Tình trạng giáo dục xuống cấp trầm trọng và hiện tượng tham nhũng tràn lan không phải là điều mới ở xã hội Việt Nam dưới chế độ CSVN, nó chỉ lộ ra một cách xấu xí khi các phương tiện truyền thông ngày một phát triển hơn. Kinh nghiệm cho thấy không thể nào cải tiến một chế độ tham nhũng. Tham nhũng làm hư hỏng tất cả, nó đặt sai những người kém đạo đức, tài năng vào những địa vị không phù hợp với họ. Chế độ CSVN là một chế độ độc tài mất hết lý tưởng và tham nhũng tràn lan.
Buổi lễ cấp bằng giáo sư và phó giáo sư tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội ngày 24 tháng 12 năm 2012. Ảnh minh họa.
AFP
Trong ba tháng qua, ít nhất ba vụ việc liên quan bằng cấp giả bị truyền thông trong nước phanh phui.
Vụ thứ nhất là 83 giáo viên dạy lái xe tại 5 cơ sở đào tạo tại TP.HCM
dùng bằng cấp giả. Vụ thứ hai là bà Đinh Thị Loan dùng bằng dược sĩ,
bác sĩ giả để hành nghề bác sĩ tại khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng
Nai. Vụ thứ ba là khi triệt phá đường dây làm giả con dấu tài liệu, công
an Thừa Thiên - Huế phát hiện nhiều cán bộ có đặt hàng làm bằng giả,
chứng chỉ giả ở đường dây này.
Tháng 10 năm ngoái, bà Trần Thị Ngọc Thảo - một trưởng phòng Hành
chính quản trị thuộc văn phòng tỉnh ủy Đăk Lăk - sử dụng bằng cấp 3 của
người khác học liên thông đại học rồi học đến thạc sĩ gây xôn xao dư
luận.
Nhà báo, tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già, người từng bị giam chung
với tội phạm làm bằng cấp giả ở Chí Hòa, hiểu khá rõ chuyện này và kể
với RFA:
“Loại bằng giả thứ nhất là giả hoàn toàn như tiền giả. Loại bằng đó
hầu hết lấy ở các trường về chính trị, về kinh tế, về quản lý…một ít thì
mua bằng giả về kỹ thuật như ngành xây dựng, điện tử. Còn về chuyên
ngành y khoa thì rất ít, phải nói là vô cùng hiếm người dám mua.
Những người tù đó họ nói rằng mục đích của đa số những người mua bằng
cấp hoàn toàn giả đó là để tham gia đấu thầu trong các dự án trải dài
trên lãnh thổ Việt Nam. Loại thứ hai là học giả, hầu như không đi học, mà bằng thật. Loại này
đa số phục vụ cho mục tiêu chính trị, tức là để sắp xếp các loại ghế.
Từ trung ương cho tới địa phương; từ thành phố xuống đến quận, phường…”
Theo ông Nguyễn Ngọc Già, những cán bộ không học mà có bằng cấp, dù
chỉ là bằng cấp danh dự, xuất phát từ việc che giấu mặc cảm tự ti của
người cộng sản.
Việc sử dụng bằng cấp giả không phải sau này mới có. Tiến sĩ - Bác sĩ
Võ Xuân Sơn, từng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy nêu trường hợp một bác
sĩ gây mê tại đây sử dụng bằng cấp giả làm việc đến 10 năm mới bị phanh
phui do bệnh viện nhận được đơn tố cáo. Theo vị bác sĩ này, bằng cấp thì có thể giả nhưng chuyên môn thì
không thể giả. Tuy vậy cũng có những trường hợp dùng bằng cấp giả vẫn
không bị phát hiện do lầm lẫn với những bác sĩ học thật, bằng cấp thật
nhưng trình độ chuyên môn quá kém. Ông giải thích:
“Thường thì bằng giả trong ngành y dễ bị phát hiện vì người bác sĩ
đưa ra những cái không đúng bài bản. Nhưng trên thực tế cũng có nhiều
trường hợp dù được đạo tạo chính quy nhưng cũng xử lý không bài bản,
không chất lượng nên nhiều khi những trường hợp bằng giả mình cũng khó
biết, đôi khi không phát hiện ra được.
Ở Việt Nam có chế độ làm việc theo kíp. Bác sĩ trưởng kíp chịu trách
nhiệm hết nên nhiều khi bác sĩ trong kíp có thể giấu dốt mà không ai
biết. Nếu đứng ở vị trí mà luôn luôn phải bộc lộ trình độ thì lúc đó lộ
ra liền.”
Một học sinh cấp 3. AFP
Ông cho biết đã từng có vị bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Sài Gòn xài
bằng cấp làm giả, tự nhận tốt nghiệp bên Pháp. Đến khi ông leo đến chức
trưởng khoa thì bị lộ vì nhiều sơ sở trong nghiệp vụ. Giám đốc Sở Y tế
Thành phố lúc bấy giờ là Bác sĩ Dương Quang Trung phải qua Pháp điều tra
vụ này.
Dĩ nhiên bác sĩ xài bằng giả, chẩn đoán và chữa bệnh không theo nguyên tắc, bài bản thì bệnh nhân là người lãnh hậu quả.
Trong lĩnh vực giáo dục, những người không có tri thức mà bằng cách
này hay cách khác có được tấm bằng để đứng trên bục giảng sẽ gây hại đến
nhiều người, thậm chí cả một thế hệ. Thực trạng này cũng phổ biến lâu
nay tại Việt Nam.
Tháng 2 năm 2020, bà Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng trường mầm non
Hoa Pơ Lang - bị buộc thôi việc vì sử dụng bằng cấp 3 giả. Bà Hương đã
làm hiệu trưởng hai nhiệm kỳ trước đó.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhận xét rằng, hàng năm rất nhiều tiến sĩ,
cử nhân được “đúc” ra mà không có chuyên môn, trình độ xứng đáng. Đây là
thảm họa cho nền giáo dục Việt Nam.
“Bằng chính thức nghĩa là do Bộ Giáo dục - Đào tạo cấp mà các trường
đại học phải công nhận nhưng thực tế là học dởm. Có những người bảo vệ
luận án tiến sĩ nhưng thiếu cả bằng tiểu học hoặc trung học.
Những người học giả bằng thật họ hành động như những người thiếu
não, thiếu suy nghĩ. Vì thế nên nhiều quan chức tuyên bố những câu lộ ra
họ không có suy nghĩ và tầm hiểu biết gần như bằng 0. Cái này ngày càng
phổ biến và nhờ internet ta thấy cán bộ xài bằng giả nó tai hại như thế
nào. Nhưng tai hại nhất chính là những cán bộ tựsỉ nhục mình.”
Nói tới phát ngôn của các quan chức, chắc hẳn nhiều người còn nhớ tại
buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều 22 tháng 10 năm 2019,
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân, ông Thuận Hữu
lên tiếng rằng "mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai;
chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay".
Phát biểu của ông Thuận Hữu lập tức bị cư dân mạng phản ứng và ‘chế’
lại chính câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng là “Mình phải có thế nào thì
dân mới chửi chứ”…
Hay đầu năm học 2019-2020, ông Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ lên
tiếng với truyền thông trong nước rằng, năm nay ngành giáo dục phải xác
định việc “dạy người', dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống
cho học sinh ưu tiên hàng đầu”.
Tiếp sau đó, ông Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân lại phát
biểu trước các học sinh: “Sau bằng đại học, cao đẳng, các em cần phải có
bằng làm con hiếu thảo, làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ hạnh phúc”.
Trong một lần trao đổi với RFA về vấn đề bằng cấp giả trong ngành
giáo dục, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận
Trung ương khẳng định đây là do sự tha hóa từ trên xuống.
Theo ông, bằng cấp giả ở Việt Nam quá nhiều. Ông lý giải nguyên nhân
là do một nền chính trị hư danh và một xã hội đề cao sự hư danh nên
người ta chạy theo cái hư danh đó và sẵn sàng tìm giải pháp tồi tệ nhất
và không chính đáng để cố giành giật, để kiếm chác.