75 năm sau phiên tòa Nuremberg : Tòa án Hình sự Quốc tế, di sản kế thừa vẫn chưa hoàn chỉnh

Ngày 20/11/1945, tòa án quân sự quốc tế bắt đầu xét xử một số lãnh đạo cao cấp chế độ Đức Quốc Xã. Lần đầu tiên trong lịch sử, những tội ác chiến tranh, tội ác chống hòa bình và tội ác chống nhân loại được đưa ra xét xử trước một tòa án quốc tế. Sự kiện đánh dấu cột mốc cho sự hình thành Tòa án Hình sự Quốc tế - CPI sau này. 

Tòa án Quân sự Đặc biệt Nuremberg xét xử một số lãnh đạo cao cấp của chế độ Đức Quốc Xã, ảnh chụp tháng 9/1946.

« Mong rằng bốn nước đại cường thắng trận nhưng cũng chịu nhiều thương tổn không có hành động báo thù đối với những kẻ thù tù binh của họ, đây là một trong những vật cống quan trọng nhất mà một cường quốc chẳng bao giờ phải trả cho lẽ phải ». Bằng những lời lẽ trang trọng này, chưởng lý Robert H. Jackson, thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Mỹ, đã khai mạc phiên xử.

Một phiên tòa chưa từng có

Định mệnh trớ trêu, tòa án quốc tế được thành lập tại Cung điện Công lý tráng lệ của thành phố Nuremberg, thành trì đế chế cổ, và thành phố biểu tượng của chủ nghĩa phát xít. Chính tại nơi đây, Hitler thường tổ chức các cuộc tập hợp và ban hành các đạo luật chống người Do Thái năm 1935.

Trong lịch sử ngành luật, Nuremberg được xem như là một phiên tòa ngoại hạng. Hai mươi bốn nhân vật lãnh đạo cao cấp của Đức Quốc Xã ngồi ghế bị cáo. Mười tháng xử án, với gần 3.000 tấn tài liệu, 6.600 mẫu vật chứng và hàng trăm nhân chứng.

Phiên xử quy tụ hơn 400 nhà báo, hàng trăm thông dịch viên để chuyển ngữ các cuộc tranh luận theo 4 thứ tiếng và một biên bản nghe luận dầy 16.000 trang. Sau 218 ngày tranh cãi, phiên tòa kết thúc vào ngày 01/10/1946 với 12 bản án tử hình, ba lệnh tha bổng và 7 án tù đi từ 10 năm đến chung thân.

Ông Matthias Gemahlich, tiến sĩ về sử học trên tờ Deutsch Well của Đức, nhắc lại rằng ý định lập một tòa án quân sự đặc biệt xét xử những hành động bạo tàn của các lãnh đạo và quân nhân Đức Quốc Xã, đã được bốn nước đồng minh là Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp bàn thảo ngay từ năm 1943. « Bốn cường quốc đồng minh này đã đạt được một đồng thuận sao cho có được một tòa án quốc tế, một cơ quan có thẩm quyền để xét xử các nhà lãnh đạo, các đại diện và các quan chức cao cấp của Đức Quốc Xã. »

Phiên tòa khai mạc nhưng vắng bóng Adolf Hitler, đã tự sát vì không muốn rơi vào tay Đồng Minh. Nhưng trên ghế bị cáo, vẫn còn có Hermann Goring – nhân vật số 2 của chế độ Đức Quốc Xã, Rudolph Hess, Hans Frank hay Robert Ley, những nhân vật cao cấp.

Do vậy, với nhà nghiên cứu sử học Matthias Gemahlich , « Đây đúng là một điều rất mới trong lịch sử bởi vì trước đó, chưa từng có một định chế, một cấp tòa án nào như thế có được thẩm quyền và trách nhiệm này. Và họ cũng có được đồng thuận sao cho phiên xử này phải được công minh. Tòa án Quân sự Nuremberg lúc đó là độc lập, không có một quân lệnh nào và các thẩm phán cũng độc lập ».

75 năm sau nhìn lại, Nuremberg cho thấy là một phiên tòa ở cấp độ quốc tế với những thẩm phán đến từ nhiều nước khác nhau vẫn là điều có thể. Đó là một phiên tòa có tranh luận. « Các bị cáo vẫn có quyền phát biểu, họ cũng có cả luật sư và do vậy họ có thể chuẩn bị trước khi phiên tòa được mở » theo như ghi nhận của sử gia Ornella Rovetta, trường đại học Bruxelles trên đài RTBF của Bỉ.

Phiên tòa Nuremberg còn là dịp để tìm hiểu điều gì đã dẫn đến những hành động tàn bạo, để rồi từ đó cho ra đời những thuật ngữ pháp lý mới như tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và sau này là diệt chủng. Những khái niệm, những nguyên tắc cơ bản mà theo bà Viviane Dettrich, phó giám đốc Viện nghiên cứu các nguyên lý Nuremberg, khi trả lời đài RFI cho rằng 75 năm sau vẫn còn giữ nguyên các giá trị, làm nền tảng cho các vụ xử quốc tế sau này như nạn diệt chủng tại Rwanda hay như các vụ thảm sát ở Nam Tư cũ.

« Đó là một sự đổi mới về pháp lý. Các từ, thậm chí các thuật ngữ đã được tạo ra vào thời kỳ đó như thuật ngữ ʺtội ác chống nhân loạiʺ chẳng hạn. Đây là lần đầu tiên, loại hình tội phạm mới này nằm trong chương trình nghị sự của phiên tòa Nuremberg.  

Thuật ngữ học giờ đã có những thay đổi. Trước đây, người ta nó đến tội ác chống nhân loại, tội ác chống hòa bình, những thuật ngữ đó đã được đưa vào trong từ vựng quốc tế. Ngày nay, người ta nói đến tội danh gây hấn nhiều hơn là tội ác chống hòa bình .

Nhưng trên thực tế những tội danh đó vẫn là những tội ác quốc tế, chúng cũng chính là những tội ác được tòa án Nuremberg nhìn nhận vào năm 1945. Điều gây ấn tượng chính là khái niệm diệt chủng lại không được đề cập đến trong Hiến chương Luân Đôn, nguồn gốc của phiên tòa Nuremberg. Phải đợi đến năm 1948 khái niệm này mới có trong Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng (Convention pour la Prevention et la Repression du Crime de genocide). »

Nếu như năm 1945, Nuremberg đã khai cổng, thì con đường đi đến công lý quốc tế thật sự cũng nhiều chông gai. Phải đợi đến hơn nửa thế kỷ, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Tòa án Hình sự Quốc tế - CPI, mới thật sự ra đời năm 1998, đóng trụ sở tại La Haye. Chỉ có điều bối cảnh chính trị ngày nay đã có nhiều đổi khác.

Tuy không có những cuộc đại chiến, nhưng bà Viviane Dettrich cho rằng những cuộc xung đột nhỏ và dai dẳng nổ ra khắp nơi, đang đặt CPI trước nhiều thách thức quốc tế trong việc xét xử các tội ác ngày nay. « Thách thức hiện tại cho chúng ta là tiếp tục duy trì ý tưởng một nền công lý quốc tế do phiên tòa Nuremberg mang lại. Đúng là tình hình hiện nay hoàn toàn khác biệt, nghĩa là các cuộc chiến dai dẳng hơn, những mối đe dọa tái hiện, những kẻ gây tội ác tìm cách lẩn trốn, việc thu thập nhân chứng và bằng chứng nhiều khó khăn hơn. Nền công lý ngày nay đang bước vào bối cảnh bị chính trị hóa sâu sắc và bị chia năm xẻ bảy. »

Công lý của kẻ mạnh?

Nhưng rủi thay những hạn chế của Nuremberg năm xưa cũng là những giới hạn của CPI ngày nay. Ngay khi mở phiên tòa, Nuremberg đã bị chỉ trích là tòa án của bên thắng cuộc đối với bên bại trận. Đó là một nền công lý một chiều và nhiều mảng tối vẫn chưa được làm sáng tỏ. Vì sao không ai phán xử những tội ác do phe Đồng Minh gây ra ?

Tính chất phổ quát, tính chính đáng của CPI giờ còn thêm phần hạn hẹp do thiếu vắng sự hiện diện của nhiều nước lớn. Vẫn theo nhà nghiên cứu về Nuremberg, việc cả Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều không tham gia vào CPI là những trở ngại lớn cho sự vận hành của định chế quốc tế này. 

« Người ta thấy rõ có một kiểu hợp tác ʺtheo mónʺ. Nhất là ở những nước lớn, người ta chỉ thấy có một sự hợp tác pháp lý quốc tế nếu như điều đó có lợi cho họ. Còn nếu như điều đó gây bất lợi, phiền hà, thì họ thoái lui hay thậm chí đối đầu với các định chế một cách trực diện. Quả thật, đây là một nhược điểm, do còn thiếu sự ủng hộ từ nhiều quốc gia. Nhưng mặt khác, chúng ta có được 123 nước đã tham gia ký kết và phê chuẩn Hiệp ước Roma, đó cũng chính là những nước thành viên của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế CPI. Dù vậy, cũng nên nhìn nhận là vẫn còn thiếu tính phổ quát, đây thật sự là một khiếm khuyết quan trọng cho CPI. »

Thế giới hẳn chưa quên việc chính quyền Donald Trump hồi đầu tháng 9/2020 đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào các lãnh đạo CPI nhằm trả đũa tòa án La Haye thông báo mở điều tra về tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan.

Làm thế nào một quốc gia có thể đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào lãnh đạo của CPI ? Một hành động mà bà Viviane Dettrich đánh giá là « điều chưa từng thấy, đáng quan ngại », có thể gây ra những « tác động tai hại về việc tôn trọng các quyền cũng như gây trở ngại cho các tòa án tiến hành công việc của mình một cách độc lập ».

Trong bối cảnh này, nhiều câu hỏi được đặt ra : Tương lai nào cho nền công lý quốc tế ? Nên chăng thành lập một tổ chức khác để xét xử các tội ác quốc tế ? Hay là cần phải có nhiều ràng buộc để các nước phải hợp tác nhiều hơn ? Liệu công lý có thể được thực thi theo một cách khác nghĩa là tự bản thân các nước thi hành công lý ? Về điểm này, phó giám đốc Viện Nghiên cứu các nguyên tắc Nuremberg lạc quan dự phóng hướng đi có thể cho nền công lý quốc tế trong tương lai:

« Một trong những nguyên tắc cơ bản của CPI chính là nguyên tắc ʺtính chất bổ sungʺ. Nghĩa là, trước hết, công tác truy tố và xét xử phải được tiến hành ở cấp độ quốc gia. Chỉ khi nào không có thiện chí chính trị và khả năng, các vụ việc mới được xét xử trên bình diện quốc tế.

Tuy nhiên, ngày nay, ngày càng có nhiều quốc gia xem xét nghiêm túc trách nhiệm của họ, đương nhiên các phiên tòa sẽ phải là công minh, hợp pháp và các vụ xử thật sự được nghiên cứu kỹ để đưa những người có trách nhiệm ra trước pháp luật.

Chúng ta cũng thấy là ngày càng có những nước thứ ba xét xử những cá nhân vì những tội ác quốc tế phạm phải ở một nước khác. Ở đây, chúng ta có thể nói đến khái niệm thẩm quyền phổ quát,  và theo nguyên tắc này, một nhà nước có khả năng và đôi khi có bổn phận truy tố một người bị nghi ngờ phạm các tội ác quốc tế ở bên ngoài lãnh thổ của mình.

Chẳng hạn, việc nước Đức cho mở phiên tòa xét xử các nhà lãnh đạo chế độ Syria là một ví dụ điển hình. Trong vụ việc này, có một sự hợp tác Pháp – Đức về tư pháp trên phương diện hình sự. Tư pháp Đức đã phối hợp với bộ phận chuyên trách về tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh của Viện Công tố Paris để tiến hành các cuộc điều tra chung.

Chúng ta thấy rõ là sự hợp tác này được tiến hành ở cấp độ quốc gia, thế nên đây sẽ là một sai sót nếu phủ nhận vai trò quan trọng của các cấp tòa án quốc gia như là một thành tố của nguyên tắc Nuremberg, nhất là khi đối chiếu với nguyên tắc tính bổ sung do CPI khuyến nghị.

Thế nên, tương lai của luật quốc tế, đôi khi được định đoạt bởi những quân cờ ở cấp quốc gia và do vậy, cũng nên thật sự nhìn nhận những tiến bộ đáng kể đang diễn ra tại Đức và nhiều nơi khác. »

Nguồn Tin RFI Tiếng Việt