảm vị trí tối thượng. Sự phản bội các đồng minh tạo ra cuộc chạy đua vũ trang, sẽ làm giảm ưu thế quân sự của Mỹ. Trong lịch sử nước Mỹ vốn là quốc gia hào hiệp, nay chỉ là thế lực đế quốc tầm thường, dối trá, tùy tiện, ưu tiên cho sức mạnh.
Trung Quốc của Tập Cận Bình đang cố thoát khỏi suy thoái, vội vã tranh thủ những khoảng trống mênh mông mà Hoa Kỳ bỏ lại, cảm thấy có quyền xâm lăng Đài Loan. Nga của Vladimir Putin, kinh tế và dân số suy sụp thảm hại, bỗng có được chiến thắng chính trị và ngoại giao như phép lạ. Khi làm tan vỡ phương Tây và NATO, Trump đã thực hiện giấc mơ mà tất cả các nhà lãnh đạo Nga vẫn hoài vọng. Nhà văn Charles Péguy đã viết : « Sự chiến thắng của chủ nghĩa mị dân là phù du, nhưng tàn tích là vĩnh cửu ». Trump không phải là người đổi mới Hoa Kỳ mà là người kéo nước Mỹ xuống dốc, theo Le Point.
Musk gieo gió, Tesla gặt bão
Cố vấn thân thiết Elon Musk của ông Trump với những tuyên bố khiêu khích cũng chịu thiệt hại. Hôm thứ Hai khi Tesla lao dốc trên thị trường chứng khoán, Donald Trump cáo buộc do « những tên điên cực tả ». Nhưng Libération cuối tuần cho biết, quỹ đầu tư Đan Mạch AkademikerPension quản lý 20 tỉ đô la, đã cho hãng sản xuất xe hơi điện này vào danh sách đen. Tổng giám đốc Jens Munch Holst nêu vấn đề quyền của người lao động và nhất là hình ảnh của thương hiệu bị xuống cấp vì ông chủ Elon Musk.
Ông nhấn mạnh : « Theo chúng tôi, Elon Musk đang hủy diệt thương hiệu và giá trị Tesla ». AkademikerPension sẽ bán đi 200 cổ phiếu Tesla còn lại. Được biết phần góp vốn của quỹ này là 300 triệu cua-ron (40,2 triệu euro). Tin xấu dồn dập đến với Tesla. Giá trị cổ phiếu của hãng sụt mất phân nửa kể từ đỉnh cao nhất giữa tháng 12. Doanh số bán giảm trên toàn châu Âu và tại Trung Quốc. Hôm thứ Năm, Tesla thậm chí còn gởi thư cho đại diện thương mại ở Washington cảnh báo các nguy cơ từ việc áp thuế lên tính cạnh tranh của công ty.
Chủ nghĩa bảo hộ đầy hoang tưởng khiến cả thế giới náo loạn
Le Nouvel Obs nhận xét, chủ nghĩa bảo hộ hoang tưởng của tổng thống Mỹ đã làm đảo lộn tất cả những cơ chế thương mại quốc tế được xây dựng nên sau Đệ nhị Thế chiến. Giới doanh nhân, nhà kinh tế, tài chánh đều lo ngại nguy cơ lạm phát tăng vọt và suy thoái. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde ngỡ rằng có thể giảm được lãi suất chỉ đạo, nhưng nay phải tính toán lại tất cả cho năm 2025. Lạm phát cao hơn dự kiến và tăng trưởng hầu như bằng không.
Từ khi Donald Trump được bầu lên, không thể nào đếm nổi các quyết định ảnh hưởng đến người Mỹ và bên ngoài biên giới, trước hết là chiến tranh thương mại tứ phía. Trump muốn tăng 1.300 tỉ đô la thuế hải quan, trong khi nhiệm kỳ đầu ông chỉ đánh thuế 300 tỉ đô la.
Trong nước, chủ trương này bị hầu như tất cả kinh tế gia lên án, và làm giá cổ phiếu ở Wall Street giảm mạnh. Đánh thuế từ 10 đến 50 % tùy theo loại sản phẩm, có nghĩa là người tiêu thụ phải trả thêm chừng ấy. Đối với thế giới, Hoa Kỳ đã ra khỏi trò chơi thương mại do chính mình đã ấn định sau chiến thắng năm 1945. Nước Mỹ của Donald Trump đã từ bỏ vai trò « hiến binh quốc tế » để ưu tiên cho lợi ích của mình.
Nhưng chưa chắc là chiến thuật này mang lại hiệu quả cho kỹ nghệ Mỹ, ngoại trừ tác động truyền thông. Chuyên gia Bernard Dahdah của Natixis nêu ví dụ, sản lượng nhôm của Mỹ chỉ đáp ứng 12 % nhu cầu. Nếu tái thúc đẩy sản xuất trong nước bằng cách tăng giá nhôm nhập khẩu, đa số từ Canada, hàng hóa làm từ nhôm sẽ tăng giá. Phải mất mười mấy năm để tăng sản lượng nội địa, và chẳng ai biết đầu tư vào có sinh lợi hay không với một tổng thống khác. Giá xe hơi lắp ráp tại nhiều nơi, sẽ tăng ít nhất 3.000 đô la một chiếc.
Các quyết định của chính quyền Trump với cố vấn Elon Musk khiến cả thế giới lo lắng. Chuyên gia Ludovic Subran cho biết năm ngoái, tất cả giới chủ đều muốn đầu tư vào Hoa Kỳ nếu Trump đắc cử, giờ đây họ nói « Ông ta điên rồi », và tự hỏi có nên đánh cược vào một đất nước bất định như thế.
Đồng minh bị hiếp đáp cần cứng rắn hơn thay vì nịnh nọt Trump
Theo The Economist, các đồng minh bị bắt nạt của Mỹ cần phải cứng rắn hơn. Để tránh bị đè bẹp, họ cần một kế hoạch vững chắc hơn là than vãn, nịnh hót và nhượng bộ. Trong nhiều thập niên, nước Mỹ đã ủng hộ bạn bè và răn đe những kẻ thù của họ, nhưng dưới thời Donald Trump đã thay đổi hẳn. Trên khắp thế giới, các đồng minh lo sợ họ bị xếp xuống hàng thứ hai, thứ ba thậm chí dưới chót. Ngưng viện trợ Ukraina, chiến tranh thương mại…khoảng 40 nước đã giao phó an ninh cho Hoa Kỳ từ 1945 mất đi lòng tin. Liệu Trump và Vance có chiến đấu bên cạnh họ nếu điều tệ hại nhất xảy đến hay không ? Tiếc thay, chẳng có gì là chắc chắn.
Từ nhiều thập niên, Canada, châu Âu và một số nước châu Á tin tưởng vào siêu cường Mỹ - hiệp ước quốc phòng, hiệp định thương mại, vũ khí nguyên tử, hệ thống ngân hàng dùng đô la - vì đôi bên cùng có lợi, nhưng ông Trump không nghĩ như vậy. Các đồng minh châu Á như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…hy vọng sự thù nghịch Trung Quốc của Donald Trump đủ sâu để họ không bị bỏ rơi ; tuy nhiên Trump có thể nhượng bộ Bắc Kinh hay Bình Nhưỡng, khiến Đài Loan thiệt thòi.
Tổng cộng GDP của các đồng minh Mỹ gộp lại lên đến 37.000 tỉ đô la, nhưng họ thiếu phối hợp. Theo The Economist, có thể làm áp lực một cách thông minh như nhắm vào các nguyên liệu mà Hoa Kỳ cần đến, các căn cứ quân sự, tự phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và quân sự. Châu Âu nên có kế hoạch để lãnh đạo NATO, gia nhập CPTPP, hợp tác chặt hơn với Nhật Bản và Hàn Quốc về công nghệ quân sự và dân sự. Các quốc gia đồng minh có thể sẵn sàng đón nhận một nước Mỹ mới với tổng thống mới năm 2029, dù thế giới không còn như xưa.
Thụy My
16/03/2025
Nguồn: RFI Tiếng Việt