Phạm Minh Chính ép miền nam trả ơn miền bắc (Cảnh Chân)
Có thể thời gian tới các tỉnh phía nam sẽ bị yêu cầu tăng tỷ lệ nộp ngân sách để "bù đắp" thiệt hại bão lũ cho miền Bắc
Ngày 28/9, ông Phạm Minh Chính đã trơ trẽn yêu cầu dân miền Nam phải làm gấp đôi sức lực để trả ơn cho miền Bắc.
Trong hội nghị đánh giá thiệt hại và kinh nghiệm sau bão Yagi ngày 28/9, ông Phạm Minh Chính đã trơ trẽn yêu cầu dân miền Nam phải làm gấp đôi sức lực để trả ơn cho miền Bắc. Theo ông Chính thì miền Bắc đã có công thông nhất miền Nam nên miền Nam bây giờ phải làm bù lại để gửi tiền ra bắc.
Cụ thể ông thủ tướng chính phủ kêu gọi "phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai" ; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế – xã hội cao hơn. Điều này cũng tương tự như khi miền Trung bị bão lũ thì miền Bắc, miền Nam làm bù cho miền Trung, trước đây trong thời kỳ chiến tranh thì tất cả vì miền Nam ruột thịt" (1).
Cái tư duy miền Nam phải gồng mình kiếm tiền nuôi miền Bắc đã có từ khi Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam. Nó là tư duy từ thời phong kiến, khi kẻ thắng cuộc tự cho mình cái quyền vơ vét, cướp bóc tài sản, cưỡng đoạt đất đai của người bại trận. Bắc Việt tự cho mình cái danh hiệu "giải phóng quân", nhưng thực tế là cướp nước, xâm lược Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia độc lập, có chủ quyền, được 91 nước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao.
Thắng làm vua, thua làm giặc. Từ ngày thắng cuộc đến nay, các quan chức miền Bắc đã "thấm nhuần" quan điểm vơ vét cạn kiệt miền Nam rồi. Vì vậy dân miền Nam lúc nào cũng phải gồng mình gánh nợ cho miền Bắc. Ngay tại quê hương Thanh Hóa của ông thủ tướng, năm nào cũng nộp đơn xin gạo cứu đói cho người dân, và gạo đó chắc chắn là từ miền Nam chuyển ra rồi. Hoặc câu chuyện ngân sách tại Sài Gòn, cố đô của Việt Nam Cộng Hòa, dù là thành phố giàu nhất cả nước, nhưng chỉ được giữa lại 18% ngân sách, còn bao nhiêu gửi ra trung ương hết.
Giờ đây, cuộc nội chiến đã trôi qua 50 năm rồi. Nhà nước Việt Nam cũng thường xuyên kêu gọi hòa hợp hòa giải, vì một nước Việt Nam thống nhất, đoàn kết. Nhưng tư duy của ông thủ tướng và các lãnh đạo cộng sản vẫn không thay đổi. Vẫn cố nhắc lại cái "công ơn" của miền Bắc trong cuộc chiến xâm lược miền Nam. Rồi lấy đó làm lý do bắt buộc miền Nam phải cứu trợ miền Bắc mỗi khi có thiên tai…
Phát biểu này của Phạm Minh Chính cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam vẫn còn mang nặng tư duy phân biệt vùng miền. Trong đầu lúc nào cũng nghĩ tới chuyện miền Nam phải "bù đắp" cho miền Bắc, miền Bắc nghèo là tại dồn công sức vào "chiến tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước"… Lãnh đạo mà vẫn giữ cái lối tư duy của kẻ cướp này không bao giờ có chuyện thống nhất lòng người hay chuyện công bằng ở Việt Nam.
Nhưng cho dù là giúp đỡ, thì liệu rằng số tiền đó có tới tận tay đồng bào miền Bắc hay không ? Hay lại tạo điều kiện làm giàu cho quan chức ? 50 năm qua, miền Nam lúc nào cũng góp phần lớn vào ngân sách quốc gia, "bù đắp" cho miền Bắc, nhưng miền Bắc có khá lên đâu, dân thì năm nào cũng xin gạo cứu đói, còn quan thì cứ hở ra là xin tiền xây tượng đài, quảng trường…
Ngoài ra, phát biểu này của ông Chính cũng có thể là báo hiệu cho việc các tỉnh phía nam sẽ bị yêu cầu tăng tỷ lệ nộp ngân sách để "bù đắp" cho miền Bắc. Làm 10 phần, giữ lại 2-3 phần, còn lại gửi ra bắc,. Thay vì số tiền đó xây cầu, đường, trường, trạm cho người dân địa phương, thì sẽ chuyển ra bắc xây tượng đài, quảng trường…
Mà thật ra các tỉnh phía nam vĩ tuyến 17 cũng đâu có khá giả gì. Miền trung vẫn bão lũ sạt lở, Tây Nguyễn mùa nắng hạn hán, mùa mưa sạt lở, miền tây cũng hạn hán, nhiễm mặn, sạt lở… Trên khắp Việt Nam hiện nay có tỉnh nào bình yên, không bị thiên tai đâu.
Cảnh Chân
Nguồn : VNTB, 29/09/2024
Tham khảo :