Việt Nam chớ vội mừng (Việt Hoàng)
Thảm họa do
Covid-19 gây ra sẽ qua đi nhưng nạn “virus đỏ” (lời nhà văn Phạm Đình Trọng) vẫn
còn đó và nó mới là mối nguy lớn nhất cho dân tộc Việt
Nam. Hãy nghĩ về điều đó và hãy lên tiếng ủng hộ cho một giải
pháp chung cho cả dân tộc. Sự luồn lách để thành công dưới chế độ này chỉ là tạm
bợ như những lâu đài xây trên cát. (Việt
Hoàng)
Tính đến ngày
18/3, trên thế giới đã có gần 200.000 người nhiễm Covid-19 và gần 8.000 người tử
vong, trong đó nặng nhất là Trung Quốc với 3.200 người chết và sau đó là Ý
với hơn 2.500 người tử vong. Hầu hết các nước trên thế giới đã đóng cửa biên giới
trong đó có Mỹ, EU và cả Việt Nam.
Hậu quả mà dịch
cúm Covid-19 để lại cho thế giới là vô cùng khủng khiếp mà chưa ai có thể hình
dung ra được.
Hôm 09/03,
giá dầu thô giảm xuống 34 USD một thùng, khiến đồng rúp của Nga mất giá mạnh, hiện
tại xuống gần 80 rúp/1USD. Với giá dầu này Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho
biết là họ sẽ mất khoảng 3 tỉ USD trong năm 2020. Tuy nhiên giá dầu sẽ còn tiếp
tục giảm trong thời gian tới, ngày 16/3 giá dầu thô Brent chỉ còn 30 USD/thùng.
Tính từ
ngày 14.2 đến 13.3.2020, chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones đã mất trên
21%. Chỉ số chứng khoán VN-Index lao dốc mạnh, giảm 18,7%, từ 935 điểm
xuống 761 điểm, mốc thấp nhất từ tháng 11.2017.
Sáng 16-3, giờ
Mỹ, chỉ số Dow Jones đã mất hơn 10% trong khi chỉ số S&P 500 cũng giảm
10,6%, Nasdaq giảm 10,5%, theo Hãng tin AFP. Thị trường chứng khoán thế giới
cũng giảm 8%, giá dầu giảm 10%, thậm chí giá vàng cũng bị ảnh hưởng. Nhưng việc
bán tháo vẫn tiếp tục sau khi thị trường bị đình chỉ 15 phút, khiến Dow Jones mất
gần 3.000 điểm hay 12,9%, tỷ lệ giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1987.
Mỹ lập tức hạ lãi suất
xuống 0% và bơm thêm 1.000 tỉ USD vào thị trường. Theo các nhà
phân tích và giới đầu tư thì họ không coi động thái của FED là hành động giải cứu
mà là sự chuẩn bị cho tình huống có thể rất xấu sắp tới. "Họ đã tạo ra nỗi
sợ, chứ không phải niềm tin", nhà phân tích Patrick O'Hare nhận định. Michael
Hewson, Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại công ty phân tích thị trường
CMC, trụ sở tại Anh, đã mô tả động thái phối hợp lần này là vội vã tung hết mọi
các quân bài ra "chỉ nhấn thêm sự nghiêm trọng của những cú sốc kinh tế sắp
xảy ra".
Covid-19 là một
cuộc khủng hoảng “vô tiền khoáng hậu” chưa từng xảy ra trên thế giới trong vài
chục năm trở lại đây. Kinh tế thế giới sẽ suy thoái và khủng hoảng nghiêm trọng.
Hạ lãi xuất, bơm thêm tiền đều chỉ là những vũ khí đã cũ và hết thiêng. Không còn
thuốc chữa cho cuộc khủng hoảng này. Thế giới sẽ phải xét lại một cách cơ bản
và toàn diện về chủ nghĩa tân phóng khoáng, đề cao tự do và lợi nhuận tối đa.
Phong trào toàn cầu hóa đã phá vỡ biên giới các quốc gia. Các công ty đa quốc
không có tổ quốc mà chỉ biết đến lợi nhuận. Lòng tham của con người đã vượt quá
giới hạn và đang đe dọa tương lai của loài người.
“Bàn tay vô
hình” của Adam Smith chính là các giá trị đạo đức của Thiên chúa giáo đã bị chủ
nghĩa phóng khoáng và internet công phá dữ dội. Cả thế giới quay cuồng theo đồng
tiền, ngay cả đạo đức của giới chính trị gia nói chung và của các nguyên thủ quốc
gia cũng không còn được chú trọng, Donald Trump là một ví dụ. Việt Nam cũng vậy,
ai kiếm được nhiều tiền là người đó giỏi còn mọi giá trị khác đều…không có giá
trị.
Không ít người Việt Nam tự hào vì
chính phủ đã chống dịch Covid-19 giỏi, cho đến giờ Việt Nam chỉ có gần 70 ca
nhiễm và chưa có ai tử vong. Thậm chí nhiều người Việt Nam ở nước ngoài tìm
cách quay về nước để được an toàn. Ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam bỗng trở thành
người hùng. Không ít người cho rằng các chế độ độc tài chống dịch giỏi hơn các
nước dân chủ khi trung tâm của dịch cúm đã chuyển sang Châu Âu sau khi tàn phá
thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Lý do Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề từ
dịch cúm Covid-19 là vì Châu Âu có nhiều người già trong khi Trung Quốc rất ít
người già. Sở dĩ Covid-19 hoàng hành từ Ý và Iran là do hai nước này có nhiều
công nhân Trung Quốc sang làm những công trình xây dựng trong
Sáng kiến Vành Đai và Con Đường. Rồi từ Ý dịch lan ra các nước Châu Âu khác vì
không còn biên giới. Pháp bị nặng vì có nhiều du khách. Pháp là nước được
du khách thăm viếng nhiều nhất thế giới.
Đúng là cho tới
giờ, rất may là Việt Nam chưa bị thiệt
hại về nhân mạng. Rất mong đây là sự thật và cầu mong cho chúng ta không bị thiệt
hại hơn. Dù vậy, Việt Nam là một trong những nước bị thiệt hại lớn nhất trong dịch
cúm Covid-19 này. Lý do như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, Việt Nam có nền kinh tế quá phụ thuộc vào bên ngoài. Ví dụ, mỗi ngày Việt
Nam nhập khẩu từ Trung Quốc một lượng
hàng trị giá 320 triệu USD chủ yếu là nguyên vật liệu để gia công và xuất khẩu.
Đồng thời mỗi ngày Việt Nam xuất sang Trung Quốc
một lượng hàng là nông hải sản trị giá 115 triệu USD. Kim ngạch
xuất nhập khẩu của Việt Nam là 500 tỉ USD với nền kinh
tế có GDP hơn 200 tỉ USD. Như vậy ngoại thương Việt Nam lớn hơn ngưỡng an toàn cho phép (50% GDP) đến 5 lần. Kinh tế Việt
Nam hoàn toàn phụ thuộc vào bên ngoài.
Dịch cúm
Covid-19 là tai họa từ trên trời rơi xuống khiến cho cả thế giới khốn đốn và điều
đó ảnh hưởng nặng nề đến Việt Nam. Ngành du
lịch sẽ “chết lâm sàng” trong một thời gian dài kéo theo các ngành nghề phục vụ
du lịch như khách sạn, nhà hàng, quán xá…Lĩnh vực bất động sản sẽ đóng băng và
tất cả những ai vay mượn tiền ngân hàng để đầu tư vào đất sẽ trả giá nặng. Đây
là hậu quả của việc thả lỏng thị trường bất động sản của chính quyền Việt
Nam. Gần như mọi nguồn lực của Việt Nam đều đổ vào đất, bất cứ ai có tiền đều sở hữu nhiều đất vì đây là
lĩnh vực dễ kiếm tiền nhất và nhàn hạ nhất. Hưởng lợi nhiều nhất và phất lên
nhanh nhất nhờ đất là các quan chức cộng sản và các đại gia đỏ, sân sau của các
quan chức. Chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều về việc này nhưng có lẽ không ai buồn
nghe.
Hầu hết các tập
đoàn kinh tế đình đám của Việt Nam đều kiếm tiền
nhờ mảng bất động sản như khách sạn, resort, các khu nghĩ dưỡng, du dịch…Khi bất
động sản rơi vào tình trạng đóng băng kéo dài thì khó khăn sẽ đè nặng lên họ và
không phải ai cũng có thể vượt qua vì cuộc khủng hoảng vì Covid-19 kéo dài chưa
biết bao giờ kết thúc và nếu kết thúc thì hậu quả của nó sẽ vô cùng lớn.
Covid-19 sẽ thay đổi thế giới.
Các công ty,
xí nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng rơi vào
cảnh đóng cửa và công nhân sẽ thất nghiệp hàng loạt vì không còn nguyên vật liệu
để sản xuất và sản xuất ra cũng không ai mua. Covid-10 sẽ ảnh hưởng đến hàng chục
triệu người dân Việt Nam. Đã bắt đầu xảy ra hiện tượng
người giàu cũng hết tiền tiêu vì bao nhiêu tài sản nằm hết trong…bất động sản.
Người nghèo và giai cấp công nhân - nông dân Việt Nam hầu
như không có tiền của tích trữ mà hầu như làm đến đâu ăn đến đấy. Nếu phải nghỉ
việc dài dài thì không biết họ xoay xở thế nào…Thế nên, chớ vội mừng và “tự hào”
vì Việt Nam chưa có ai bị chết vì Covid-19. Tất cả chỉ mới là giai đoạn đầu.
Khó khăn đang còn ở phía trước.
Chính quyền Việt
Nam không có nhiều lựa chọn. Muốn không bị khủng hoảng kinh tế
thì họ chỉ còn cách xoay trục thật nhanh sang các nước dân chủ vì đường nào Trung
Quốc cũng đã lấy giải pháp rút lui và co cụm lại. Bất đồng giữa
Trung Quốc với Mỹ và các nước dân chủ là không thể giải
quyết. Chỉ riêng việc gọi tên dịch cúm thế nào cho đúng cũng đã gây sóng gió
cho quan hệ Mỹ-Trung khi Trung Quốc khăng khăng cho rằng
Covid-19 không phải xuất phát từ…Trung Quốc.
Thảm họa này một lần nữa nhắc chúng
ta rằng trái đất đã nhỏ lại và là mái nhà chung của cả nhân loại. Quốc gia phải
được xét lại và quan niệm như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự
án tương lai chung. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi coi quốc gia như
một khu riêng biệt không chỉ thiển cận mà còn không khả thi nữa. Thế giới sẽ phải
xét lại và đề cao sự liên đới giữa các quốc gia và sự liên đới giữa con người
và con người. Covid-19 không phân biệt giàu nghèo, quan chức hay thường dân.
Rồi dịch cúm Covid-19
sẽ qua đi, mỗi người trong chúng ta sẽ phải nghĩ lại về bản thân, gia đình, sự
nghiệp và tiền bạc. Cuộc đời còn nhiều cái để hy sinh và cống hiến chứ không chỉ
có mỗi tiền bạc. Sự giàu có không phải là tất cả. Tất cả chúng ta, 95 triệu người
Việt Nam đều liên đới và “ký sinh”
vào nhau, cùng ràng buộc với nhau trong một số phận chung, một tương lai chung.
Thảm họa do
Covid-19 gây ra sẽ qua đi nhưng nạn “virus đỏ” (lời nhà văn Phạm Đình Trọng) vẫn
còn đó và nó mới là mối nguy lớn nhất cho dân tộc Việt
Nam. Hãy nghĩ về điều đó và hãy lên tiếng ủng hộ cho một giải
pháp chung cho cả dân tộc. Sự luồn lách để thành công dưới chế độ này chỉ là tạm
bợ như những lâu đài xây trên cát.
Việt
Hoàng (18/3/2020)