Việt Nam chọn Hàn Quốc làm đối tác chiến lược toàn diện (RFA - Minh Anh - Hương Minh)

Khi tuyên bố sẽ "thiết lập các mối quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược" với Hà Nội, tổng thống Yoon Suk-yeol đã xem Việt Nam như là một "đối tác cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương", gắn kết Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á. 


Nâng cấp quan hệ Việt - Hàn có thể thúc đẩy đầu tư và bán vũ khí của Hàn Quốc

RFA, 07/12/2022

Lãnh đạo hai quốc gia cam kết gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng hải, trật tự- trị an và công nghệ.

viethan3

Trưng bày máy bay Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Vũ trụ Quốc tế Seoul năm 2019 tại Sân bay Quân sự Seoul ở Seongnam, Hàn Quốc, ngày 14/10/2019. Ảnh : AP/ Ahn Young-joon

Việt Nam và Hàn Quốc vừa công bố một mối quan hệ đối tác đặc biệt, mối quan hệ đầu tiên thuộc loại này mà quốc gia cộng sản thiết lập với một nước có ký hiệp ước đồng minh với Mỹ.

Cái được gọi là Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được công bố hôm thứ hai, trong chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc từ ngày 4-6/12 theo lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.

Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện thường được hiểu là mối quan hệ được thiết lập trên cơ sở mức độ tin cậy cao, các lợi ích và các giá trị chung.

Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ công nhận ba quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện, đó là: Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Cả ba nước này đều có bề dày lịch sử trong việc hỗ trợ Miền Bắc Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.

Hàn Quốc đã tham gia vào cuộc chiến này một cách khá chủ động với việc gửi đến hàng trăm ngàn binh lính để chiến đấu sát cánh cùng quân đội Mỹ. Quân đội Hàn Quốc bị buộc tội là có nhiều hành động tàn bạo trong thời gian diễn ra cuộc chiến và các nhóm dân sự của cả hai nước đã liên tục kêu gọi phải có một cuộc điều tra chính thức về những hành động của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam.

Hà Nội thiết lập mối quan hệ lâu dài với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) – nơi cung cấp những hỗ trợ về kinh tế và quân sự đáng kể cho Miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Trong khi đó, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn căng thẳng và mất niềm tin vì Bắc Kinh đã phát động một cuộc chiến tranh biên giới ngắn nhưng đẫm máu giữa hai nước vào năm 1979. Trung Quốc hiện còn có những tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam trong khu vực Biển Đông.

Tầm nhìn chung

Theo các nhà phân tích, bất chấp vấn đề di sản chiến tranh, Seoul và Hà Nội có rất nhiều điểm chung về tầm nhìn chiến lược.

"Là các quốc gia tầm trung đang lớn mạnh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hàn Quốc và Việt Nam đã và đang là mục tiêu lôi kéo của cả Washington và Bắc Kinh" – ông Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên Đại học Quốc gia của Việt Nam nói.

Tuy nhiên, theo ông Sáng, cả hai quốc gia đều muốn tự chủ chiến lược và "tìm kiếm một sự cân bằng tinh tế giữa hai cường quốc".

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác thương mại thân cận nhất của Việt Nam và các tập đoàn hàng đầu như Samsung, SK, LG, Lotte và Hyundai của nước này đều đã mở rộng sản xuất kinh doanh tại quốc gia Đông Nam Á.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã rót hơn 80,5 tỷ đô-la Mỹ vào Việt Nam và Seoul hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Phúc hôm thứ Ba, ông Han Jong-hee, Phó Chủ tịch tập đoàn Điện tử Samsung cho biết tập đoàn của ông dự kiến sẽ tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên đạt 20 tỷ đô-la Mỹ.

Samsung hiện đã đầu tư 18 tỷ đô-la vào Việt Nam và đóng góp khoảng 20% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

viethan4

Người lao động đang trên đường đến làm việc tại nhà máy của Samsung ở tỉnh Thái Nguyên, miền Bắc Việt Nam. Ảnh chụp ngày 13/10/2016. Ảnh : Reuters/Khâm.

Trang thiết bị quốc phòng

Theo Giáo sư Zachary Abuza thuộc Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, với việc nâng cấp quan hệ đối tác Việt Nam – Hàn Quốc, hợp tác song phương trong công nghiệp quốc phòng cũng có thể thay đổi vì Việt Nam cố gắng đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Nga.

Hàn Quốc đã tặng hai tàu hộ vệ lớp Pohang đã loại biên và trong tương lai có thể sẽ chuyển giao thêm nhiều tàu đã thôi phục vụ nữa cho Hải quân Việt Nam – lực lượng hiện đang rất cần hiện đại hóa đội tàu già cỗi của mình.

Theo Giáo sư Abuza, các tàu hộ vệ này đang được nâng cấp để trở thành tàu chiến chống ngầm và Hà Nội cũng đang tìm cách mua máy bay chiến đấu của Seoul.

Lực lượng Không quân Việt Nam cho đến nay cũng phụ thuộc vào trang thiết bị của Liên Xô và Nga.

"Bất chấp giá cả, ngay bây giờ, Nga không thể giao hàng. Hàn Quốc chào bán cho Việt Nam máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, KF-21, với giá khá hợp lý. Và điều này cũng giúp [Việt Nam] đa dạng hóa chuỗi cung ứng vũ khí của mình" – ông Abuza nói.

Mỗi chiếc KF-21 giá từ 80 đến 100 triệu đô la Mỹ, gần như tương đương với giá máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.

Hiện tại, hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước còn ở mức thấp nhưng nếu Hàn Quốc đồng ý với một số hoạt động chuyển giao công nghệ và sản xuất chung, "có thể có những hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực này" – ông Abuza nói.

Trong tuyên bố chung công bố sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh cam kết của họ trong việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng hải, trật tự - trị an và công nghệ trong đó có công nghệ trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Trong khu vực Đông Á, bên cạnh Hàn quốc, Việt Nam cũng có quan hệ đối tác sâu rộng với Nhật Bản. Bằng việc nâng cấp quan hệ với Seoul, thay vì với  Tokyo, Việt Nam đã muốn "tránh những nghi ngờ không cần thiết từ phía Trung Quốc" – giảng viên Huỳnh Tâm Sáng nói.

"Vì Nhật Bản thúc đẩy quan hệ với Mỹ trong khi chỉ trích chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc. Việc nâng cấp quan hệ với Tokyo có thể đẩy Hà Nội vào một tình thế khó khăn và không vui vẻ gì" - ông Sáng nói và cho rằng đối với các nhà lãnh đạo Hà Nội "đây là động thái nên tránh".

Nguồn : RFA, 07/12/2022

**************************

Nâng cấp quan hệ với Việt Nam : Chiến lược gần ASEAN, xa Trung Quốc của Seoul ?

Minh Anh, RFI, 06/12/2022

Ngày 05/12/2022, tổng thống Hàn Quốc đã long trọng tiếp đón chủ tịch Việt Nam tại Seoul, với tư cách là khách mời cấp Nhà nước đầu tiên và duy nhất trong nhiệm kỳ 5 năm của ông. Sự trọng thị này của nguyên thủ Hàn Quốc dành cho Việt Nam khẳng định xu hướng của Seoul tìm cách thắt chặt quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á, như là một phần trong nỗ lực chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu và giữ khoảng cách với Trung Quốc.

viethan1

Chủ tịch nước Việt Nam Ngyễn Xuân Phúc và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại phủ tổng thống Hàn Quốc, Seoul, ngày 05/12/2022. AP - Suh Myung-geon

Trong buổi họp báo chung với đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết hai nước tái khẳng định kế hoạch mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và an ninh kinh tế, đặc biệt là trong khai thác đất hiếm tại Việt Nam.

Tuyên bố chung của hai lãnh đạo Việt Nam và Hàn Quốc còn bày tỏ phản đối việc quân sự hóa Biển Đông và bất kỳ thay đổi nguyên trạng nào tại vùng biển này – đây cũng chính là những lời lẽ mà Hoa Kỳ và các đồng minh sử dụng để phản đối Trung Quốc. 

Khi tuyên bố sẽ "thiết lập các mối quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược" với Hà Nội, tổng thống Yoon Suk-yeol đã xem Việt Nam như là một "đối tác cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương", gắn kết Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á. Tầm nhìn này của Seoul, phần nào phản ảnh các nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản, đã được nguyên thủ Hàn Quốc từng công bố tại Phnom Penh, khi đến dự thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 11/2022.

Theo đó, Hàn Quốc đề ra mục tiêu "xây dựng một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng nhờ vào tình liên đới và hợp tác với các nước ASEAN và nhiều quốc gia lớn khác", một khu vực "hài hòa tôn trọng các quyền và lợi ích của mỗi bên". Theo ông, điều này sẽ cho phép ngăn ngừa các cuộc xung đột và đối đầu vũ trang, bảo vệ nguyên tắc giải quyết ôn hòa qua đối thoại. Nhưng lãnh đạo Hàn Quốc cũng cứng rắn tuyên bố "không bao giờ dung thứ cho việc đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực".

Trong chiều hướng này, tại Phnom Penh, tổng thống Hàn Quốc cam kết tăng cường hợp tác với nhiều nước tại khu vực trong nhiều lĩnh vực như không phổ biến hạt nhân, chống khủng bố, bảo đảm an ninh hàng hải và dịch tễ, cũng như an ninh mạng. 

Một mặt, tổng thống Hàn Quốc có cuộc họp ba bên với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại thủ đô Cam Bốt. Mặt khác, ông cũng có cuộc hội kiến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bày tỏ sẵn sàng phát triển quan hệ song phương dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung. 

Theo quan sát của trang mạng Nikkei Asia, rõ ràng tổng thống Yoon có một cách tiếp cận khác với người tiền nhiệm. Cựu tổng thống Moon Jae In theo đuổi hợp tác kinh tế với khối ASEAN thông qua Chính sách hướng Nam, nhưng tránh chọc giận Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng. 

Về phần mình, ông Yoon đề ra tầm nhìn ASEAN – Hàn Quốc, tìm cách mở rộng đầu tư của Hàn Quốc, hiện tập trung chủ yếu ở Việt Nam và Singapore, sang phần còn lại của Đông Nam Á. Mục tiêu là nhằm đảm bảo nguồn cung các loại nguyên nhiên liệu như lithium, niken và nhiều nguồn tài nguyên quan trọng khác cho ngành sản xuất xe ô tô điện. 

Đầu tư của Hàn Quốc trong khu vực đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Nhờ vào "K-Pop", một thứ quyền lực mềm của Seoul, mà thị trường các dòng sản phẩm của Hàn Quốc đã được mở rộng. 

Chính trong tầm nhìn này, tại thượng đỉnh G20 ở Bali, Hàn Quốc và Indonesia đã ký kết nhiều thỏa thuận tăng cường đầu tư song phương trong các lĩnh vực số hóa, chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hải, môi trường, cơ sở hạ tầng… Sau Việt Nam, đối với Hàn Quốc, Indonesia là một thị trường lớn thứ hai. Seoul cũng lần lượt mở rộng cam kết đầu tư và hỗ trợ kinh tế cho các nước Cam Bốt, Philippines… 

Trong dài hạn, tổng thống Yoon đã chính thức đề nghị nâng cấp mối quan hệ ASEAN – Hàn Quốc hướng đến một đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại Hàn Quốc–ASEAN.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 06/12/2022

*************************

Việt Nam - Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện

Hương Minh, Mekong-ASEAN, 05/12/2022

Trong buổi họp báo chung ngày 5/12 sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện.

viethan2

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol trong buổi họp báo ở Seoul chiều 5/12.

Việt Nam - Hàn Quốc là "anh em, hàng xóm thân thiết với nhau"

Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố : "Hướng về tương lai tươi sáng, chúng tôi thay mặt cho lãnh đạo hai nước quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đó là niềm vui mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn hôm nay. Trên tinh thần lạc quan đó, chúng tôi đã trao đổi, thống nhất về tầm nhìn, phương hướng lớn và các biện pháp thúc đẩy quan hệ, hợp tác thời gian tới".

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" sẽ đưa quan hệ hợp tác hai nước "sang trang mới phát triển mạnh mẽ ở tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới".

Việt Nam - Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau kể từ năm 2012, thời điểm thiết lập quan hệ Đối Phát biểu tại họp báo, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc "là quốc khách đầu tiên của tôi". Tổng thống Hàn Quốc cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa to lớn khi năm nay tròn 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đánh giá, trong 30 năm qua, hai nước đã cùng hợp tác, cùng có lợi, hợp tác thương mại và đầu tư đã phát triển vượt bậc và người dân hai nước đã là "anh em, hàng xóm thân thiết với nhau".

Dựa trên nền tảng đó, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho rằng, quan hệ Hàn - Việt được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra một chương mới trong hợp tác song phương.

Tăng cường mở rộng và làm sâu sắc hợp tác trên tất cả các lĩnh vực

Trong cuộc họp báo, lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, giữ vững vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của nhau, trước mắt phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỷ USD vào năm 2023, hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD. "Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc là những nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn là 80 tỷ USD, tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư gắn với chuyển giao công nghệ và hướng vào các lĩnh vực điện tử, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, khu công nghiệp xanh, đô thị thông minh...", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Về các khoản viện trợ hợp tác phát triển (ODA), Việt Nam cảm ơn Hàn Quốc đã cung cấp các khoản viện trợ, tín dụng ưu đãi mang lại những thành quả phát triển trên các vùng miền, kể cả những vùng khó khăn.

Tổng thống Hàn Quốc nhận định hai bên cần tiến tới là đối tác tối ưu tiên về thương mại - đầu tư và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực này. Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết Hàn Quốc mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến thông qua ổn định các chuỗi cung ứng.

Về khoa học công nghệ tiên tiến, y tế, cơ sở hạ tầng, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) là biểu tượng hợp tác về khoa học công nghệ giữa hai nước. Hàn Quốc sẽ xem xét phương án hỗ trợ xây dựng Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam.

Về lao động, hai nhà lãnh đạo nhất trí mở rộng hình thức hợp tác lao động mới, tiếp tục hỗ trợ để người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc tại Việt Nam làm việc an toàn, thuận lợi, tuân thủ luật pháp của hai nước, bao gồm cả về thời hạn lưu trú.

Trong hợp tác đa phương, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực mà hai bên cùng tham gia. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy đối thoại, hợp tác và thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Thay mặt các nhà lãnh đạo Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng mời Tổng thống Hàn Quốc thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Tổng thống Yoon Suk-yeol chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Hương Minh

Nguồn : Mekong-ASEAN, 05/12/2022