Bầu cử Thái Lan: Đảng thân quân đội bất ngờ dẫn đầu (BBC)

Bầu cử đã xong nhưng tương lai của Thái Lan thế nào thì không ai có thể biết được. Thái Lan có hai vấn đề lớn đó là xây dựng một đồng thuận quốc gia và hòa giải dân tộc. Cả đảng cầm quyền lẫn đối lập đều không chú ý giải quyết hai vấn đề lớn này mà thậm chí còn khoét thêm mối mâu thuẫn dân tộc giữa tầng lớp thành thị giàu có với các vùng nông thôn khó khăn. Cầm quyền và đối lập Thái Lan gần như không tìm được tiếng nói chung và giải pháp phi dân chủ được áp dụng thường xuyên tại Thái Lan là đảo chính. Một dân tộc mà không có tư tưởng chính trị dẫn đường thì bất ổn sẽ xảy ra thường xuyên. Nhưng một điều thú vị là một nền dân chủ nửa mùa và khiếm khuyết như Thái Lan vẫn tốt hơn nhiều so với các nước độc tài như VN. 


Đảng chính trị thân quân sự ở Thái Lan bất ngờ dẫn đầu trong cuộc bầu cử đầu tiên của nước này kể từ khi quân đội lên nắm quyền 5 năm trước.

Với hơn 90% số phiếu được kiểm, đảng Palang Pracha Rath giành được 7,6 triệu phiếu bầu - nhiều hơn nửa triệu so với đảng đối lập Pheu Thai. Pheu Thai có liên kết với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001.

Việc công bố kết quả chính thức bị hoãn lại đến hôm 25/3.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều khả năng đảng thân quân đội có thể thành lập chính phủ dưới nhà lãnh đạo hiện tại, Tướng Prayuth Chan-ocha, người dẫn dắt cuộc đảo chính lật đổ em gái ông Thaksin, bà Yingluck Shinawatra, năm 2014.

Kết quả sơ bộ thật bất ngờ, đảng Palang Pracha Rath (PPRP) ban đầu được nhiều người dự đoán sẽ đứng thứ ba.

Hơn 50 triệu người đủ điều kiện đi bầu, nhưng tỷ lệ bỏ phiếu được ghi nhận chỉ là 64%, AFP đưa tin.
Thái Lan rơi vào bất ổn chính trị trong nhiều năm. Sau khi giành được quyền lực, quân đội hứa sẽ khôi phục dân chủ, nhưng đã nhiều lần hoãn tổng tuyển cử.

Trước thềm cuộc bầu cử, Quốc vương Thái Lan Maha Vajirusongkorn phát đi tuyên bố kêu gọi "hòa bình và trật tự" trong ngày bỏ phiếu.

Nhà vua cũng kêu gọi cử tri "ủng hộ người tốt".

Bối cảnh

Cuộc bầu cử được xem chủ yếu là cuộc cạnh tranh giữa các đảng thân quân sự và các đồng minh của ông Thaksin.

Ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và sống lưu vong để tránh bị kết án tội lạm quyền. Nhưng ông vẫn có một lượng người ủng hộ đáng kể, phần lớn trong số đó là cử tri nông thôn và người nghèo.

Tướng Prayuth được đề cử là ứng viên thủ tướng duy nhất của đảng PPRP thân quân đội mới thành lập.
Trong số các đảng nổi bật khác là đảng Dân chủ, do cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, và đảng Tương lai Tiến bước do tỷ phú Thanatorn Juangroongruangkit dẫn đầu.

Vào thời điểm đảo chính, quân đội cho biết họ muốn khôi phục trật tự, ổn định và ngăn các cuộc biểu tình nổ ra liên tục trong nhiều năm.

Nhưng chính quyền quân sự bị cáo buộc chuyên quyền, kiểm soát chặt chẽ truyền thông và tùy tiện dùng các luật như khi quân để bịt miệng đối thủ.

Chính quyền quân sự cũng đưa ra bản hiến pháp mới - được cuộc trưng cầu dân ý thông qua - mà giới chỉ trích nói là được thiết lập để đảm bảo phe quân nhân vẫn là trung tâm của chính trị Thái Lan.
Cuộc bỏ phiếu hôm 24/3 là bầu 500 thành viên Hạ viện. Nhưng theo hiến pháp, một thượng viện 250 ghế đã được phe quân nhân chỉ định.

Hai cơ quan quốc hội cùng bầu thủ tướng - một ứng viên chỉ cần một nửa số phiếu cộng với một để giành chiến thắng.

Vì vậy, ứng viên chủ chốt của chính quyền quân sự - Tướng Prayuth - về lý thuyết chỉ cần 126 phiếu bầu tại Hạ viện để nhậm chức. 

Đảng cầm quyền hoặc liên minh cũng có thể chỉ định một người không phải là nghị sĩ làm thủ tướng.
Hiến pháp mới cũng áp đặt giới hạn về số lượng ghế mà bất kỳ đảng nào có thể đảm nhận, bất kể lượng phiếu mà họ đã giành được, và bất kỳ chính phủ nào trong tương lai đều bị ràng buộc theo kế hoạch 20 năm cho Thái Lan do phe quân nhân đề ra.

Kết quả sơ bộ không chính thức sẽ được công bố trong vài giờ tới, nhưng các phóng viên nói rằng sẽ mất một thời gian để định hướng tương lai của Thái Lan trở nên rõ ràng hơn, khi các đảng đàm phán các thỏa thuận về liên minh với nhau.