Công đoàn độc lập: Xu hướng tất yếu Việt Nam ‘không thể đảo ngược’ (Nguyễn Lại)

Chính quyền cộng sản cấm người dân thành lập công đoàn để bảo vệ quyền lợi của công nhân, nhưng lại dùng tiền thuế của người dân để nuôi hệ thống công đoàn bù nhìn trong các doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước. Một điều quái đản nữa là họ buộc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng phải lập tổ chức công đoàn. Cán bộ công đoàn này đều do lãnh đạo trong công ty bổ nhiệm và nhận lương trực tiếp từ công ty, dĩ nhiên họ cũng không có trách nhiệm gì với công nhân cả, nhưng hàng tháng công nhân cũng phải đóng phí công đoàn.

Quốc kỳ Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) được nhìn thấy tại lễ ký Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam ngày 30/06/2019 tại Hà Nội.

Một trong những ‘điểm nóng’ gây tranh cãi trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi 2019 là việc cho phép thành lập công đoàn độc lập giữa những yêu cầu từ thế giới dân chủ phương Tây về việc Việt Nam phải bảo vệ quyền lợi cho người lao động hơn nữa khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do của cộng đồng quốc tế.

Việc thành lập công đoàn độc lập để công đoàn thật sự trở thành tiếng nói của người lao động và có đủ thực quyền dựa trên luật pháp để bảo vệ người lao động tại Việt Nam thực tế đã được bàn luận trong những năm gần đây và cũng là một nhu cầu tất yếu trong xã hội văn minh.

Các tổ chức công đoàn hiện nay tại Việt Nam chỉ mang ‘tính hình thức’ không có giá trị hay khả năng bảo vệ quyền lợi người lao động, theo nhận xét của anh Đoàn Trần Sơn, một người đã có gần 20 năm làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước ở Hà Nội.

“Thực tế thì Chủ tịch công đoàn của doanh nghiệp là đảng viên và cũng do Giám đốc hoặc Tổng giám đốc bổ nhiệm, chứ không phải do người lao động bầu ra. Điều này có nghĩa là khi có mâu thuẫn về lợi ích giữa người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp thì Chủ tịch công đoàn hay tổ chức công đoàn ấy chẳng thể làm gì. Tôi từng công tác trong vai trò một lãnh đạo cấp phòng thì tôi biết, nhiều nguyện vọng, đề xuất của người lao động về quyền lợi, giờ làm khi được trình lên đến Chủ tịch công đoàn là bị chặn lại mà việc chặn lại này cũng là do Giám đốc hay Tổng Giám đốc chỉ đạo mà thôi. Vì họ không muốn có sự thay đổi,” anh Sơn chia sẻ với VOA.

Thực trạng ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’ này khiến cho người lao động hoàn toàn mất tiếng nói trong mọi vấn đề, chỉ còn cách lãnh đạo bảo sao thì làm vậy, không thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Thậm chí khi bị sa thải trái luật, bị ép làm việc quá quy định mà không được hưởng những quyền lợi tương xứng, họ cũng chẳng biết kêu ai, nhờ ai giúp đỡ.

“Chủ tịch công đoàn là một chức vụ quan trọng nên nếu không là đảng viên thì hoàn toàn không thể được bầu giữ chức vụ đó,” anh Lê Ngọc Hân, một công nhân kỹ thuật tại Thái Nguyên bình luận.

Theo quan sát của anh Hân, hệ thống công đoàn hiện nay ở Việt Nam phần nhiều ‘mang tính ma chay hiếu hỉ’ hơn là bảo vệ công nhân.

“Có nghĩa là chỉ làm mấy việc như đi chúc mừng khi lao động có đám cưới, có con hay đi chia buồn khi gia đình người lao động có việc tang mà thôi, ngoài ra không có khả năng và tác dụng gì mấy trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động,” anh Hân giải thích thêm.

Việc thành lập công đoàn độc lập là một xu hướng tất yếu mà Việt Nam dù muốn hay không cũng không thể né tránh, theo cựu Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Đặng Hùng Võ, người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý và cũng là một chuyên gia uy tín tại Việt Nam.

“Thực tế các hiệp định thương mại với Châu Âu thì đã ký cả rồi. Và trong tất cả những hiệp định đấy đều có yêu cầu bảo vệ quyền lợi người lao động và thành lập công đoàn độc lập. Việt Nam đã quyết định ký thì Việt Nam phải thực hiện chứ không thể lẩn tránh mãi được. Và theo tôi đây là một nhu cầu cũng không thể đảo ngược của người lao động,” ông Đặng Hùng Võ chia sẻ quan điểm trong cuộc phỏng vấn với VOA.

Việt Nam cấm công đoàn độc lập không nằm dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản. Điều 1 của Luật Công đoàn quy định “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động…là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.” Vì thế, công đoàn độc lập, cho tới nay, vẫn còn là một khái niệm bị nhiều người trong hệ thống lãnh đạo tại Việt Nam lo ngại.

“Không thể theo kiểu cứ không làm theo yêu cầu của lãnh đạo của đảng có nghĩa là chống đối và chống phá nhà nước được. Khi chúng ta có những quy định rõ ràng về vấn đề này thì hoạt động của công đoàn độc lập tôi nghĩ sẽ chẳng có vấn đề gì nữa,” ông Đặng Hùng Võ nói.