Thủ tướng yêu cầu giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu: duy ý chí! (RFA)

Việc giá các mặt hàng cần thiết chỉ thấy "giảm trên tivi" càng cho thấy sự yếu kém của hệ thống "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" dưới chế độ CSVN. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất sâu rộng lên nền kinh tế của Việt Nam. Số người bị thất nghiệp, người nghèo, những người mưu sinh qua ngày với nghề nghiệp không ổn định và không có một khoản tiết kiệm nào lên đến hàng chục triệu người. Đại dịch càng kéo dài, tình hình của họ càng tuyệt vọng. Nhà nước phải đóng vai trò chính trong việc làm mọi khả năng có thể làm nhằm đảm bảo tính liên đới trong xã hội, hỗ trợ cho người dân cũng như doanh nghiệp kịp thời. Đảng CSVN không thể làm được điều này vì ngân sách chi thường xuyên cho bộ máy nhà nước, hội, đoàn, mặt trận tổ quốc...quá cồng kềnh, nợ công lớn hơn 200% GDP quốc gia, cộng với các khoản tín dụng sẽ phải dành ưu tiên để cứu các hệ thống doanh nghiệp nhà nước trước tiên - Là cánh tay nối dài và những quả đấm thép của đảng toàn trị.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào ngày 21/4/2020, yêu cầu giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào ngày 21/4/2020, yêu cầu giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu


Yêu cầu của Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào ngày 21/4 chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, đánh giá kết quả công tác điều hành giá quý I và định hướng công tác điều hành giá quý II, các tháng còn lại của năm 2020.
Trong cuộc họp này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam yêu cầu bình ổn giá gạo, giảm giá điện-nước, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt heo về mức xấp xỉ 60 ngàn đồng/kg.
Yêu cầu của Thủ tướng Việt Nam về giảm giá mặt hàng thiết yếu thịt heo, từ hồi trung tuần tháng 3, đã được Văn phòng Chính phủ gửi văn bản truyền đạt chỉ đạo đến các bộ, ngành liên quan bao gồm Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Thông tin-Truyền thông nghiên cứu cùng với kiến nghị của Tổng cục Thống kê để sớm đảm bảo giảm giá thịt heo trên thị trường nội địa.

Thực tế ra sao?

Kể từ khi Việt Nam công bố dịch COVID-19 hồi cuối tháng 1 cho đến nay, truyền thông trong nước liên tục cập nhật thông tin đến hơn 90 triệu người dân Việt Nam về nỗ lực của Chính phủ Hà Nội trong thời kỳ được cho là rất khó khăn và nhiều thách thức. Đó là những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh và ổn định đời sống của người dân, lẫn hoạt động sản xuất-kinh tế-thương mại của doanh nghiệp.

Bà Thanh, một người bán vé số ở Đồng Tháp, vào tối ngày 23/4 chia sẻ với RFA rằng bà đã nghỉ bán vé số tầm một tháng qua, theo yêu cầu của nhà nước và bà được Chính quyền tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ cho 1 triệu đồng. Bà Thanh tâm tình rằng gia đình bà cũng chưa được ăn một miếng thịt heo nào suốt trong thời gian chính phủ ra lệnh giãn cách xã hội. Bà Thanh nói:
Rồi sau khi hết dịch bệnh có cộng dồn qua tháng sau hay qua năm sau lại tăng lên lại không? Việc giảm một mà tăng ba áp dụng trong giá xăng dầu nhiều lần nên nhiều khi nói vậy mà có đúng như vậy hay không? Cứ nghe tin xăng giảm giá, nhưng người dân lại nói “Thôi, giảm 1000 đồng/lít rồi mai mốt tăng lên 2000 đồng/lít
-Bà Nguyễn Thị Ba
“Giá gạo cũng được thôi. Giá thịt heo thì đắt rồi nên ăn bậy bạ sống qua ngày.”
Bà Thanh còn than rằng thở rằng không những không kiếm được tiền mua rau củ ăn qua ngày trong dịch bệnh mà còn phải trả tiền điện quá nhiều:

“Trời ơi, tiền điện tháng này đóng tới hai trăm sáu mươi mấy ngàn. Tháng này sao mà lên kỳ dữ lắm? Tháng sau nghe nói bớt mà ai biết đâu?”

Bà Nguyễn Thị Ba, ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, vào tối ngày 23/4 cũng lên tiếng với RFA về hiện tượng hóa đơn tiền điện tăng đột ngột trong tháng 3:

“Chuyện điện tăng thì lý do không phải giá tăng, mà do đồng hồ điện nhảy nhưng không biết có phải do đồng hồ bị (Công ty Điện lực) chỉnh hay không hay như thế nào thì không rõ. Tuy nhiên, hình như cả 10 nhà đều than bị tăng tiền điện. Tất tần tật nhân viên trong công ty nơi tôi làm việc đều thanh rằng tiền điện tăng quá trời luôn, tăng đến 30-40%. Người thì nói tiền điện tầm 1,5-1,7 triệu đồng/ tháng giờ tăng lên 2,2 triệu. Người thì lại nói tiền điện 700-800 ngàn/tháng giờ lên 1,1-1,2 triệu. Nói chung là tăng đều.”

Ảnh minh họa: Một sạp bán thịt heo của tiểu thương. RFA

Tình trạng hóa đơn tiền điện bị tăng quá nhiều trong tháng 3 được phản ánh qua báo chí. Báo Tuổi Trẻ Online, vào trung tuần tháng 4 dẫn lời của giới chức lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải thích một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do có tính quy luật vào mùa khô, khách hàng sử dụng thiết bị làm mát nhiều; đặc biệt trong dịch bệnh COVID-19 và do giãn cách xã hội nên khách hàng ở nhà sử dụng điện nhiều hơn. 

Mặc dù EVN giải thích như thế, rất nhiều độc giả phản hồi qua trang fanpage của Tuổi Trẻ Online không đồng tình vì họ cho biết vẫn sinh hoạt như bình thường.

Bà Nguyễn Thị Ba cũng khẳng định với RFA rằng hai vợ chồng của bà vẫn đi làm trong thời gian dịch bệnh, sinh hoạt thường nhật không có gì thay đổi nhưng hóa đơn tiền điện vẫn tăng cao. Về giá cả hàng hóa nhu yếu phẩm, bà Ba còn nhấn mạnh rằng “mọi thứ đều tăng không ít thì nhiều”. Liên quan thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giảm giá thịt heo trên dưới 60 ngàn đồng/kg, là một phụ nữ quán xuyến việc bếp núc của gia đình, bà Ba nói rõ giá cả thực tế ở chợ ra sao:
“Nếu giá bình quân 60 ngàn/kg thì thịt đùi xuống giá khoảng 85-90 ngàn/kg, hoặc xương xuống giá 70-80 ngàn/kg, hay sườn khoảng 100-110 ngàn/kg. Nhưng bây giờ giá chưa xuống. Nói thì nói vậy thôi chứ ở chợ giá sườn non vẫn là 180 ngàn/kg, giò vẫn 150 ngàn/kg, thịt đùi cũng 170 ngàn/kg.”

Giảm giá được không và người dân mong đợi gì?

Đài RFA ghi nhận Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ giữa tháng 3 đã yêu cầu “giảm ngay giá thịt heo”, như tiêu đề của Báo Tuổi Trẻ Online đăng tải vào ngày 12/3/2020. Thế nhưng, hơn một tháng qua, rất nhiều người dân tại Việt Nam còn ta thán rằng giá thịt heo không giảm mà còn lại tăng cao hơn so với trước Tết Nguyên đán Canh Tý.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khẳng định với RFA rằng những chỉ thị, yêu cầu của Chính phủ Việt Nam về giảm giá các mặt hàng thiết yếu sẽ không thể thực hiện được. Ông Nguyễn Ngọc Già nhấn mạnh:

“Điều đó để nói rằng ông Nguyễn Xuân Phúc cũng như tất cả những người cầm quyền của Đảng CSVN không hiểu gì về kinh tế thị trường. Họ không có một kiến thức căn bản về kinh tế thị trường vì cái nền kinh tế của họ cho đến nay là nền kinh tế phi thị trường, mà họ biến tướng, họ méo mó gọi là ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’. Điều này thì quá nhiều nhà nghiên cứu, quá nhiều nhà quan sát đã phân tích rồi và tôi chỉ là tóm lại thôi. Vì không có kinh tế thị trường nên họ quản trị, điều hành quốc gia bằng quyết tâm chính trị. Nói cho hay ho, chứ thực ra họ quyết tâm điều hành bằng duy ý chí. Họ dùng ý chí của họ để biểu giảm giá thịt heo thì làm sao có chuyện đó. Không bao giờ có chuyện đó được. Tôi không hề ngạc nhiên và tôi tin rằng tất cả những người dân bình thường nhất, không cần phải là giáo sư tiến sĩ gì cả cũng không hề ngạc nhiên và người ta cười cợt trên những lời hứa của họ là giảm giá thịt heo, hỗ trợ cho người dân 62 ngàn tỷ…Và, thực tế là câu trả lời chính xác nhất.”
Điều đó để nói rằng ông Nguyễn Xuân Phúc cũng như tất cả những người cầm quyền của Đảng CSVN không hiểu gì về kinh tế thị trường. Họ không có một kiến thức căn bản về kinh tế thị trường vì cái nền kinh tế của họ cho đến nay là nền kinh tế phi thị trường, mà họ biến tướng, họ méo mó gọi là ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’... Nói cho hay ho, chứ thực ra họ quyết tâm điều hành bằng duy ý chí. Họ dùng ý chí của họ để biểu giảm giá thịt heo thì làm sao có chuyện đó. Không bao giờ có chuyện đó được
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Trả lời câu hỏi câu hỏi của RFA rằng có trông đợi vào yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về giảm giá các mặt hàng thiết yếu như giá điện-nước, giá thịt heo có hiệu lực ngay lập tức hay không, bà Thanh ở Đồng Tháp nói rằng nghe được vậy thì hay vậy nhưng bà Thanh lại trông chờ từng ngày được đi bán vé số trở lại để kiếm tiền trả hóa đơn điện, vì bà sợ không trả tiền rồi sẽ bị cúp điện trong tháng sau.

Bà Nguyễn Thị Ba, ở Sài Gòn bày tỏ rằng bà đón nhận thông báo Chính phủ sẽ giảm 10% giá điện sinh hoạt trong 3 tháng 4-5-6/2020 với sự lo ngại:

“Rồi sau khi hết dịch bệnh có cộng dồn qua tháng sau hay qua năm sau lại tăng lên lại không? Việc giảm một mà tăng ba áp dụng trong giá xăng dầu nhiều lần nên nhiều khi nói vậy mà có đúng như vậy hay không? Cứ nghe tin xăng giảm giá, nhưng người dân lại nói “Thôi, giảm 1000 đồng/lít rồi mai mốt tăng lên 2000 đồng/lít.”

Trong khi đó, không ít người dân tỏ ra hoài nghi rằng yêu cầu của ông Thủ tướng về giảm giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu nhằm đảm bảo đời sống của dân chúng, do tác động của dịch COVID-19, không thể nào thành hiện thực trong sinh hoạt xã hội, như qua chia sẻ của độc giả Vo Thao trên trang fanpage Báo Thanh Niên rằng “Gần 2 tháng rồi có thấy giảm đâu? Ra chợ, nói với mấy bà bán thịt heo là ‘thịt heo giảm, sao mấy bà không giảm?’ Mấy bả bảo lên tivi, lên mạng mà mua”.

Nguồn tin: RFA Tiếng Việt