Brexit: Boris Johnson đánh cược với rủi ro (Tú Anh)

Việc chính trị gia ủng hộ Brexit Boris Johnson đắc cử thủ tướng Anh báo hiệu một giai đoạn đầy rủi ro cho nước Anh. Hai cựu thủ tướng đã ra đi vì Brexit vì thế tương lai của Boris Johnson là một dấu hỏi lớn. EU đã vững mạnh hơn sau cuộc bầu cử hồi 25/6/2019 với khuynh hướng đoàn kết và hợp tác. EU sẽ cố gắng để cuộc 'li dị' Anh-EU diễn ra ít đỗ vỡ nhất. Tuy nhiên mất mát và thiệt hại với nước Anh là không thể tránh khỏi. 



Liệu người lên thay Theresa May ở ghế thủ tướng Anh có sách lược nào khả thi để đưa con tàu Liên Hiệp Anh rời bến cảng châu Âu với ít thiệt hại nhất ? Boris Johnson đe dọa sẽ ly khai không cần thỏa thuận. Nhưng trên thực tế, chủ nhân mới ở số 10 Downing Street thủ trong tay ít nhất ba lá bài với ít nhiều may rủi, tùy theo Bruxelles rộng lượng đến đâu.
Trong bài phân tích chiến lược Brexit của Boris Johnson và cơ may thành công khi lên thay Theresa May, AFP thẩm định lãnh đạo đảng bảo thủ chỉ có ba giải pháp : thương lượng một thỏa thuận mới, chỉ giữ những điều khoản có lợi hoặc hy vọng lòng hào hiệp của Châu Âu. 

Đàm phán lại 

Giải pháp lý tưởng nhất, theo Boris Johnson, là hy vọng tìm được một thỏa thuận Brexit mới, thay thế dự thảo hiệp định Brexit mà bà Theresa May đạt được với Bruxelles nhưng rồi bị Quốc Hội Anh bác bỏ đến ba lần trong ba lần biểu quyết.

Vấn đề là Boris Johnson, tuy tuyên bố là từ nay đến 31/10, sẽ nỗ lực để Luân Đôn ra đi đúng kỳ, hạn nhưng những người chủ trương Brexit không tin là sẽ có phép lạ, vì thời gian không cho phép : Nghị Viện Anh nghỉ hè, Luân Đôn và Bruxelles phải thành lập phái bộ đàm phán mới… Làm cách nào để trong vòng vài tuần của tháng 9 và tháng 10, hai bên có đủ thời gian xem xét lại 585 trang hiệp định ? Liên Hiệp Châu Âu đã báo trước, không chấp nhận thay đổi một câu, trừ phần tuyên bố chính trị đính kèm về mối quan hệ mới giữa hai bên.

Lấy phần có lợi 

Nếu kế hoạch A không được, thủ tướng mới của Anh sẽ tung lá bài thứ hai : Yêu cầu Nghị Viện Anh biểu quyết chấp thuận các điều khoản « tốt nhất » trong dự thảo thỏa thuận của Theresa May mà chính Nghị Viện, với các dân biểu cùng phe đã bác bỏ đến ba lần. Các điều khoản « tốt nhất » là những điểm ít gây bất đồng như quyền công dân Châu Âu, vấn đề an ninh chung và hợp tác đối ngoại. Tạm thời, vấn đề « tái lập kiểm soát biên giới » giữa Bắc Ailen thuộc Anh và Cộng Hòa Ailen độc lập mà không bên nào muốn, sẽ được gác qua một bên.

Boris Johnson còn sử dụng hóa đơn 50 tỷ euro phải nộp cho Châu Âu trong khuôn khổ Brexit để gây áp lực với Bruxelles theo chiến thuật trao đổi : Nếu muốn được khối tiền này, châu Âu phải để cho Luân Đôn tiếp tục thừa hưởng quy chế ưu đãi về thương mại của một thành viên, cho đến khi ký được một thỏa thuận Brexit mới, mà theo cam kết của Boris Johnson sẽ xảy ra trước thời điểm 2022, khi Anh Quốc bầu lại Quốc Hội mới. Vấn đề là Boris Johnson tuy được đa số đảng viên cơ sở ủng hộ, nhưng lại không được đa số dân biểu bảo thủ trong Nghị Viện Anh hiện nay tin cậy, cho nên kế hoạch 2 cũng khá rủi ro.

Lòng hào hiệp của Châu Âu

Cuối cùng, chỉ còn giải pháp thứ ba, là hoàn toàn trông cậy vào lòng bao dung của 27 thành viên còn lại. Nhưng giới lãnh đạo Châu Âu không thể rộng lượng hơn với Luân Đôn, vì như thế chẳng khác nào khuyến khích các thành viên dùng vũ khí ly khai để bắt chẹt. Do vậy, Boris Johnson mới tung lá bài « Brexit không thỏa thuận ». Nhưng kịch bản này là ác mộng đối với giới doanh nghiệp và tài chính : Anh Quốc, do một mình, sẽ bị tổn hại nghiêm trọng hơn châu Âu về mặt kinh tế và sẽ đơn độc hơn trên bàn cờ quốc tế. 

Lá bài thứ tư ?

Tình hình căng thẳng tại vùng Vịnh Ba Tư có lẽ sẽ làm cho Boris Johnson thấy Anh Quốc cần châu Âu nhiều hơn. Trong bối cảnh này, cựu thủ tướng Tony Blair, qua diễn đàn của báo chí châu Âu trong tuần, đưa ra kế hoạch 4 : tổ chức lại trưng cầu dân ý về Brexit.

Hỏi lại ý kiến người dân để có một hướng đi dứt khoát, theo đúng nguyện vọng của đa số, không bị đánh lừa bởi những chính trị gia mị dân, trong đó có Boris Johnson, như trong kỳ trưng cầu dân ý lần đầu vào năm 2016.

RFI