Độc quyền “phản động” (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Vì là người Việt nên dù nhiều hay ít đều chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Việt thông qua tiếp xúc với ông bà, cha mẹ, môi trường sống, thầy cô, bạn bè, cộng đồng, chữ viết, tiếng nói…Việt. Mà văn hóa Việt, giáo dục Việt thì ngàn năm nay thay đổi không quá nhiều. Mặc dù có những chuyển biến từ chữ Hán sang Nôm rồi sang quốc ngữ; từ Nho giáo rồi đến chương trình học của Pháp rồi đến chương trình học ngày nay; thì những giá trị cơ bản của nền văn hóa phương Đông, hay nói đúng hơn là văn hóa Trung Hoa, vẫn tồn tại và chảy trong huyết mạch của người Việt với đầy đủ những cái tốt đẹp lẫn xấu xa.

Không có mô tả ảnh.

Nhiều năm qua, mình đọc và được nghe rất nhiều người phàn nàn về việc đảng thì độc quyền yêu nước còn anh em đấu tranh thì độc quyền “phản động.” 

“Cái đám đó đấu tranh dân chủ gì mà độc tài hơn cộng sản. Ai nói khác ý là nhảy dựng lên, không biết tôn trọng ý kiến trái chiều.”

“’Các nhà đấu tranh dân chủ’ gì mà độc tài còn hơn cộng sản, hở chút là block, xóa còm và chửi bới bịt miệng người ta.”

“Cái đám dân chủ ấy mà lên làm lãnh đạo thì còn độc tài hơn cả cộng sản.”

“Đấu tranh gì cái đám dân chủ giả cầy ấy, lúc nào cũng tự cho rằng mình là duy nhất đúng. Tụi nó mà lật đổ được cộng sản thì còn tan hoang hơn.”

Thú thật mỗi khi nghe, đọc những câu như trên tôi thấy đau. Rất đau. Bởi tôi biết là người ta nhận xét không sai. Tôi đau đến mức có lần tôi phản ứng và gào trên facebook rằng mọi người nên nhìn nhận và phân biệt cho đúng đâu là những người dân dấn thân đấu tranh dân chủ thực sự còn đâu là những người dân chỉ mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình tham gia: vài bài viết phản biện hay lên tiếng trên facebook, chưa tham gia vào hội nhóm, tổ chức nào, chưa có nhiều lần tiếp xúc với anh em đấu tranh để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chưa va chạm thực tế trong việc đấu tranh…nên còn yếu, non, kém và chưa nhận thức đúng đủ về chính trị cũng như các khái niệm. Sau này, khi có hiểu biết hơn, tôi tự cười mình về việc đã có lúc tôi đau tôi gào vì một chuyện nhỏ như vậy.

Xin thưa, có mấy vấn đề:

1.Từ người đấu tranh gạo cội hoặc nhiều tuổi cho đến anh em mới tham gia hoặc trẻ tuổi, ở trong nước hay ở nước ngoài thì đều có một điểm chung: là người Việt.

Vì là người Việt nên dù nhiều hay ít đều chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Việt thông qua tiếp xúc với ông bà, cha mẹ, môi trường sống, thầy cô, bạn bè, cộng đồng, chữ viết, tiếng nói…Việt. Mà văn hóa Việt, giáo dục Việt thì ngàn năm nay thay đổi không quá nhiều. Mặc dù có những chuyển biến từ chữ Hán sang Nôm rồi sang quốc ngữ; từ Nho giáo rồi đến chương trình học của Pháp rồi đến chương trình học ngày nay; thì những giá trị cơ bản của nền văn hóa phương Đông, hay nói đúng hơn là văn hóa Trung Hoa, vẫn tồn tại và chảy trong huyết mạch của người Việt với đầy đủ những cái tốt đẹp lẫn xấu xa.

Nhiều người Việt sống ở miền Nam Việt Nam, thụ hưởng nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa, ra đi ngay sau 30/4/1975 hoặc vài năm sau đó, không hoặc rất ít bị ảnh hưởng bởi chính sách giáo dục của cộng sản, định cư ở những nước dân chủ tự do, nhưng vẫn thể hiện rất rõ ràng tính độc tài, bảo thủ, cố chấp, cục bộ, nghĩ ngắn, ích kỷ, lười nhác, thụ động, đố kỵ, đổ thừa, ghen ghét, ưa bạo lực, thích cãi nhau, thích thể hiện, hay phán xét, háo danh, tham lam, mất đoàn kết, không biết yêu thương nhau…đủ cả chẳng thiếu món nào!

Không nhiều người Việt có thể vượt lên khỏi cái phông văn hóa đó. Nhờ nền giáo dục và văn hóa, môi trường sống và làm việc phương Tây hoặc nhờ tự nhận ra và thay đổi. Nhưng mặc dù vậy thì trong chính những người may mắn đó vẫn có những người những lúc họ có cách cư xử theo kiểu rất đậm chất xấu Việt! Vô thức.

Yuval Noah Harari viết trong Sapiens Lược sử loài người: “Văn hóa là một dạng virut ăn vào não.” Ông gì quên tên, viết cuốn Tâm lý đám đông bảo, “Mất một trăm năm một tư tưởng mới có thể định hình và trở thành tính cách dân tộc. Cũng phải mất từng đó thời gian để xóa bỏ và thay thế nó bằng một tư tưởng khác.”

Văn hóa của chúng ta là “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Không có phản biện. Không có ý kiến. Là con Tấm nhất định phải làm mắm con Cám theo tư tưởng nợ máu phải trả bằng máu. Là Trạng Quỳnh với những trò tiểu xảo bẩn tưởi. Là khi gặp khó khăn không chịu tìm giải pháp để giải quyết mà toàn khóc than rồi ông Bụt ông tiên hiện lên giải quyết dùm. Là Chí Phèo thất chí bất lực ngay đến cái việc sống lương thiện cũng phải đi xin. Là trai làng này sẳn sàng đánh chết trai làng bên vì dám qua cưa gái…tất tận ngồn ngộn hiển hiện trong văn học và đời sống.

Tâm hồn chúng ta ngoài những điều tốt đẹp ít ỏi được học còn là đầy rẫy những tổn thương bởi những lời chửi mắng hạ nhục của chính ông bà, cha mẹ, thầy cô, xã hội. Phẩm giá của chúng ta bị chà đạp bởi văn hóa và bởi chính những câu nói vô tư từ những bậc sinh thành: “Đồ vô dụng. Biết đẻ mày ra mà như vầy thì tao đẻ quá trứng ăn còn hơn.” “Cái giống gì đâu mà hư, lì lợm như thằng cha mày. Còn cãi nữa hả?” Rồi thì là đánh đập và hạ nhục, hạ nhục, hạ nhục. Vòng lặp bệnh lý cứ xoay triền miên hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Mọi thứ đó đều để lại trong mỗi chúng ta một chút sẹo và nó sẽ bộc lộ ra ngoài khi có dịp, mà ngay cả chính ta cũng không nghĩ nó xấu, không hiểu nó từ đâu ra.

2.Thể chế chính trị. Thể chế chính trị quyết định môi trường sống, học tập, lao động và thụ hưởng của con người. Người Việt hiện nay đang chịu sự lãnh đạo của một đảng duy nhất và đảng đó luôn độc quyền trong mọi mặt.

Văn hóa ngàn năm cộng thế chế cộng sản độc tài, người Việt ngày càng bị mất dần những đức tính tốt đẹp ít ỏi bởi không được nuôi dưỡng. Các thói tính xấu ngày càng bộc lộ rõ hơn, mạnh hơn, bạo liệt hơn, tinh vi lẫn thô tục hơn.

3.Thiếu kiến thức. Nhiều người tham gia vào việc đấu tranh là vì những bức xúc xã hội; vì khó chịu trước những bất công, ngang trái hay vì bị mất quyền lợi một cách oan ức; hoặc có lòng yêu nước…nhưng đa số đều là “tay ngang” trong chính trị. Vì thiếu kiến thức nên không hiểu đúng thế nào là dân chủ, thế nào là đa nguyên, thế nào là tranh luận, làm sao để tranh luận. Thường xuyên bị mâu thuẫn giữa lời nói trước và lời nói sau, giữa lời nói và việc làm, giữa lời nói với người này và lời nói với người khác. Thường xuyên mắc những lỗi ngụy biện sơ đẳng. Cũng thường xuyên mắc lỗi trong ứng xử, xã giao.

Cuộc sống bộn bề, nhưng cái chính là lười nhác thụ động nên ít chịu đọc, ít chịu tự học kể cả khi có tài liệu, có người hướng dẫn. Không học thì không biết. Không biết thì ngu. Ngu thì hay cãi bướng. Cãi bướng thì thành ra…độc quyền “phản động.” Có lạ gì đâu? Đó là kết quả tất yếu của cái vòng tròn hoàn hảo: văn hóa kém tiến bộ, thể chế độc tài, kiến thức nền tảng yếu.

Đảng cộng sản bị dân chửi suốt, tôi cũng chửi đảng suốt, nhưng suy cho cùng thì đảng viên và quan chức “chúng nó” cũng như “chúng ta” bởi chịu chung văn hóa và giáo dục, môi trường. “Chúng nó” có quyền và tiền nên cái xấu của “chúng nó” bộc lộ rõ hơn, đáng ghét hơn, dễ thấy hơn “chúng ta” mà thôi.

Người đấu tranh dân chủ cũng như người dân bình thường không đấu tranh, như bạn, như tôi: đầy đủ các thói tật trong người. Có những người cố gắng thay đổi để tốt đẹp hơn lên, cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày và cố gắng học hỏi để nâng cao kiến thức chính trị. Nhưng cũng nhiều người chẳng nhúc nhích gì và giữ mãi những thói xấu.

Chê trách là điều rất dễ làm. Nhìn vào rồi phán xét cũng là điều rất dễ làm. Phán xét xong rồi quay ra chán nản cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, tìm đúng nguyên nhân để thấu hiểu và thông cảm yêu thương nhau hơn, đồng thời tìm giải pháp để khắc phục, để sửa hoặc tạo dựng lại mới là điều đúng đắn cho chính mình và dân tộc. Khó. Nhưng bắt buộc phải làm bởi không có cách nào khác.

Đến đây, ta thấy, “đám dân chủ” độc quyền “phản động” chẳng có gì là lạ cả. Một thời gian nữa sẽ bớt, hết thôi. Việc cần làm là cứ phổ biến kiến thức một cách kiên trì để ngày càng nhiều người nhận ra và thay đổi tư duy, thay đổi văn hóa, tiếp nhận tri thức, đón nhận các giá trị tiến bộ.

Tầm vóc chúng ta nhỏ bé, làm được gì thì cứ phải làm thôi. Tôi tin ngày hôm nay luôn khác ngày hôm qua và ngày mai luôn khác ngày hôm nay, dù chỉ một chút xíu xiu không đo đếm không nhìn thấy được thì vòng quay vẫn luôn nhích về phía trước: phía của văn minh và tiến bộ.

Có thể những nhận định của tôi chưa được đầy đủ, thậm chí có thể là không đúng, nhưng dù sao tôi vẫn viết ra để chúng ta trao đổi và qua đó biết đâu sẽ tổng hợp được vấn đề một cách thấu suốt hơn nhằm tìm ra cách thay đổi. Chẳng phải đó là điều mỗi chúng ta đều mong muốn hay sao?!

Together we stand. Tôi thích câu này. Và, tôi muốn không chỉ đứng cùng anh chị em khi anh chị em tốt lành mà tôi vẫn sẽ đứng cùng anh chị em ngay cả khi chưa tốt lành, va vấp. Mình xấu thì mình sửa thôi, chẳng có gì nghiêm trọng.