Quả trứng hay con gà ? (Duy Quang)
“Hành động” quan trọng nhất và cần thiết nhất trong lúc này đối với trí thức và người dân Việt Nam là cùng tìm hiểu và chia sẻ với nhau một đồng thuận dân tộc dựa trên một dự án chính trị, tức là một giải pháp thay thế toàn diện cho Việt Nam. Sau đó cùng lên tiếng ủng hộ hoặc kết hợp với nhau trong một tổ chức chính trị đứng đắn để khi thời cơ đến chúng ta không lỡ hẹn với lịch sử thêm một lần nữa.
Quả trứng có trước hay con gà có trước là một câu hỏi từng gây tranh cãi và tốn không ít giấy mực trong lịch sử triết học. Cho đến hiện tại nó vẫn là chủ đề rất khó để có thể phân định một cách rạch ròi.
Vấn đề quả trứng, con gà không chỉ dừng lại ở bản thân sự vật là trứng và gà mà nó còn có thể suy luận và mở rộng ra cho nhiều vấn đề xã hội khác.
Dù bản thân không mấy quan tâm những điều Marx viết cũng như tư tưởng chủ nghĩa cộng sản của ông ta vì nó đã chứng minh sai lầm trong thực tiễn, ví dụ chủ trương “tiêu diệt giai cấp tư sản”, “chuyên chính vô sản” hay đề cao “bạo lực cách mạng”...nhưng một số luận điểm của ông ta không phải là vô giá trị. Có một luận điểm tôi rất ủng hộ đó là: những tích lũy về lượng đến một thời điểm sẽ dẫn tới sự thay đổi về chất. Luận điểm này có thể giải thích cho cả hai phía ủng hộ quả trứng hoặc con gà.
Một vấn đề liên quan gây tranh cãi trong giới bất đồng chính kiến là Dân chủ và Dân trí, Bạo động và Bất bạo động.
>
Phan Châu Trinh là một nhà cách mạng đã đi trước thời đại mình. Trí thức Việt Nam nên học tập cụ bằng cách cố gắng vượt lên chính mình và thời đại mình như cụ đã từng vượt lên chính thời đại của cụ.
Phan Châu Trinh - một trí thức nổi bật của Việt Nam trước đây đã để lại một câu nói nổi tiếng, thể hiện con đường mà ông muốn trí thức Việt Nam phải đi để đất nước được phát triển: Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh. Tư tưởng của ông trong thời đại của ông được rất ít trí thức chia sẻ và ủng hộ vì còn Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản với chủ trương dùng bạo lực giành độc lập. Chủ trương dùng bạo lực cướp chính quyền rất phù hợp với văn hóa Khổng giáo nên đã thu hút được mọi sự chú ý và ủng hộ của trí thức Việt Nam.
Phan Châu Trinh thất bại vì đi trước thời đại. Phan Bội Châu thất bại vì không nhận được sự ủng hộ của Nhật. Hồ Chí Minh đã thành công vì được Liên Xô và phong trào cộng sản quốc tế tận tình giúp đỡ về mọi mặt, từ tư tưởng, sách lược đến vật chất.
Tuy nhiên thời gian đã chứng minh: bạo lực và đập phá là kẻ thù của dân chủ, nó không phải là một giải pháp cho đất nước. Đảng cộng sản dù độc quyền lãnh đạo đất nước suốt 76 năm qua nhưng đã thất bại trong mọi lĩnh vực.
Chủ trương "bất bạo động" của Phan Châu Trinh hiện nay đã được đa số giới bất đồng chính kiến Việt Nam thừa nhận. Nhiều người xem việc "khai dân trí" là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất để đấu tranh giành tự do và dân chủ cho Việt Nam.
Tuy nhiên, tư duy máy móc rập khuôn theo lời người xưa, cho rằng việc khai trí cho người dân mới là tất cả đã thể hiện sự bất lực và bế tắc của phong trào dân chủ Việt Nam. Một thực tế buồn là một bên cứ cố gắng khai trí, một bên người dân vẫn hiền lành ngoan ngoãn như những chú cừu chờ ngày lên bàn mổ.
Cũng giống như mệnh đề quả trứng với con gà, để có được dân chủ không thực sự cái nào phải có trước cái nào cả. Không nhất thiết phải có dân trí cao thì mới có dân chủ. Dân chủ chỉ có được khi có một tổ chức đối lập đủ mạnh, được xây dựng bằng một quá trình, có tư tưởng, có đội ngũ và có sự thử thách cộng với một cơ hội thích hợp thì mới thành công và chỉ khi đất nước có dân chủ thì hạt giống dân chủ mới nảy mầm, sinh sôi và nảy nở.
Năm 1945, Đảng cộng sản đã cướp được chính quyền vì họ là tổ chức duy nhất có tổ chức và tư tưởng chính trị dù sai lầm. Cơ hội và điều kiện thuận lợi để Đảng cộng sản thành công là sự tan rã của đế quốc Nhật, bị bại trận trong thế chiến Hai, nên không còn duy trì được sự ảnh hưởng tại các quốc gia thuộc địa. Một khoảng trống quyền lực đã xuất hiện tại Việt Nam khi Nhật đầu hàng đồng minh. Đảng cộng sản chớp được cơ hội vì họ đã có sự chuẩn bị từ trước.
Năm 1991, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, làn sóng dân chủ thứ Ba từ các nước Đông Âu tràn dâng khắp thế giới, trong đó có Việt Nam nhưng vì chưa có tổ chức chính trị nào tại Việt Nam có tầm vóc và sự chuẩn bị để nhận lãnh trách nhiệm lịch sử nên dù hoang mang, bế tắc nhưng cuối cùng Đảng cộng sản vẫn có thể ổn định tình hình và tiếp tục cai trị đất nước cho đến ngày hôm nay.
Thực tế tại Việt Nam hôm nay là không mấy người dân tin vào sự tài tình, sáng suốt của Đảng cộng sản nhưng nó vẫn cứ tồn tại như một thách đố vì các nhân sĩ vẫn một mực đi theo con đường “khai dân trí” mà không chịu kết hợp để hình thành các tổ chức chính trị dân chủ thật sự, bằng cách xây dựng một nền tảng tư tưởng chính trị cho tổ chức mình.
“Hành động” quan trọng nhất và cần thiết nhất trong lúc này đối với trí thức và người dân Việt Nam là cùng tìm hiểu và chia sẻ với nhau một đồng thuận dân tộc dựa trên một dự án chính trị, tức là một giải pháp thay thế toàn diện cho Việt Nam. Sau đó cùng lên tiếng ủng hộ hoặc kết hợp với nhau trong một tổ chức chính trị đứng đắn để khi thời cơ đến chúng ta không lỡ hẹn với lịch sử thêm một lần nữa.
Đừng quên rằng, một tổ chức chính trị nếu hình thành vội vã, thiếu tư tưởng chính trị, thiếu đội ngũ cán bộ nòng cốt...một kết hợp tạm bợ trên những mục tiêu cụ thể nào đó, sẽ sớm tan vỡ và không đi được đến đâu.
Duy Quang
(22/6/2021)