Tập Hợp đã làm được những gì trong 40 năm qua ? (Việt Hoàng)

Đa số người dân Việt Nam đã nhận ra rằng đấu tranh cho dân chủ không phải chỉ nói xấu và phê phán chế độ mà cần hơn cả là phải vạch ra một con đường mới, một giải pháp mới để thay thế cho giải pháp cộng sản đã thất bại hoàn toàn sau gần 80 năm áp dụng và thực thi tại Việt Nam.




Năm 2022 Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) vừa tròn 40 tuổi. Đây là một khoảng thời gian dài đối với một đời người nhưng với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc thì đó chỉ là một cơn gió thoảng. 40 năm cũng là dịp để nhìn lại một chặng đường đã đi qua của một tổ chức chính trị có tham vọng thay đổi dòng chảy lịch sử của Việt Nam.

Tập Hợp là một tổ chức chính trị dân chủ với những quan niệm và phương pháp đấu tranh khác hẳn với các tổ chức đã từng xuất hiện trong lịch sử Việt Nam vì thế vẫn còn xa lạ với nhiều người. Từ trước đến nay người Việt chỉ biết đến một cách đấu tranh duy nhất là dùng bạo lực để lật đổ chế độ cũ. Vì thế mà không phải ai cũng nhận ra được những đóng góp của Tập Hợp cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam và không phải ai cũng nhận ra được những thay đổi mà Tập Hợp đã mang lại cho dân tộc Việt Nam.  

Ngoài những việc quan trọng mà chúng tôi đã làm được sau 40 năm như đã xây dựng được một tổ chức dân chủ thực sự với một ‘đội ngũ cán bộ nòng cốt’ có kiến thức vững vàng về chính trị và một ‘tư tưởng chính trị’ được cụ thể hóa thành một dự án chính trị với tên gọi Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Đây là một lộ trình tranh đấu thiết lập dân chủ cho Việt Nam, đồng thời cũng là những đề nghị để xây dựng và kiến thiết một đất nước Việt Nam dân chủ trong tương lai. Dự án chính trị này đang được cập nhật và sẽ sớm giới thiệu với đồng bào trong những ngày sắp tới. Tập Hợp cũng đã xây dựng được một đội ngũ thân hữu trên khắp thế giới với mọi thành phần dân tộc cùng chia sẻ một ‘Giấc mơ Việt Nam’.

logoTHDCDN

Chính trị và các hoạt động chính trị là những cố gắng chung để có thành công chung. ‘Giấc mơ Việt Nam’ là của tất cả chúng ta.

Trước khi đi vào trình bày cụ thể những việc mà Tập Hợp đã làm được trong 40 năm qua chúng tôi xin chia sẻ một điều rằng, thay đổi về tư tưởng rất khó để nhận biết, nhất là với đa số quần chúng. Thay đổi tư tưởng thường diễn ra âm thầm và chậm rãi với một quá trình dài chứ không đến ngay một lúc. Thay đổi về vật chất ngược lại rất dễ thấy, một bộ quần áo mới, một chiếc xe mới, một ngôi nhà mới là những thứ mà ai cũng thấy được và chúng thường tạo ấn tượng mạnh. Kiến thức chính trị là một bộ môn khoa học cần rất nhiều cố gắng, nỗ lực và thời gian.

Những việc mà Tập Hợp làm được cho Việt Nam trong 40 năm qua dù âm thầm và không phải ai cũng nhận thấy nhưng về cơ bản Tập Hợp đã thay đổi được tư duy và nhận thức cho đa số người Việt Nam về chính trị và các hoạt động chính trị. Kết quả có thể còn khiêm tốn nhưng đó là những bước tiến lớn trong tâm hồn và trí tuệ của người Việt Nam.

1. Tập Hợp đã thay đổi tư duy bạo lực của người Việt

Lịch sử của Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước gắn liền với bạo lực. Bạo lực gần như là giải pháp duy nhất để giải quyết mọi bất đồng lớn nhỏ trong cuộc sống. Ngay cả những người không có bạo lực cũng tưởng tượng ra bạo lực để tự lừa dối mình và người khác. Những tổ chức kêu gọi bạo lực luôn được ‘hưởng ứng’ hơn là những tổ chức kêu gọi hòa bình và bất bạo động.

Tập Hợp là tổ chức chính trị đầu tiên của người Việt nói không với bạo lực ngay từ khi mới ra đời và cái giá phải trả cho lập trường đó là việc ông Nguyễn Gia Kiểng bị đâm trọng thương trong một lần diễn thuyết tại Hà Lan. Tinh thần bất bạo động của Tập Hợp không chỉ thể hiện bằng hành động mà còn ngay cả trong ngôn ngữ. Với những ý kiến cực đoan hay bạo lực chúng tôi vẫn chọn thái độ tôn trọng và lắng nghe một cách hòa nhã. Chúng tôi không bao giờ tấn công, dù là ngôn ngữ đối với các ý kiến bất đồng. Tinh thần của chúng tôi là ‘không có ý kiến nào là cấm nêu ra và không có chủ đề nào là cấm bàn đến’. Mọi ý kiến đều được lắng nghe và trao đổi với thái độ thẳng thắn và chân tình. Nếu ý kiến quá khác biệt chúng tôi sẽ im lặng.

2. Tập Hợp đã phân tích và chỉ ra những sai lầm và độc hại của văn hóa Khổng giáo

Tác phẩm ‘Tổ quốc Ăn năn’ của ông Nguyễn Gia Kiểng lúc mới ra đời gần như là một cơn ‘động đất’ đối với nhiều người Việt. Lịch sử Việt Nam gắn liền với văn hóa Khổng giáo (Nho giáo). Thứ văn hóa độc hại đó đã được các triều đại phong kiến cổ vũ và áp đặt cho toàn xã hội vì nó đảm bảo cho sự cầm quyền tuyệt đối và vĩnh viễn của các chế độ toàn trị.

Văn hóa Khổng giáo tạo ra một xã hội nô lệ và cam chịu. Nếu ai đó may mắn có cuộc sống tốt đẹp thì đó là nhờ ‘ơn Đảng’ còn nếu bất hạnh thì đó là do số phận. Giai cấp trí thức được mặc định như là công cụ để phục vụ chế độ. Đảng cho sống là được sống, bắt chết là phải chết. Các quyền con người không tồn tại trong xã hội Khổng giáo. Chính trị là lĩnh vực độc quyền của gia cấp thống trị, người dân không có bất cứ tiếng nói gì trong các chế độ theo văn hóa Khổng giáo. Chế độ cộng sản thực chất chỉ là một bản sao cải tiến của các chế độ phong kiến. Họ cũng tôn thờ và bắt người dân tuân theo những luật lệ đã có cách đây…2550 năm. Trung Quốc dựng lên hàng trăm Viện Khổng tử trên khắp thế giới là vì thế.

Văn hóa Khổng giáo dù bị đả kích dữ dội nhưng vẫn còn ăn sâu bám rễ trong tâm hồn không ít người Việt Nam nhất là trong chính trị. Không ít trí thức vẫn hồn nhiên cho rằng chính trị là nhơ bẩn, xấu xa và hoạt động chính trị là phải gian manh, lừa dối…Việc nhiều trí thức Việt Nam ủng hộ Donald Trump trước đây và Putin hiện nay là một ví dụ.

Những khuyết tật của văn hóa Khổng giáo đã bị Tập Hợp phê phán không khoan nhượng. Ban đầu Tập Hợp bị chống đối gay gắt nhưng dần dần mọi người đã hiểu ra và giờ đây đã có nhiều người lên tiếng chỉ trích văn hóa nô lệ và bạo lực của Khổng giáo.

TH40

Tác phẩm ‘Tổ Quốc Ăn Năn’ của ông Nguyễn Gia Kiểng đã phê phán không khoan nhượng sự độc hại của văn hóa Khổng giáo.

3. Chủ trương hòa giải dân tộc

Văn hóa Khổng giáo vốn bất dung và tôn thờ bạo lực nên xã hội Khổng giáo luôn tạo ra sự đối kháng và hận thù bất tận. Sự hận thù đã làm lu mờ trí tuệ và đánh thức bản năng gốc trong mỗi con người. Xã hội Việt Nam ngày nay vẫn còn bị ảnh hưởng bởi bạo lực trong các hành vi và cách ứng xử, đó là tàn dư của văn hóa Khổng giáo.

Đảng cộng sản Việt Nam là một phiên bản cải tiến của chế độ phong kiến nên họ xem mọi tiếng nói bất đồng của người dân là đối kháng và cần phải tiêu diệt. Bạo lực, kỳ thị và đàn áp luôn được chính quyền sử dụng một cách tối đa. Việc bỏ tù cụ Lê Tùng Vân (90 tuổi) 5 năm tù vì tội ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ…’ và 4 thành viên Tịnh thất Bồng lai mới đây là một ví dụ.

Không chỉ Đảng cộng sản chủ trương đàn áp và bất khoan dung mà ngay cả một số tổ chức của người Việt, trong cũng như ngoài nước, dù không có phương tiện và bạo lực nhưng cũng có tâm lý dùng bạo lực để chống đối Đảng cộng sản. Tập Hợp chủ trương Hòa giải dân tộc không phải vì muốn 'bắt tay' với Đảng cộng sản mà vì tương lai của dân tộc Việt Nam. Theo chúng tôi, một dân tộc trải qua một cuộc nội chiến kéo dài thì chỉ có một giải pháp là thành thật hòa giải để tiếp tục chung sống, cùng xây dựng một tương lai chung hoặc là chấp nhận đất nước tan vỡ và giải thể. Tất nhiên chúng tôi chọn Hòa giải để cùng nhau chung sống và xây dựng một tương lai chung. Tiến trình Hòa giải đó diễn ra như thế nào, với những điều kiện gì thì chúng tôi đã trình bày rất rõ ràng và đầy đủ trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Tinh thần Hòa giải dân tộc của Tập Hợp đã bị chống đối từ khi mới ra đời, không chỉ mỗi Đảng cộng sản mà ngay cả ‘bên thua cuộc’. Không ít ý kiến cho rằng việc Hòa giải với cộng sản là vô ích, là một sự đầu hàng…Rất may là nhờ sự lương thiện, rõ ràng và minh bạch mà tinh thần Hòa giải dân tộc của Tập Hợp đến nay đã được nhiều người đồng tình và chấp nhận.

th1

Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai trình bày rõ ràng và đầy đủ những gì mà Tập Hợp đề nghị cho tiến trình tranh đấu thiết lập dân chủ đa nguyên cũng như việc kiến thiết lại Việt Nam trong tương lai.

4. Tập Hợp là nơi cung cấp kiến thức về chính trị và đề nghị một phương pháp hoạt động chính trị mới

Chính trị và các hoạt động chính trị luôn là một lĩnh vực quan trọng trong mỗi quốc gia. Chính trị là một bộ môn tổng hợp của nhiều bộ môn, là kiến thức tổng hợp của nhiều loại kiến thức. Chính trị rất quan trọng và nó quyết định cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Chính trị rất phức tạp và đòi hỏi nhiều cố gắng học hỏi nghiêm túc. Trí thức chính trị khác hoàn toàn với trí thức khoa bảng, tức là những người có bằng cấp và chuyên môn trong một lãnh vực nào đó.

Một mặc định tai hại về chính trị do ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo đó là những người có bằng cấp thường được đồng hóa với những người trí thức chính trị. Điều đó không đúng. Sai lầm nữa là mặc định cho rằng kiến thức chính trị không cần phải học hỏi. Sai lầm này khiến cho rất nhiều người tham gia vào các hoạt động chính trị mà không có bất cứ sự chuẩn bị nào. Điều này dẫn đến sự thất bại và bế tắc tất yếu cho những người hoạt động chính trị kiểu nhân sĩ đồng thời gây ra cảm giác bi quan và thất vọng cho người dân đối với những người hoạt động chính trị.

Việt Nam đã từng có giai đoạn mà các tổ chức chính trị cũng như các tổ chức ‘xã hội dân sự’ mọc ra như nấm nhưng rồi chỉ sau một thời gian ngắn là tất cả đều tan vỡ và chìm vào quên lãng. Lý do rất giản dị, những người tham gia vào việc thành lập các tổ chức đó đều xuất phát từ sự nhiệt tình nhưng lại thiếu vắng kiến thức về chính trị và ‘văn hóa tổ chức’. Họ đã không nghiên cứu nghiêm túc về cách thức xây dựng và vận hành của một tổ chức.

Trong thời gian qua không những không có các tổ chức chính trị mới được thành lập mà ngay cả các tổ chức cũ cũng đang trên đà tan rã. Các tổ chức xã hội dân sự cũng vậy. Điều đó tốt hay xấu? Theo chúng tôi điều đó là tốt và cần thiết. Rõ ràng là kiến thức về chính trị của người Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới. Không mấy ai còn hưởng ứng hay cổ vũ cho những tổ chức ‘hữu danh vô thực’. Ngay cả các ‘ngôi sao dân chủ’ cũng đang mờ dần. Đấu tranh dân chủ càng ngày càng được nhìn nhận một cách đúng đắn đó là phải mang lại một sự thay đổi thật sự cho Việt Nam chứ không phải những lời lẽ ‘đao to búa lớn’ kiểu ‘thùng rỗng kêu to’.

Đa số người dân Việt Nam đã nhận ra rằng đấu tranh cho dân chủ không phải chỉ nói xấu và phê phán chế độ mà cần hơn cả là phải vạch ra một con đường mới, một giải pháp mới để thay thế cho giải pháp cộng sản đã thất bại hoàn toàn sau gần 80 năm áp dụng và thực thi tại Việt Nam.

Phong trào dân chủ Việt Nam đang có vẻ trầm lắng nhưng đó là một tiến trình bắt buộc để nâng cao chất lượng và chiều sâu cho các hoạt động chính trị của người Việt. Tập Hợp đã đóng góp không nhỏ vào sự thay đổi đó. Chúng tôi đóng góp bằng cách cung cấp kiến thức về chính trị và các hoạt động chính trị một cách khoa học và đầy đủ đến cho mọi người Việt Nam. Từ đó chính người dân Việt Nam sẽ nhận diện được đâu là các hoạt động chính trị nghiêm túc và đâu là các hành động bề nổi, ồn ào nhưng không có chiều sâu.

4th40-4

Tham vọng và mong muốn lớn nhất của Tập Hợp là xây dựng được một tầng lớp trí thức chính trị thật sự cho Việt Nam. Nếu không có tầng lớp trí thức chính trị đó thì mãi mãi Việt Nam không thể có dân chủ.

40 năm trước, từ lúc mới ra đời, với ba lập trường căn bản ‘dân chủ đa nguyên, đấu tranh bất bạo động và tinh thần hòa giải dân tộc’ Tập Hợp đã bị chống đối dữ dội nhưng ngày hôm nay hầu như mọi tổ chức chính trị của người Việt đã chia sẻ và đồng tình với các lập trường đó của chúng tôi. Những tiếng nói phản đối Tập Hợp không còn nhiều. Việc người dân và trí thức Việt Nam hoặc im lặng, hoặc không phản đối Tập Hợp có thể đến từ hai lý do. Một là họ đồng ý với Tập Hợp (im lặng cũng là một cách đồng ý). Hai là họ không có gì để phản bác Tập Hợp. Cả hai trường hợp đều tốt cho phong trào dân chủ Việt Nam cũng như tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Điều mà Tập Hợp chờ đợi ở những người Việt Nam có ưu tư với vận mệnh của đất nước là cần nâng cấp bản thân lên một tầm cao mới. Đó là lên tiếng ủng hộ hoặc tham gia vào một tổ chức chính trị đối lập đứng đắn. Cần đồng thuận với nhau một điều rằng đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức và chỉ trong khuôn khổ của một tổ chức chứ không phải giữa các cá nhân.

Ngoài những điều căn bản nêu ra ở trên Tập Hợp còn đóng góp được nhiều thứ khác nữa cho phong trào dân chủ Việt Nam như sự tôn trọng lẽ phải, đề cao các giá trị đạo đức và lương thiện, tinh thần bao dung và chấp nhận các ý kiến khác biệt, luôn sẵn sàng đối thoại để tìm ra một giải pháp chung mà mọi người đều có thể chấp nhận được…

Tinh thần lạc quan và sự cố gắng không mệt mỏi của anh em Tập Hợp trong 40 năm qua cũng là một việc mà không phải tổ chức nào cũng làm được. Các thành viên của Tập Hợp đã đóng góp cho đất nước một cách bất vụ lợi mà không đòi hỏi bất cứ một ân huệ nào. Sự cống hiến của chúng tôi luôn là một chiều và tự nguyện. Phần thưởng lớn nhất dành cho Tập Hợp sự ủng hộ thầm lặng của rất nhiều người Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại. Các bạn trẻ đến với Tập Hợp ngày càng nhiều và quan trọng nhất là họ đến với Tập Hợp với tất cả tâm hồn và trí tuệ.

Tham vọng và mong muốn lớn nhất của Tập Hợp là xây dựng được một tầng lớp trí thức chính trị thật sự cho Việt Nam. Nếu không có tầng lớp trí thức chính trị đó thì mãi mãi Việt Nam không thể có dân chủ. Trên thực tế chúng tôi đã làm được điều đó. Sau cùng, anh em Tập Hợp rất vui vì đã nhận được sự chia sẻ và đồng thuận về một ‘giấc mơ Việt Nam’ hùng cường và phát triển. Chúng ta hoàn toàn có quyền lạc quan về tương lai tươi sáng của đất nước.

Việt Hoàng

(1/8/2022)