Bầu cử sắp diễn ra ở Thái Lan và bài học cho Việt Nam (Việt Dân)


Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã luôn bền bỉ đóng góp ý kiến và ủng hộ cho việc đấu tranh chính trị thông qua thành lập một tổ chức chính trị đứng đắn với phương pháp bất bạo động và dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai như một tổng hợp cho những lý tưởng, phương pháp và đề nghị của anh em chúng tôi đối với hiện tại và tương lai phải đến của Việt Nam. Tôi tin rằng những anh, chị nào đang mong mỏi một thay đổi cho đất nước thôi, cũng nên đọc. Dù đồng ý hay không, thì chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến anh, chị cảm thấy cần được chia sẻ và thảo luận. (Việt Dân)



Vào ngày 24.3 này, Thái Lan sẽ tổ chức thực hiện bầu cử trên toàn quốc để chọn ra chính phủ dân sự. Hơn 5 năm kể từ khi quân đội đảo chính chính phủ của bà Yingluck nhà Thaksin, chính phủ quân sự do ông Prayuth Chan- Ocha làm thủ tướng đã nhiều lần trì hoãn bầu cử tự do, dẫn đến bối cảnh chính trị Thái càng thêm chia rẽ sâu sắc, như lớp sóng ngầm ẩn dưới luận điệu “duy trì ổn định xã hội và phát triển kinh tế”.

Vậy trước khi đi xa hơn về nội dung bầu cử, điểm qua những nét chính, tóm lược về các đảng tranh cử, cần tổng kết lại bức tranh kinh tế của Thái Lan trong hơn 5 năm qua ra sao.

Đầu tiên, Thái Lan đã trở thành đất nước có tỷ lệ bất binh đẳng giàu – nghèo lớn nhất thế giới. 
Giá gạo sụt giảm ở mức 6000 – 7000 bath một tấn, nhiều nông dân ở Thái tiếc nuối nhớ lại những năm tốt đẹp nhất khi chính phủ Yingluck Thaksin hỗ trợ giá gạo cho nông dân 15,000 bath một tấn. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân mà chính phủ quân sự hiện tại tố cáo bà Yingluck lạm quyền, đã tiêu tốn của chính phủ 15 tỷ đô la. Mà trong đó rất nhiều các khoản đã bị rò rỉ, thất thoát vì tham nhũng. Một việc mà nhiều người chỉ trích rằng mang nhiều động cơ lấy phiếu hơn là tạo sự phát triển lâu bền và thiết thực cho nền nông nghiệp Thái. 

Cuộc đảo chính càng khoét sâu thêm vào một sự chia rẽ giữa hai khuynh hướng, một bên là giới giàu có, giai cấp quyền thế gắn với hoàng gia tập trung chủ yếu ở thủ đô Bangkok. Phần còn lại thuộc về những khu vực kinh tế khó khăn và tầng lớp trung lưu ngày càng khó khăn hơn ở những vùng nông thôn phía Bắc và Đông Bắc.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng, tăng trưởng kinh tế giảm sút đang tạo ra rất nhiều chỉ trích lên chính phủ quân sự hiện tại, dù họ đã cố gắng kiểm soát thông tin và can thiệp, sửa đổi luật để gây thêm bất lợi cho phe đối lập, những nhà báo tự do hay những người bất đồng chính kiến.

Hơn 80 đảng phái sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử ước tính có hơn 50 triệu người đi bầu này. Có ba nhóm chính định hình chính trị Thái trong hai thập kỉ qua – Phe ủng hộ quân đội, giới chính trị truyền thống và những đảng phái ủng hộ Thaksin. Đảng Palang Pracharath dẫn đầu liên minh đảng phái ủng hộ quân đội, dưới sự lãnh đạo của Prayuth Chan – Ocha, cũng là ứng cử viên cho chức thủ tướng trong quốc hội – được ủng hộ bởi các đảng nhỏ hơn Ruampalang Charahchart Thái và đảng People’s Reform.

Trong khi đó, phe chính trị truyền thống, tiêu biểu bởi đảng lâu đời nhất là đảng Dân Chủ, cùng với đảng Bhumjaithai và Chartthaipattana, mắc kẹt trong bối cảnh chính trị Thái. Một bên là liên đảng ủng hộ Thaksin mà họ đã đối đầu từ lâu, một bên là phe thân quân đội mà họ nhận diện có thể gây nguy hại cho nền dân chủ và chính quyền dân sự.

Lực lượng chính trị gây tiếng vang và nhận được nhiều ủng hộ nhất trong những thập kỉ gần đây – là phe ủng hộ Thaksin. Nhóm này được dẫn đầu bởi đảng Pheu Thái, vốn nắm quyền giai đoạn 2011-2014, trước khi bị quân đội đảo chính.

Dầu vậy, trong suốt 5 năm qua, chính phủ quân sự của Thái, đã cẩn thận chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp này. Hiến Pháp hiện tại có rất nhiều điều luật có thể gây cản trở cho những cố gắng nắm quyền đa số của liên minh ủng hộ Thaksin.

Thượng Hạ Viện sẽ do quân đội chỉ định hoặc chọn lựa, trong đó có 6 ghế do các tướng quân đội nắm. Muốn nắm quyền chính phủ, Đảng hoặc liên đảng phải nắm hơn 50% trong tổng số 750 ghế trong quốc hội. Như vậy, chỉ có 500 ghế thực sự được chọn lựa thông qua bầu cử và tranh cử. Vậy nếu muốn nắm hành pháp, thì phe Thaksin cần chiếm được 376 ghế trong Hạ Viện (75%). Cũng có nghĩa là phe ủng hộ quân đội chỉ cần 25% số ghế để lập ra chính phủ (126 ghế).
Như vậy có thể khẳng định, dù kết quả bầu cử lần này ở Thái có xảy ra thế nào đi chăng nữa, thì chính phủ mới cũng sẽ chịu ảnh hưởng và sự kiểm soát rất lớn bởi phe quân đội. Bên cạnh đó, kể từ khi kế nhiệm ngôi vua, Vajiralongkorn đã gia tăng kiểm soát trực tiếp khối tài sản hoàng gia 30 tỷ đô la lên 60 tỷ đô la, tăng gấp bốn lần lực lượng bảo vệ hoàng gia và sửa đổi hiến pháp để vua có thể thay thế thủ tướng nếu xảy ra khủng hoảng chính trị! Chưa có một dấu hiệu chắc chắn nào về liên hệ mật thiết giữa nhà vua và phe quân đội, nhưng vào tháng 2, ông ta đã gửi một thông điệp mạnh mẽ bằng việc ngăn cản người chị gái của mình ra tranh cử - Người đại diện cho một trong những đảng ủng hộ Thaksin – Qua đó loại bỏ một ứng cử viên thách thức phe quân đội.

Điểm qua nội dung và phát biểu của các ứng cử viên thủ tướng thì đều nhấn mạnh vào việc thu hẹp sự bất bình đẳng quá lớn giữa tỷ lệ giàu – nghèo ở Thái. Các vấn đề về môi trường, phát triển kinh tế phẩm chất cao, đầu tư vào cơ sở hạ tầng như hành lang Kinh Tế Phía Đông, mà phe quân đội nhấn mạnh thời gian qua. Trong khi đó, dường như đảng Pheu Thái lặp lại những chính sách hỗ trợ trước mắt cho nông dân – cơ sở quần chúng ủng hộ họ nhất, tăng giá nông sản, cao su và đường. Các dự án liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ được xem xét và cân nhắc lại. Điều này phải chăng có sự liên hệ khá gần gũi và mật thiết với chinh quyền của ông Mahathir ở Malaysia gần đây, sau khi thắng cử, đã tiến hành điều tra lại những hợp đồng, dự án mà chinh phủ trước đã kí với Trung Quốc.

Lãnh đạo của Đảng Dân Chủ - Ông Abhisit Vejjajiva, vốn được sự ủng hộ của khu vực đô thị, nhấn mạnh lên việc tản quyền, tổ chức lại quyền lực để các khu vực ngoài trung tâm được quan tâm và phát triển đúng đắn hơn. Đáng chú ý, duy nhất đảng dân chủ có đưa ra một chính sách ngoại giao rõ ràng. Theo đó, khu vực ASEAN cần có một liên minh chặt chẽ hơn để tìm kiếm một sự đồng thuận trước các vấn đề liên quan đến Trung Quốc hay những công ty đa quốc gia.

Đảng Hướng Về Tương Lai của tỷ phú trẻ Thanathon dự kiến sẽ giành được 50 ghế, được giới trẻ và sinh viên ủng hộ nhiều. Đảng này yêu cầu phi quân sự nền chính trị Thái để tránh lặp lại những cuộc đảo chính quân sự. Ngoài ra, đảng còn thể hiện niềm tin tuyệt đối vào dân chủ. Nhiều người lo ngại cho tương lai chính trị của Thanathon khi ông dần trở thành cái gai trong mắt của chính phủ quân đội Thái. 

Cuối cùng, là đảng Bhumjaithai. Năm 2011, đảng này nắm được 34 ghế trong Hạ Viện. Ông Anutin – lãnh đạo đảng, kì vọng 50 đến 60 ghế lần này. Đảng này ủng hộ tuần làm việc 4 ngày, hợp phá hóa những ứng dụng gọi xe công nghệ. Giới quan sát cho rằng nền tảng của đảng Bhumijaithai rất đặc biệt, thậm chí có phần kì dị. Đảng này đề xuất các trang trại cần sa, mà hiện tại đã được hợp pháp hóa sử dụng cho y tế và nghiên cứu. Đảng này cho rằng cây cần sa mang lại nhiều vụ mùa và sẽ thu về nhiều lợi nhuận hơn cho nông dân Thái.

Dù kết quả là thế nào thì qua bài học Thái Lan, cũng giúp chúng ta hiểu sâu sắc thêm triết lý điều hành quốc gia trên tinh thần hòa giải. Thái Lan có vị trí địa lý thuận lợi, đất đai phì nhiêu, không phải chịu ách thuộc địa trong lịch sử gần đây, như nhiều nước Đông Nam Á khác. Nhưng dù đã thiết lập được một chế độ dân chủ kể từ năm 1992, thì nền chính trị Thái vẫn chưa thể ổn định và tìm được tiếng nói chung trong nỗ lực hàn gắn, phát triển quốc gia. Lý do là chưa có tiếng nói ưu tư về hòa giải quốc gia. Các phe nắm quyền đều nhìn quyền lực như một cuộc chơi có tổng số bằng 0, bên này thắng thì không nhìn nhận bất kì ý kiến nào với bên thua ngay cả nếu như các ý kiến đúng đắn được nêu ra, và ngược lại.

Thêm vào đó, liên minh giữa giới tài phiệt giàu có, hoàng gia, quân đội rất chặt chẽ vì nó vừa có phương tiện, vừa có tính chính đáng. Việc một chính quyền quá tập quyền, tập trung quyền lực và kinh tế vào trung ương, sự phát triển đi dọc theo những khu đô thị Bangkok, các thành phố biển càng làm trầm trọng thêm sự bất mãn dâng cao từ các khu vực nông thôn, vốn ít nhận được quan tâm và ưu tư đúng mực. Hậu quả là dù được ví như một nước triển vọng nhất, một con hổ Châu Á nhưng nền chính trị chia rẽ của Thái kéo theo sự trồi sụt kinh tế hàng thập kỉ.

Việt Nam có thể học được gì từ Thái Lan


Điều đầu tiên là phải giành được dân chủ. Phe đối lập Việt Nam cần bình tĩnh, khách quan nhận diện điểm yếu, nguyên nhân tại sao bao nhiêu năm nay chúng ta không mạnh. Đó là đấu tranh chính trị nhất định phải là đấu tranh có tổ chức. Tổ chức cùng một dự án chính trị đứng đắn như chất keo gắn mọi người với nhau vào một lý tưởng chung.

Cho đến ngày hôm nay, thì những tranh luận về độc tài và dân chủ đã hoàn toàn ngã ngũ. Dân chủ thắng vì dân chủ thể hiện lẽ phải, quyền con người. Đứng về phe dân chủ là ta đã có sức mạnh tự nhiên, sức mạnh vô địch của lẽ phải. Nhưng một cánh én khó có thể làm nên được mùa xuân, cũng như một lời kêu gọi khó tạo thành tiếng vang. Đảng Cộng Sản Việt Nam hiểu được sức mạnh và hiệu lực của tổ chức, vì chính trong quá khứ họ đã giành được quyền lãnh đạo bởi vì trước một khoảng trống chính trị, duy nhất họ có tổ chức và một dự án chính trị, dù nó độc hại và nó áp dụng phương pháp khủng bố để chống chế bên ngoài lẫn bên trong. Nhưng trong thời đại truyền thông phát triển như ngày nay, ta vẫn có thể xây dựng được tổ chức một cách khôn ngoan, mà giảm thiểu rủi ro đến mức tối đa.

Không gian mạng ngày càng quan trọng, quan trọng hơn cả không gian thực. Không gian mạng kết nối với toàn cầu nên. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bị bất lực và không thể kiểm soát không gian này. Phe đối lập dân chủ có thể tìm đến nhau, kết hợp lại với nhau trên không gian mạng. Tôi tin rằng người dân Việt Nam, kể cả những đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, những người đang gián tiếp tiếp tay cho chế độ này, đều phải đồng ý chế độ này phải thay đổi thì đất nước mới có tương lai.

Nhưng thay đổi như thế nào và những ai có thể thay đổi chế độ hiện tại? Đó là một ưu tư mà mọi người dân chủ phải trả lời thành thật với chính bản thân mình trước. Đối lập dân chủ cần tạo ra một khí thế mới, một sinh hoạt mới để người dân không chỉ ngồi đó oán trách những sự gian trá, xấc xược, vô lý đang xảy ra trong chế độ này hàng ngày, hàng giờ.

Thay vì hỏi bao giờ Đảng Cộng Sản Việt Nam sụp đổ và không biết tương lai sau sự sụp đổ đó như thế nào, họ sẽ chỉ nhìn nhận là đảng cộng sản chắc chắn sẽ sụp đổ, tương lai của Việt Nam sẽ như thế nào với lực lượng dân chủ đối lập hiện nay, chúng ta nên ủng hộ những ai. Và trong hoàn cảnh lịch sử sắp sang trang, bổn phận của chúng ta là phải làm gì…

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã luôn bền bỉ đóng góp ý kiến và ủng hộ cho việc đấu tranh chính trị thông qua thành lập một tổ chức chính trị đứng đắn với phương pháp bất bạo động và dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai như một tổng hợp cho những lý tưởng, phương pháp và đề nghị của anh em chúng tôi đối với hiện tại và tương lai phải đến của Việt Nam. Tôi tin rằng những anh, chị nào đang mong mỏi một thay đổi cho đất nước thôi, cũng nên đọc. Dù đồng ý hay không, thì chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến anh, chị cảm thấy cần được chia sẻ và thảo luận.

Tiếp theo là nhìn qua bức tranh chính trị của Thái Lan, ta có thể thấy sự chia rẽ kéo dài như một hằng số. Đất nước mà cứ thường trực tình trạng nội chiến, dù là nội chiến trong tinh thần và tâm lý, sẽ dứt khoát không thể tìm được đồng thuận chung cho những kế hoạch lớn, những kế hoạch phát triển quốc gia. Hòa giải, vì vậy là một triết lý điều hành quốc gia cho những ai muốn làm chính trị. Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước của nhiều cộng đồng, phong tục, văn hóa các vùng, miền vốn đã khác nhau.

Càng lo âu hơn vì trong vòng lịch sử 300 năm trở lại đây, đất nước đã binh biến qua bao nhiêu cuộc nội chiến, những vụ thảm sát, cấm đạo…Gần đây nhất là một cuộc nội chiến gây ra thảm kịch hơn 4 triệu người chết. Có đất nước nào chịu nhiều thương tổn trong tâm hồn và trí tuệ tập thể như Việt Nam? Chúng ta dứt khoát từ bỏ bạo lực, và coi ưu tư hòa giải như một sự thường trực trong triết lí điều hành quốc gia, lý tưởng làm chính trị của đời mình trong nỗ lực hàn gắn, làm lại đất nước.

Một lời sau cùng, lẽ phải có sức mạnh vô địch. Phe dân chủ có lẽ phải, chúng ta nhất định thắng. Nhưng làm sao để khơi dậy sức mạnh này, thì mỗi người tranh đấu cho dân chủ, dấn thân cho đất nước phải đặt nhiều ưu tư hơn nữa.

Việt Dân (21/3/2019)

Tổng hợp và tham khảo: