Người Hồng Kông : Tự do bằng mọi giá (Mai Vân)

Giữa đất mẹ Trung Quốc và tự do, người Hồng Kông đã chọn tự do. Điều này phản ánh một thay đổi lớn trong tâm lý của thế giới. Con người ngày nay khao khát tự do trước hết, đối với họ chẳng thà không có tổ quốc còn hơn có một tổ quốc hung bạo. Giá trị quốc gia đang dần bị tương đối hoá và bị xét lại gay gắt. Quốc gia không còn là một chủng tộc, một văn hoá, một lịch sử, một ngôn ngữ hay một quá khứ nữa, mà quốc gia trước hết là một đồng thuận cùng xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Và tương lai đó đương nhiên là phải đặt nền tảng trên những giá trị cao đẹp của nhân loại, nêu không thì sớm muộn quốc gia cũng tan rã, trường hợp của Trung Quốc với Hông Kông, Đài Loan chỉ là một ví dụ. Một khi chính quyền cộng sản sụp đổ thì Trung Quốc sẽ bị tan thành nhiều quốc gia nhỏ vì không có một tương lai chung nào để gắn kết Bắc Kinh với Hồng Kông hay Đài Loan cả.

media

Tuần báo Courrier International đặc biệt dành trang bìa, hồ sơ chính và bài xã luận cho điều được nêu bật trong tựa lớn : « Hồng Kông : Tự do bằng mọi giá », kèm theo tiểu tựa : « Vì sao mọi đối thoại với Bắc Kinh đều có vẻ bất khả thi. Năm câu hỏi để hiểu về cuộc khủng hoảng ».

Theo ghi nhận của Courrier International, sau ba tháng biểu tình đòi tự do và dân chủ ở Hồng Kông, Trung Quốc vẫn tiếp tục tố cáo bàn tay của ngoại bang. Trong khi đó thì cuộc đối đầu (giữa cả triệu người dân với chính quyền thân Bắc Kinh) vẫn chưa thấy lối thoát, và bạo lực ngày càng gia tăng.

Cuộc chiến giữa hai thế giới

Bài xã luận « Cuộc chiến giữa các thế giới » - lấy lại tựa đề tiểu thuyết nổi tiếng The War of the Worlds của nhà văn Anh H. G. Wells, xuất bản năm 1898 – đã nêu rõ lý do thúc đẩy phong trào phản kháng hiện nay tại Hồng Kông : Bảo vệ những quyền tự do mà trên nguyên tắc đặc khu này phải được hưởng, nhưng đang bị Trung Quốc trù dập.

Trước tiên, tuần báo ghi nhận là đã gần 3 tháng qua người dân Hồng Kông xuống đường chống lại dự luật cho dẫn độ sang Trung Quốc. Tuy đã bị đình chỉ ngay từ đầu, nhưng người biểu tình đòi chính quyền phải rút hẳn văn kiện này. Đồng thời, họ ngày càng tỏ rõ ý muốn có được những bảo đảm về dân chủ và quyền tự do ở Hồng Kông. Đa số những người phản kháng bảo vệ nguyên tắc « một đất nước, hai chế độ » (theo các nội dung đã được cam kết lúc Hồng Kông được trả về cho Trung Quốc năm 1997), cho dù một số ít mơ tưởng đến độc lập.

Từ nhiều tuần lễ nay, Bắc Kinh đã gia tăng sức ép, lên án người biểu tình có hành vi bạo lực, tố cáo sự can thiệp của nước ngoài. Trung Quốc cũng phô trương uy lực, phát đi rộng rãi hình ảnh hàng ngàn cảnh sát triển khai ở Thẩm Quyến, làm nhiều người lo ngại một sự can thiệp thô bạo vào đặc khu hành chính.

Đối với Bắc Kinh, sắp kỷ niệm 70 năm nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, vấn đề Hồng Kông không tách rời với vấn đề Đài Loan mà ông Tập Cận Bình muốn sáp nhập về Trung Quốc.

Nhưng Hồng Kông không phải là Thiên An Môn, như lời giải thích của một nữ ký giả người Ý, cư ngụ tại Hồng Kông từ hơn 30 năm nay : Thế giới đã thay đổi từ 1989, và « ngày nay Trung Quốc sẽ mất mát nhiều hơn trong một cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào thường dân ».

Thế thì tình hình sẽ chuyển biến ra sao ? Cái gì sẽ thật sự diễn ra ? Courrier International trình bày hai quan điểm : Một, ủng hộ người biểu tình, được đăng trên Minh Báo, một nhật báo Hồng Kông có uy tín ; và Hai là của một học giả thân Bắc Kinh. Người đầu tiên nhấn mạnh đến đòi hỏi dân chủ của người biểu tình, trong lúc vị học giả kia thì tố cáo trên tờ Liên Hợp Tảo Báo (Lianhe Zaobao), một nhật báo Hoa Ngữ Singapore, sự can thiệp của nước ngoài, tương đương trong thực tế với « công cuộc thực dân hóa gián tiếp » Hồng Kông.

Đối với tạp chí Pháp, đây là hai quan điểm không thể dung hòa tương tự như quan điểm của Bắc Kinh với người Hồng Kông.

Khủng hoảng Hồng Kông qua năm câu hỏi

Để hiểu rõ hơn về cuộc khủng hoảng này, Courrier International đã nêu lên năm câu hỏi và tìm lời giải đáp qua các bài báo trích dịch từ các tờ New York Times và Washington Post của Mỹ ; The Australian của Úc ; Liên Hợp Tảo Báo ở Singapore, và dĩ nhiên là các tờ báo Hồng Kông như Minh Báo (Ming Pao) và Tín Báo Tài Kinh Nguyệt Khan (Shunpo Monthly).

Thứ nhất, điều gì đang thật sự diễn ra ở Hồng Kông ? Câu trả lời nằm trong một bài báo của nguyệt san Tín Báo Tài Kinh (Shunpo Monthly), xuất bản ở Hồng Kông, nói đến một thế hệ « Tuổi trẻ yêu chuộng tự do ».

Tờ báo ghi nhận là từ ngày được trao trả lại cho Trung Quốc, vùng lãnh thổ này đã xuất hiện nhiều phong trào phản kháng ôn hòa tại Hồng Kông. Thế nhưng lần này người ta chứng kiến sự đoàn kết rõ rệt trong cả một thế hệ đấu tranh cho quyền được tự do.

Thứ hai, bối cảnh chính trị ra sao ? Về vấn đề này, bài viết trên nhật báo Úc The Australian tại Sydney cho rằng đối với Bắc Kinh, những gì đang diễn ra tại Hồng Kông là một điều bất bình thường của lịch sử.

Để tuân theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã phán rằng quyền bán tự trị của Hồng Kông cũng như tình trạng độc lập trên thực tế của Đài Loan phải biến mất.

Thứ ba, nguy cơ Trung Quốc can thiệp võ trang vào Hồng Kông có hay không ? Nhật báo Mỹ, The New York Times khẳng định Hồng Kông không phải là Thiên An Môn.

Tờ báo nhắc lại rằng mối lo ngại về một chiến dịch can thiệp thô bạo của Trung Quốc đã gia tăng khi người ta thấy binh lính Trung Quốc tiến vào Hồng Kông vào sáng sớm thứ Năm, 29/08/2019. Nhưng theo Bắc Kinh, đó chỉ là một hoạt động « thay ca » bình thường mỗi năm.

Như một nhà báo đã sinh sống hàng chục năm ở Hồng Kông đã viết, tâm trạng lo lắng thường dẫn đến những so sánh vội vàng, như so sánh Hồng Kông với Thiên An Môn. Vấn đề là Bắc Kinh vẫn không biết đối thoại với tuổi trẻ.

Thứ tư, những người biểu tình có lý hay không ? Trả lời cho câu hỏi này có hai xu hướng. Trên tờ Minh Báo ở Hồng Kông, một nhà nghiên cứu đại học cho là những người phản kháng có lý, vì cần phải có một xã hội nhân bản. Đằng sau các yêu sách rất cụ thể, những gì mà phong trào phản kháng mong muốn bao hàm những đòi hỏi dân chủ và nhân văn cơ bản.

Còn trên nhật báo Hoa Ngữ Liên Hợp Tảo Báo tại Singapore, một nhà nghiên cứu đại học thân Bắc Kinh nhận định rằng Hồng Kông phải đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ thời thuộc Anh. Dù không đặt lại vấn đề nhà nước pháp quyền, nhân vật này đã giải thích vì sao chế độ lai ghép của Hồng Kông phải hoàn toàn thần phục Trung Quốc.

Thứ năm, trọng lượng của Hồng Kông trong kinh tế Trung Quốc là gì ? Câu trả lời đến từ nhật báo Mỹ The Washington Post, ghi nhận một thực tế ít ai chú ý : Đó là Hồng Kông là một địa điểm được giới giàu có tại Trung Quốc ưa chuộng, trước hết là vì hệ thống pháp lý và kinh tế của đặc khu này cho phép họ cất giữ tiền bạc tránh được sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Theo Washington Post, các nhà bình luận thường nghĩ rằng đối mặt với Trung Quốc, Hồng Kông như là chàng tí hon David chống lại gã khổng lồ Goliath, và cuối cùng chỉ có thể thua mà thôi. Tuy nhiên giới bình luận đã bỏ qua một yếu tố quan trọng trong tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và Hồng Kông : tiền của tư nhân. Những người giàu có ở Hoa Lục – trong đó có nhiều người gắn rất chặt với đảng Cộng Sản – có nguy cơ bị mất nhiều tiền của nếu Hồng Kông rơi vào hỗn loạn.

Nhà nước Trung Quốc, tức là đảng Cộng Sản, không cần đến Hồng Kông để thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc. Điều đó khiến Bắc Kinh có thể phản ứng mạnh mẽ trước biểu tình ở Hồng Kông. Nhưng giới giàu có và ưu tú ở Bắc Kinh nằm trong thành phần “Nhà Nước-Đảng”, có những quyền lợi phức tạp hơn. Trấn áp Hồng Kông một cách mạnh bạo sẽ không có lợi cho sự giàu có của bản thân họ.

Nguồn tin: RFI