Tốn kém phát khùng (Hoàng Quốc Dũng)

Dịch Covid làm cho kinh tế thế giới trì trệ, nước nào cũng bị ảnh hưởng. Đã thế, khi chưa ra khỏi hẳn cơn bĩ cực, thì Putin lại còn bồi thêm cho thế giới một cuộc khủng hoảng khác, tuy số người chết chưa bằng, nhưng độ man rợ thì ngang với thời Trung cổ hay Nhà nước hồi giáo cực đoan.


Chiến tranh là điều tệ hại nhất cho con người và chẳng có chi tiêu nào tốn kém bằng chi tiêu cho chiến tranh. Của cải vật chất do nhân loại tạo ra, nếu được phục vụ cho các mục tiêu y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật thì đương nhiên là có lợi hơn cho con người. Tuy nhiên, con người từ thời khai sinh lập địa đến nay cứ chìm đắm trong chiến tranh và, theo hiểu biết rất hạn hẹp của tôi, bất hạnh thay chiến tranh sẽ không bao giờ chấm dứt, nó chỉ thay đổi ở hình thức, quy mô và địa điểm…

quocphong1

Một cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc tháng 2/2016 - Ảnh minh họa

Nếu Chiến tranh thế giới thứ 2 đã gây ra tổn thất nhiều nhất về nhân mạng thì các cuộc chạy đua vũ trang sau Chiến tranh thế giới thứ 2 vẫn tiếp tục gây ra những tổn thất có thể cũng nhiều nhất về của cải. Chiến tranh lớn nhất sau Chiến tranh thế giới thứ 2 chính là chiến tranh ý thức hệ mà nước ta rất "vinh hạnh" được trực tiếp hứng chịu trọn vẹn vài chục năm và chẳng để làm gì.

Theo nghiên cứu của SIPRI (Stockholm International Peace Research Institute), trong thời gian chiến  tranh lạnh 1974-1991, năm 1987 là năm thế giới tiêu tiền nhiều nhất cho chi phí quân sự, đó là một con số kỷ lục với 1.540 tỷ USD (theo giá năm 2010). Đương nhiên Liên Xô và Mỹ là hai nước chi nhiều nhất. Trong suốt giai đoạn này, hai nước đã tiêu tốn cho những chi tiêu quốc phòng một số tiền khổng lồ gần bằng nhau, nhưng Liên Xô có phần nhỉnh hơn là 7 nghìn tỷ đô, Mỹ 6,4 nghìn tỷ. Những chi tiêu này chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực vũ khí hạt nhân, vũ khí qui ước, kỹ nghệ chống tên lửa và hoạt động tình báo.

Năm 1991, đế chế cộng sản Liên Xô sụp đổ, cả thế giới phương Tây đều vui mừng, đe dọa chiến tranh không còn nữa nên chi phí quân sự do đó đã sút giảm đáng kể. Chi phí quốc phòng của cả thế giới đã giảm xuống gân một nửa, từ 1.500 tỷ USD/năm trong những năm 80 xuống còn khoảng 800 tỷ USD/năm trong những năm 90. Phải nhấn mạnh để biết là do mối đe dọa chiến tranh với khối cộng sản quốc tế không còn, nên Mỹ đã chủ động giảm chi phí quân sự. Ngược lại, khi đế chế Liên Xô tan rã, sinh hoạt kinh tế của các nước trong khối cộng sản xô viết cũng đều rã rượi, lấy tiền đâu ra mà tăng. Cũng nên biết chi phí quốc phòng của Mỹ và Liên Xô luôn chiếm già nửa chi phí của cả thế giới.

Nghịch lý thay, từ nhiều năm qua đà giảm chi tiêu quân sự này đã không tiếp tục mà ngược lại còn tiếp tục tăng bởi những lý do như sau :

Sau khi đế chế Liên Xô sụp đổ, thế giới lại biết đến sự trỗi dậy khủng khiếp của chủ nghĩa khủng bố của Nhà nước Hồi giáo cực đoan, điển hình là sự kiện 11/09/2001 (cảm tử quân Hồi giáo cực đoan đã cho nổ tung 3 máy bay hàng không dân dụng vào

Bóng ma của chủ nghĩa cộng sản với Putin vẫn chập chờn, khơi lại ngọn lửa chiến tranh lạnh, chiến tranh ý thức hệ.

Để khôi phục cái xác chết CCCP (Союз Советских Социалистических Республик - Liên bang các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết) và chuẩn bị chiến tranh với Ukraine, Putin đã gia tăng đáng kể chi phí quân  sự trong những năm gần đây, cụ thể từ 9,23 tỷ USD năm 2000 lên 88,35 tỷ USD năm 2013, để rồi giữ mức trung bình từ 61,71 tỷ đến 65,91 tỷ USD trong những năm 2020, tương đương với 4,26% GDP.

quocphong2

Máy bay không người lái (unmanned aircraft) đời mới của Mỹ

Mỹ cũng phải tăng đáng kể chi phí quân sự để đáp lại những hoạt động quân sự của Nga, để chống khủng bố… với một ngân sách trung bình 770 tỷ/năm, khoảng 3,74% GDP.

Ngoài ra, Trung Quốc, một nước lớn đang thay thế vị trí của Nga cũng phải dành những khoản chi không lồ cho quân sự. Theo các báo chí của Pháp và thế giới, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự một cách rất đáng kể : từ 178 tỷ USD năm 2020 lên 230 tỷ USD năm 2022, tương đương với 1,74% GDP.

Một cách tóm tắt, tổng chi tiêu quân sự của cả thế giới trong từ năm 2020 tới nay ở vào khoảng 2.000 tỷ USD/năm.

Cuộc xâm lược trắng trợn của Nga vào Ukraine đã là một đe dọa bất thần nhưng lại vô cùng hiển nhiên cho tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Âu, và nguy hiểm nhất cho các nước lân cận của Nga. Hiện nay tại Châu Âu, tái trang bị hiện đại cho quốc phòng là một nhu cầu cấp thiết của nhiều nước. Nước nào hiện nay cũng nghĩ đến vấn đề này. Và cứ như vậy, chi phí cho chiến tranh của cả thế giới gia tăng vùn vụt đến chóng mặt, buồn nôn…

Tôi sống ở Pháp nên có số liệu mới nhất của Pháp. Xin được cung cấp để các bạn thấy tôi nói không có sai về ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga Ukraine.

Pháp dự định ngân sách quân sự từ năm 2024 đến năm 2030 là 413 tỷ euro, tăng 40% so với giai đoạn 2019-2024. Bộ quốc phòng Pháp công bố sẽ khởi công đóng một tầu sân bay đời mới vào đầu năm 2026. Con tầu này có giá trị hơn 5 tỷ euro và sẽ là tầu to nhất, hiện đại nhất Châu Âu.

Thế giới vừa trải qua một cuộc khủng hoảng dịch Covid kinh hoàng, làm 636 triệu người bị nhiễm và gần 7 triệu người chết, trong đó Pháp 162.055 người, Mỹ 1.118.800, Nga 397.384, Vương quốc Anh 211.155, Đức 171.059…

Dịch Covid làm cho kinh tế thế giới trì trệ, nước nào cũng bị ảnh hưởng. Đã thế, khi chưa ra khỏi hẳn cơn bĩ cực, thì Putin lại còn bồi thêm cho thế giới một cuộc khủng hoảng khác, tuy số người chết chưa bằng, nhưng độ man rợ thì ngang với thời Trung cổ hay Nhà nước hồi giáo cực đoan. Và rồi, vì cuộc chiến này, các nước lại phải tăng cường chi phí quốc phòng, không chăm lo được nhiều hơn cho đời sống nhân dân. Tất cả chỉ tại bọn khủng bố. Không ai có thể ngờ là nước Nga lại là một nước khủng bố đầu sỏ.

Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Đúng thế. Giời ơi là giời.

Hoàng Quốc Dũng

(14/04/2023)