Đại dịch covid-19: Một cơ hội hiếm có để xét lại tiến trình toàn cầu hoá hiện nay (Trọng Thành)

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, rồi chủ nghĩa dân túy càn quyét khắp nơi trên thế giới với cao điểm là sự kiện Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ. Và giờ đây là đại dịch covid - 19 bùng phát khắp nơi và chưa biết lúc nào mới chấm dứt. Những biến cố này chắc chắn sẽ không cản bước được quá trình toàn cầu hóa, nhưng thế giới phải xét lại để thích ứng với những vấn đề phát sinh của toàn cầu hóa.

24/03/2020 - 17:35
Hubert Védrine.
Hubert Védrine. © RFI/Sébastien Bonijol@

Đại dịch virus corona đang làm đảo lộn hành tinh. Điều chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai. Hàng chục quốc gia thực thi chính sách phong toả toàn bộ hoặc một phần với hy vọng hãm đà bùng phát của dịch. Phong toả là cần thiết, nhưng không thể kéo dài. Vác-xin cũng không thể sớm có. Để tránh dịch bùng trở lại sau thời kỳ phong toả, xã hội hiện nay cần nhiều thay đổi triệt để. 

Trong bài trả lời phỏng vấn Le Figaro hôm 22/03/2020, cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine đặc biệt chỉ ra rằng chính tiến trình toàn cầu hoá, với hai đặc điểm tiêu biểu là giới tài chính được rảnh tay mặc sức làm mưa làm gió, và sản xuất công nghiệp được bố trí tại những nơi giá nhân công rẻ mạt nhất, đã là một cội nguồn căn bản dẫn đến cuộc khủng hoảng virus corona hiện nay. Du lịch thương mại hoá cũng bị điểm mặt là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng. Nhận định về cội nguồn sâu xa của đại dịch, Hubert Védrine đề xuất những hướng đi cho tương lai, để cho các xã hội, trước hết là các xã hội phương Tây, tránh rơi vào vết xe đổ. 

RFI giới thiệu cuộc phỏng vấn của Le Figaro với cựu ngoại trưởng Pháp, mang tựa đề ‘‘Đại dịch virus corona đang khiến nhiều niềm tin sâu xa tan thành tro bụi’’. Phỏng vấn do nhà báo Anne Fulda thực hiện. 

***

Le Figaro : Theo ông, cuộc khủng hoảng virus corona cho thấy điều gì trên phương diện quốc tế ? 

Huber Védrine: Cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra, điều chưa từng có kể từ thời kỳ các cuộc chiến tranh thế giới, cho thấy hoặc xác nhận một sự việc là: hiện tại vẫn chưa có một cộng đồng quốc tế thực sự, hoặc cộng đồng quốc tế chưa được chuẩn bị để đối mặt với một đại dịch toàn cầu. Bille Gates và nhiều chuyên gia quân sự đã nói về chuyện này, kể từ dịch Ebola. Chúng ta biết rằng, cho đến nay, tiến trình toàn cầu hoá về cơ bản - trong nhiều thập niên qua - là tiến trình dỡ bỏ các chế ước đối với giới tài chính và việc bố trí các nhà máy, công xưởng tại những nơi nào có giá nhân công thấp nhất, như tại Trung Quốc, và một số quốc gia đang trỗi dậy (với khẩu hiệu ‘‘chuỗi giá trị’’ rất được cổ vũ), mọi vấn đề khác chỉ là thứ yếu…. Chúng ta thấy, không tồn tại các hệ thống đa phương thực sự có khả năng hành động hiệu quả (từ Liên Hiệp Quốc, đến Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO, từ G7 đến G20…). Và chúng ta cũng thấy Liên Hiệp Châu Âu… đã được hình dung như một thế giới lý tưởng, một thế giới không phải đương đầu với bi kịch. Chúng ta cũng từng biết là đã có nhiều phong trào phản kháng, mang tính thường trực, thu hút đông đảo người tham gia và đầy thách thức, nhưng chính cuộc khủng hoảng hiện nay mới cho thấy rõ thực trạng này. 

Việc Liên Âu thúc thủ, Trung Quốc giang tay giúp nước Ý, với việc gửi trang thiết bị y tế… phải chăng đó  cũng là một dấu hiệu cho thấy có một chuyển biến lớn đang diễn ra? 

Hoàn toàn đúng như vậy, nhưng thực ra điều này đã diễn ra từ khá lâu, cho dù các cường quốc có vị thế, các nước phương Tây, đã cố gắng cưỡng lại tiến trình này, và họ có các thế mạnh trong tay. Trung Quốc là siêu cường hàng đầu, và Bắc Kinh không còn che giấu điều này. Chúng ta hãy xem quy mô khổng lồ và tham vọng của dự án Con đường tơ lụa mới, và đồng thời cả cách truyền thông mang tính bề trên của Trung Quốc, cũng như của chúng ta. Cũng đừng nên trách Trung Quốc đã tìm lấy cái lợi cho họ trong tiến trình toàn cầu hoá hiện nay. Chính chúng ta, châu Âu chúng ta, cần phải tự hỏi mình, về chiến lược của mình, về sự ngây thơ của mình. Đây là điều rất khó khăn với người châu Âu, vốn vẫn còn tự coi mình như là lực lượng tiên phong của nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, đã có một thay đổi, về châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu vừa quyết định chi ra hơn 1.000 tỉ euro (tương đương 9% GDP), và Uỷ Ban Châu Âu quyết định ‘’đình chỉ toàn bộ’’ các quy định khống chế chi tiêu công! Đây là cơ sở cho sự trỗi dậy của một châu Âu mới! 

Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng phơi bày một tình trạng dễ tổn thương, bị coi nhẹ hoặc không được nhận ra, cho đến nay: cụ thể là sự phụ thuộc về mặt kinh tế của Pháp, về một số sản phẩm mang tính chiến lược, như dược phẩm… 

Đúng, và điều này không chỉ liên quan đến nước Pháp. Trong thế giới của nền kinh tế thị trường toàn cầu hiện nay, không chỉ là do ‘’ý thức hệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới’’, thì gần như không còn thứ gì được coi là chiến lược, ngoài lĩnh vực thuần tuý quân sự. Điều này cũng đi liền với việc việc chủ quyền của các Nhà nước và vai trò của Nhà nước bị hạ thấp một cách ầm ĩ, một cách thái quá, một cách phi lý.  

Phải chăng là một quan niệm về toàn cầu hoá đang có nguy cơ bị xem xét lại một cách nghiêm túc ? 

Có rất nhiều sự mù quáng, sự phóng đại, những thói tật sai lầm cần phải được xem xét lại. Cho dù một số người sẽ cố gắng ngăn cản việc này. Trong số những điều đó, hiển nhiên là có quan điểm về một tiến trình toàn cầu hoá mang lại hạnh phúc… Hạnh phúc ư? Đúng là, trong một giai đoạn nhất định, toàn cầu hoá đã từng được coi là như vậy, đối với những người nghèo tại các quốc gia nghèo, và những người giàu tại các quốc gia giầu. Cho đến khi mà sự thất vọng của các tầng lớp dân nghèo và trung lưu của các quốc gia phát triển biến thành nỗi thất vọng và chủ nghĩa dân tuý. Tuy nhiên, bên ngoài chuyện đó, phải chăng là chính lối sống vô tư lự, coi khoái lạc là trên hết, cá nhân chủ nghĩa và vui thú hội hè - dường như đã trở thành cái quyền căn bản nhất trong nhân quyền (với một số người, quyền đó còn cao hơn cả quyền tự do ngôn luận) - đang bị xem xét lại ? Chính lối sống này, đối với toàn bộ hay một phần nhân loại, là nguồn gốc của thói quen di chuyển liên tục, không giới hạn, không bị cản trở, một sự chuyển động hỗn loạn. Với các cuộc du hành không ngừng nghỉ của giới làm ăn, du lịch đại chúng (1,4 tỉ khách du lịch trong năm 2019), chúng ta có tổng cộng 4 tỉ cuộc đi lại vào năm 2017, và khoảng 8 tỉ ‘‘được trông đợi’’ vào năm 2035 (như dự đoán, trước đại dịch).  

Cũng cần phải xem xét lại nền kinh tế ''sòng bạc’’ tài chính toàn cầu, hoàn toàn không bị giới hạn (điều mà Obama đã bắt đầu làm và Trump đã huỷ bỏ), và các '‘chuỗi giá trị’’, tức các hoạt động sản xuất được rải ra trên khắp thế giới, được coi là mang lại hiệu quả tối ưu, nhưng hàng hoá sản xuất ra lại không bao gồm những cái giá phải trả về mặt sinh thái. Nếu chúng ta không cố tình tự bịt mắt mình, thì toàn bộ những điều này sẽ không chỉ đặt lại vấn đề về lối sống, mà cả về toàn bộ một nền văn minh: Nền văn minh của chúng ta. Quả là kinh hoàng !

Trong số các tín điều bị tan vỡ với cuộc khủng hoảng này, phải chăng cũng có cả một tín điều - cho đến nay vẫn được coi là bất di, bất dịch và liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu - tín điều về việc mở tung các đường biên giới ? 

Tín điều này vốn đã bị thách thức nghiêm trọng trong nội bộ khối Schengen, với làn sóng nhập cư cách đây ít nay, là hệ quả của cuộc chiến tranh tại Syria. Tuy nhiên, cú sốc virus corona đang làm tan thành tro bụi khá nhiều tập quán tư duy, ý thức hệ và những niềm tin vốn được coi là bắt rễ sâu sắc.  Điều gây ngạc nhiên là việc tự do đi lại trong nội bộ châu Âu đã trở thành một biểu tượng tuyệt đối về chính Liên Âu. Trên thực tế, các thoả thuận Schengen chỉ được khởi động từ năm 1985 (trong lúc Hiệp ước Roma có từ năm 1957). Thoạt tiên, đó chỉ là một sáng kiến khiêm tốn - và thông minh - từ phía các bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu của một số quốc gia thành viên. Rồi dần dần, theo năm tháng, điều này đã trở thành một yếu tố trung tâm (trong đời sống của châu Âu), nhưng cũng đáng tiếc là gắn liền với nó là một sự khinh suất tội lỗi liên quan đến đường biên giới bên ngoài của khối Schengen, do ý thức hệ về ‘‘một chủ nghĩa không biên giới’’. Bởi vào lúc đó, người ta cho rằng các thoả thuận quốc tế về nhân đạo và về kinh tế cũng sẽ mở rộng ra mãi mãi. Tương tự như trước đây, người ta đã từng đi truyền giáo, từng thực dân hoá, từng khai hoá văn minh, người ta đã từng tin tưởng là thế giới sẽ mở toang. Có thể nói đây là một lối hành xử cùng một lúc vừa đầy xúc cảm, vừa gây thiện cảm, vừa ngây thơ, nhưng cũng vừa ngạo mạn. Hệ quả là, hiệp định Schengen, tự do đi lại, đã trở thành biểu tượng cho chính châu Âu. Việc từ bỏ đường biên giới đã trở thành một thứ tín điều mang tính tôn giáo, không được phép nghi ngờ. Sylvain Tesson (nhà văn, nhà du hành người Pháp) đã hoàn toàn có lý khi tuyên bố (trên Le Figaro ngày 20/03 vừa qua): ‘‘Ai phản đối, về mặt tinh thần, cái tôn giáo của việc tự do lưu thông, người đó là đồ chó má. Bức tường là hiện thân của cái ác’’. Tuy nhiên, toàn bộ lối nghĩ đó đã bị lay chuyển dữ dội bởi những gì đang diễn ra. Kể từ đây, chúng ta cần phải học cách quay lại với tinh thần thực tiễn. 

Cần rút ra những bài học nào từ đại dịch đang diễn ra? Liệu chúng ta có thể hy vọng một ‘‘thế giới mới’’ trỗi dậy sau cuộc khủng hoảng này?

Sẽ có nhiều bài học rút ra và nhiều thay đổi cần thực hiện. Dĩ nhiên, sẽ có các thế lực rất mạnh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và xã hội đòi hỏi quay trở lại với nếp sống ‘'bình thường’’, đặc biệt nếu như các điều trị của Hàn Quốc và của bác sĩ Raoult (với chloroquine) ra hiệu quả. Tuy nhiên, không nên nhường bước cho các đòi hỏi như vậy, sau giai đoạn phong toả. Bắt đầu bằng yêu cầu tiếp tục duy trì các hành vi tạo khoảng cách an toàn phòng dịch (gestes barrières de précaution). Tiếp theo đó, phải tiến hành xem xét kỹ lưỡng toàn bộ những gì cần sửa chữa hay từ bỏ trên cấp độ quốc tế, châu Âu, quốc gia, về mặt khoa học, về mặt hành chính, về mặt tập thể cũng như về mặt cá nhân. Cần phải lập ra một hệ thống hợp tác quốc tế liên chính phủ có khả năng hành động - đáng tin cậy hơn là một ‘‘cơ chế điều hành toàn cầu’’ hữu danh vô thực như hiện nay - để phát hiện ngay lập tức các nguy cơ, báo động và tổ chức các biện pháp phòng ngừa và các phương thức xử lý đối với các đại dịch trong tương lai. Cũng cần phải làm rõ các điều kiện có thể dẫn đến sự xuất hiện các bệnh dịch truyền nhiễm, từ động vật sang người. Cần phải duyệt xét lại toàn bộ hệ thống của Liên Hiệp Quốc - Breton Woods - G7 - G20, v.v. 

Cũng đồng thời cần sinh thái hoá mọi lĩnh vực: Từ nông nghiệp đến công nghiệp thực phẩm, các ngành công nghiệp (bao gồm công nghiệp hoá chất), giao thông, xây dựng, năng lượng, các phương pháp tính toán về kinh tế vĩ mô (loại hình GDP). Tất cả những điều này sẽ dẫn đến việc kéo trở lại nhiều hơn các dòng lưu thông kinh tế về với các nền kinh tế mang tính khu vực. Làm sao để cho hoạt động sản xuất và nền kinh tế nói chung trở nên xoay vòng (có nhiều sản phẩm tái chế hơn, ít rác thải hơn). Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn của nền nông nghiệp và nông nghiệp thực phẩm trong vòng 10 hay 15 năm nữa. Xu thế sinh thái hoá này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong giao thông, và trong nhiều lĩnh vực khác. Tất cả những chuyện này đã khởi sự, tại các quốc gia phát triển nhất, nhưng sẽ cần phải được tăng tốc và phổ biến rộng rãi. 

Phải chăng thực hiện tất cả những hướng đi, mà ông vạch ra, bao hàm việc chúng ta phải thay đổi triệt để lối sống của mình? 

Ồ! Dù không cần phải trở về với cuộc sống thời Pascal (triết gia, nhà toán học Pháp thế kỉ XVII Blaise Pascal), nhưng rõ ràng chúng ta cũng cần phải giảm bớt thói quen dịch chuyển thường xuyên! Nhưng mà ai có thể làm được điều đó? 7 tỉ thành viên của nhân loại hiện nay chắc chắn sẽ không thể trở lại với lối sống của những người săn bắt - hái lượm xưa kia, suốt đời sống quanh quẩn tại một nơi. Di chuyển nhiều đã trở thành bản tính của nhân loại thế kỷ XXI. Những ai bị loại trừ cũng chỉ mong được hưởng quyền lợi này. Tuy nhiên, ta có thể sẽ phải ý thức rõ về các thảm hoạ do du lịch đại chúng thương mại hoá (đừng đồng nhất phương thức du lịch này với những cuộc du hành). Thắng cảnh Dubrovnik (Croatia), hòn đảo Santorin (Hy Lap), hay khu đền Angkor (Cam Bốt) đã từng là các nạn nhân, và sắp tới sẽ là thành phố Venise (Ý). Phải chăng chúng ta thực sự cần đến con số 100 triệu khách du lịch tại Pháp? Và '‘với bất cứ giá nào’’? Diễn đạt nói trên có thể hàm nghĩa là sẽ có các khoản thu nhập thiếu hụt cần được bù lấp. 

Một số người đã cổ vũ cho việc phi toàn cầu hoá về năng lượng, ông nghĩ gì về việc này… 

Chúng ta nên nói đến việc '‘phi các-bon hoá’’. Tôi cũng xin nhắc lại là nước Pháp được hưởng loại năng lượng phi các-bon, nhiều nhất trong số các nước phát triển (nhờ năng lượng hạt nhân). Ta có thể hình dung là điều đó trước hết cho phép giảm từ từ năng lượng than (vấn đề là làm thế nào để thuyết phục được Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan và Đức về điều này?) và tiếp tục theo đuổi hạt nhân - loại năng lượng không phát thải - cho đến khi nào chúng ta có được phương tiện để dự trữ được điện, do các năng lượng tái tạo sản xuất ra, với giá thành hợp lý. 

Thế còn châu Âu? Châu Âu có thể rút ra được những bài học nào từ cuộc khủng hoảng này? 

Châu Âu sẽ phải tiếp tục và có thể tìm thấy, với cuộc khủng hoảng đặc biệt này, các phương tiện để tự giải thoát được khỏi một số trói buộc và những khuyết tật mang tính hệ thống, bằng cách phối hợp một cách tốt hơn chủ quyền quốc gia - cần được bảo tồn, và chủ quyền châu Âu - cần được cụ thể hoá, theo nguyên tắc phụ trợ (la subsidiarité), thẩm quyền được trao cho cấp nào có khả năng hành động hiệu quả hơn. 

Ông nghĩ thế nào về cách thức tổng thống Emmanuel Macron xử lý cuộc khủng hoảng này? Về ngôn từ mang tính chiến tranh của ông ấy, về lời kêu gọi ‘‘hãy đọc sách’’ của tổng thống Macron? 

Chiến tranh (chống đại dịch) ư? Rõ ràng là như vậy! Đọc ư? Nếu như người ta nghe lời ông ấy! Nhưng ông ấy cũng đã nói ‘‘sau đây sẽ không còn điều gì như trước nữa’’. Rộng hơn mà nói, cuộc khủng hoảng hiện nay mang lại thêm các phương tiện hành động cho những người ‘‘bị toàn cầu hoá’’ trong cuộc đối đầu với ‘‘những người tổ chức cuộc toàn cầu hoá’’ hiện nay, mang lại các phương tiện cho phía những người có thẩm quyền lập ra các quy tắc (cho quá trình toàn cầu hoá) trong cuộc đối đầu với phía những người phá bỏ các quy tắc, những kẻ vô trách nhiệm. Điều khẩn cấp trước mắt hiện này lẽ dĩ nhiên là phải chấm dứt dịch bệnh và tránh cho nền kinh tế bị suy sụp (và kèm theo đó là sự suy sụp của xã hội). Tuy nhiên, mọi người cũng trông đợi ở tài nhạc trưởng của tổng thống Emmanuel Macron, trong giai đoạn sau đó (giai đoạn hậu phong toả, và sau khi đại dịch lui bước), trên tất cả mọi cấp độ. Và đây chính là một cơ hội lịch sử.