Đổ xô làm khu công nghiệp có đủ giúp Việt Nam đón dòng vốn dịch chuyển? (V.Dũng)
Xu hướng dịch chuyển, di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang từng khu vực, tránh bỏ hết trứng vào một giỏ, sẽ được thúc đẩy nhanh hơn hậu đại dịch Covid-19. Để thu hút được làn sóng đầu tư FDI, chính quyền CSVN cần lập một tổ tư vấn chuyên môn để có những chính sách phù hợp trước cơ hội này. Từ trước đến nay, chính quyền CSVN luôn tập trung vào hai yếu tố là lợi thế nhân công giá rẻ và những quy định dễ dãi về thuế khóa, đất thuê, thậm chí dung túng nhiều doanh nghiệp sản xuất mặc sức tàn phá môi trường. Thực tế đã chứng minh pháp luật ổn vững, chính sách phù hợp, nhân lực có trình độ kĩ thuật cao, ngành công nghiệp phụ trợ phát triển...mới là những yếu tố quan trọng nhất để thu hút vốn đầu tư nước ngoài có phẩm chất. Nhưng để làm được điều này, đất nước phải dân chủ hóa.
|
|
Kỳ vọng sẽ “đón lõng” được dòng vốn đầu tư đang dịch
chuyển ra khỏi Trung Quốc, các chủ đầu tư khu công nghiệp trở nên khẩn
trương hơn trong quá trình triển khai các dự án. Tuy nhiên, để tiếp nhận
các cơ hội này cần giải được bài toán phức tạp hơn.
Chỉ hơn một tuần sau khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, các
khu công nghiệp liên tiếp được triển khai hay sơ tuyển nhà đầu tư. Hầu
hết các chủ đầu tư khi triển khai khu công nghiệp đều khẳng định rằng sự
khẩn trương này nhằm chủ động đón đầu sự dịch chuyển đầu tư hậu
Covid-19. |
![]() |
Trình độ lao động ở Việt Nam cần được nâng cao hơn để đón dòng vốn FDI chất lượng vào các khu công nghiệp. Ảnh minh họa: Samsung Vietnam |
Phản ứng bi quan mới đây của các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ nội địa cho thấy cơ hội trên thực tế là rất ít so với kỳ vọng hay dự báo.
Cụ thể, trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng mới đây, bà Trương Thị Chí Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp phụ trợ (VASI) – cho rằng, một vài công ty sản xuất linh kiện nhựa và cơ khí nhận được thêm đơn hàng từ khách hàng tại Việt Nam, do việc cung ứng từ Trung Quốc khó khăn trong thời gian trước. Tuy nhiên, ngay khi Trung Quốc phục hồi sản xuất thì các đơn hàng thêm này đã giảm dần và sẽ dừng hẳn.
Theo VASI, trên thực tế, việc chuyển sản xuất hay mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm từ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên hiệp hội này thừa nhận là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu để đáp ứng việc chuyển giao. Trong khi đó, có nhiều quốc gia có lợi thế hơn hẳn Việt Nam trong việc nhận chuyển giao này, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ...
Quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ (trung bình là dưới 200 người lao động, máy móc ít, có vài dây chuyền, trình độ quản lý dừng ở mức này), nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi đó, khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn/sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh. Chưa kể việc số doanh nghiệp Việt Nam đạt chất lượng rất ít, ngay cả bài toán giá cũng là điều không thể cạnh tranh nếu dựa trên quy mô doanh nghiệp.
“Sự hỗ trợ của Nhà nước về đất đai, công nghệ, vốn, nhân lực chỉ tồn tại trên chính sách, hầu như công nghiệp hỗ trợ không tiếp cận được và có phần thiệt thòi hơn các đối thủ trongkhu vực”, bà Bình nhấn mạnh.
Bài toán mà VASI đưa ra có thể đã được Nhà nước nhận thức được nhưng để thực hiện là cả câu chuyện dài. Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách hỗ trợ cần nhắm đến từng bước trọng tâm hơn để doanh nghiệp nội địa tham gia vào được chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất lớn ở đây. Làn sóng dịch chuyển đầu tư có thể sẽ không nhanh và mạnh như kỳ vọng mà vẫn từ tốn hơn và tùy vào lĩnh vực sản xuất.
Việt Nam là quốc gia có chính sách FTA năng động thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore nhưng để các hiệp định này thấm vào nền kinh tế cũng mất một thời gian dài. Tiếp đó trình độ tay nghề lao động thấp khiến việc thu hút các doanh nghiệp FDI chất lượng cao vào các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn mang tính dài hạn.
Theo ông Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc – trong ngắn hạn dưới tác động của Covid-19 thì cơ hội thu hút sự dịch chuyển đầu tư của Việt Nam vẫn có. Trong khía cạnh nào đó, việc chống dịch tốt trong giai đoạn vừa qua có thể taọ được thiện cảm, nhưng đó chỉ là điểm cộng nhỏ chứ không phải là lợi thế cạnh tranh trong dài hạn trong thu hút FDI. Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Indonesia, Malaysia và Thái Lan… về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và chất lượng thể chế”
Nguồn tin: TBKTSG Online