Cảnh giác với các liên minh quyền-tiền (Việt Hoàng)

Trong giai đoạn cất cánh, nhất là khi chuyển tiếp về dân chủ thì Việt Nam rất cần một tầng lớp doanh nhân đúng nghĩa, là những người dám nghĩ dám làm và đóng góp vào sự thành công chung của đất nước. Họ phải là những người thành công nhờ vào khả năng kinh doanh của mình, vào bản lĩnh của mình thay vì hối mại quyền thế hoặc bắt tay với chính quyền để làm giàu bất chính. Phát triển kinh tế trên nền tảng ý kiến và sáng kiến của các doanh nghiệp tư nhân là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất (của chính quyền) hiện nay và trong cả tương lai. Trong Dự án Chính trị của Tập Hợp, chương 5: Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam, có trình bày rõ: Dứt khoát chọn lựa một nền kinh tế thị trường lấy tư doanh làm nền tảng. (Việt Hoàng)
 
Sự kiện tập đoàn kinh tế Masan "tham gia" vào việc viết ra một "dự thảo về tiêu chuẩn của nước mắm" đang gây bất bình trong dư luận, nhất là từ các công ty và hộ gia đình sản xuất nước mắm truyền thống. Nhiều người gọi đây là một dạng của tham nhũng : "Tham nhũng chính sách". Masan không phải là trường hợp cá biệt khi các tập đoàn kinh tế tư nhân bắt tay với chính quyền lũng đoạn chính sách để trục lợi.
Những vụ việc nổi cộm như vụ bán công ty AVG khiến nhà nước thiệt hại hơn 7000 tỷ đồng với hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn "nhập kho". Vụ đại gia Xuân Trường được giao hàng nghìn ha đất cùng nhiều nghìn tỉ đồng để xây chùa và kinh doanh tâm linh, rồi LFC thâu tóm rất nhiều đất ven biển để xây các khu nghỉ dưỡng… Đấy chỉ là những ví dụ, trong thực tế thì hầu hết các công ty và tập đoàn lớn đều "đi đêm" và bắt tay với chính quyền để xây dựng cho mình một cơ ngơi khổng lồ từ việc trục lợi chính sách.
Sau khi các "cú đấm thép", tức là các doanh nghiệp nhà nước được cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ưu ái và hỗ trợ mọi nguồn lực do học theo mô hình các tập đoàn lớn của Hàn quốc bị vỡ nợ như Vinashin, Vinalines thì chính quyền Việt Nam chuyển sang ủng hộ và "đầu tư" cho các tập đoàn kinh tế tư nhân. Điều này hoàn toàn đúng.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương đặt sinh hoạt kinh tế Việt Nam trên nền tảng kinh tế tư nhân, nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân chưa muốn hoặc chưa thể làm được. (Ai quan tâm có thể đọc trong dự án chính trị : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai) Như vậy việc dẹp dần các doanh nghiệp nhà nước và chuyển dịch nền kinh tế sang các công ty tư nhân là điều hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên dưới chế độ cộng sản thì những điều đúng đắn nhất cũng bị bóp méo vì nạn tham nhũng và độc tài.
Các tập đoàn tư nhân lớn và có ảnh hưởng tầm quốc gia bắt đầu được hình thành như TOP 10 bao gồm : VinGroup, LFC, Thép Hòa Phát, Trường Hải, Masan, VinaMilk, DOJI, FPT, VietJet, VPBank. Ngoài ra còn rất nhiều các tập đoàn kinh tế tư nhân đình đám không kém như Vạn Thịnh Phát (Trương Mỹ Lan), Him Lam (Dương Công Minh), Geleximco (Vũ Văn Tiền), Tân Hiệp Phát…
Đặc điểm chung có thể dễ thấy nhất là mối quan hệ "nồng ấm" của các tập đoàn này với chính quyền. Rất khó để biết bao nhiêu quan chức Việt Nam có cổ phần hoặc là cổ đông trong các công ty đó. Trong một xã hội độc tôn quyền lực chính trị như Việt Nam nếu không biết hối mại quyền thế thì không thể nào kinh doanh được và đó là điều hiển nhiên mà ai cũng biết. Đút lót, hối lộ, bôi trơn cho chính quyền là luật chơi bắt buộc khi muốn làm ăn tại Việt Nam, không chỉ các công ty trong nước mà các công ty nước ngoài cũng vậy.
Tuy nhiên vấn đề là các công ty này bắt tay với chính quyền để thao túng nền kinh tế đất nước đến mức độ nào là vấn đề cần quan tâm và bàn đến. Nếu họ hoạt động bình thường theo đúng pháp luật thì không có gì để nói mà ngược lại còn phải tạo điều kiện cho họ làm việc. Thực tế có ít công ty làm được như vậy. Các doanh nhân Việt Nam dù muốn hay không cũng phải "đi đêm" với chính quyền để tồn tại và phát triển. Các doanh nhân phải "đu dây" giữa nền kinh tế thị trường và hệ thống chính trị theo "định hướng xã hội chủ nghĩa". Hơn ai hết, các doanh nhân Việt Nam biết rõ sự tha hóa và thối nát của chính quyền nhưng họ không thể làm khác vì chính quyền có súng và có quyền ban hành các chính sách. Chiều chuộng và hầu hạ các quan chức cộng sản và gia đình họ là một cực hình và là một sự nhục nhã mà không phải doanh nhân nào cũng muốn làm. Không những thế mỗi khi chính trường Việt Nam biến động bởi sự thay đổi nhân sự trong đảng thì nhiều doanh nhân bị vạ lây. Nhẹ thì mất nghiệp, nặng thì bị tù tội và vướng vòng lao lý.
Một điều mà tôi lo lắng là sự bắt tay giữa các nhà tài phiệt với chính quyền để chuyển hóa tài sản chung của đất nước thành tài sản cá nhân, và nhất là việc các nhà tài phiệt tham gia, chi phối nền chính trị trong hiện tại lẫn tương lai theo vết xe đổ đã xảy ra tại Nga và các nước Liên Xô cũ sau khi tan rã. Tài sản của nhà nước nhanh chóng trở thành tài sản của cá nhân thông qua các cuộc mua bán và sát nhập mờ ám. Sau một thời gian nền kinh tế của các nước đó nằm gọn trong tay các nhà tài phiệt, trừ một số ngành nghề chủ lực như điện, nước, xăng dầu là còn do nhà nước quản lý. Các nhà tài phiệt mới này có quan hệ khăng khít và chặt chẽ với chính quyền. Họ thao túng chính sách và giúp các nhà độc tài duy trì quyền lực. Đất nước vẫn là của riêng một nhóm người dù tên gọi quốc gia có thay đổi từ chủ nghĩa xã hội thành dân chủ hay cộng hòa đi chăng nữa, bên ngoài sự hào nhoáng là một sự giả hiệu ở bên trong.
Một khi nền kinh tế đất nước bị các nhà tài phiệt thao túng thì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ bị méo mó và không thể phát triển được. Tham nhũng khiến bộ máy nhà nước tê liệt và tài nguyên của đất nước bị các nhóm lợi ích chiếm đoạt và chia chác với nhau. Thị trường bị bóp méo vì luật chơi không công bằng. Các ưu đãi dành cho các nhà tài phiệt sẽ khiến cảnh "cá lớn nuốt cá bé" xảy ra thường xuyên và bóp nghẹt mọi hoạt động kinh tế. Ví dụ công ty viễn thông quân đội Viettel, mặc dù ra đời muộn hơn so với các công ty viễn thông khác nhưng vì là doanh nghiệp nhà nước (và là của quân đội) nên nó nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng và bành trướng khắp nơi và chắc chắn là ít thanh tra thuế dám vác sổ vào trụ sở của một doanh trại quân đội để đòi thuế.
Một hậu quả đau thương và nhức nhối để lại cho tương lai là việc nhiều tập đoàn kinh tế bắt tay với chính quyền thu hồi đất của người dân với giá rẻ mạt và sau đó bán lại với giá cao ngất ngưởng nhờ vào lỗ hổng của pháp luật "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý". Sự thông đồng này tạo ra hàng triệu dân oan trên khắp mọi miền và làm đổ vỡ niềm tin của người dân vào đất nước. Một thiểu số giàu lên kinh khủng trong khi hàng vạn người khác mất hết tài sản, cơ ngơi và không còn chốn dung thân. Văn Giang, Thủ Thiêm, Lộc Hưng… là những ví dụ.
Sự cộng sinh giữa các nhà tài phiệt và chính quyền gây ra nhiều đổ vỡ trước mắt và để lại nhiều di chứng cho tương lai, kể cả khi đất nước có dân chủ. Ukraine sau khi độc lập đã diễn ra hai cuộc cách mạng là "cách mạng Cam" và "cách mạng Maidan" với nhiều hy sinh và mất mát về người và cả lãnh thổ. Tuy nhiên sự cải cách dân chủ sau đó rất chậm chạp vì tham nhũng đã thấm sâu vào máu của công chức nhà nước và do sự thao túng của giới tài phiệt. Hai năm sau "cách mạng Maidan", điều kiện để Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước khi cho Ukraine vay tiền là "giải quyết triệt để tình trạng tham nhũng và đặt "dấu chấm hết" cho sự chi phối của giới tài phiệt" đang kiểm soát tình hình kinh tế và chính trị Ukraine (1). Tổng thống đương nhiệm Ukraine Poroshenko cũng xuất thân từ một nhà tài phiệt.
Tại Nga thì hầu hết các tỉ phú đều có quan hệ mật thiết với Putin, chính vì biết được điều đó nên các biện pháp trừng phạt của Mỹ luôn nhằm vào nhóm tài phiệt này khiến họ rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" (2). Ngày 14/12/2012, Mỹ thông qua đạo luật Magnitsky nhắm vào các nhà tài phiệt và quan chức Nga liên quan đến cái chết của vị luật sư chống tham nhũng Sergei Magnitsky và đạo luật này đang mở rộng ra toàn cầu nhằm chế tài các quan chức vi phạm nhân quyền tại các nước độc tài.
Cho dù không có gì là chắc chắn nhưng người Việt Nam cũng cần cảnh giác với một liên minh quyền-tiền trong tương lai để tránh rơi vào hoàn cảnh như nước Nga. Lợi dụng tình trạng hỗn loạn trong lúc Đảng cộng sản Việt Nam cáo chung có thể các nhà tài phiệt sẽ "bắt tay" với các nhân sĩ để tạo ra một lực lượng chính trị mới và cướp chính quyền. Họ sẽ dựng lên một nhà nước mới với tên gọi rất kêu và hoành tráng, nhưng chỉ là vỏ bọc bên ngoài còn bên trong vẫn là một thể chế độc tài. Đừng coi thường sức mạnh của vị thần mà họ tôn thờ đó là đồng tiền. Đồng tiền có thể sai khiến được nhiều người, nhất là các vị nhân sĩ trí thức Việt Nam, những người luôn chờ đợi để được ai đó sử dụng.
Nói như vậy để người Việt cảnh giác với các nhà tài phiệt và một số trí thức nhân sĩ, những người không có tổ chức, không có đội ngũ, không có tư tưởng và không có dự án chính trị gì. Nếu những người này bổng nhiên nhảy ra làm chính trị thì cần đặt dấu hỏi. Không nên ảo tưởng bởi ánh hào quang dởm do các trí thức nhân sĩ tạo ra nhằm đánh lạc hướng quần chúng để phục vụ cho một ông chủ nào đó.
Sự cảnh giác là không thừa nhưng cũng không nên quá lo lắng. Chân dung các nhân sĩ Việt Nam hầu hết đã khá rõ ràng. Lớp trí thức nhân sĩ đa số đều có tuổi, thời của họ sắp qua đi. Lớp trẻ khá hơn vì không biết làm nhân sĩ. Tuổi trẻ hoặc là không quan tâm chính trị hoặc là quan tâm một cách có khoa học và trí tuệ, họ biết phân biệt đúng-sai, tốt-xấu, hay-dở, dân chủ-độc tài…
Trong giai đoạn cất cánh, nhất là khi chuyển tiếp về dân chủ thì Việt Nam rất cần một tầng lớp doanh nhân đúng nghĩa, là những người dám nghĩ dám làm và đóng góp vào sự thành công chung của đất nước. Họ phải là những người thành công nhờ vào khả năng kinh doanh của mình, vào bản lĩnh của mình thay vì hối mại quyền thế hoặc bắt tay với chính quyền để làm giàu bất chính.
Phát triển kinh tế trên nền tảng ý kiến và sáng kiến của các doanh nghiệp tư nhân là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất hiện nay và trong cả tương lai. Trong Dự án Chính trị của Tập Hợp, chương 5 : Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam, có trình bày rõ :
"5. Dứt khoát chọn lựa một nền kinh tế thị trường lấy tư doanh làm nền tảng
Kinh nghiệm thế giới trong nhiều thập niên qua đã chứng tỏ rằng các chính sách kinh tế tập thể, quốc doanh đều dẫn đến thất bại. Kinh nghiệm cũng đã cho thấy rằng thị trường tự do là hướng dẫn chính xác nhất cho sản xuất và là bảo đảm chắc chắn nhất cho một sự phân phối hiệu nghiệm. Chọn lựa kinh tế phải có cho Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, lấy xí nghiệp tư làm nền tảng, lấy óc kinh doanh và sáng kiến làm sức mạnh, lấy tinh thần cầu tiến và làm giàu làm động cơ, lấy lợi nhuận làm phần thưởng và chất kích thích.
Chọn lựa ấy có nghĩa là nhà nước sẽ không làm những gì mà tư doanh có thể làm được. Vai trò kinh tế chủ yếu của nhà nước là bảo đảm sự ổn vững của đồng tiền, ngăn ngừa những cạnh tranh bất chính, đầu tư vào những ngành nhiều triển vọng mà tư nhân chưa dám hoặc chưa đủ khả năng đầu tư, đảm nhận một số công trình khảo cứu, nghiên cứu và dự phòng cần thiết. Nhà nước cũng có chức năng cảnh giác trước những khuynh hướng kinh doanh có hại và khuyến khích những hoạt động kinh tế có lợi, nhưng nhà nước thực hiện chức năng này chủ yếu bằng thông tin và nâng đỡ chứ không phải bằng mệnh lệnh và cấm đoán...
Để làm trọn chức năng đó và bảo đảm sinh hoạt kinh tế thị trường lành mạnh nhà nước phải liên tục nỗ lực xây dựng một hệ thống luật pháp đúng đắn trên tinh thần thực nghiệm, bắt đầu từ những căn bản đúng đắn và không ngừng được bổ sung dựa trên những án lệ".
(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Chương 5 : Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam)
Các doanh nhân Việt Nam trong tương lai cần được đảm bảo một vị thế xứng đáng, họ sẽ được tôn vinh và ghi nhận vì những cống hiến của họ cho đất nước thay vì là nạn nhân của tham nhũng và sự đấu đá phe nhóm như hiện nay. Họ sẽ không còn phải luồn lách và đi đêm với chính quyền mà có thể đàng hoàng sống một cách tử tế và làm việc theo đúng năng lực của mình. Họ sẽ không còn là nạn nhân của thể chế chính trị. Họ sẽ hoạt động một cách minh bạch thay vì đu dây giữa chính quyền và người dân.
Một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều doanh nhân phải dựa vào chính quyền để tồn tại mà chính quyền thì không phải lúc nào cũng che chắn được cho họ khi uy tín của chính quyền ngày càng xuống thấp và nhất là khi sự "thù địch" giữa người dân Việt Nam và chính quyền ngày càng gia tăng. Chỉ cần một vài thông tin về sự "đi đêm" giữa các doanh nghiệp và chính quyền bị lộ ra ngoài là người dân lập tức kêu gọi tẩy chay các doanh nghiệp và sự thiệt hại của các công ty này vô cùng lớn mà không biết "ngỏ lời cùng ai", Tân Hiệp Phát, Masan là ví dụ. Đây là một hình thức "giận cá chém thớt" mà nguyên nhân là do sự thiếu minh bạch và độc lập của nền chính trị Việt Nam.
Bản thân tôi cũng là một doanh nhân (nhỏ) và tôi đã nhiều lần kêu gọi sự ủng hộ của giới doanh nhân cho dân chủ. Sự đóng góp và ủng hộ cho dân chủ vừa có lợi cho chính bản thân mình vừa cho đất nước. Đừng để đến lúc bị lột sạch gia tài mới kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng như trường hợp Trịnh Vĩnh Bình.
Việt Hoàng
(8/4/2019)