Điểm tin Hồng Công - Luật "dẫn độ" bị khai tử (RFI, VOA)

Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phát biểu về dự luật dẫn độ, Hồng Kông, 9/7/2019. REUTERS/Tyrone Siu
Lãnh đạo Hồng Kông "khai tử” luật dẫn độ, đối lập chưa hài lòng (RFI)


Trong một cuộc họp báo vào hôm nay, 09/07/2019, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố luật dẫn độ « đã chết ». Trước thái độ vẫn còn nghi ngờ của dư luận đối với chính phủ về khả năng đưa ra bỏ phiếu lại, bà tái khẳng định: « không còn một dự luật nào như thế cả ».

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tỏ thái độ sẵn sàng tiếp xúc vô điều kiện với đại diện sinh viên chống dự luật. Tuy nhiên, giới quan sát ghi nhận là bà không hề nói là luật bị rút lại hẳn, điều mà những người biểu tình đòi hỏi. Họ tuyên bố tiếp tục cuộc đấu tranh. Thông tín viên RFI tại Hồng Kông Florence de Changy ghi nhận :


Đúng là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên bố là « luật dẫn độ đã chết ». Bà cũng công nhận là cách giải quyết khủng hoảng của chính quyền của bà đã hoàn toàn thất bại, chính quyền đã không làm tốt công việc của mình. Đây là một cách để quy thất bại cho ê kíp của bà thay vì tự nhận lấy trách nhiệm.


Lãnh đạo Hồng Kông khẳng định rằng tuyên bố của bà « rất dứt khoát » và còn giải thích rằng bà nghĩ là người xuống đường sẽ không tin bà nếu bà sử dụng từ « rút lại ».


Và đúng như dự đoán, sự nhượng bộ về từ ngữ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và cuộc họp báo để hòa giải này đã không đủ để làm hài lòng những người chống luật dẫn độ. Ngoài việc dứt khoát đòi bãi bỏ hoàn toàn dự luật, giờ đây họ đã có thêm những yêu sách khác.


Hai tiếng đồng hồ sau phát biểu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Mặt Trận Dân Sự Nhân Quyền đã nêu lên là từ « chết » không nằm trong ngôn ngữ luật pháp, và yêu cầu chính quyền đi theo đúng thủ tục quy định.


Những người phản đối đưa ra một loạt đòi hỏi : Lãnh đạo Hồng Kông phải từ chức, mở điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát, trả tự do vô điều kiện cho những người bị bắt giữ. Họ tuyên bố đang suy nghĩ về những hành động phản kháng tiếp theo. Rõ ràng là trước mắt phong trào đấu tranh không hề có dấu hiệu hụt hơi.

********************

Trung Quốc cố bịt miệng đối lập Hồng Kông tại LHQ (RFI)



Nhà đối lập Hồng Kông Hà Vận Thi (Denise Ho) đã cố phát biểu tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève (Thụy Sĩ) vào hôm qua 08/07/2019 về cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông. Cô là một ca sĩ nhạc pop-rock, đồng thời là gương mặt tiêu biểu của phong trào dân chủ Hồng Kông năm 2014. Dù bị đại diện Trung Quốc ngắt lời nhiều lần, cô đã kết luận phát biểu bằng yêu cầu tổ chức một cuộc họp khẩn cấp.


Ca sĩ, nhà tranh đấu cho dân chủ Hồng Kông, Hà Vận Thi (Denise Ho), trong cuộc họp báo Geneve, ngày 08/07/2019, FABRICE COFFRINI / AFP

Từ trên bục dành cho diễn giả ở hội trường lớn của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, nữ ca sĩ Hà Vận Thi đã bắt đầu bài phát biểu với một vẻ kiên quyết, trước khi bị ngắt lời một cách nhanh chóng.


Cô nói : « Vào tháng trước, hai triệu người đã tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa chống lại dự luật dẫn độ mà tác dụng là xóa bỏ hàng rào bảo vệ cuối cùng của Hồng Kông chống lại sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc. Cảnh sát đã bắn đạn cao su và 152 quả lựu đạn hơi cay vào người biểu tình ».


Ngay khi ấy, đại diện Trung Quốc đã cố gắng ngắt lời người phát biểu bằng cách nói cùng một lúc để át tiếng của diễn giả, và chủ tịch cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố trao quyền phát biểu cho Trung Quốc.


Đại diện Trung Quốc đã phản đối diễn giả bằng lập luận : « Hồng Kông thuộc về Trung Quốc, nhưng người vừa nói đã đặt Trung Quốc và Hồng Kông ngang hàng với nhau. Vì vậy, tôi phản đối : Điều đó đặt lại vấn đề về nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất ».


Cô Hà Vận Thi đã bị ngắt lời hai lần trước khi kết luận được : « Liệu Liên Hiệp Quốc có tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để bảo vệ người dân Hồng Kông hay không ? Trước những vụ vi phạm, liệu Liên Hiệp Quốc có loại Trung Quốc ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền này hay không ? »


Theo nhà đối lập Hồng Kông, đã có 70 người bị bắt kể từ khi phong trào biểu tình bắt đầu hồi tháng 6. Sau khi tham gia phong trào Dù Vàng vào năm 2014, đĩa nhạc của ca sĩ đã bị cấm bán và bản thân ca sĩ bị liệt vào diện thành phần bất hảo tại Trung Quốc.

********************


Dân Hồng Kông sẽ tiếp tục biểu tình dù dự luật được tuyên bố đã ‘chết’ (VOA) 


Các lãnh đạo biểu tình ở Hồng Kông chống đối chính quyền của Trưởng đặc khu Carrie Lam hôm 9/7 cho biết họ sẽ tiếp tục biểu tình, dù cho bà Lam đã tuyên bố rằng nỗ lực sửa đổi dự luật dẫn độ gây tranh cãi dữ dội đã “chết”, theo AP. 

Người biểu tình vẫn kiên trì đòi phải chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ và phải mở một cuộc điều tra công khai về những chiến thuật mạnh tay mà cảnh sát đã sử dụng chống lại người biểu tình. 

Hàng trăm ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình kéo dài cả tháng, bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về sự xói mòn của các quyền dân sự trong vùng đặc khu bán tự trị thuộc Trung Quốc. 

“Chúng tôi không thấy chữ ‘chết’ trong bất kỳ luật nào ở Hồng Kông hay trong bất kỳ thủ tục pháp lý nào trong Hội đồng Lập pháp”, AP dẫn lời các lãnh đạo biểu tình Jimmy Sham và Bonnie Leung nói trong tuyên bố bằng tiếng Anh và tiếng Quảng Đông. 

“Vì vậy, làm sao chính phủ có thể nói với chúng tôi rằng chúng tôi nên tuân thủ nền pháp trị, trong khi bản thân bà Carrie Lam không theo nguyên tắc của một nền pháp trị?” 

Các lãnh đạo biểu tình còn nói bà Lam “đạo đức giả” khi tuyên bố rằng bà Lam đã đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình, trong khi trên thực tế bà không hề nói chuyện trực tiếp với họ. 

“Thay vào đó, bà ấy nên đứng ra và nói chuyện với những người trẻ biểu tình”, AP dẫn lời ông Le Leung nói. “Những người trẻ tuổi đã xuống đường ngay trước cửa nhà bà, bên ngoài các trụ sở chính phủ trong nhiều tuần lễ, để gióng lên tiếng nói để được lắng nghe”. 

Ông Leung cho biết thêm rằng thông tin về các hành động sắp tới sẽ được công bố sau. 

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba tuần trước, bà Lam thừa nhận rằng “có những nghi ngờ không dứt về mức độ thành thực của chính phủ, và những lo lắng liệu chính phủ có tìm cách lại đưa dự luật đó ra để bỏ phiếu hay không”, nhưng bà khẳng định: “Tôi nhắc lại ở đây, không có kế hoạch nào như vậy. Dự luật đã chết”. 

Các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ cho thấy có nhiều lo sợ rằng Hồng Kông đang mất đi các quyền tự do đã được bảo đảm khi cựu thuộc địa của Anh được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. 

Dự luật cho phép các nghi phạm hình sự bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Các nhà phê bình lo ngại các nghi phạm sẽ đối mặt với các phiên xét xử không công bằng và chính trị hóa, và những người chống đối Đảng Cộng sản cầm quyền sẽ là mục tiêu bị nhắm tới. 

Trong cuộc biểu tình gần đây nhất vào hôm Chủ nhật, hàng chục ngàn người hô vang “Hồng Kông tự do” và một số người mang lá cờ Hong Kong của thời thuộc địa Anh, diễu hành tới một nhà ga đường sắt cao tốc nối liền Hồng Kông với lục địa Trung Quốc. Họ nói họ muốn mang thông điệp phản kháng của mình tới những người ở đại lục, nơi truyền thông nhà nước không hề đưa tin rộng rãi về các cuộc biểu tình, mà thay vào đó, tập trung vào các vụ đụng độ với cảnh sát và những thiệt hại về tài sản. 

Vào ngày 1/7, kỷ niệm 22 năm Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc, một cuộc tuần hành ôn hòa đã thu hút hàng trăm ngàn người nhưng cuộc biểu tình đó đã bị lu mờ trước một cuộc tấn công vào tòa nhà lập pháp của Hong Kong. Vài trăm người biểu tình phá vỡ những tấm kính dày để vào tòa nhà và đập phá trong ba giờ, xịt sơn các khẩu hiệu trên tường, lật đổ đồ đạc và làm hỏng các hệ thống bỏ phiếu điện tử và phòng cháy chữa cháy. 

Người biểu tình yêu cầu phải có một cuộc điều tra độc lập về cáo buộc là cảnh sát sử dụng vũ lực quá tay đối với người biểu tình vào ngày 12/6, khi cảnh sát xịt hơi cay và bắn đạn cao su để giải tán những đám đông đang chặn những con đường lớn. 

Hôm thứ Ba, bà Carrie Lam cho biết các cuộc điều tra sẽ diễn ra dưới quyền Bộ Tư pháp, “theo chứng cứ, pháp luật và thủ tục truy tố”.