Mỹ chính thức đệ đơn rút khỏi Thỏa thuận Paris (VOA Tiếng Việt)

Việc Trump rút khỏi thỏa thuận Paris là hành động không chỉ ngu xuẩn mà còn chứng tỏ sự hèn kém. Lý luận của Trump là Trung Quốc hủy hoại môi trường thì tại sao Mĩ phải bảo vệ ?! Trump hoàn toàn không ý thức được Mĩ đang là nước lãnh đạo thế giới với chức năng định hình nền văn minh thế giới theo những giá trị tiến bộ. Mĩ cùng đồng minh hoàn toàn có đủ nguồn lực và phương tiện để buộc các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc dần đi theo những giá trị Mĩ. Tuyên bố của Trump không khác gì một tuyên bố đầu hàng Trung Quốc, chạy theo mô hình phát triển của Trung Quốc. Mô hình mà chính Trung Quốc cũng đang giãy dụa để thoát ra.

Người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng để phản đối việc Mỹ rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

(Reuters) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo cho Liên Hợp Quốc rằng họ sẽ rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris, bước chính thức đầu tiên trong quá trình kéo dài một năm để rút khỏi hiệp ước toàn cầu chống biến đổi khí hậu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận hôm 4/11.

Hoa Kỳ, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới về lịch sử, sẽ trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới đứng ngoài hiệp định. Với quyết định này, Tổng thống Donald Trump hứa sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp dầu khí và than của Mỹ.

“Mỹ tự hào về thành tích đứng đầu thế giới trong việc căt giảm tất cả các loại khí thải, nuôi dưỡng khả năng bền bỉ, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo năng lượng cho công dân của chúng ta. Mô hình của chúng ta là mô hình thực tế và thực dụng,” ông Pompeo nói trên Twitter.

Các tổ chức hoạt động môi trường cho biết họ hy vọng ông Trump sẽ bị đánh bại vào năm 2020 và người lên làm tổng thống sẽ quyết định tái tham gia thỏa thuận với các mục tiêu mới táo bạo.

“Vị tổng thống kế tiếp sẽ cần tham gia lại thỏa thuận ngay lập tức và cam kết chuyển đổi sang năng lượng sạch một cách nhanh chóng và toàn diện mà tình trạng khẩn cấp về khí hậu đòi hỏi,” Jean Su, giám đốc năng lượng của Trung tâm Đa dạng sinh học, cho biết.

Chính quyền Obama đã đưa Mỹ tham gia vào hiệp ước hồi năm 2015, hứa hẹn sẽ cắt giảm 26-28% lượng khí thải nhà kính của Mỹ vào năm 2030 từ mức năm 2005.

Ông Trump đã vận động tranh cử với lời hứa sẽ hủy bỏ cam kết đó, nói rằng nó làm tổn hại nền kinh tế Mỹ trong khi cho phép những quốc gia gây ô nhiễm lớn khác như Trung Quốc tăng lượng khí thải. Nhưng ông bị các quy tắc của Liên Hợp Quốc ràng buộc phải chờ đến ngày 4/11 năm 2019 mới có thể nộp hồ sơ rút ra.

“Những gì chúng tôi không làm là trừng phạt người dân Mỹ trong khi làm giàu cho những nước ngoài gây ô nhiễm,” ông Trump nói tại một hội nghị ngành công nghiệp khí đá phiến ở Pennsylvania hôm 23/10.

Tất cả những ứng viên tổng thống hàng đầu của Đảng Dân chủ vốn tìm cách đẩy ông Trump ra khỏi Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm tới đã hứa sẽ tái tham gia Thỏa thuận Paris nếu họ thắng cử. Nhưng việc ông Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris vẫn có thể để lại dấu ấn lâu dài, ông Andrew Light, một chuyên viên cao cấp tại Viện Tài nguyên Thế giới và là cựu cố vấn cho đặc phái viên khí hậu Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói.

“Trong khi việc rút khỏi Thỏa thuận Paris phục vụ nhu cầu chính trị của chính quyền Trump, ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ sẽ mất lực đẩy,” ông nói và cho biết rằng sẽ mất nhiều thời gian để cộng đồng quốc tế ‘tin tưởng Mỹ như là đối tác nhất quán’.

Cho đến khi Mỹ chính thức rút ra, nước này sẽ tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán về các khía cạnh kỹ thuật của thỏa thuận do một nhóm nhỏ các quan chức chuyên nghiệp của Bộ Ngoại giao Mỹ đại diện.