Việt Á và khủng hoảng y tế phơi bày suy thoái chính trị (Phạm Quý Thọ)

"Mánh trục lợi" của Việt Á đang làm suy thoái cả hệ thống. Đại án này không những chỉ là "giọt nước tràn ly" đẩy tình trạng y tế lên đỉnh điểm "bất thường" mà còn phơi bày và sự suy thoái chính trị, tham nhũng của hệ thống y tế đang diễn biến phức tạp và để lại hậu quả trước mắt và lâu dài. 


"Bất thường" y tế đang diễn ra liền ngay sau đại án Việt Á với hệ thống quan chức to nhỏ, trung ương và địa phương bị trừng phạt. Nó không những được coi là "giọt nước tràn ly" của khủng hoảng mà còn phơi bày diễn biến suy thoái chính trị, trục lợi mang tính hệ thống và tham nhũng lũng đoạn chế độ.

Khủng hoảng y tế

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và hàng loạt cán bộ y tế bỏ việc… là những biểu hiện của khủng hoảng y tế. Đến cuối tháng 6/2022 đã có 28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương và đơn vị và hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển khỏi ngành trong cả nước. Các lãnh đạo Nhà nước đã phải dùng thuật ngữ "khủng hoảng y tế" để mô tả hiện trạng y tế hiện nay. Trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) vào chiều ngày 21/6/2022, ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu TP HCM cần sớm ngăn chặn khủng hoảng y tế. Hai ngày sau, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định rằng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế và thiếu nhân lực chuyên môn y tế là vấn đề nghiêm trọng và khi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành ngày 23/6 ông nhấn mạnh cần quyết liệt giải quyết tình hình.

Cảnh báo về khủng hoảng y tế được đưa ra gắn liền với phòng chống dịch với "quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị" trong giai đoạn thực hiện chiến lược Zero-COVID. Tháng 4/2021 trong chuyến thị sát kiểm tra công tác này tại Đà Nẵng, ông Chủ tịch nước, khi nhắc lại tinh thần "chống dịch như chống giặc" và kinh nghiệm thành công từ các đợt dịch trước, đã nhấn mạnh rằng hệ thống y tế Việt Nam phải luôn sẵn sàng trong mọi tình huống. "Nếu khủng hoảng ngành y tế sẽ dẫn đến khủng hoảng cả nền kinh tế". Lời cảnh báo đã ứng nghiệm khi đợt dịch thứ tư vào nửa cuối năm này gây ra "khủng hoảng" ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và ảnh hưởng lan toả ra cả nước. Nay, trong bối cảnh diễn biến khủng hoảng y tế còn phức tạp các nhà quan sát lo ngại trường hợp "dịch chồng dịch" khi dịch sốt xuất huyết đang bùng phát nguy hiểm ở nhiều tỉnh phía Nam, đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, những tiếng kêu ai oán "Hãy cứu lấy blouse trắng" đang được công luận quan tâm.

"Mánh trục lợi" làm suy thoái cả hệ thống

"Mánh trục lợi" của Việt Á đang làm suy thoái cả hệ thống. Đại án này không những chỉ là "giọt nước tràn ly" đẩy tình trạng y tế lên đỉnh điểm "bất thường" mà còn phơi bày và sự suy thoái chính trị, tham nhũng của hệ thống y tế đang diễn biến phức tạp và để lại hậu quả trước mắt và lâu dài.

"Tự đánh bóng" là "mánh làm ăn" của các doanh nghiệp trong thời buổi chuyển đổi thị trường. Họ cố gắng làm cho hình ảnh của mình đẹp hơn trước khách hàng không những chỉ bởi việc quảng bá dịch vụ, sản phẩm "hấp dẫn" và giới thiệu năng lực hơn cả thực tế… Hơn thế, các doanh nghiệp còn biết các con đường đến với "thiện cảm" của quan chức quyền lực khi dung dưỡng các mối quan hệ thân hữu để sử dụng trục lợi lâu dài. Việt Á là trường hợp điển hình.

Chiểu theo hồ sơ, Việt Á là công ty Cổ phần Công nghệ được thành lập vào năm 2007 với số vốn ban đầu là 80 triệu đồng. Cho đến năm 2017 công ty này chỉ thu nhập vài chục tỉ đồng và thường báo lỗ. Sau đó, doanh nghiệp này đã có sáu lần tăng vốn điều lệ, thậm chí lên đến 1.000 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, Công ty Việt Á chỉ mượn chỗ để đặt cái bảng hiệu trụ sở công ty trong nhiều năm. Nhưng từ 2018 Việt Á đã liên tục trúng nhiều gói thầu thiết bị y tế và nhiều đặc chủng loại sinh hoá phẩm cho nhiều bệnh viện công lớn ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành. Chỉ đến khi vụ việc ‘vỡ lở’ năm 2021 lúc cơ quan Công an khám xét và, "ngạc nhiên" thấy phòng sản xuất kit của công ty này chỉ rộng chừng hơn 10m² với 10 nhân sự, hệ thống thiết bị, máy móc chỉ là vài chiếc tủ cấp đông và vài chiếc máy tách chiết cũ…

Tuy nhiên, xin hãy đừng chỉ đổ lỗi cho Việt Á với thủ đoạn gian manh bằng lại quả "hoa hồng khủng" để thắng thầu các dự án tiêu tiền ngân sách nhà nước mà lảng tránh trách nhiệm của hệ thống quan chức đang mọt ruỗng. Sự cám dỗ "hoa hồng" khủng, sự "kín đáo" và độ tin cậy quan hệ thân hữu được nuôi dưỡng là lời giải thoả đáng cho câu hỏi vì sao một doanh nghiệp "tép riu" lại có thể khiến cả guồng máy "liên bộ" Y tế - Khoa học và Công nghệ sa vào "vòng xoáy trục lợi" và một hệ thống quan chức từ trung ương đến địa phương bị kỷ luật và lao lý. Họ đã nỗ lực có chủ ý và ‘phối hợp nhịp nhàng’ để "đánh bóng" cho doanh nghiệp. Từ một dự án giả tạo "khủng" cấp nhà nước về nghiên cứu và sản xuất bộ kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Học viện Quân y "danh tiếng" đến việc công nhận cấp phép và tuyên truyền sai sự thật về tiêu chuẩn chất lượng trên trang web chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ việc thẩm định cho lưu hành ứng dụng của Bộ Y tế đến phê duyệt giá bán trong hệ thống y tế và, thậm chí là việc đề xuất của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã qua mặt cơ quan thi đua khen thưởng để được Chủ tịch tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3… Quy trình xét nghiệm sản phẩm y tế phức tạp như vậy từ nghiên cứu đến ứng dụng được "duyệt" dễ dàng không thể có cách biện minh khác hơn là tình trạng suy thoái chính trị mang tính hệ thống.

Tham nhũng trở thành thứ "dầu bôi trơn"

Tham nhũng đã được cảnh báo như một hình thức "lũng đoạn" đe doạ sự tồn vong của chế độ. Việt Á trở thành đại án và phơi bày những biểu hiện và mức độ suy thoái chính trị trầm trọng. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng ngày 30/6 mới đây ông Tổng Bí thư Đảng ‘lo lắng’ về "tham nhũng trong các cơ quan phòng chống tham nhũng". Ông Trưởng ban Nội chính nhận định rằng "nhiều án tham nhũng nghiêm trọng có bóng dáng cán bộ tiếp tay", còn vị Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng "vụ Việt Á là điểm hình cho thấy cán bộ chưa biết sợ".

Tuy nhiên, thực tế chuyển đổi thị trường đã chỉ ra tình hình trục lợi, tham nhũng đã dần nghiêm trọng, từ các hiện tượng đơn lẻ, tham nhũng vặt, rồi lan rộng trong cả hệ thống chính trị, và được ví như là "thứ "dầu bôi trơn" cho sự vận hành của guồng máy cai trị khiến công tác phòng chống của Đảng không đạt hiệu quả như mong muốn. Đảng đang "trả giá" đắt hơn trong mỗi "trận đánh cũng như cả chiến dịch khi khăng khăng rằng với sức mạnh quyền lực tập trung tuyệt đối sẽ giải quyết được tình hình và đang tăng cường nguồn lực cho công tác "đốt lò". Không ai dám chắc sau "Việt Á" và "Cục Lãnh sự" sẽ không còn đại án …

Hàng chục nghìn quan chức to nhỏ, trong đó hơn 170 cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý, đã bị loại khỏi hệ thống vì suy thoái, bộ máy hành chính bị "đóng băng", ngừng trệ biểu hiện rõ rệt trong triển khai thực hiện chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, điển hình là đầu tư công các dự án đường cao tốc Bắc – Nam… Và, giờ đây là khủng hoảng y tế khiến các vị Đại biểu Quốc hội 15 trong nghị trường phiên thứ 3 đã phải lên tiếng về sự lan rộng của hiện tượng không dám chịu trách nhiệm, sợ sai" của cán bộ.

Công luận đang băn khoăn liệu "khủng hoảng y tế" hiện thời sẽ ảnh hưởng tiêu cực lan truyền thế nào đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Các giải pháp mà Chính phủ đưa ra có thể là "quyết liệt" nhưng nếu như chỉ phản ứng "tự vệ" trước "tham nhũng trong giá thuốc" thì "hãy thử mở đường dây nóng về thiếu thuốc", và sửa đổi quy định đấu thầu thuốc hay tăng cường kỷ luật nội bộ thì cũng chỉ có thể cắt "phần ngọn" của "khủng hoảng", bởi lẽ guồng máy sản sinh ra quan tham đang là đặc trưng suy thoái của chế độ.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 01/07/2022