Vụ Mattis từ chức gây lo ngại cho các đồng minh của Mỹ ở châu Á (Thanh Phương)
Dù "lo ngại" đến đâu thì thế giới cũng như Châu Á cũng phải làm quen với việc không có Mỹ tham gia trong những vấn đề mang tầm quốc tế. Nước Mỹ của Trump không còn là nước Mỹ của trước đây nữa. Trump đã khiến Mỹ từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới được mặc định hơn 70 năm qua. Sẽ có chút rắc rối khi vắng Mỹ nhưng thế giới vẫn sẽ tiếp tục ổn định và tiến về phía trước.
Vụ bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis
bất ngờ thông báo từ chức đang gây lo ngại cho các đồng minh của Hoa Kỳ ở
châu Á, bởi vì cho tới nay, đối với các quốc gia này, trong chính quyền
Donald Trump, tướng về hưu Mattis là một nhân tố giúp duy trì tính ổn
định, tạo sự tin tưởng, cũng như giúp hạn chế bớt những quyết định bốc
đồng của một vị tổng thống tính khí thất thường. Đó là nhận định chung
của các quan chức trong khu vực và giới phân tích.
Châu
Á là khu vực hiện Hoa Kỳ có những đồng minh rất thân cận như Hàn Quốc,
Nhật Bản và Úc, và cũng là khu vực tập trung một số điểm nóng nhất trên
thế giới, đặc biệt là bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. Đây là một vùng
rất cần có sự can dự lâu dài và ổn định của Hoa Kỳ để ngăn chặn nguy cơ
bùng nổ xung đột.
Cho tới nay, bộ trưởng Quốc Phòng
Mattis vẫn là người chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc tăng cường sự hiện
diện ở Biển Đông, đồng thời ông cũng nỗ lực giúp làm giảm căng thẳng ở
vùng biển đang có tranh chấp này.
Trên nhật báo The Australian, thượng nghị sĩ Úc Jim Molan khẳng định tướng Mattis vẫn được xem là một trong những người “trưởng thành” - (chín chắn), nếu không muốn nói là người “trưởng thành”
cuối cùng trong chính quyền Trump. Theo vị thượng nghị sĩ này, việc ông
Mattis ra đi rất đáng lo ngại, vì nó làm tăng thêm một yếu tố bất ổn
vào các quyết định tương lai của Mỹ trong các hồ sơ địa chính trị. Đặc
biệt, đối với Canberra, tướng Mattis là một đồng minh chủ chốt trong
chính quyền Trump. Một nguồn tin ngoại giao tại Mỹ xác nhận với Reuters:
“Ông Mattis vẫn thường lắng nghe ý kiến của Úc”.
Còn
theo nhận định của ông Adam Mount, một nhà phân tích quốc phòng thuộc
Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, được hãng tin Reuters trích dẫn, trước
một nước Bắc Triều Tiên không từ bỏ tham vọng hạt nhân, trước một nước
Trung Quốc ngày càng hung hăng, những nỗ lực của bộ trưởng Mattis đã
giúp duy trì liên minh giữa Hoa Kỳ với các nước đồng minh châu Á. Nhưng
ông Adam Mount nhấn mạnh, còn nhiều vấn đề lớn cần được giải quyết để
cho liên minh này thật sự vững mạnh.
Trong
khi đó, hãng tin Bloomberg lưu ý, ngoài những quyết định đã được loan
báo như triệt thoái toàn bộ quân khỏi Syria, rút một phần lực lượng khỏi
Afghanistan, thì việc bộ trưởng Mattis từ chức có thể sẽ ảnh hưởng đến
chính sách của chính quyền Trump về Bắc Triều Tiên, vào lúc mà Kim Jong
Un đang tìm cách làm rạn nứt liên minh Mỹ-Hàn, thông qua việc làm hòa
với Donald Trump. Bản thân tổng thống Trump cũng đã góp phần làm suy yếu
liên minh Washington - Seoul, khi ông đơn phương quyết định tạm ngưng
các cuộc tập trận chung hàng năm giữa hai nước.
Cho
tới nay, trong khi bộ trưởng Mattis ủng hộ hết mình liên minh Mỹ-Hàn,
thì tổng thống Trump thường xuyên đặt lại vấn đề về sự cần thiết phải
duy trì 28 ngàn quân ở Hàn Quốc và đòi Seoul phải trả thêm tiền để Hoa
Kỳ bảo vệ an ninh. Hiện giờ, hai nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận về
việc chia sẻ chi phí duy trì lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc. Theo dự báo của
giáo sư Daniel Pinkston, Đại học Troy, Seoul, được Bloomberg trích dẫn,
nếu trong cuộc đàm phán với Hàn Quốc, tổng thống Trump không thấy đạt
được kết quả như mong muốn và nếu trong thời gian tới, ông gặp thêm khó
khăn trong nước, thì không loại trừ khả năng là chủ nhân Nhà Trắng sẽ ra
lệnh rút lực lượng Mỹ khỏi miền nam Triều Tiên.
Cũng
theo nhận định của hãng tin Bloomberg, việc tổng thống Trump bất ngờ
quyết định rút quân khỏi Syria mà không tham khảo ý kiến các cố vấn an
ninh quốc gia sẽ càng khiến cho Bình Nhưỡng chỉ muốn nói chuyện trực
tiếp với Trump, chứ không thông qua ai khác trong chính quyền Mỹ, nhất
là kể từ nay không còn ai dám can ngăn tổng thống Mỹ.
RFI