Nỗi lo (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Trong một rừng thông tin có đúng có sai và có rất nhiều quan điểm khác nhau, mỗi người thường chọn cho mình thứ dễ tiếp thu nhất. Vì cuộc sống, vì tính ỳ, vì lười đọc lười học, vì khó, vì tự mãn...nên thường dừng lại ở lưng chừng kiến thức sơ sài, rất ít người tiếp tục tìm hiểu cặn kẽ để hiểu cho đúng, đủ về các khái niệm. Bởi hiểu sơ sài, ba mớ, nên người ta mới mâu thuẫn nội tại và cãi nhau miết không thôi. Gặp anh nào mắc cái bệnh sĩ diện hão, thích thể hiện nữa thì ảnh đem cái mớ kiến thức ba mớ đó đi cãi nhau khắp nơi lòe cho bằng thích mới thôi. Việc này làm cho những người quan tâm đến phong trào đấu tranh cảm thấy bối rối và có nỗi lo kể trên. (Nguyễn Thị Bích Ngà)


Có khá nhiều người lo rằng: "Nhiều người mở mồm ra là kêu đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, đa nguyên nhưng không tôn trọng ý kiến phản biện, hành xử và ăn nói thể hiện sự độc tài. Đám này mà mai mốt lên nắm quyền thì chẳng khác gì cộng sản, có khi còn tệ hơn."

Nhiều năm nay, tôi thường xuyên nghe, đọc những ý kiến thể hiện sự lo lắng và chán nản này từ nhiều người. Dạ, lo không sai. Nhưng cũng không hẳn đúng.

Là vầy:

1. Trong bối cảnh VN hiện nay, ngày càng nhiều người tham gia vào việc lên tiếng phản biện xã hội, phản đối chính sách của chính quyền và đường lối của đảng. Nhiều người lên tiếng vì những bức xúc xã hội đang diễn ra hằng ngày. Nhiều hơn nữa đó là những người lên tiếng vì bị đụng chạm, ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp. 

Nhờ mạng xã hội, người dân đã có cơ hội tìm hiểu nhìn ra những nước dân chủ, văn minh, phát triển và đã bắt đầu có mơ ước đất nước mình phải thay đổi để được như nước khác. Đó là những mơ ước hết sức chính đáng. Và họ tham gia đấu tranh để biến mơ ước thành hiện thực.

Nhưng từ mơ ước đến khát khao và biến khát khao đó thành hiện thực là một bước rất dài.

Để biến một mơ ước, khát khao thành hiện thực con người cần rất nhiều thứ, trong đó phải có kiến thức tổng hợp như: xã hội, tâm lý con người, tâm lý đám đông, ngoại giao, tổ chức..., trong đó kiến thức chính trị là quan trọng nhất.

Như ta đã biết, hầu hết người dân Việt trước nay đều né tránh chính trị và coi đó là điều xấu xa nên không quan tâm, nói gì đến học. Khi nhận ra chính trị là đời sống, cần quan tâm, thì không có kiến thức cơ bản, lúc này mới bắt đầu tìm hiểu.

Trong một rừng thông tin có đúng có sai và có rất nhiều quan điểm khác nhau, mỗi người thường chọn cho mình thứ dễ tiếp thu nhất. Vì cuộc sống, vì tính ỳ, vì lười đọc lười học, vì khó, vì tự mãn...nên thường dừng lại ở lưng chừng kiến thức sơ sài, rất ít người tiếp tục tìm hiểu cặn kẽ để hiểu cho đúng, đủ về các khái niệm.

Bởi hiểu sơ sài, ba mớ, nên người ta mới mâu thuẫn nội tại và cãi nhau miết không thôi. Gặp anh nào mắc cái bệnh sĩ diện hão, thích thể hiện nữa thì ảnh đem cái mớ kiến thức ba mớ đó đi cãi nhau khắp nơi lòe cho bằng thích mới thôi.

Việc này làm cho những người quan tâm đến phong trào đấu tranh cảm thấy bối rối và có nỗi lo kể trên.

Dạ, đừng có lo. Mà cần nhận diện cho đúng để phân biệt. Theo thời gian, những người chưa đủ kiến thức phải tự học nếu muốn tiếp tục con đường đấu tranh. Nếu họ không học, họ sẽ bị đào thải, đó là quy luật.

2. Thông thường, khi đất nước thay đổi, sẽ có một chính phủ lâm thời được lập ra để quản lý đất nước và sắp đặt mọi việc cho một cuộc bầu cử tự do. Chính phủ lâm thời thường làm việc cật lực để có thể tổ chức bầu cử trong thời gian sớm nhất. Quá trình chuẩn bị này có thể kéo dài khoảng một năm.

Các ứng cử viên phải đưa ra chương trình hành động của mình để được bầu chọn vào nghị viện...Đây là lúc người dân có cơ hội soi kỹ người nào xứng đáng người nào không. Thật ra thì người dân nên quan tâm ngay từ bây giờ và loại bỏ những người mà mình nghĩ là không có kiến thức chính trị, có tính bảo thủ balh blah ra khỏi danh sách dự kiến, nếu thấy họ ra ứng cử thì mình gạch chớ ai bắt mình bầu cho họ đâu. Mình có quyền vận động người dân bầu cho người mình thấy tin tưởng và kêu gọi gạch bỏ người mà mình thấy không xứng đáng kia mà.

3. Từ 1: Ta nên có cái nhìn thông cảm, thấu hiểu hơn với anh em đấu tranh. Hầu hết là tay ngang, có được đào tạo đâu. Hãy trao họ thêm thời gian để họ học hỏi và tiến bộ ạ. Họ không tiến bộ thì họ tự đào thải chính mình, chả việc gì ta phải lo.

Từ 2: Ta thấy ta có quyền. Và để thực hiện đúng quyền của mình một cách có trách nhiệm thì hãy tham gia vào quá trình tìm hiểu, vận động, bầu cử một cách nghiêm túc và hiểu biết nhất khi có cơ hội.

Tôi tin là khi VN có thay đổi, người dân hoàn toàn biết lựa chọn những người đại diện cho mình để đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo đất nước đi theo con đường dân chủ, văn minh. Chả phải lo đâu ạ.

26.5.2019