Tái chế rác thải: Pháp gặp khó khăn khi Trung Quốc và Đông Nam Á ngưng nhập khẩu rác (Thuỳ Dương)

Nếu thế giới không thay đổi thói quen sinh hoạt thì vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa sẽ trở thành vấn nạn toàn cầu.


Mỗi năm, nước Pháp thải ra gần 325 triệu tấn rác thải, và tái chế được khoảng 60% lượng rác thải nói trên. Mặc dù chính quyền Pháp chú trọng tái chế rác thải, nhưng trên thực tế, tái chế dường như không thu hút được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý rác thải. Đối với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này, xuất khẩu rác sang nước ngoài đỡ tốn kém và ít gây ô nhiễm hơn là tái chế rác trong nước.

Trung bình, hàng năm, Pháp xuất khẩu 14 triệu tấn rác thải, chủ yếu là kim loại, bìa carton, giấy, nhựa. Theo một báo cáo của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, Pháp là nước xuất khẩu rác nhiều thứ 13 trên thế giới. Ba nước đứng đầu là Mỹ, Nhật và Đức, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc và Đông Nam Á.

Khi Trung Quốc và Đông Nam Á quay lưng lại với rác thải nhập khẩu

Trước đây, Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều rác thải nhất thế giới. Tuy nhiên, vào năm 2017, Trung Quốc quyết định cấm nhập nhiều loại rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, khiến thị trường tái chế rác thải toàn cầu chao đảo. Các nước phương Tây ngày càng lo ngại về việc xuất khẩu rác thải. Pháp cũng không phải là ngoại lệ. Sau quyết định của Bắc Kinh, nhiều nước Đông Nam Á, như Malaysia, Philippines, Indonesia … bất ngờ trở thành bến đỗ mới cho những con tàu chở rác thải từ các nước giàu có. Nói cách khác, Đông Nam Á trở thành thị trường rác thải mới của thế giới, thế chỗ Trung Quốc.

Trong phóng sự phát trên đài RFI ngày 18/11/2019, b à  Stéphanie Monjon, giáo viên đại học Paris-Dauphine, nhà nghiên cứu thuộc đơn vị nghiên cứu kinh tế Dauphine, giải thích về việc xử lý rác thải nhập khẩu tại các nước Đông Nam Á :
« Một phần rác thải bị tiêu hủy. Tại Pháp, chúng ta cũng đốt rác, nhất là nhựa, trong các nhà máy thiêu hủy rác thải. Nhưng cần chú ý là khi chúng ta thiêu đốt rác trong các nhà máy này, chúng ta có xử lý khói bốc lên. Có các công nghệ xử lý, với các loại máy móc thiết bị cần thiết để lọc tất cả những chất gây ô nhiễm khỏi khói. Nếu không được xử lý phù hợp, tất cả những chất gây ô nhiễm đó sẽ được xả ra bầu không khí và người dân sẽ phải gánh chịu nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ở các nước Đông Nam Á này, cũng có những trung tâm đốt rác thải, nhưng nhiều khi rác được đốt ngay ngoài trời khiến không khí bị ô nhiễm nặng. Rác thải nhiều khi cũng được lưu trữ ở các bãi rác, nhưng đó là những bãi rác lộ thiên chứ không có mái che phủ. Rác thải vì thế có thể bay lên cao, bị cuốn ra tự nhiên, ra các dòng chảy, sông hồ và đại dương ».

Vì quá tải về rác thải, rất nhanh chóng, các quốc gia Đông Nam Á cũng không còn muốn làm « bãi rác » của phương Tây nữa. Hồi mùa hè 2019, các nước Malaysia, Philippines và Indonesia lần lượt thông báo muốn gửi trả lại các nước phương Tây, trong đó có Pháp, những container rác thải mà các quốc gia phát triển này đã xuất sang Đông Nam Á.

Nói là làm ! Từ hồi tháng 06/2019, Jakarta đã gửi trả Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Úc, và Hồng Kông vài trăm container rác thải, gồm rác thải sinh hoạt, rác nhựa và nhiều loại rác nguy hiểm mà họ cho là đã được nhập khẩu trái phép vào Indonesia ! Trước đó, vào cuối tháng 05, tổng thống Philippines Duterte đã ra lệnh gửi trả cho Canada hàng chục ngàn tấn rác trong 69 container mà Canada đã xuất sang nước này. Bộ Công Nghiệp Thái Lan cũng đã tuyên bố đến năm 2020 sẽ cấm hoàn toàn việc nhập khẩu rác thải.

Kuala Lumpur cũng gửi trả về 14 nước, trong đó có Pháp, 3.000 tấn rác nhựa. Riêng Pháp bị gửi trả 20 container rác nhựa mà bộ Môi Trường Malaysia cho là một công ty Pháp đã xuất khẩu trái quy định sang nước này. Bộ trưởng Môi Trường Malaysia nhấn mạnh các nước Tây phương phải quản lý tốt hơn rác thải, ngưng xuất khẩu rác sang các nước đang phát triển.

Theo số liệu chính thức của chính phủ Malaysia, lượng rác nhựa nhập khẩu vào Malaysia đã tăng lên tới 870.000 tấn vào năm 2018, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Bộ trưởng Malaysia cũng giải thích là rác thải thường được bán sang Malaysia với cái cớ là để tái chế, nhưng thực tế là các loại nhựa đó lại không thích hợp để được tái chế, có nghĩa là rác thải đã được nhập khẩu trái phép vào Malaysia.

Để hạn chế tình trạng các công ty xuất khẩu trái phép rác thải để rồi bị các nước Đông Nam Á gửi trả rác, bộ Môi Trường Pháp hôm 14/11/2019 thông báo phạt công ty Pháp nói trên 192.000 euro. Bộ Môi Trường cũng cam kết các doanh nghiệp xuất khẩu rác trái phép rồi bị gửi trả lại sẽ bị kiện ra tòa án tại Pháp.

Khó khăn mà lĩnh vực tái chế rác thải của Pháp đang phải đương đầu

Nhiều người dân Pháp thường nghĩ đơn giản rằng cứ được thu gom, phân loại là rác thải sẽ được tái chế ngay tại Pháp.Thế nhưng, ôngThibault Turchet, người phụ trách pháp lý của hiệp hội Zero Waste France giải thích trên đài RFI là thực tế không đơn giản như vậy. Nước Pháp có rất nhiều cơ sở phân loại và tái chế rác thải nhưng vẫn không thể tái chế toàn bộ rác thải.

Ngoài ra, lĩnh vực tái chế rác thải là một ngành rất phức tạp. Đúng là có một số loại rác có thể được tái chế một cách dễ dàng, chẳng hạn chai soda bằng nhựa PET, nhưng có những loại nhựa không thể được tái chế hoặc công việc tái chế rất phức tạp, đòi hỏi nhiều nhân công, chẳng hạn đối với màng nhựa bọc thực phẩm, các hộp nhựa nhuộm màu đựng thực phẩm chế biến sẵn …

Vì thế, nhiều doanh nghiệp chỉ tái chế những loại rác nhựa dễ tái chế, có chất lượng, giá thành cao và xuất khẩu các loại rác nhựa rẻ tiền, chất lượng kém sang các nước khác, nhất là những nước dư thừa nhân công và chấp nhận sử dụng nhựa tái chế chất lượng kém.

Nhưng trong bối cảnh cả Trung Quốc và Đông Nam Á đều « quay lưng » lại với rác nhập khẩu, việc xử lý rác thải tại Pháp diễn ra thế nào ? Ông Arnaud Brunet, tổng giám đốc Cơ quan quốc tế về tái chế, thuộc Liên đoàn quốc tế các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế giải thích với RFI :

« Chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển đổi và chúng ta phải đương đầu với hoàn cảnh đặc biệt. Đó là việc Trung Quốc không mua rác nữa. Rác thải để tái chế thành nguyên vật liệu sản xuất lại được xuất sang các nước khác, nhưng ngay cả những quốc gia này cũng đang trong tình trạng quá tải do lượng lớn rác nhập khẩu vào đất nước họ, dẫn đến việc tràn ngập rác thải, không có đủ chỗ chứa rác, rác bị chất đống trái phép, không đủ khả năng xử lý rác. Nhiều nước máy móc bắt chước Trung Quốc muốn tạm ngưng nhập khẩu rác, chẳng hạn như Thái Lan hay thậm chí là cấm hẳn việc mua rác, như Malaysia chẳng hạn.

Khả năng tái chế của các nước châu Âu đã đạt giới hạn, không thể nhiều hơn được nữa. Đúng là chúng ta có thể đốt các loại rác nhựa theo một cách nào đó và như vậy vẫn phát huy được giá trị của rác thải, ở đây có nghĩa là rác thải vẫn có giá trị tạo năng lượng. Chúng ta đốt rác, tạo ra hơi nóng và sản xuất ra điện. Nhưng việc này cũng có giới hạn và hệ quả là nếu chúng ta không thể tiếp tục xuất khẩu rác nhựa để chúng được tái chế ở một nước nào đó thì chúng ta sẽ buộc phải chôn lấp hay lưu trữ rác trong các trung tâm lưu trữ rác thải. Và đây sẽ là một giải pháp xấu vì gây lãng phí tài nguyên, lãng phí nguyên vật liệu và không tốt cho môi trường ».

Không chỉ liên quan đến nhựa, việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nhiều loại rác và giá nguyên liệu giảm đã khiến Pháp lâm vào cảnh dư thừa nhiều loại nguyên liệu để tái chế, nhất là giấy, bìa carton từ bao bì hàng hóa nhập khẩu ồ ạt từ châu Á và rác kim loại. Các kho lưu trữ rác giấy, bìa carton, kim loại đã đầy ứ, quá tải. Một nghịch lý là sau khi thu gom, phân loại nhằm mục đích tái chế, giờ đây, do thiếu chỗ lưu trữ, nhiều rác thải lại bị đem đi chôn lấp. Từ mùa hè 2019, nhiều cơ sở tái chế thậm chí đã ngưng nhập nguyên liệu vì quá tải và thiếu thị trường đầu ra.

Ngành giấy, bìa của Pháp đang gặp khủng hoảng do không thể tự đảm bảo khâu tái chế ngay trong nước. Năm 2018, gần 7 triệu tấn giấy, bìa carton được thu gom, phân loại, tương đương 79,2% lượng rác thải carton và giấy. Thế nhưng, lượng lớn rác này không được tái chế mà vẫn nằm chất đống trong các trung tâm lưu trữ rác vốn cũng đã quá tải.

Đài France Inter ngày 01/11/2019 trích dẫn ông Pascal Genneviève, chủ tịch ngành bìa carton của Federec, liên đoàn các doanh nghiệp tái chế, theo đó « hiện nay, chúng ta đang gặp khó khăn trong việc xử lý tất cả rác bìa carton mà chúng ta đã thu gom được ». Các nhà máy giấy chỉ tái chế được 5,4 triệu tấn bìa carton, còn gần 1,6 tấn đang chờ xuất khẩu ra nước ngoài để được tái chế. Từ trước tới nay, Pháp vẫn xuất khẩu rác bìa carton sang các nước châu Âu khác, chủ yếu là Đức và Tây Ban Nha, nhưng hiện giờ các thị trường này cũng đang khép lại.