Có nên gọi Covid-19 là cúm Tàu? (Việt Hoàng)
Người
Việt thông minh, học nhanh nhưng không kỹ và sâu. Văn hóa tổ chức của người Việt
vẫn còn kém và kém nhất là vẫn chưa nhận ra cái kém của mình, đó là không biết
cách “làm việc chung với nhau”, dù là trong kinh tế hay chính trị. (Việt Hoàng)
Đại dịch do
virus corona gây ra đang tiếp tục hoàng hành dữ dội trên khắp thế giới. 188 quốc
gia với hơn 300.000 người đã bị lây nhiễm với gần 13.000 người tử vong. Đặc biệt
tại Ý, hôm qua (21/3) có gần 800 người tử vong nâng tổng số người chết tại Ý lên
gần 5.000 người. Cả thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng
có trong thời bình. Mọi biện pháp mạnh mẽ và khẩn cấp nhất đã được ban bố trên
toàn cầu. Dù vậy vẫn không ai biết là tương lai sẽ như thế nào, bao giờ thì dịch
bệnh mới kết thúc…
Đại dịch này
bắt đầu từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc sau đó lan ra khắp thế giới. Ý và Iran
là hai nước bị nặng nhất vì có nhiều công nhân Trung Quốc sang làm việc trong
những dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. Châu Âu không còn biên giới
nên virus corona đã tràn qua khắp châu lục này. Châu Âu cũng là những nước có tỉ
lệ người già cao nhất thế giới do được chăm sóc y tế tốt nên cũng là nơi có nhiều
người chết nhất vì sức đề kháng của người lớn tuổi kém.
Tổ chức Y tế
Thế giới (WHO) đặt tên cho dịch cúm này là Covid-19 sau đó đổi tên thành virus
Sars-CoV-2. Tuy nhiên đa số mọi người vẫn gọi là Covid-19 vì ngắn gọn và dễ đọc.
Nhiều người Việt Nam còn gọi virus này là “cúm Vũ Hán” hoặc “cúm Tàu”. Điều này
hoàn toàn bình thường vì con virus này bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc. Bản thân
tôi cùng từng gọi Covid-19 là “dịch cúm Vĩ Hán” trong một bài viết. (*)
Cách gọi con
virus này không có gì quan trọng thế nhưng sự việc bỗng ồn ào hẳn lên khi nó được
tổng thống Mỹ Donald Trump gọi tên một cách rõ ràng là “virus Trung Quốc”
(Chinese virus). Một bức ảnh cho thấy Trump đã tự tay xóa chữ “corona” và thay
bằng chữ “Trung Quốc” trong một buổi họp báo về Covid-19. Trump đã chỉ trích và
lên án Trung Quốc khi cho rằng vì họ mà thế giới bị lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm
này.
Người Việt
Nam khắp nơi lên tiếng ủng hộ gọi dịch cúm này là “cúm Tàu” như cách gọi của
Trump. Chuyện này hoàn toàn dễ hiểu vì thứ nhất, nó không sai, thứ hai, nó bày
tỏ thái độ ghét Trung Quốc của đa số người Việt Nam. Thái độ ghét Trung Quốc của người Việt Nam là đương nhiên và hợp lý
vì Trung Quốc đã chèn ép, chiếm đất, chiếm biển của Việt Nam và nhất là chống
lưng cho Đảng cộng sản Việt Nam bao năm qua.
Có những sự
thật hiển nhiên, nếu một người nào đó nói thì không sao nhưng là Trump thì phải
cẩn thận. Trump không chỉ là một tổng thống dân túy, chuyên mị dân mà còn là
một người thiếu đạo đức, nhỏ mọn và dối trá. Không phải tự nhiên mà Trump gọi
Covid-19 là “virus Trung Quốc”. Mục đích của ông ta là đổ trách nhiệm cho người
khác. Ông không chỉ gọi là “virus Trung Quốc” mà còn gọi là “virus Châu Âu”
cũng nhằm mục đích đó. Khi dịch cúm xảy ra ở Trung Quốc thì cơ quan tình báo Mỹ
đã cảnh báo chính quyền Mỹ nhưng Trump không hề có bất cứ một sự chuẩn bị nào,
thậm chí ông còn khuyên người bệnh cứ đi làm bình thường, dịch cúm này không có
gì đáng ngại, rồi nó sẽ sớm qua đi…Không những thế Trump còn tâng bốc Trung
Quốc và Tập Cận Bình lên tận mây xanh khi ông ta viết trên Twitter hôm 25/1
rằng: “Trung Quốc đã, đang làm việc rất
chăm chỉ để kiềm chế virus corona. Hoa Kỳ vô cùng cảm kích nỗ lực và sự minh
bạch của họ. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Đặc biệt, đại diện cho người dân Mỹ, tôi
muốn cảm ơn Chủ tịch Tập!”.
Từ khi lên
làm tổng thống đến giờ Trump đã làm nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết. Có khoảng
25% dân Mỹ ủng hộ Trump vô điều kiện. Đa số họ là những người da trắng ít học.
Những người này bất chấp lý lẽ và không cần đọc, không cần nghe bất cứ điều gì
nói khác về Trump. Họ bị quyến rũ bởi hình ảnh và ngôn ngữ của Trump và ái mộ
Trump như ái mộ một tài tử điện ảnh. Và cái giả của màn ảnh có sức quyến rũ hơn
hẳn cái thực của đời thường. Nếu đại dịch tại Mỹ không được khống chế sớm thì
Trump sẽ tiếp tục đổ lỗi cho các “thế lực thù địch” như Trung Quốc và EU. Rất
có thể, khi đó những kẻ cực đoan tại Mỹ sẽ đi tìm người Trung Quốc để “hỏi tội”
và không chỉ người Trung Quốc mà tất cả các sắc dân Châu Á sẽ bị vạ lây. Người
Mỹ và Châu Âu không thể nào phân biệt được đâu là người Trung Quốc, đâu là
người Việt Nam và đâu là người Nhật cũng giống như chúng ta không thể phân biệt
được quốc tịch của người Châu Âu.
Vì lý do an
ninh của cộng đồng Châu Á tại Mỹ, tôi đề nghị là chúng ta cứ gọi dịch này là
Covid-19 như WHO đã đặt tên. Ngày xưa, y học chưa phát triển,
người ta không biết gọi là gì nên mới đặt theo tên quốc gia cho dễ nhớ. Bây giờ
có tên y học rõ ràng rồi, việc đặt tên theo quốc gia cũng không cần và cũng
không nên gọi thế để những kẻ cực đoan và dân túy lợi dụng để thổi bùng lên ngọn
lửa phân biệt chủng tộc.
Bệnh
viêm não Nhật Bản có từ thế kỷ 19, ngày đó y học chưa phát triển, họ không biết
gọi là gì nên mới gọi là “viêm não Nhật Bản”. Ngay cả “cúm Tây Ban Nha” cũng
không phải xuất phát từ Tây Ban Nha mà là từ tiểu bang Kansas (Mỹ). Sở dĩ nó được gọi tên như vậy
vì ở Tây Ban Nha có số người chết cao nhất. Như vậy phải hiểu hành động Trump đổi tên dịch cúm là để chối
bỏ trách nhiệm, đổ vấy cho người khác và xúc phạm người Trung Quốc. Chúng ta có
thể thấy là ngoài Trump ra không một nguyên thủ quốc gia văn minh nào gọi như vậy.
Tai họa này là từ trên trời rơi xuống và không ai muốn điều đó xảy ra. Người
dân Trung Quốc chịu quá nhiều thiệt thòi và
mất mát trong đại dịch này. Trách nhiệm của chính quyền cộng sản Trung
Quốc là đương nhiên. Tôi không bàn đến chủ đề đó trong bài viết
này mà chỉ muốn chúng ta phân biệt “người dân Trung Quốc” với “chính quyền cộng sản Trung Quốc”.
Nhân
sự việc này chúng tôi muốn chia sẻ cùng mọi người về cái nhìn đối với Trung
Quốc. Đầu tiên, cũng như bao người dân Việt Nam, tôi không có lý do gì để thích Đảng cộng sản Trung Quốc. Họ là một nhà nước toàn trị, độc tài và luôn ức hiếp những nước nhỏ,
là hàng xóm như Việt Nam. Họ đã chống lưng và bảo trợ
cho Đảng cộng sản Việt Nam cai trị người dân Việt Nam.
Họ chiếm đất, chiếm biển của Việt Nam. Tuy nhiên thời đại
của chế độ cộng sản Trung Quốc sắp qua đi. Chúng ta
mong cho sự tan rã của đế quốc Trung Quốc diễn ra trong
hòa bình như từng xảy ra tại Liên Xô trước đây. Việt Nam đang ở cạnh một đám cháy rất lớn, nếu không có một chính quyền sáng
suốt và có trách nhiệm thì Việt Nam có thể rước họa vào
thân. Không nên chọc giận một con hổ. Trung Quốc là hổ thật chứ không phải hổ
giấy. Trong lúc chờ đợi Trung Quốc sụp đổ, Việt
Nam không nên để xảy ra các cuộc đụng độ mà chỉ nên giữ nguyên
tình trạng như hiện nay. Khi Trung Quốc sụp đổ chúng ta
có thể lấy lại được Hoàng Sa và Trường Sa. Không những thế, chúng ta còn có thể
tranh thủ được tình cảm của các “quốc gia” tách ra từ Trung Quốc như Hải Nam, Vân Nam, Quảng Tây…
Để
tranh thủ tình cảm của người dân Trung Quốc thì chúng ta nên có cái nhìn và một thái độ đúng đắn với người dân
Trung Quốc. Việt Nam và Trung
Quốc là hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng nhất vì cùng
chia sẻ một nền văn minh. Trước khi Trung Quốc đến
Việt Nam, nước Việt chúng ta chưa từng tồn tại một nền văn
minh nào. Người Trung Quốc đã khai hóa cho Việt
Nam. Ngay cả ngôn ngữ Việt Nam cũng phải
vay mượn từ Trung Quốc trong suốt nhiều thế kỷ. Việt
Nam và Trung Quốc cùng sống chung một
mái nhà với các giá trị của Khổng giáo, tuy không tốt nhưng đó là tất cả những gì
chúng ta có và đã đi theo chúng ta hàng ngàn năm nay và vẫn còn đến tận bây giờ.
Người Việt Nam rất gần gũi với người Trung Quốc. Tuy nhiên có một sự thật buồn là, dù đã cố gắng học hỏi Trung
Quốc nhưng chúng ta chưa bao giờ được như họ.
Trung Quốc không bằng Phương Tây nhưng vẫn hơn xa chúng ta. Một ví dụ dễ thấy
nhất là khả năng làm việc chung với nhau. Đây là khả năng cao nhất và quan trọng
nhất để nhận biết một dân tộc văn minh đến mức nào. Người Trung Quốc biết và có khả năng làm việc
chung với nhau, ít nhất là trong lãnh vực kinh tế. Đầu thế kỷ 19, một nhóm người
Trung Quốc đói khổ, chạy nạn sang Việt Nam với hai bàn tay trắng nhưng chỉ sau một thế hệ họ đã làm chủ nền
kinh tế miền Nam Việt Nam.
Thập
niên 80 tại các nước Đông Âu theo xã hội chủ nghĩa, không có người Trung
Quốc mà chỉ có người Việt Nam sang học
và lao động. Người Trung Quốc đến muộn, sau khi khối cộng
sản sụp đổ, nhưng chỉ sau một thập kỷ, hầu hết người Việt Nam đang kinh doanh buôn bán tại đây đều trở thành người bán hàng thuê
cho người Trung Quốc. Nhiều người Việt giàu lên nhờ làm
ăn với Trung Quốc. Một sự thực mà ai cũng thấy là người
Trung Quốc rất giỏi kinh doanh và tôn trọng chữ tín. Chỉ
cần tin ai là họ giao hết tiền bạc, hàng hóa cho người đó và vì thế đã xảy ra
nhiều trường hợp người Việt Nam lợi dụng lòng tin để
chiếm đoạt và chạy nợ các chủ hàng Trung Quốc. Các khu
phố Tàu trên khắp thế giới cũng ăn nên làm ra trong khi người Việt Nam không làm được việc đó.
Người
Việt thông minh, học nhanh nhưng không kỹ và sâu. Văn hóa tổ chức của người Việt
vẫn còn kém và kém nhất là vẫn chưa nhận ra cái kém của mình, đó là không biết
cách “làm việc chung với nhau”, dù là trong kinh tế hay chính trị.
Quay
lại chuyện gọi tên dịch cúm như thế nào cho đúng. Có lẽ chúng ta nên chọn một
thái độ nhân văn hơn và trách nhiệm hơn khi gọi đó là Covid-19. Không nên hùa
theo Trump gọi nó là “Chinnese virus” vì sẽ vô tình cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc
hẹp hòi “America First” của Trump. Thái độ kỳ thị, phân biệt chủng tộc đang có
dấu hiệu trỗi dậy tại Mỹ. Tất cả bài viết của tôi đều vì “việc chung” nhưng
trong bài viết này có chút “tình riêng”. Gia đình tôi cũng rất lo lắng vì có con
đang du học tại Mỹ.
Việt
Hoàng (22/3/2020)