Tôi luyện linh hồn

Khi cựu Phó tổng thống Joe Biden tuyên bố ra tranh cử tổng thống, tôi thấy "lo" cho ông. Tuổi cao sức yếu, đã cà lăm lại hay vấp váp trong lời ăn tiếng nói, làm sao ông có thể "chạy kịp" các đối thủ trẻ và bén nhạy trong Đảng Dân Chủ và nhứt là đối đầu với một cao thủ sừng sỏ như đương kim Tổng thống Donald Trump. Vậy mà cuối cùng, "cụ già" Joe Biden đã chiến thắng. Theo các nhà phân tách, một trong những khí giới đã mang lại chiến thắng cho ông chính là sự đồng cảm mà ông đã tôi luyện được trong suốt cuộc đời của ông.

forging1

Trong thông điệp nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, bất chấp những cảnh cáo của các chuyên gia y tế về sự lây lan và mối nguy hiểm chết người của đại dịch Covid-19, Tổng thống Trump vẫn cứ thúc đẫy mọi người hãy tha hồ đi lại, tập trung để gặp gỡ, vui chơi và "cầu nguyện". Tổng thống tân cử Biden thì trái lại đã kêu gọi hãy thực thi sự đồng cảm bằng cách giới hạn sự tập trung, mang khẩu trang và tuân thủ việc giãn cách xã hội. 

Dạo cuối tháng Mười vừa qua, tại sinh quán của ông là Thành phố Wilmington, Tiểu bang Delaware, khi đề cập đến cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, ứng cử viên Biden đã nói : "Trái tim tôi hướng về từng người đang phải trải qua cơn hấp hối khi phải dùng một băng hình để nói lời từ biệt với những thân yêu của họ, khi không được qui tụ  bạn bè và ngay cả người thân trong gia đình để thương khóc trong một thánh lễ hay nghi thức an táng". Tôi chưa từng nghe được một lời như thế từ miệng của Tổng thống Trump !

Trong cuộc vận động, cựu Phó tổng thống Biden luôn muốn nhắn gởi một thông điệp hoàn toàn ngược lại với lời kêu gọi của Tổng thống Trump. Trong khi ông Trump bảo dân chúng Mỹ đừng để cho siêu vi Covid-19 "thống trị" mình và "đừng sợ" nó thì ứng cử viên Biden lúc nào cũng khuyến khích dân chúng mang khẩu trang, tuân giữ việc giãn cách xã hội và nhứt là ông không ngại chia sẻ niềm đau nỗi buồn với mọi người.

Cựu Phó tổng thống Biden luôn sẵn sàng bày tỏ sự đồng cảm với mọi người bởi vì hơn ai hết, ông hiểu thế nào là nỗi đau mất vợ, mất con. Những thảm kịch xảy ra trong gia đình đã ít nhứt hai lần khiến ông muốn từ bỏ sự nghiệp chính trị.

Bi kịch đầu tiên xảy ra cho ông vào mùa đông năm 1972. Năm đó, dù chỉ mới 29 tuổi, ông đã quyết định ra tranh cử  vào chức vụ thượng nghị sĩ liên bang đại diện cho Tiểu bang Delaware. Ban   vận động tranh cử gồm hầu hết là người thân trong gia đình, tài chánh lại eo hẹp, vậy mà cuối cùng người thanh niên chưa tròn 30 tuổi này đã đánh bại một đối thủ đã từng là một thượng nghị sĩ kỳ cựu của tiểu bang. Tuy nhiên, chỉ vài tuần lễ sau đó, thượng nghị sĩ tân cử của Tiểu bang Delaware phải trải qua một thảm kịch làm thay đổi hoàn toàn con người của ông. Người vợ trẻ của ông, bà Neilia và đứa con gái một tuổi tên là Naomi của ông đã qua đời trong một tai nạn giao thông. Hai cậu con trai Beau và Hunter bị thương nặng.

Thượng nghị sĩ tân cử Biden định từ chức. Nhưng nhiều người đã khuyên ông nên đảm nhận chức vụ đã được người dân Tiểu bang Delaware trao cho ông. Thượng nghị sĩ Biden đã tuyên thệ nhậm chức ngay trong bệnh viện nơi hai cậu con trai nhỏ của ông đang được điểu trị. Kể từ đó, tân thượng nghị sĩ đã đi đi về về trên các phương tiện di chuyển công cộng giữa Wilmington và thủ đô Washington. Bà Valerie, chị gái của ông, đã dời về gia đình ông để chăm sóc cho 2 đứa con trai nhỏ của ông. Bà Valerie ở lại trong gia đình Biden cho đến năm 1977 khi ông tái hôn với bà Jill Jacobs. Hai người đã có với nhau một người con gái là cô Ashley.

Lần thứ hai ông Biden muốn rời bỏ chính trường là năm 2015. Năm đó, với tư cách là phó tổng thống, ông Biden đã cùng với Tổng thống Barack Obama vận động để thông qua dự luật bảo hiểm y tế thường được gọi là Obamacare. Luật này giúp cho hàng triệu gia đình người Mỹ có thu nhập thấp có được bảo hiểm y tế. Trong khi ông nỗ lực đễ bảo đảm cho người nghèo hưởng được sự chăm sóc y tế thì người con trai trưởng của ông là ông Beau Biden qua đời vì ung thư não. Định ra tranh cử tổng thống năm 2016, nhưng ông Biden đã quyết định dành nhiều thời giờ hơn cho gia đình của ông.

Lần này, khi ra tranh cử ông Biden đã được các đảng viên Dân chủ chọn để đối đầu với Tổng thống Trump. Theo ông Mitchell S. McKinney, giáo sư chuyên về những cuộc tranh luận trong các cuộc bầu cử tổng thống thuộc Đại học  Missouri, sự kiện các đảng viên Dân chủ chọn ông Biden thay vì một ứng cử viên trẻ hơn, không đáng gây ngạc nhiên, bởi vì theo giáo sư này, đây là người mà Hoa Kỳ đang cần đến trong thời điểm này. Giáo sư McKinney nhận định rằng ông Biden là một chính trị gia biết "đồng cảm". Đây là một thái độ hoàn toàn trái ngược với đương kim Tổng thống Trump (1).

Thực thi và đề cao sự đồng cảm, Tổng thống tân cử Biden đã làm nổi bật một cung cách lãnh đạo cần thiết hơn bao giờ hết trong thời đại này. Hiểu một cách đơn giản, người đồng cảm là người luôn biết tỏ ra ân cần, quan tâm đến người khác. Xét cho cùng, người đồng cảm là người biết sống tử tế.

Cựu tổng thống Obama vừa cho trình làng quyển hồi ký có tựa đề "Đất Hứa" (Promised Land). Chỉ trong ngày đầu tiên, quyển sách đã bán được gần một triệu ấn bản. Trong mục điểm sách của báo The New York Times, nhà văn Chimamanda Ngozi đã gọi tổng thống Obama là "một người tử tế vượt bực". Trong thời gian gần đây, Tổng thống tân cử Biden cũng rất thường được mô tả như một người tử tế. Báo The Washington Post ghi nhận rằng ông Biden đã và đang thể hiện sự tử tế. Báo USA Today cho rằng "dân chủ và sự tử tế đã thắng cuộc bầu cử". Riêng  Evan Osnos, người viết tiểu sự của ông Biden  khẳng định rằng ông Biden cống hiến "sự tử tế cho thời đại nhiễu nhương". Về phần mình, chính ông Biden cũng lấy sự tử tế làm linh hồn của chiến dịch vận động bầu cử của ông. Ông thường nói : "Đây là cuộc bầu cử về nhân cách và sự tử tế". Cố tổng thống Theodore Roovevelt (1858-1919) cũng đã từng nhấn mạnh đến điều đó. Ông nói : "Chính trị thực tiễn nhứt là chính trị của sự tử tế" (2).

Chính vì muốn đề cao sự tử tế mà để đối lại khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" (Make America Great Again) của Tổng thống Trump, ông Biden đã chọn khẩu hiệu "Chiến đấu cho Linh hồn của Dân tộc" (Battle for the Soul of the Nation). Thật ra đây không phải là khẩu hiệu riêng của Tổng thống tân cử Biden. Trước khi ông và Thượng nghị sĩ Kamala Harris liên kết lại trong cùng một liên danh, cả hai người đều đã sử dụng khẩu hiệu này để nói lên tầm quan trọng phải bằng mọi giá đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử 2020 (3).

"Linh hồn của dân tộc" như ông Biden và bà Harris hiểu chính là những giá trị nhân bản làm nên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, trong đó nổi bật nhứt là đức độ, sự đồng cảm và tử tế.

Trong thông điệp nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, Tổng thống tân cử đã kêu gọi mọi người hãy hướng đến Gulph Mills, tiểu bang Pennsylvania. Đây là nơi mà trước khi trở thành tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tướng George Washington đã từng đóng quân trong cảnh thiếu thốn lương thực, quần áo, nơi trú ẩn. Tại đây vẫn còn một tấm bảng ghi lại hàng chữ : "Lễ Tạ Ơn này, bất chấp những khổ đau, đã cho thấy sự tôn trọng và nhân cách đã tôi luyện linh hồn một dân tộc"(4).

Theo Tổng thống tân cử Biden, những khổ đau mà đất nước Hoa Kỳ đang trải qua hiện nay chính là "cuộc chiến với siêu vi (Covid-19) chứ không phải với nhau". Cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc. Ông chia sẻ : "Với những người đã mất đi người thân, tôi biết đây là thời điểm vô cùng khó khăn trong năm. Hãy tin tôi, tôi hiểu điều này. Tôi còn nhớ cái Lễ Tạ Ơn mất mát đầu tiên của mình. Chiếc ghế trống, sự vắng lặng. Nó như lấy đi hơi thở của mình. Khó mà chú tâm. Khó mà cảm tạ. Khó để nhìn về phía trước. Và thật khó để mà hy vọng. Tôi hiểu. Tôi sẽ nghĩ về quý vị và cầu nguyện cho mỗi người cùng tất cả quý vị ngay trên chiếc bàn Lễ Tạ Ơn của chúng tôi bởi vì chúng tôi đã trải nghiệm như thế".

Cái linh hồn dân tộc mà Tổng thống tân cử Biden kêu gọi tôi luyện, đặc biệt giữa cơn đại dịch hiện nay, chỉ có thể hiểu là sự đồng cảm, tử tế và cảm thông.

Là một tín hữu Kitô, khi nghe nói đến "linh hồn", tôi không thể không liên tưởng đến "phần rỗi linh hồn" mà nhà đạo của tôi thường nói đến. Tôi thường được dạy bảo rằng cùng đích của việc "giữ đạo" là "phần rỗi linh hồn", tức được hưởng phúc Thiên Đàng.

Tôi không biết có phải vì "phần rỗi linh hồn" ấy không mà mới đây tại Tiểu bang New York, sau khi thống đốc của tiểu bang là ông Andrew Cuomo ban hành lệnh hạn chế số người tham dự các buổi thờ phượng trong các giáo đường, nhiều tổ chức tôn giáo đã kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện và Viện này đã đưa ra phán quyết đảo ngược lệnh của thống đốc tiểu bang. Người ta nghĩ gì để tranh đấu cho một quyền tự do thờ phượng như thế khi sự tập trung đông đảo trong những nơi thờ phượng có thể tạo điều kiện cho sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và như thế gây ra cái chết cho không biết bao nhiêu người. Phải chăng tự do tôn giáo có nghĩa là quyền không cần đồng cảm và quan tâm đến người khác ?

Là một người công giáo, tôi thường lắng nghe lời khuyên dạy của vị thủ lãnh tối cao của Giáo hội Công giáo là Giáo hoàng. Mới đây, trong một bài phát biểu được đăng trên báo The New York Times, Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi : "Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, các chính phủ đã rất nỗ lực đặt hạnh phúc của người dân lên hàng đầu, hành động dứt khoát để bảo vệ sức khỏe và cứu sống... Tuy nhiên, một số nhóm đã phản đối, từ chối giữ khoảng cách, tuần hành chống lại các hạn chế đi lại, như thể các biện pháp mà các chính phủ phải áp dụng vì lợi ích của người dân tạo thành một loại tấn công chính trị đối với quyền tự chủ hoặc tự do cá nhân ! Hướng đến lợi ích chung không chỉ là tổng hợp những gì là tốt đẹp cho cá nhân. Nó có nghĩa là quan tâm đến mọi công dân và tìm cách đáp ứng hiệu quả nhu cầu của những người kém may mắn nhứt" (5).

Thật ra, lời dạy trên đây của người được gọi là "Chủ chăn Giáo hội Hoàn vũ" cũng chỉ là cốt lõi của mọi tôn giáo. Tôn giáo nào cũng dạy con người biết đồng cảm, biết tử tế, biết ân cần, biết quan tâm đến người khác.

Trong cuốn phim nổi tiếng "The Sound of Music", khi Maria, người nữ tu trẻ đang bị dằng co giữa con đường tu đức và cuộc sống gia đình thì Mẹ Bề trên đã khuyên : "Khi Thiên chúa đóng cửa chính, thì ở nơi nào đó, Ngài sẽ mở cánh cửa sổ". Vì vậy, nếu nhìn một cách tích cực và rộng thoáng hơn, khi không thể đến nhà thờ để gặp nhau vì đại dịch, thì chúng ta sẽ nhớ đến nhau và hy sinh cho nhau nhiều hơn bao giờ hết.

forging2

Với tôi, "tôi luyện linh hồn" hay lo cho "phần rỗi linh hồn" thiết yếu chính là sống vị tha. Thiên đàng và "phần thưởng đời sau" như thế nào thì chẳng có ai biết hay tưởng tượng được. Nhưng ít ra trong cuộc sống tại thế này, những trải nghiệm thường ngày luôn mang lại cho tôi niềm vui và an bình mỗi khi tôi cố gắng sống vị tha. Tôi khao khát gặp gỡ người đồng đạo ở nơi thờ phượng. Nhưng có lẽ đền thờ cuộc sống hàng ngày của tôi quan trọng hơn. Như thi sĩ Mỹ gốc Lebanon Kahlil Gibran đã nói : "Cuộc sống hàng ngày của bạn là đền thờ và tôn giáo của bạn. Khi bạn đi vào đó, hãy đi vào đó với tất cả con người của bạn". Chính cuộc sống hàng ngày đó là nơi tôi gặp gỡ và sống với tha nhân, là nơi để tôi "tôi luyện linh hồn" của tôi !

Chu Văn

(30/11/2020)

 Chú thích :

1.https://www.dw.com/en/us-election-for-joe-biden-empathy-wins-the-presidency/a-55408733

2.https://www.psychologytoday.com/au/blog/the-romance-work/202011/the-power-decency

3.https://www.msn.com/en-us/news/elections-2020/battle-for-the-soul-of-the-nation-before-they-were-runn

4.https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/19721-toi-luy-n-linh-h-n-m-t-dan-t-c

5.https://vietbao.com/a305913/duc-giao-hoang-giao-dan-hay-tuan-lenh-chinh-quyen-de-chong-dich-ky-su-long-pham-de-trinh-thu-xin-duc-giao-hoang-chi-thi-cho-cac-