Thù ghét người Châu Á : Tại sao cộng đồng người Việt tại Mỹ im lặng ?

Việt-Trump, tâm lý mâu thuẫn và xung đột

Nhã Duy, 27/03/2021

Nếu những cuộc tuần hành ủng hộ Donald Trump từng cờ xí ồn ào và liên tục trước kia trong cộng đồng người Việt tại Mỹ thì ngoài một nhóm nhỏ các cá nhân và tổ chức cấp tiến người Việt, hầu như các tổ chức cộng đồng đều im bặt hay gượng gạo lên tiếng trước nạn tấn công vào người gốc Châu Á hiện nay.

asianhate1

Nguyễn Thanh Việt, nhà văn người Mỹ gốc Việt đoạt giải Pulitzer, cho biết : "Chuyện bài người gốc Á ở Mỹ không có gì mới. Lịch sử chống người gốc Á bằng bạo lực ở Mỹ sẽ còn kéo dài chừng nào người châu Á vẫn tiếp tục nhập cư vào đất nước này"

Các bản tin về các cuộc tuần hành hay thắp nến bày tỏ thái độ chống lại nạn kỳ thị và bạo lực nhắm vào người gốc Á, trong đó người Việt cũng là nạn nhân cho thấy chỉ có một số nhỏ người gốc Việt tham gia. Nếu những cá nhân, cơ quan truyền thông Việt từng ủng hộ Trump cuồng nhiệt, liên tục đăng hình ảnh, tin tức ủng hộ Trump trước kia thì hiện nay có vẻ né tránh sự việc này, một phần vì công luận cho rằng Trump là nguyên nhân. Cộng đồng Việt-Trump dường như luôn đứng bên lề, hay đúng hơn là luôn đi ngược lại với xã hội Mỹ mà họ đang sống.

Cộng đồng người Việt-Trump tại Hoa Kỳ vốn là một cộng đồng tự mâu thuẫn trong nhiều vấn đề. Là những người di dân, họ chống đối người di dân. Là người thiểu số, họ kỳ thị các sắc dân thiểu số khác. Là người phụ thuộc vào các chính sách dân sinh lâu đời của đảng Dân Chủ, họ chống đối đảng Dân chủ. Là sắc dân nghèo, họ ủng hộ các chính sách dành cho người giàu. Là nhóm bị kỳ thị, họ ủng hộ những nhóm kỳ thị. Nhóm nhỏ có học vấn và thành đạt hơn thì ích kỷ, không muốn san sẻ những gì họ từng được giúp đỡ trước đây để có được hôm nay. Có thể kể thêm vô số điều khác nếu cần phải kể thêm.

Đó là lý do trong khi các cộng đồng thiểu số, kể cả người Mỹ bản xứ đã phản đối và truất phế Donald Trump, cũng như tỉ lệ người dân đồng thuận với tổng thống Joe Biden tăng cao thì trong cộng đồng Việt, nhiều người vẫn còn đang hoang tưởng về Trump và tiếp tục phản đối vô cớ tổng thống Joe Biden cùng hệ thống chính trị và an sinh xã hội nước Mỹ, dù chỉ là những lời lẽ bất nhã hay dăm câu chuyện tiểu tiết trên mạng xã hội.

Hãy thử phân tích hiện tượng này qua những xung đột tâm lý của nhóm người Việt này với ba yếu tố mâu thuẫn và xung đột nội tại, cộng đồng và vô thức ra sao.

Xung đột nội tại xảy ra khi sống và thừa hưởng tất cả quyền công dân và quyền lợi trên đất nước Hoa Kỳ này nhưng trong vài thập niên qua, những người Việt-Trump này xem như không thuộc về nó, không quan tâm mà chỉ chú ý, hô hào vô vọng ở bề nổi cho các vấn đề không thuộc về đất nước này. Nước Mỹ với họ chỉ là con bò sữa để lạm dụng mọi quyền lợi cùng các phúc lợi xã hội có thể, để tìm kiếm cơ hội thăng tiến cá nhân và gia đình. Người tha hương thường có xu hướng nhớ về quê hương nhưng với Việt-Trump, họ quên đi đất nước này mới chính là quê hương của con cháu cùng các thế hệ kế tiếp chứ không phải nhằm thỏa mãn cảm xúc cá nhân bộc phát của riêng mình, chỉ quan tâm đến Donald Trump từ khi ông ta bất ngờ trở thành tổng thống.

Xung đột cộng đồng, tức với người khác là điều dễ nhìn nhận. Nhút nhát, sợ hãi với kẻ mạnh nhưng lại hung dữ, cao ngạo với người thua mình, một đặc tính tâm lý khó có thể giúp nhóm người Việt-Trump thật sự hòa nhập vào đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc này. Họ kỳ thị chính với cộng đồng mình khi phân biệt vùng miền, gốc gác, đến Mỹ bao lâu, thuộc diện nào. Các vụ tranh chấp, tấn công hay kiện tụng đã xảy ra khá nhiều giữa các tổ chức cộng đồng tại hầu hết các thành phố nào có người Việt sinh sống. Trong bốn năm qua, nhóm người Việt này đã chia rẽ và tấn công chính con cái, thân nhân, bạn hữu của mình chỉ vì sự ủng hộ cuồng nhiệt Donald Trump thì liệu có ai khác họ có thể chung sống ? Nhiều người đi xa hơn khi công khai sỉ nhục các cộng đồng bạn và những lãnh đạo da màu khác, tấn công vào giới trẻ khác chính kiến trong chính cộng đồng mình và ủng hộ các nhóm thượng tôn sắc tộc. Đó là điều gây rủi ro chung cho cả cộng đồng gốc Việt.

Và cuối cùng là xung đột vô thức, điều xảy ra khi các yếu tố về nhận thức, tri thức bị loại trừ. Bị xem là nhóm di dân sống quần tụ (communitarianism) nên có sự hạn chế về ngôn ngữ và văn hóa bản xứ, họ dễ tin vào các thông tin được nhào nặn có ý đồ và phù hợp với ý họ hơn là sự thật. Niềm tin vô thức thiếu tính lý trí và nhận thức dễ đưa nhóm này vào các suy nghĩ và hành động phản xã hội mà chính họ không nhận ra. Tất nhiên vẫn có một nhóm nhỏ những người mê Trump có học vấn và am hiểu ngôn ngữ thì điều này càng đáng tiếc hơn. Bởi họ đã phản bội lại nền giáo dục khai phóng, đề cao các giá trị dân chủ và con người mà họ từng theo học nhưng không thụ đắc. Bằng cấp cuối cùng chỉ còn là tay nghề chứ không phải nhân cách lẫn tư cách cần có.

Nhưng dẫu thuộc nhóm nào, sự tham lam, ích kỷ là một trong những đặc tính lớn và nguy hiểm nhất của không ít người Việt, làm suy thoái xã hội từ trong ra đến nước ngoài nói chung. Đến được Mỹ vào những thời gian kinh tế phát đạt và những chính sách an sinh dễ dàng đã được chính phủ hào phóng giúp đỡ, cũng như may mắn được thừa hưởng những điều mà các cộng đồng khác đã tranh đấu trước kia, nhóm này dường như không có những ý niệm và kiến thức lịch sử cùng tấm lòng để có thể có tâm tình cảm tạ và sống bao dung, giúp đỡ lại người khác và những người đến sau mình. Nước Mỹ chưa bao giờ mở tung biên giới dưới bất cứ nhiệm kỳ tổng thống nào như cáo buộc, các chính sách chỉ thể hiện sự nhân đạo khác nhau mà thôi.

Mặt khác, lấy sự thành công cá nhân của một nhóm người Việt cần mẫn và có trách nhiệm với đất nước này, cũng như sự thăng tiến của thế hệ trẻ để xem như thành công của mình nên nhóm Việt-Trump này tỏ ra cao ngạo và hãnh tiến về chuyện "vẻ vang dân Việt", dù thực chất là một cộng đồng có quá nhiều điều tiêu cực và yếu kém cần phải thay đổi.

Muốn phát triển và thăng tiến cộng đồng thì không chỉ thôi ảo tưởng về những điều không có thật mà cho dù khó khăn hay khó nói hơn, cộng đồng Việt cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về sự yếu kém của mình với hiện tượng cuồng mê Donald Trump đã phô bày trọn vẹn. Đó là bước đầu tiên để có thể trở thành một cộng đồng có trách nhiệm trên xứ người trước khi có thể đi xa hơn.

Nhã Duy

(27/03/2021)

********************

Lá cờ vàng ở đâu trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ?

Jackhammer Nguyễn, Tiếng Dân, 21/03/2021

Không hề thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện trong các buổi biểu tình chống kỳ thị người Châu Á diễn ra trên khắp nước Mỹ trong tuần qua, sau vụ thảm sát ở Thành phố Atlanta, bang Georgia. Tôi theo dõi màn ảnh nhỏ, mạng xã hội, các kênh lớn của truyền thông Mỹ mà không thấy. Ngay cả ở những nơi tập trung đông đúc người Việt Nam như Houston (Texas), Quận Cam (California) cũng không thấy.

asian1

Không hề thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện trong các buổi biểu tình chống kỳ thị người Châu Á diễn ra trên khắp nước Mỹ trong tuần qua

Trên trang báo tiếng Việt lớn nhất ở hải ngoại là báo Người Việt, có đến hai bài, một bài nói về cuộc biểu tình do một số vị dân cử người Việt tổ chức tại khu Little Sài Gòn, Nam California, bài khác nói về một cuộc đi bộ phản đối kỳ thị chủng tộc chống người Châu Á, trong các hình ảnh ghi nhận được cũng không thấy lá cờ vàng.

Trong khi đó, lá cờ này lại xuất hiện rất nhiều trong các cuộc biểu tình ủng hộ cựu tổng thống Trump, và đặc biệt là trong cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ.

Điều gì đang xảy ra ?

Lá cờ vàng ba sọc đỏ, đại diện cho cộng đồng tị nạn của người Việt ở Mỹ sau năm 1975. Nó thường xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống chế độ cộng sản trong nước, nhất là vào ngày tưởng niệm 30/4, là ngày Sài Gòn sụp đổ.

Hình ảnh lá cờ vàng hầu như đồng nhất với người Việt, tại các khu người Việt cư trú đông đúc, từ những lá cờ lớn treo giữa khu thương mại, cho đến những lá cờ nhỏ treo trong các tiệm ăn, cơ sở thương mại, nhà riêng Nhiều địa phương ở Mỹ đã chấp nhận lá cờ này là đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại địa phương.

Lá cờ vàng của cộng đồng người Việt làm nên điều khác biệt so với các cộng đồng thiểu số khác, vì ta thường ít khi thấy cờ của các cộng đồng này trong các sự kiện có tính công cộng, so với người Việt với rất nhiều cờ vàng.

Bốn năm cầm quyền của Donald Trump có lẽ ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến số phận lá cờ này. Nó đã trở thành một biểu tượng hầu như riêng biệt của những người Việt Nam ủng hộ ông Trump.

Tại các cuộc biểu tình ủng hộ tổng thống Biden, trước ngày bầu cử 3/11/2020, hay sau đó vào dịp ông đăng quang tuyên thệ tổng thống, cũng có lá cờ vàng, nhưng ít hơn rất nhiều, thường là kèm trong các biểu ngữ.

Quan sát các buổi lễ chống cộng sản, các cuộc biểu tình ủng hộ Trump, khi lá cờ vàng xuất hiện nhiều, thì những người tham gia, đa số là những người lớn tuổi, thường đã về hưu.

Các cuộc biểu tình ủng hộ ông Biden của người Việt, có nhiều người trẻ tuổi hơn, cũng như trong các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc, những người Mỹ gốc Việt, đa số là thế hệ 1,5 hoặc thế hệ thứ 2, sinh ra và lớn lên ở Mỹ.

Trong một bài phóng sự của kênh NBC về sự tham gia của cộng đồng gốc Á Châu ở Georgia trong cuộc bầu cử vừa qua, một nhà hoạt động dân sự người Việt nói rằng, những nơi người Việt ủng hộ cựu tổng thống Trump, người ta nghe thấy người nói tiếng Việt rất trôi chảy và tiếng Anh rất tệ. Tại các cuộc biểu tình ủng hộ ông Biden của người Việt, lại là điều ngược lại.

Như vậy, phải chăng lá cờ vàng của Việt Nam Cộng hòa ngày xưa đang mất chỗ đứng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, từ đây trở đi ? Thế hệ trẻ tuổi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, và thế hệ di dân mới sẽ không còn xem lá cờ đó là đại diện cho mình nữa, một khi họ tham gia vào dòng chính của xã hội Mỹ ?

Hoặc có thể đi đến một nhận định khác, là những người hay biểu tình chống cộng sản trong nước, ủng hộ tổng thống Trump tại Mỹ, không cảm thấy họ cần biểu tình để phản đối sự phân biệt chủng tộc chống người Châu Á, tức là phản đối những người chống lại chính họ ?

Một trong những nạn nhân người Việt trong làn sóng kỳ thị chủng tộc vừa qua lại là một người lớn tuổi, cụ Ngọc Phạm ở San Francisco, là người bị chế độ cộng sản bỏ tù cải tạo đến 17 năm, theo thông tin từ trang Meaww.

asian0

Sau bốn năm cầm quyền của Donald Trump, lá cờ vàng có lẽ đã trở thành một biểu tượng hầu như riêng biệt của những người Việt Nam ủng hộ ông Trump.

Sau vụ bạo loạn ngày 6/1, hình ảnh lá cờ vàng xuất hiện ở điện Capitol gây sửng sốt cho truyền thông dòng chính của Mỹ, và có nhiều bài viết liên quan đến lá cờ đó, vì nó thoát ra khỏi khuôn khổ cộng đồng để đi đến 1 sự kiện mang tầm vóc quốc gia và thế giới.

Giáo sư Tuấn Hoàng, là một giáo sư gốc Việt, dạy tại đại học Pepperdine, có một bài phân tích về chuyện này, trong đó ông có nói tới việc lá cờ được nhiều người Việt thuộc các thế hệ trẻ xem là di sản, căn cước của họ.

Thế tại sao nó lại không xuất hiện trong các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc chống người Châu Á vừa qua ?

Nếu như trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc của người da đen bùng nổ vào tháng 6/2020 không thấy lá cờ đó, là một điều hoàn toàn dễ hiểu, vì sự việc khá xa với cộng đồng người Việt, nhưng các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc của người Châu Á, lại là sự việc có liên quan trực tiếp đến người Việt.

Nếu như nhận xét của ông Tuan Hoang là đúng, thì trách nhiệm không vinh danh lá cờ đó thuộc về những người Việt trẻ tuổi tham gia các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, họ đã để cho lá cờ đó bị nhóm lớn tuổi, ủng hộ Trump, ủng hộ những cuộc tấn công vào nền dân chủ của ông ta, giành lấy như của riêng.

Nhưng như vậy có phải là họ không có một nhu cầu mang lá cờ đó vào dòng chính của chính trị xã hội Mỹ ?

Những người Mỹ gốc Việt nói chung và người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi nói riêng, nên suy nghĩ về vấn đề này.

Sau cuộc bạo loạn ngày 6/1, nhà văn người Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh Việt có bài viết trên báo Washington Post, nói rằng lá cờ vàng, cũng như lá cờ Confederate của miền Nam nước Mỹ trước kia, là đại diện cho những lý tưởng đã mất (the lost cause). Nếu ông nói đúng thì quả là điều đáng buồn.

Jackhammer Nguyễn

Nguồn : Tiếng Dân, 21/03/2021