Lò đốt tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng vẫn hừng hực lửa (Thường Sơn, Hiếu Chân, Trần Dzạ Dzũng)

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.


 

Ông Nguyễn Thành Phong bị kỷ luật vì lý do gì ?

Thường Sơn, VNTB, 23/06/2022

Tính đến hiện tại thì vẫn không rõ sai phạm cụ thể của ông Nguyễn Thành Phong là những gì ? Trong thông cáo báo chí về kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, viết vắn tắt và mập mờ thế này :

cui1

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

"Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy :

Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND Thành phố và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài chính, tài sản nhà nước ; xảy ra nhiều vụ án, vụ việc trên địa bàn Thành phố ; nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật ; nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của UBND Thành phố và các sở, ngành,… bị xử lý hình sự.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản, ngân sách của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm ; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật :

– Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Sở Xây dựng và Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015/2020.

– Khiển trách đồng chí Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016/2021 và đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến các vi phạm nêu trên".

Văn bản trích kể trên được phát hành vào chiều ngày 22/6/2022 ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Không rõ những yêu cầu ở trên phải chăng đã được Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trước đó vài hôm.

cui2

Hàng loạt cựu quan chức ở Thành phố Hồ Chí Minh bị kỷ luật đảng

Ngày 1/6/2022, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thi hành kỷ luật một số cán bộ, đảng viên vi phạm, cụ thể :

* Khai trừ ra khỏi đảng đối với các ông : Trần Nam Trang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố, nguyên Tổ trưởng Tổ chuyên viên Ban chỉ đạo 09 ; Huỳnh Kim Phát, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh ; Nguyễn Thanh Nhàn, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.

Ông Trần Nam Trang đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý nhà, đất số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1 gây hậu quả, thiệt hại tài sản Nhà nước và ký Công văn đề nghị UBND thành phố chấp thuận hoán đổi tài sản là trái với Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ đối với căn nhà 57 Cao Thắng, quận 3 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Diệp Bạch Dương gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước.

Ông Trần Nam Trang đã bị xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Ông Huỳnh Kim Phát đã thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu đề xuất xử lý nhà, đất số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1 không đúng quy định pháp luật và tham mưu, đề xuất, chấp thuận việc hoán đổi tài sản tại số 57, đường Cao Thắng, quận 3 để lấy tài sản tại số 185 đường Hai Bà Trưng, quận 3, tạo điều kiện cho bà Dương Thị Bạch Diệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Diệp Bạch Dương thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tài sản Nhà nước.

Ông Huỳnh Kim Phát đã bị xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn trong thời gian giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác nhận pháp lý tài sản 57 Cao Thắng, quận 3 chỉ dựa trên bản phô-tô công chứng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, không chỉ đạo kiểm tra thông tin về pháp lý nhà 57 Cao Thắng, quận 3 nên không phát hiện được tài sản này đã bị thế chấp vay vốn, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại tài sản Nhà nước.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 4 năm 6 tháng tù.

* Khai trừ ra khỏi đảng đối với bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ cơ quan nước ngoài.

Trong khoảng thời gian giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ cơ quan nước ngoài từ tháng 12/2015 đến tháng 3/2016, bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung được phân công ký duyệt các bộ chứng từ lương do Trung tâm Cung ứng lao động đề nghị chi trả hộ cho các đơn vị khách hàng.

Mặc dù bà Nhung đã phát hiện ra những bất cập trong việc quản lý tài chính của Công ty và có chỉ đạo bộ phận tài chính kế toán sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, do chủ quan tin tưởng cấp dưới nên bà Nhung đã không kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, tài liệu liên quan khi ký trên 41 bộ chứng từ lương do Trung tâm đề xuất, giúp sức cho các đối tượng khác chiếm đoạt của Công ty số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Vi phạm của bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung là rất nghiêm trọng, đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo.

* Khai trừ ra khỏi đảng bà Lê Thị Thanh Tuyền, đảng viên Chi bộ Văn phòng, Đảng ủy Sở Tài chính ; chuyên viên Văn phòng Sở Tài chính ; nguyên Huyện ủy viên, nguyên Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Củ Chi ; nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính.

Trong thời gian giữ chức Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Củ Chi, bà Lê Thị Thanh Tuyền đã vi phạm quy định về đầu tư, đấu thầu, xây dựng cơ bản tại 7 trường học trên địa bàn huyện, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 17,7 tỷ đồng.

Khai trừ ra khỏi đảng bà Nguyễn Thị Loan, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông An Nhơn Tây ; nguyên Huyện ủy viên, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi.

Trong thời gian giữ chức Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi, bà Nguyễn Thị Loan đã vi phạm quy định về đầu tư, đấu thầu, xây dựng cơ bản tại 07 trường học trên địa bàn huyện Củ Chi, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 17,7 tỷ đồng.

Vi phạm của bà Lê Thị Thanh Tuyền và bà Nguyễn Thị Loan là rất nghiêm trọng, đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 3 năm tù.

* Khai trừ ra khỏi Đảng ông Nguyễn Thanh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan Đảng-Đoàn thể, đảng viên Chi bộ Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 11.

Với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 11, Đội trưởng Đội tiêm tại Trường Mầm non 10, Phường 10, Quận 11, ông Nguyễn Thanh Tuấn đã đưa 32 người ngoài danh sách vào tiêm vắc-xin tại Điểm tiêm Trường Mầm non 10 ; nhận số tiền 32 triệu đồng của Lê Thị Kim Dung và Lý Thái Huyền Trang, đồng thời tạo điều kiện cho Lê Thị Kim Dung trục lợi số tiền lớn.

Vi phạm của ông Nguyễn Thanh Tuấn gây hậu quả rất nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, bức xúc trong nhân dân, cán bộ, đảng viên. Ông Tuấn đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356, Bộ Luật Hình sự.

* Thi hành kỷ luật ông Nguyễn Thanh Nhựt, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo cầm viên Sài Gòn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn-trách nhiệm hữu hạn Một thành viên bằng hình thức cách chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng Công ty nhiệm kỳ 2015/2020.

Ông Nguyễn Thanh Nhựt với vai trò Phó Bí thư Đảng ủy đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để đơn vị có nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự ; đồng thời ông Nguyễn Thanh Nhựt nhận thức việc ký Kế hoạch số 633/KH-TCT ngày 01/7/2016 về việc tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để hợp thức hóa hồ sơ là sai, nhưng vẫn chấp hành theo chỉ đạo của ông Lê Tấn Hùng, tạo điều kiện cho ông Lê Tấn Hùng tham ô số tiền 13,34 tỷ đồng.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 23/06/2022

**********************

Đôi lời với ông Tổng Trọng : Cắt cành hay đào gốc ?

Hiếu Chân, SaigonnhoNews, 23/06/2022

Tham nhũng ở Việt Nam có phải chỉ là một vài cành cây sâu mọt như nhận định của ông Nguyễn Phú Trọng ?

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (), vừa nói chuyện với cử tri – những người được chọn lọc, đa số là cán bộ đảng viên già cả đã nghỉ hưu – về những quan tham vừa bị sờ gáy mà ông coi là vài cành cây sâu mọt phải cắt bỏ "để cứu cả cây". Cứu được không ?

dang3

Tham nhũng ở Việt Nam có phải chỉ là một vài cành cây sâu mọt như nhận định của ông Nguyễn Phú Trọng ?

Trong cuộc tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng ở Hà Nội sáng 23 tháng Sáu 2022, ông Trọng "nhấn mạnh và nêu rõ không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm, phải ‘cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây’", theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ trong nước. Ý ông muốn nói tới việc kỷ luật các "đồng chí, đồng đội" như các cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long – những kẻ tán tận lương tâm, trục lợi trên xương máu của đồng bào trong vụ test-kit Việt Á.

Chuyện tham nhũng của Anh, Long và rất nhiều "đồng chí, đồng đội" khác ở các bộ ngành trung ương, ở các tỉnh thành bị lộ trong các vụ Việt Á, vụ các chuyến bay "giải cứu"… đã được báo chí và mạng xã hội bàn tán rất nhiều, xin phép không nhắc lại nữa. Nhưng lũ tham quan ô lại ấy có phải là "một vài cành cây sâu mọt" phải cắt bỏ như Trọng nói không ? Tôi cho rằng không phải và khi đánh giá đó chỉ là "vài cành cây", ông đảng trưởng Đảng cộng sản Việt Nam đã bộc lộ một trình độ nhận thức kém cỏi, sai lầm đến thảm hại.

Những quan tham như Anh, Long và các "đồng chí, đồng đội" khác sở dĩ có thể tác oai tác quái gây bao nhiêu thiệt hại cho đất nước, bao đau thương thống khổ cho người dân trước tiên là do chúng nó có quyền lực – một thứ quyền lực vô đối, không bị kiểm soát.

Để có quyền lực, trước tiên chúng nó phải là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, được "đảng lãnh đạo" tin cậy, sắp xếp vào những chức vụ béo bở trong guồng máy cai trị và chỉ chịu trách nhiệm với đảng của chúng, không phải giải trình gì với dân với nước. Không có tội phạm tham nhũng nào là thường dân hoặc người ngoài đảng bởi vì những thành phần này không có quyền lực, không có điều kiện và cơ hội để tham nhũng. 

Nói như thế không có nghĩa là hễ ai có quyền lực đều trở thành quan tham, thành tội phạm cả, nhưng có một thực tế là những người nắm quyền lực trong các thể chế độc tài đảng trị như ở Việt Nam, Trung Quốc đều dễ biến thành tội phạm tham nhũng hơn là quan chức trong các thể chế dân chủ ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu… thậm chí quan chức ở các nước dân chủ mới nổi như Đài Loan, Nam Hàn cũng trong sạch hơn rất nhiều. 

Điều đó không có gì khó hiểu vì trong thể chế cộng sản, quyền lực tập trung vào một số nhân vật chóp bu trong đảng cầm quyền mà không ai kiểm soát hay chế ngự được. Các quan chức trong guồng máy cai trị chỉ cần được lòng "bác Tổng" thì có thể mặc sức vơ vét ; những kẻ chẳng may "bị lộ" là do bị thất sủng trong các cuộc đấu đá nội bộ hoặc do ăn chia không sòng phẳng. Ngược lại, thể chế dân chủ tam quyền phân lập có các cơ chế kiểm soát lẫn nhau, không cho ai có quyền lực tuyệt đối, không cho tổ chức, cá nhân nào đứng trên pháp luật để tác oai tác quái. Các cựu tổng thống Park Geun Hye của Nam Hàn, Trần Thủy Biển của Đài Loan… đều đã bị tòa án các nước này lôi ra trước vành móng ngựa và xử những bản án nặng nề do hành vi tham nhũng hoặc qua mặt pháp luật của họ.

Ở Việt Nam, ông Trọng và đảng của ông "lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối", không bị ai kiểm soát. Ông Trọng có lần nói với đàn em rằng cương lĩnh của đảng ông có giá trị cao hơn hiến pháp. Khi một quan chức, đảng viên vi phạm pháp luật thì "sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra, kỷ luật Đảng làm trước, kỷ luật hành chính tiếp theo, rồi mới đến kỷ luật hình sự, gần như thành lý luận về phòng, chống tham nhũng, thành bài học để giai đoạn sắp tới tiếp tục làm thế nào cho tốt", ông Trọng nói tại cuộc tiếp xúc dẫn trên.

Và, các tội phạm, thay vì bị trừng phạt đích đáng theo luật thì "Chính bản thân họ cũng nhận ra, xin lỗi Đảng, xin lỗi Tổng bí thư và hứa hẹn thế này, thế khác", ông Trọng nhấn mạnh. Gần đây người dân có dịp cười giễu trước hiện tượng nhiều quan chức tham nhũng khi ra trước vành móng ngựa đều khóc như cha chết, kêu van ông Trọng bỏ chút thời giờ dòm xuống cái tòa án đang xử rồi năn nỉ ỉ ôi rằng suốt cuộc đời chúng đi theo cách mạng rất trung thành và không hề có ý phản bội lại đảng, trong lúc ông đảng trưởng lại rất "nghẹn ngào" khi quyết định xử các "đồng chí đồng đội" của đảng ! 

Như vậy, cái gốc của vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam là do quyền lực không bị kiểm soát của Đảng cộng sản Việt Nam làm cho cán bộ đảng viên dễ bị tha hóa, rồi sau khi vi phạm pháp luật lại được đảng bao che, giơ cao đánh khẽ theo cái "lý luận về phòng, chống tham nhũng" của đảng, khiến cho mọi ý đồ diệt trừ tham nhũng đều chỉ mua vui cho dân chúng được vài trống canh.

Ông Trọng đã cố tạo dấu ấn cho thời gian cầm quyền của mình bằng việc lập ra cái "lò" đốt tham nhũng, bắt chước công cuộc "đả hổ diệt ruồi" của ông Tập Cận Bình bên Tàu. Ông đã nhiều lần đòi hỏi các đảng viên của ông phải "tu dưỡng đạo đức", "học tập và làm theo tấm gương…" nhưng lò của ông càng đốt thì củi to củi nhỏ sinh sôi càng nhiều ; càng học tập tu dưỡng thì tham nhũng càng phát triển như nấm sau mưa, quy mô của tham nhũng càng phình ra, lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi vụ.

Gần đây ông lại có "sáng kiến" thành lập các ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh thành, do các ông bí thư đảng ở đó phụ trách – một trò mèo mà ai cũng thấy là vô ích, vô nghĩa. Làm thế nào mà ban phòng chống tham nhũng của tỉnh có thể phát hiện và xử lý tham nhũng khi chính các quan đầu tỉnh, cầm đầu cái ban đó lại là những ông bà trùm tham nhũng ?

Tham nhũng đã là một hệ thống từ trên xuống dưới, không phải là "một vài cành cây sâu mọt" mà là cả thân cây, từ rễ đến ngọn. Muốn diệt trừ nó không khó, nhưng cần phải đào cả gốc, diệt cả rễ chứ không chỉ cắt cành. Khi cái gốc cây vẫn còn thì cắt cành này nó sẽ nảy ra cành khác, có khi còn sâu mọt hơn.

Chừng nào ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng mới nhận ra rằng để diệt trừ tham nhũng thì phải "đào tận gốc, trốc tận rễ" cái thể chế đảng trị cực quyền, xây dựng dân chủ để người dân thường có quyền cử ra người đại diện cho họ vào bộ máy cai trị, để các nhánh quyền lực kiểm soát lẫn nhau, để báo chí tự do thực hiện quyền giám sát của người dân đối với việc quản trị đất nước ? Bị nhồi sọ trong cái hệ tư tưởng Mác-Lênin lạc hậu và phản động, chắc chắn ông ta và đảng của ông sẽ không bao giờ nhận thức được chân lý của thời đại để thay đổi. 

Hiếu Chân

Nguồn : SaigonnhoNews, 23/06/2022

**********************

Đồng Nai… rúng động

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 22/06/2022

Ngày 21/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Quách Văn Đức, nguyên Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty Tín Nghĩa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.

cui4

Tin ông Quách Văn Đức bị bắt được đánh giá là đang làm rúng động cả bộ máy chính trị ở tỉnh Đồng Nai.

Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân nhân tỉnh Đồng Nai phê chuẩn. Ngay sau khi công bố các quyết định, cơ quan chức năng đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở đối với ông Quách Văn Đức.

Theo điều tra của Cơ quan Công an, việc khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Đức có liên quan đến sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh. Dự án này có diện tích khoảng 500 ha tại 2 xã Long Tân, Phú Thạnh huyện Nhơn Trạch do Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư.

Vào năm 2010, một kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết đang có nhiều sai phạm đất đai xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch. Cụ thể, tháng 11/2007, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định giao đất khoảng 500 ha, mặt tiền đường 25B, thuộc huyện Nhơn Trạch cho Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch để triển khai dự án Khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh, hiện đã đổi tên thành Đông Sài Gòn New City, mà không thông qua đấu giá.

Mặt khác, khi thu tiền sử dụng đất, UBND tỉnh Đồng Nai không căn cứ vào khảo sát giá thực tế của UBND huyện Nhơn Trạch là từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/m2, mà chỉ áp mức giá theo bảng đơn giá các loại đất năm 2007 do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành là 800.000 đồng m2, sau đó nâng lên 900.000 đồng/m2.

Theo Thanh tra chính phủ, việc Đồng Nai không tiến hành các bước theo trình tự, thủ tục để xác định giá đất là không đảm bảo quy định, làm nhà nước thất thu số tiền gần 160 tỉ đồng tại dự án Khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh do Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư.

Một nguồn tin cho biết sau ngần ấy năm trời kể từ cảnh báo của Thanh tra chính phủ, vì mọi chuyện chìm trong quên lãng nên dự án khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh, nay đã được sang nhượng cho một nhà đầu tư nước ngoài.

Có giải thích vì sao ngần ấy năm trời, giờ mới bắt đầu ‘xới lại’, đó là Tổng Công ty Tín Nghĩa – một doanh nghiệp kinh tài của Tỉnh ủy Đồng Nai, là 1 trong 3 tổng công ty lớn ở Đồng Nai với doanh thu hằng năm trên 10.000 tỷ đồng.

Tiền thân của Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa là Công ty dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Đồng Nai (Proseco), được thành lập từ năm 1989. Năm 2010, Tỉnh ủy Đồng Nai chuyển đổi công ty sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Đến năm 2016, Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa được cổ phần hóa, trong đó Nhà nước nắm giữ 50% vốn, 50% vốn còn lại do các cổ đông khác nắm giữ.

Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa có 11 công ty con, 2 đơn vị trực thuộc và 5 công ty liên doanh liên kết ; lĩnh vực kinh doanh chính gồm : Hạ tầng khu công nghiệp ; xăng dầu ; chế biến và xuất, nhập khẩu nông sản ; dịch vụ kho, cảng, logistics ; xây dựng và kinh doanh địa ốc ; dịch vụ thương mại.

Tín Nghĩa được bình chọn Top 500 doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam với hoạt động sản xuất kinh doanh : đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, kinh doanh xăng dầu, nhớt, khí đốt ; kinh doanh dịch vụ kho, cảng.

Ông Quách Văn Đức được nhiều người biết đến vì có thâm niên điều hành và phát triển Tổng công ty Tín Nghĩa hàng chục năm qua.

Tháng 10/1990, ông Quách Văn Đức được Tỉnh ủy Đồng Nai bổ nhiệm làm phó trưởng Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy, kiêm giám đốc Proseco. Ông Đức cũng nhiều năm được Tỉnh ủy Đồng Nai giao giữ chức vụ tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị để phát triển mở rộng Tổng công ty Tín Nghĩa khi được phép cổ phần hóa vào năm 2016.

Năm 2019, ông Đức thôi chức danh chủ tịch hội đồng quản trị. Đến năm 2020, ông Đức thôi chức danh tổng giám đốc, nghỉ hưu và điều trị bệnh cho đến khi bị bắt tạm giam…

Liên quan chuyện hậu trường "cung đình Đồng Nai", một nguồn tin khả tín cho hay là bà Phan Thị Mỹ Thanh, cựu Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cựu Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa 14, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 – 2018, sau khi bị Đảng kỷ luật, bà đã chọn Úc là nơi "vui thú điền viên".

Trong vụ bắt ông Quách Văn Đức, không ít đồn đoán là đã sảy con cá lớn Phan Thị Mỹ Thanh.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 22/06/2022