Dân hai lăm triệu ai người lớn ? (Hoàng Quốc Dũng)
1. Một cậu bé thể hiện quan điểm của mình về đảng và chỉ nói với bạn "thân" (chẳng may bị lộ) bị cả triệu người bu vào đấu tố dữ dội và bị kết đủ thứ tội trên trời. Việc yêu ghét ai, cái gì là tình cảm riêng của người ta tại sao lại đi đấu tố người ta ? Trong chuyện này, kẻ cần bị đấu tố chính là kẻ phản bội bạn thì không ai nhắc đến.
Cậu bé Chu Ngọc Quang Vinh đi thi lên đỉnh Olympia được giải nhất
2. Cậu bé đi thi lên đỉnh Olympia được giải nhất (vì có mẹo giành quyền trả lời trước dù có thể mất điểm nếu không trả lời được) cũng bị đấu tố tơi bời là khôn vặt, chơi không đẹp vân vân và vân vân. Đi thi bất cứ cái gì, nếu không ăn gian, không chơi xấu, không phạm luật thì mục tiêu ban đầu là chiến thắng. Nếu dùng cả trí tuệ để chiến thắng thì đó là điều rất tốt. Tại sao lại đi đấu tố người ta. Nhanh nhẹn, có trí tuệ để chiến thắng là tốt hay đù đờ mới là tốt. Đi thi để chiến thắng hay để nhường người khác chiến thắng ?
3. Ông nhà báo Hoàng Hải Vân chia xẻ : "Con chó nghĩ đơn giản, khi nó trung thành với bạn, nó nghĩ bạn là con chó đầu đàn…". Cả mạng xã hôi nhẩy vào chửi bới ông nhà báo này không thiếu từ nào.
Trước tiên tôi xin khẳng định là tôi không có quen biết hay có họ hàng gì với ông nhà báo này nhé. Tôi chỉ bật mí cho các bạn về những nghiên cứu liên quan đến con chó. Nói một cách tổng quát thì ông nhà báo này nói không có sai so với một số các nghiên cứu khoa học về "tư duy" của con chó. Chúng coi chúng ta như một thành phần (thành viên) trong nhóm của chúng. Chúng nhậy bén với các vai trò cấp bậc, chúng coi chủ như là "lãnh tụ hay Chef (Xếp)" của chúng. Nói tóm lại là chúng gộp chúng ta vào thế giới của chúng, chúng coi chúng ta là các đối tác hoặc là chef của chúng.
Vậy thì lý do gì mà các bạn nhẩy cẫng lên chửi bới ông ta ? Các bạn có thể không đồng ý với các nghiên cứu khoa học cũng được. Trong trường hợp đó, các bạn hãy phản bác bằng các lý luận có tính khoa học, có tính thuyết phục… Chứ không thể chửi ông ta là đồ chó…
4. Cách đây một tuần, tôi có viết một bài báo về tình hình hiện tại chiến tranh Nga-Ukraine : một bài rất "trung tính" nêu thực trạng hai bên. Như thường lệ, bao giờ cũng có một số phản ứng (chứ không phản bác được, vì biết gì đâu mà phản bác). Phản ứng bâng quơ, không đi vào vấn đề của bài, hoặc chửi bậy… Nhưng trong đó có một cậu nói lịch sự "Bác nên viết bài ca ngợi Hitler, ca ngợi phát xít Zelenski làm gì, bác già rồi nên nói điều hay lẽ phải, đừng để các cháu nó cười cho…". Rồi sau đó cậu ta cho tôi mấy bài học để cho tôi "khôn ra" như cậu và khẳng định 100% là cháu lớn rồi có đủ nhận thức để thấy bác sai hoàn toàn. Khiếp quá.
Trên đây là một vài ví dụ về các phản ứng của xã hội Việt Nam trước một vấn đề nào đó. Có những vấn đề có thể rất mới với các bạn (con chó). Nói chung, đối với bất cứ vấn đề nào, chúng ta cũng cần có nghiên cứu rồi hãy phản ứng. Không nên phản ứng một cách nhanh như trẻ con và rất chủ quan.
"Dân hai lăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con".
Tản Đà dùng hình ảnh "trẻ con" để ví von rằng dù đất nước đã có lịch sử lâu đời, nhưng sự phát triển và nhận thức của xã hội vẫn còn non nớt, chưa trưởng thành đúng với tiềm năng và mong đợi. Câu thơ thể hiện nỗi trăn trở và tâm tư của Tản Đà về vận mệnh dân tộc, khao khát thấy được sự thay đổi và tiến bộ của xã hội.
100 năm sau vẫn chưa có gì thay đổi.
Hoàng Quốc Dũng
(28/10/2024)