Covid-19 trả lại vẻ thanh tịnh vốn có cho di tích và trung tâm Phật Giáo Việt Nam! (Nguyễn Lại)

Người cộng sản trước đây khi còn niềm tin cộng sản, họ coi tôn giáo là thuộc phiện gây hại nhân dân. Họ đập phá, biến chùa chiền thành kho hợp tác xã, xóa bỏ gần như hoàn toàn Phật giáo ở miền Bắc. Họ cũng cố gắng xóa bỏ Kito giáo nhưng bất thành.

Còn hiện nay, khi lý tưởng cộng sản bị lố bịch, các quan chức cộng sản hậu thuẫn các dự án xây dựng chùa chiền khắp nơi, ngoài lý do mê tín còn là tạo cớ lập dự án dưới dạng văn hóa để đục khoét, ăn cắp. Việt Nam liên tục phá kỉ lục về chùa, tượng Phật lớn nhất khu vực, thế giới. Các chùa này khi đi vào hoạt động thực ra là những cơ sở kinh doanh do các vị sư sãi quốc doanh điều hành. Hoạt động kinh doanh cả trong và ngoài chùa nhốn nháo, cảnh chen chúc, chặt chém trở thành bình thường khiến các ngôi chùa mất hoàn toàn vẻ thanh tịnh mà đáng ra nó phải có.

Điều khôi hài là nhờ có dịch covid - 19 mà những người thực sự tới chùa vì mục đích tôn giáo mới cảm nhận được sự thanh tịnh do người đi chùa thưa thớt khiến hoạt động kinh doanh ế ẩm.

Lễ hội Chùa Hương vắng khách vì ảnh hưởng của dịch corona (Hình: Tạp chí Điện tử Thương Trường)

Theo thông lệ thì trong cả tháng giêng và những tuần đầu tháng 2 âm lịch là thời gian của lễ hội tại Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Thời điểm này, tận dụng thời gian rảnh rỗi và thời tiết đã bắt đầu ấm áp, mọi người thường tìm tới với các di tích nổi tiếng, các lễ hội lâu đời và những trung tâm Phật Giáo như Chùa Hương, ngoại thành Hà Nội hay Yên Tử tại Quảng Ninh, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã từng tịnh tu, hay khu chùa Bái Đính mới được xây dựng tại Ninh Bình…

Tuy vậy, năm nay do dịch bệnh Covid-19 mà các lễ hội đã dừng tổ chức. Lo sợ dịch bệnh nên phần lớn mọi người cũng đã không còn tìm tới những địa điểm này. Tình trạng ế ẩm, vắng khách khiến cho những loại hình kinh doanh và dịch vụ liên quan đều trong cảnh ảm đạm và thất thu lớn. Nhưng đối với nhiều người thì đợt dịch bệnh trong suốt gần 2 tháng vừa qua thực sự đã trả lại vẻ tôn nghiêm và không khí thanh tịnh vốn có cho các di tích và trung tâm Phật Giáo. Những người đi lễ và vãn cảnh chùa dịp này thực sự được thư giãn và tìm thấy ý nghĩa đích thực của việc đi lễ đầu năm; chứ không còn phải chịu cảnh chặt chém, chen lấn xô bồ, thậm chí là trộm cắp, mất an ninh trật tự như mọi năm.

Trở về Hậu Giang sau chuyến du hành đầu xuân tới với Chùa Hương, một trung tâm Phật Giáo lâu đời và nổi tiếng nhất nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km, ông Lương Duy Thắng cùng người vợ của mình vẫn không quên được những kỷ niệm của chuyến đi. Không có cảnh chặt chém hàng triệu đồng cho một chuyến đò từ Bến Đục vào đến chùa Thiên Trù như mọi năm. Thực sự ông bà đã được hưởng một chuyến đi vãn cảnh chùa yên ả và thú vị như mong muốn. Ông Thắng chia sẻ: “ Đến chùa Hương vào Bến Đục thì đò để không rất là nhiều, xếp lớp như vậy nhưng mà không có người nào chèo hết. Họ bố trí cùng với 3 Phật tử từ Hà Nội xuống cùng đi đò, đó rất là vắng. Một chuyến đò như vậy bao hết toàn bộ thì chỉ hết 250 nghìn. Trong khi đấy như người ta nói trong dịp lễ hội là lên đến cả triệu, thậm chí chen lấn xô đẩy, đến giữa dòng theo báo chí nói và một số người khách họ nói thì khi lên đò rồi còn đòi thêm tiền nữa. Có người phải ‘ói’ ra thêm 500 đến 1 triệu thì mới có thể vô được chùa Hương.”

Đò bến Yến vắng bóng khách du lịch (Hình: Tạp chí Điện tử Thương Trường)
Đò bến Yến vắng bóng khách du lịch (Hình: Tạp chí Điện tử Thương Trường)

Theo ông Thắng và những người mạo hiểm tới với Chùa Hương và Yên Tử trong dịp ra Tết năm nay thì thực sự chỉ có một vài người khách tới với các trung tâm Phật giáo nổi tiếng này thay vì hàng chục vạn người mỗi ngày với không khí lễ bái xô bồ, xả rác bừa bãi và chen lấn xô đẩy như mọi năm. Cũng theo ông Thắng thì do cảnh chùa vắng vẻ quá, nên hai ông bà còn được sư thầy mời một bữa cơm chay, điều chắc chắn sẽ không xảy ra trong dịp lễ hội. Ông cũng cho biết thêm: “Chúng tôi trở về miền nam mà cho đến nay thì trên VTV và báo chí nói thì đi chùa luôn có một sự phức tạp vô cùng ở chỗ là chen lấn, ở chỗ là xô đẩy, ở chỗ là làm tiền ở trên đò, làm tiền ngay ngoài bến xe ở Hương Sơn, huyện Mỹ Đức đấy, làm tiền ngay từ khi bước chân xuống bến xe. Nhưng chúng tôi đi như vậy, sau khi đi cùng mấy Phật tử này thì họ cho xe rước từ bến xe bus cho đến Bến Đục luôn, không mất tiền gì hết cả mà đối xử rất là tử tế, tôi có cảm giác rất là văn minh như kiểu mình được hưởng thụ.”

Không chỉ những trung tâm Phật giáo lớn rơi vào cảnh vắng khách và được trả lại không khí thanh tịnh vốn có trong dịp hiếm hoi này. Những lễ hội nhỏ ở làng quê vẫn được tổ chức nhưng diễn ra trong cảnh đơn sơ, giản tiện. Còn những đình, đền, chùa, miếu nhỏ thì khách thập phương hầu như vắng bóng chỉ có lác đác người dân địa phương tới chiêm bái. Chị Đỗ Thanh Ngà, một Phật tử đã có trên 20 năm đi lễ tại hầu khắp các trung tâm Phật giáo và chùa chiền từ Nam ra Bắc cho biết chưa bao giờ chị chứng kiến một khung cảnh an lành, yên tĩnh và trang nghiêm như vậy tại những nơi mà chị đã tới chiêm bái trong dịp đầu năm mới âm lịch vừa qua. Chị chia sẻ thêm: “Thực sự thì từ khi có lệnh cấm từ hôm mùng 7 tết đến giờ thì các đền chùa vắng đến 80%. Nhưng khi các kiều bào, khách du lịch nước ngoài hay người dân mà người ta thảnh thơi người ta đi lễ thì chưa bao giờ có một chuyến đi lễ mà lại thực sự là thanh tịnh theo đúng nghĩa của tâm linh như vậy. Bởi vì bản chất của tâm linh là phải thanh tịnh và du ngoạn và trở về với chính mình để hòa mình vào thiên nhiên chứ không đơn thuần là cầu cúng, xin xỏ. Khi có lệnh cấm và dịch cúm này thì mọi thứ trở về trạng thái đúng nghĩa của tâm linh. Rất là vắng vẻ, thanh tịnh và mọi người có một cái sự chân thành, nghiêm túc trong việc lễ lạt. Không nặng về vấn đề thương mại, nó nổi lên những cái tham sân si ở chốn đền, chùa nữa.”

Mặc dù là một người dành phần lớn thời gian trong năm để đi lễ bái tại khắp các đền, chùa, miếu trong cả nước nhưng chị Ngà cũng cho biết, hầu như chị không đi lễ trong dịp đầu năm vì không muốn chứng kiến sự xô bồ, bát nháo và mua bán sỗ sàng ngay nơi cửa Phật và cửa Thánh và trở thành nạn nhân của những kẻ trộm cắp và dịch vụ chặt chém. Riêng năm nay do biết sẽ không có nhiều người đi hành hương, lễ bái nên chị mới tham dự các hoạt động tín ngưỡng đầu năm này. Chị cho biết thêm: “ Ngày trước tinh thần đi lễ là xin xỏ, mua lấy được bán lấy được nhưng bây giờ mọi người đi lễ với cái tâm thành kính với đồ lễ cũng rất là đơn giản. Trong khi đó lại có những quy định cụ thể như khi bước chân vào đền chùa là phải đeo khẩu trang, phải dùng nước rửa tay, hay không được dâng đồ lễ nhiều. Nên năm nay cái tinh thần nó khác hẳn. Vì thế mình không chỉ còn là đi lễ, mình có thể vãn cảnh, mình ngắm các bức tượng phật, đọc các câu kinh, đọc các bài kệ của các vị tổ và các lời dạy của các vị tổ và con người ta sống thanh tịnh đúng nghĩa của tâm linh. Chứ không có xin xỏ, mua tranh bán cướp như mọi năm. Cái đó rõ ràng là cần được phát huy chứ không nhất thiết phải dịch mới như vậy.”

Sau một mùa dịch bệnh, đành rằng sự thất thu là rất lớn đối với hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan, nhưng rõ ràng những giá trị lịch sử và văn hóa đã có từ hàng trăm, hàng nghìn năm tại các trung tâm Phật giáo, những lễ hội và cả những ngôi chùa, ngôi đền nhỏ ở các miền quê mới thực sự được đánh thức và cảm nhận một cách rõ ràng nhất.