Covid-19 : Tập Cận Bình tìm uy tín trong nước, tô hình ảnh ở nước ngoài (Thu Hằng)

Tập Cận Bình chưa bao giờ có uy tín trong nước để mất nên vấn đề lấy lại không đặt ra. Có chăng là y đang cố xây dựng hình ảnh một lãnh đạo ra tay cứu rỗi thế giới bằng những món hàng giá cao trong lúc thế giới khan hiếm dụng cụ y tế.

02/04/2020 - 10:45
Chân dung áp phích cổ động chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải, ngày 12/03/2020.
Chân dung áp phích cổ động chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải, ngày 12/03/2020. © REUTERS/Aly Song

Bắc Kinh rầm rộ quảng bá hình ảnh « cứu tinh » trong khi cả thế giới đang đối đầu với đại dịch virus corona, xuất phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Mục tiêu chính là để xóa đi những sai lầm trong thời gian đầu xử lý dịch của chính quyền.

Bị chỉ trích gay gắt vì che giấu thông tin, chậm trễ trong việc xử lý dịch, ngay khi bắt đầu kiểm soát được ổ dịch Vũ Hán, Trung Quốc chuyển sang « phản công » thông qua việc khởi động cỗ máy « ngoại giao khẩu trang », huy động từ các tập đoàn lớn (Alibaba) đến các hiệp hội (Chữ Thập Đỏ) hoặc du học sinh (như ở Nhật Bản), cung cấp trang thiết bị y tế cho cả thế giới hoặc cử những đoàn chuyên gia có kinh nghiệm chống dịch ở Vũ Hán.

Dịch Covid-19 đang bùng phát ở châu Âu và Hoa Kỳ là cơ hội vàng để Bắc Kinh trả đũa và khôi phục lại hình ảnh. Quảng bá cho một Trung Hoa « hào phóng », « tương ái » còn là chiến lược « một mũi tên trúng hai đích » của chủ tịch Tập Cận Bình : lấy lại tín nhiệm trong nước và nâng vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà Trung Hoa học, giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste, Hồng Kông.
***

RFI : Sau thời gian đầu im lặng, ông Tập Cận Bình đang lấy lại hình ảnh « người đứng đầu » như thế nào tại Trung Quốc ?

GS Jean-Pierre Cabestan : Hiện không rõ ông Tập đã lấy lại được hình ảnh chưa. Đó chỉ là những gì mà bộ phận báo chí, tuyên truyền của Bắc Kinh nói. Ông Tập đã nắm lại tình hình vào cuối tháng Giêng, chính xác là vào ngày 20/01, còn ngày 23/01 là ngày tỉnh Hồ Bắc bị chính thức cách ly. Nhưng từ đó tình hình có nhiều biến chuyển.

Ông Tập Cận Bình cuối cùng cũng đến Vũ Hán vào cuối tháng Ba tại vì có nhiều vấn đề : người dân phản đối cách chính phủ xử lý dịch, cũng như những bí mật bị che đậy, nhân viên y tế vất vả chống dịch, đặc biệt là sau vụ chính quyền mới của thành phố Vũ Hán, gồm những nhân vật thân cận của ông Tập Cận Bình, đã yêu cầu người dân Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc cảm ơn đảng và người lãnh đạo đảng là ông Tập Cận Bình về lòng nhân từ, cũng như phải thể hiện lòng biết ơn với đảng Cộng Sản. Thế nhưng, những yêu cầu đó lại không được lòng dân và quay lại chống chính phủ và buộc ông Tập Cận Bình phải đến thăm Vũ Hán vào giữa tháng Ba.

Nói tóm lại, tại Trung Quốc, hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền trung ương đã kiểm soát lại được tình hình chưa và liệu ông Tập Cận Bình có lấy lại được hình ảnh tính cực không. Tôi thấy rằng có khá nhiều biến động trong xã hội với nhiều chỉ trích và lo lắng, giống như một kiểu mất niềm tin vào chính quyền.

RFI : Giữa người dân tỉnh Hồ Bắc và dân một số tỉnh lân cận đã xảy ra xô xát khi tỉnh Hồ Bắc được dỡ lệnh phong tỏa. Liệu đây có khả năng trở thành một nguồn bất ổn tại Trung Quốc sau dịch Covid-19 ?

GS Cabestan : Đây là một vấn đề vì hiện giờ dịch đã lùi sau và tình hình dần trở lại bình thường ở tỉnh Hồ Bắc và sau này là ở thành phố Vũ Hán. Dù sao Bắc Kinh cũng muốn người dân trở lại làm việc ở các tỉnh lân cận.

Những vụ xô xát xảy ra ở ranh giới giữa tỉnh Hồ Bắc và tỉnh Giang Tây (Jiangxi) cho thấy rằng vẫn còn rất nhiều nghi ngờ về việc tỉnh Hồ Bắc đã khống chế được dịch. Vì thế người dân tỉnh Giang Tây không muốn để người dân Hồ Bắc đi làm trở lại ở tỉnh Giang Tây hoặc đi qua tỉnh này để đến một số tỉnh khác như Chiết Giang (Zhejiang) hay Giang Tô (Jiangsu).

Điều này cho thấy tại Trung Quốc vẫn còn rất nhiều nghi ngờ về những phát biểu của chính phủ, tạo nên kiểu cảm bất an. Có nghĩa là mỗi tỉnh tìm cách tự bảo vệ và nghi ngờ về việc tình hình được cải thiện ở Hồ Bắc. Thực ra, những tỉnh này không tin lắm vào những gì Bắc Kinh nói.

RFI : Người ta nói đến khả năng có đợt dịch thứ hai tại Trung Quốc. Liệu điều đó có ảnh hưởng đến « chiến thắng » mà chính phủ hiện không ngừng ca ngợi trên các cơ quan truyền thông Nhà nước ?

GS Cabestan : Chính phủ Trung Quốc công nhận những ca nhiễm virus corona từ nước ngoài vì có khá nhiều người Trung Quốc từ nước ngoài trở về, trong đó có rất nhiều người từ Roma (Ý). Có vẻ như, phải nhấn mạnh là có vẻ như, những ca này làm số ca nhiễm mới tăng lên tại Trung Quốc, nhưng mức tăng ở mức khiêm tốn. Hiện giờ người ta cũng nghi ngờ chính quyền không tổng hợp con số này với thống kê những ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vì thế, vẫn còn rất nhiều nghi ngờ và cần tiếp tục theo dõi trước khi thực sự kết luận rằng thách thức đã lùi xa ở Trung Quốc.

RFI : Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đang cố triển khai chiến lược « cứu tinh » qua việc cung cấp khẩu trang, trang thiết bị y tế khắp nơi trên thế giới. Phải chăng đây là một công cụ trao đổi, bắt chẹt hơn là chính sách ngoại giao, được coi là một « quyền lực mềm » của Bắc Kinh ?

GS Cabestan : Đúng thế, tôi nhớ là một quan chức của Liên Hiệp Châu Âu đã tóm lược tình hình như thế. Đó là một chiến lược « hào hiệp » nhằm tìm cách quảng bá hình ảnh của Trung Quốc, cũng như tô điểm lại uy tín của Bắc Kinh, bị tổn thương nghiêm trọng từ đầu năm 2020 vì dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc, sau đó chính quyền che giấu, giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của dịch và hành động chậm trễ. Cho nên có rất nhiều người ở bên ngoài cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về nạn dịch này.

Vì vậy Trung Quốc phải làm gì đó, bằng cách huy động mọi phương tiện với nhiều lý do. Trước tiên, Trung Quốc là nước sản xuất phần lớn khẩu trang và máy trợ thở cho cả thế giới. Điều này thật đặc biệt vì rất nhiều nước phụ thuộc đến 80-90% vào trang thiết bị dịch tễ của Trung Quốc, đó là chưa kể đến thuốc men. Hiện tượng này còn do lỗi của các doanh nghiệp phương Tây vì họ không muốn sản xuất trong nước vì chi phí quá cao. Điều đáng chú ý là Trung Quốc không giữ độc quyền, mà lẽ ra các nước phải tránh « để chung trứng trong một giỏ » mà nên hướng sang một số nước khác trong khu vực như Việt Nam, Bangladesh để sản xuất một phần những thiết bị đó.

Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là Trung Quốc không cho không những trang thiết bị đó mà là bán chúng. Theo tôi biết, Trung Quốc còn lợi dụng tình hình để bán với giá đắt. Một số người bạn làm trong lĩnh vực y tế ở Trung Quốc xác nhận rằng giá đã tăng lên theo khối lượng lớn đơn đặt hàng khẩu trang, thiết bị y tế.

Trung Quốc đã lợi dụng thế mạnh để lấy lại uy tính, cải thiện hình ảnh của mình. Liệu chiến lược này có thành công không ? Một số nước đã tỏ lòng biết ơn như Ý, Hungary, Serbia… Nhưng có phải nước nào cũng thế không ? Tôi nghi ngờ điều này.

RFI : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đàm thoại với tổng thống Mỹ Donald Trump và đề nghị « đoàn kết » chống dịch. Phải chăng ông Tập đã thay đổi chiến lược ?

GS Cabestan : Đó là ý muốn giảm bớt căng thẳng với Hoa Kỳ. Chẳng mất gì khi kêu gọi « đoàn kết » trong khi lại có thể tạo thuận lợi cho Trung Quốc. Chẳng ai phản đối kiểu phối hợp trong cuộc chiến chống virus corona cả.

Nhưng không nên ngây thơ ! Đây là một cuộc chiến, nhưng cũng là cạnh tranh giữa hai cường quốc. Bắc Kinh tận dụng được điểm yếu của Mỹ về lĩnh vực dịch tễ. Trong đợt dịch Ebola, Trung Quốc và Mỹ là hai nước đầu tầu, nhưng trong đại dịch này, Hoa Kỳ đang vất vả xử lý dịch. Cần nhắc lại là khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Hoa Kỳ cũng như nhiều nước châu Âu khác đã gửi hàng cứu trợ cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã tận dụng việc dịch lan rộng ở phương Tây như món quà trời cho về mặt ngoại giao để tỏ ra « hào hiệp » với thế giới, thể hiện là cường quốc « cứu tinh » duy nhất, nhưng tôi không nghĩ là Trung Quốc có thể cứu hết các nước !

RFI : Với tất cả những nỗ lực trên, liệu sau khi hết dịch, chủ tịch Tập Cận Bình có trở nên mạnh hơn không ?

GS Cabestan : Đó là điều ông ấy hy vọng và hy vọng rất nhiều. Nhưng tôi cho rằng ông Tập bị phản đối rất nhiều trong cuộc khủng hoảng này. Trước tiên là vì ông ấy phản ứng chậm và để bộ trưởng Y Tế cùng với một số quan chức khác lên tuyến đầu và sau đó là phạm khá nhiều lỗi trong việc xử lý khủng hoảng. Vì thế mà ông ấy hiện bị phản đối nhiều hơn cả cách đây vài tháng.

Giờ chúng ta thấy ông Tập là người duy nhất trên đỉnh cao quyền lực. Chính ông là người bổ nhiệm nhiều quan chức mới ở tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán, tất cả đều là người thân cận của ông, cũng như ông Lạc Huệ Ninh, người đứng đầu Văn phòng liên lạc tại Hồng Kông. Nên dù ông Tập Cận Bình bị phản đối nhưng hiện tại ông không bị suy yếu.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste Hồng Kông.