Khi ta quý trọng một chế độ - Lê Hữu Khóa

Khi ta quý trọng một chế độ, một thể chế chính trị, thì chế độ đó không những phải xứng đáng với sự quý trọng này mà còn phải xứng đáng với niềm tin của ta gởi gấm cho chế độ ấy trên con đường đi xây dựng hạnh phúc vì dân tộc, đất nước, giống nòi. Chính niềm tin này theo thời gian sẽ nuôi dưỡng sự quý trọng, niềm tin này sẽ tồn tại nếu sự quý trọng có cơ sở, vì cơ sở này sẽ làm nền cho niềm tin, đây chính là nội dung làm nên bề dày và độ bền của sự quý trọng. Bề dày cùng độ bền này sẽ không thay lòng đổi dạ nếu sự quý trọng của ta biết đặt niềm tin vào một hệ thống giá trị. Nơi đây, giá trị của cộng hòa là cuộc dấn thân chính trị thường nhật cho tự do, công bằng, bác ái, được song hành cùng một hệ thống giá trị nữa là nhân quyền trong lộ trình trao thân gởi phận cho đa nguyên biết vận dụng đa trí, đa dũng, đa hiệu, đa năng… vì dân chủ.

VIETNAM-POLITICS-CONSTITUTION-PARTY

Chế độ của bạo quyền độc đảng công an trị nó đã cho ra đời : tà quyền tham nhũng trị và ma quyền tham tiền trị

Ngược lại, trong chế độ của bạo quyền độc đảng công an trị nó đã cho ra đời : tà quyền tham nhũng trịma quyền tham tiền trị, vì nó tự cho phép nó lạm quyền để cực quyền, để rồi sa vào quỷ lộ của cuồng quyền. Trong quỷ lộ mà Nguyễn Du đã đúc kết thành mô thức : ma đưa lối quỷ dẫn đường, thì hệ thống giá trị của cộng hòa không có ghế ngồi, thì hệ thống giá trị của dân chủ qua đa nguyên vì nhân quyền không có chỗ đứng. Thậm chí bạo quyền độc đảng công an trị này không những cho ra đời hai loài âm binh : tà quyền tham nhũng trị, ma quyền tham tiền trị, mà trước đó đã cho sinh ra hai loài âm binh là hai đứa con nòi của nó là tuyên truyền trị để ngu dân trị.

Trong quá trình lạm quyền để cực quyền rồi cuồng quyền, thì bạo quyền độc đảng công an trị này chóng chày sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, như con rắn trong vòng tròn tâm bịnh, sẽ tự cắn vào đuôi của nó, tự hại rồi tự hủy. Vì sao có hiện tượng phân tâm học chính trị này ? Chỉ vì bạo quyền độc đảng công an trị có rồi lại muốn có thêm, tham quyền rồi phải tham quyền thêm, lạm quyền rồi phải lạm quyền thêm, cực quyền rồi phải cực quyền thêm, cuồng quyền rồi phải cuồng quyền thêm. Phân tâm học chính trị là môn chuyên nhành đã và đang có những đóng góp cụ thể và sắc nhọn bằng các công trình hiện đại khi nó phân tích và giải thích về ngày tàn của hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn).

Nên bạo quyền độc đảng công an trị, tà quyền tham nhũng trị, ma quyền tham tiền trị, tuyên truyền trị, ngu dân trị cùng nhau chen chút trong độc lộ, để tự diệt nhau trong độc lộ này. Ngày nó rời nhân thế thì nó vẫn : vắng niềm tin, trống nội dung, rỗng giá trị, nên đừng trông chờ là nó sẽ quý trọng dân tộc, yêu thương giống nòi, trân quý đất nước. Đây chính là câu trả lời tại sao ta quý trọng chế độ cộng hòa mang các giá trị tự do, công bằng, bác ái ; tại sao ta quý trọng thể chế có dân chủ biết vận dụng đa nguyên để bảo vệ nhân quyền, bởi tất cả các giá trị này biết quý trọng dân tộc, yêu thương giống nòi, trân quý đất nước.

Đây cũng là định đề của chính trị học tri thức luôn đi trên vai, trên lưng, trên đầu các loại ý đồ chính trị chỉ biết toan tính vụ lợi vì tư lợi của các lãnh đạo hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam, họ đang lạc loài trong quỷ lộ của đầu rắn cắn đuôi rắn. Thí dụ cụ thể hiện nay mà dân tộc phải hàng ngày chứng kiến qua xảo ngữ "đốt lò" để chống tham nhũng, nhưng kẻ đốt lò thật ra là "đốt lò","củi tham nhũng" sẽ ngập lò, sẽ tràn lò, sẽ bóp chết lửa ngay trong lò, để rốt cuộc là lửa, lò, củi sẽ cùng nhau chết ngộp trong bi hài kịch : "chết chùm" !

Lê Hữu Khóa

(28/11/2020)

Lê Hữu Khóa là Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học Châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.