Thích Tuệ Sỹ, vị tu sĩ ‘xuất chúng’ về tri thức và giáo dục (VOA, 24/11/2023)
Đại lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một bậc tăng tài xuất chúng của Phật giáo Việt Nam với kiến thức uyên bác, Phật học uyên thâm và có nhiều đóng góp vào công việc giáo dục và nghiên cứu kinh điển Phật giáo, những người từng quen biết Hòa thượng nói với VOA.
Hòa thượng Tuệ Sỹ sinh năm 1943 tại Lào, trưởng thành trong cái nôi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở miền Nam trước năm 1975. Ông từng là giáo sư của Đại học Vạn Hạnh từ khi còn rất trẻ.
Sau năm 1975, ông không tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền cộng sản vận động thành lập. Ông bị bắt vào năm 1984 về tội ‘Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ và bị kết án tử hình, nhưng sau 4 năm thì được thả dưới áp lực của cộng đồng quốc tế.
Hồi tháng 9/2022, Hòa thượng Tuệ Sỹ cho biết ông đã làm theo di nguyện của cố Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đức Đệ ngũ Tăng thống, là tái lập Hội đồng Giáo phẩm Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Hội đồng này đã suy cử ông làm Chánh thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống.
Bên cạnh là một nhà giáo dục Phật giáo, ông còn được đến như là nhà văn, nhà thơ và dịch giả. Ông được cho là thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Phạn, tiếng Pali, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa và tiếng Nhật.
'Làm sáng tỏ Phật giáo bằng ngôn ngữ hiện đại'
Từ miền nam California, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người cùng giảng dạy với Hòa thượng Tuệ Sỹ tại Đại học Vạn Hạnh trước năm 1975, nói ông ‘rất kính trọng’ người đồng nghiệp trẻ hơn ông một tuổi này.
"Thầy còn trẻ mà đã rất già dặn, là giảng viên đại học có hiểu biết và kiến thức thông tuệ", Giáo sư Hoạt nói với VOA hồi tháng 10/2023, lúc Hòa thượng lâm trọng bệnh.
Giáo sư Hoạt nhận xét : "Cái hay của thầy Tuệ Sỹ là, dù là một tu sĩ nhưng ông giao tiếp với xã hội như là một người bình thường, tức là ông rất dễ gần".
Ông cũng chỉ ra Hòa thượng Tuệ Sỹ là ‘người rất trực tính, tôn trọng sự thật, nói sao nghĩ vậy chứ không giữ miệng nhiều’. "Vị tu sĩ như thầy Tuệ Sỹ thì không thể nào thích hợp dưới chế độ cộng sản", ông nói.
Về những điều Hòa thượng Tuệ Sỹ từng lên tiếng, Giáo sư Hoạt nói ‘không đề cập đến chính trị mà chỉ nói về tư tưởng, các vấn đề về con người, về xã hội’.
Sau năm 1975, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã đi ngược đường với người thầy mà ông rất mực tôn kính và xem như bổn sư là Hòa thượng Thích Trí Thủ, lúc đó là Viện trưởng Viện Hóa đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhưng sau đó tham gia vào công cuộc vận động thống nhất Phật giáo của chính quyền và trở thành lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đánh giá về đóng góp của Hòa thượng Tuệ Sỹ, giáo sư Hoạt nói : "Công lao lớn nhất của ông là về mặt tư tưởng, hiểu theo nghĩa là làm sáng tỏ đạo Phật".
Giáo sư Hoạt chỉ ra những bài viết của Hòa thượng Tuệ Sỹ trong những ấn bản của Đại học Vạn Hạnh cũng như nhiều nơi khác là ‘đã làm sáng tỏ Phật giáo bằng ngôn ngữ hiện đại’.
Trong giảng dạy, Hòa thượng Tuệ Sỹ giảng dạy cho sinh viên ‘sự cao sâu của đạo Phật bên ngoài kinh sách’, cũng theo lời vị giáo sư đồng nghiệp này của hòa thượng.
‘Tấm gương cho tăng ni’
Sau khi chấp chưởng công việc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã mời thêm các vị hòa thượng đủ năng lực để bổ sung vào Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh vốn có 18 vị khi thành lập vào năm 1973 nhưng đến giờ đã viên tịch hết chỉ còn lại bản thân Hòa thượng Tuệ Sỹ và Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm hiện đã 100 tuổi.
Hiện Hội đồng đã dịch và in xong 29 tập của bộ Thanh Văn Kinh, tức là một phần của Tam Tạng Kinh, và đã cho công bố hồi đầu năm nay. Hội đồng sẽ tiếp tục dịch các phần còn lại của Đại Tạng Kinh ra tiếng Việt.
Thượng tọa-Tiến sĩ Thích Nhật Từ, phó Viện trưởng thường trực của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh thuộc giáo của Nhà nước, đánh giá cao công trình dịch kinh điển của Hòa thượng Tuệ Sỹ.
"Đóng góp của Hòa thượng Tuệ Sỹ xứng đáng là độc nhất trong cộng đồng tăng ni ở chiều sâu, thuật ngữ, chú thích rất đẳng cấp", ông nói và cho biết ông là tổng biên tập của dự án dịch Đại Tạng Kinh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vốn diễn ra song song với công việc của nhóm Hòa thượng Tuệ Sỹ.
"Riêng phần đóng góp của Hòa thượng Tuệ Sỹ thì phong cách dịch của hòa thượng rất là chuyên môn, có độ sâu và tính học thuật cao. Rất khó tìm được nhà nghiên cứu Phật học có đẳng cấp tương đương ở thời điểm hiện nay".
Nói với VOA hồi tháng 10, Thượng tọa-Tiến sĩ Thích Nhật Từ đưa ra nhận định về ba phương diện của hòa thượng Tuệ Sỹ : thứ nhất là thần đồng Phật giáo vì đã có nền tảng về Phật học khi còn ở tuổi thơ ; thứ hai là trong nghiên cứu, Hòa thượng Tuệ Sỹ đã ‘đi rất là xa so với các hòa thượng cùng lứa tuổi’ ; thứ ba là ‘có đẳng cấp quốc tế’.
"Tấm gương của Hòa thượng Tuệ Sỹ đã trở thành niềm khích lệ rất lớn đối với các thế hệ tăng ni bất luận đi theo bất cứ ý thức hệ giao tiếp nào, sa môn pháp phái nào".
Khi được hỏi về việc Hòa thượng Tuệ Sỹ chống đối Giáo hội Phật giáo Việt Nam vốn là tổ chức do nhà nước quản lý, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói ‘không có gì đáng tiếc’ vì ‘mỗi người một hạnh nguyện hành đạo riêng’.
‘Sức hút đặc biệt’
Từ Sài Gòn, nhà thơ Đỗ Trung Quân nói với VOA hồi tháng 10, rằng ông đã được đọc các tác phẩm của Hòa thượng Tuệ Sỹ và ‘có cơ duyên tiếp xúc với thầy tương đối gần’, trong đó có lần ông đến dự dịp Hòa thượng ra mắt một tập thơ và đến thăm Hòa thượng một lần trước khi đại dịch bùng phát.
"Đọc thơ của Thầy tôi phải đọc với cảm quan của một người biết ít nhiều về Phật học trong khi tôi không có nền tảng Phật học nhiều và sâu", nhà thơ Đỗ Trung Quân, vốn là người Công giáo, nói với VOA. "Thơ của thầy phải đọc dưới mặt chữ".
"Tôi không dám nghĩ rằng mình cảm nhận được sự uyên bác của thầy trong thơ, không dám nói mình có thể hiểu được hết", ông nói thêm.
Khi được hỏi có ấn tượng như thế nào về Hòa thượng Tuệ Sỹ, ông Đỗ Trung Quân nói : "Một người gầy gò nhưng có s