Khi Donald Trump đảo ngược chính sách của Mỹ với Nga (Anh Vũ)

 Cuộc đối thoại Mỹ-Nga tại Riyad ngày 18/02/2025 đánh dấu sự thay đối căn bản về sách lược của Washington với Nga trong hồ sơ chiến tranh Ukraina, vốn chủ yếu dựa vào tập hợp các đồng minh để cô lập Nga. Tuy nhiên, giới phân tích nhận thấy có nhiều rủi ro trong cách tiếp cận mới của chính quyền Donald Trump giờ đây.

U.S. President Donald Trump speaks at the White House in Washington, U.S., February 5, 2025.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, Mỹ, ngày 05/02/2025. REUTERS - Kent Nishimura

Khi tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraina cách đây gần ba năm, tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Joe Biden đã có lập trường kiên định là đoàn kết với Kiev, tập hợp các đồng minh, nòng cốt là châu Âu, thành một mặt trận cô lập Matxơva về mặt kinh tế cũng như ngoại giao hy vọng tạo được áp lực khiến Vladimir Putin phải chùn bước.

Nhưng, cách tiếp cận cũ này đã bị chính quyền mới tại Washington đảo lộn hoàn toàn ngay sau khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng, bằng cách chủ động đề nghị đàm phán trực tiếp với Matxcơva để nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tranh tại Ukraina. Nhiều nhà quan sát và giới chính trị châu Âu ngay lập tức lo ngại Donald Trump có thể nhượng bộ Putin gây phương hại đến an ninh Ukraina và châu Âu và xa hơn nữa là thay đổi cấu trúc địa chính trị của châu lục.

"Điều thực sự đáng lo ngại là Trump đã biến Nga từ một quốc gia bị ruồng bỏ thành một đối tác được ưu tiên chỉ trong vài ngày" trong khi Nga là kẻ xâm lược, Brett Bruen, cựu cố vấn chính sách đối ngoại trong chính quyền Obama nhận định.

Ngay trước khi diễn ra các cuộc hội đàm, giới chính trị châu Âu đã tố cáo Donald Trump đưa ra những nhượng bộ sớm cho Matxcơva qua những tuyên bố loại trừ khả năng Ukraina gia nhập NATO và rằng Kiev không nên hy vọng giành lại 20% lãnh thổ đang bị Nga kiểm soát. 

Việc loại Ukraina và các đại diện của Liên Âu ra khỏi cuộc họp hôm thứ Ba vừa rồi đã khiến các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ thực sự lo ngại về khả năng Donald Trump sẽ còn tiếp tục nhượng bộ nhiều hơn cho Putin.

Bị gạt ra bên ngoài ca đàm phán về Ukraina, châu Âu ngay lập tức tập hợp khẩn cuộc họp bàn về củng cố quốc phòng và khả năng đưa quân bảo đảm an ninh cho Ukraina trong trường hợp Nga và Mỹ đạt thỏa thuận, vấn đề đặt ra vẫn còn gây chia rẽ giữa các nước.

Donald Trump tuyên bố ủng hộ việc châu Âu triển khai quân giữ gìn hòa bình tại Ukraina khi chiến tranh chấm dứt đồng thời khẳng định lính Mỹ sẽ không có mặt tại Ukraina. Ngay lập tức ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã khẳng định rằng Matxcơva không chấp nhận sự hiện diện quân đội của các nước thuộc NATO tại Ukraina.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, luôn khẳng định có đủ sức mạnh và khả năng để giải quyết cuộc chiến Ukraina, tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận với Putin và cho biết ông có thể sẽ gặp tổng thống Nga trước cuối tháng này.

Trong khi đó nhiều nhà phân tích tin rằng mục tiêu của Putin vẫn không thay đổi, đó là tìm cách duy trì và mở rộng ảnh hưởng của Nga ở châu Âu và thiết lập một trật tự thế giới mới ở đó Matxcơva đóng vai trò chủ đạo. Cho đến lúc này, không có dấu hiệu nào cho thấy sự nhượng bộ của Nga.

Ba quan chức tình báo của phương Tây được Reuters phỏng vấn đã cho biết  họ không thấy « bất kỳ bằng chứng mới nào thể hiện các mục tiêu của Putin đã thay đổi ». Nga sẽ không trả lại những vùng lãnh thổ đã chiếm được của Ukraina và « Putin sẽ không dừng lại ở Ukraina ».

Cuộc gặp cấp cao Nga Mỹ đầu tiên kể từ sau cuộc xâm lược vào Ukraina, chỉ kéo dài 4 tiếng rưỡi không thể có ngay được kết quả. Hai bên mới chỉ đã đạt được những nguyên tắc cơ bản cho các cuộc đối thoại tiếp theo, chủ yếu vẫn là giữa hai nước. Những tác nhân chính trong cuộc khủng hoảng là Ukraina và các đồng minh châu Âu, dù có được ngoại trưởng Mỹ và Nga nhắc đến ngắn gọn sau cuộc họp hôm qua, dường như vẫn ở vòng ngoài của « tiến trình hòa bình » đang được Matxcơva và Washington khởi động và chặng về đích dự báo đầy bất định. 

Anh Vũ - RFI Tiếng Việt

19/02/2025