Trung ương Đảng CSVN chuẩn bị nhân sự cho khóa sau (VOA)

"Đường lối và nhân sự" là hai lãnh vực sống còn đối với đảng cộng sản. Điều này đúng với tất cả các tổ chức chính trị. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn khẳng định "tư tưởng chính trị và nhân sự chính trị (đội ngũ cán bộ nòng cốt)" là hai vấn đề then chốt và quyết định cho sự thành công của các tổ chức chính trị, trong đó có Tập Hợp. Nhiều người và nhiều tổ chức chính trị không hiểu nên họ không chú trọng thậm chí bỏ qua hai giai đoạn này nên không thể phát triển. Đảng cộng sản không có tương lai vì "đường lối tư tưởng" của đảng theo chủ nghĩa Mác-Lê đã lỗi thời và bị cả thế giới vứt bỏ từ lâu. "Nhân sự" của đảng cũng đã suy thoái và khủng hoảng toàn diện vì họ không còn lý tưởng gì để gắn kết với nhau ngoài tiền bạc và quyền lực. Những đảng viên có tấm lòng và có hiểu biết đều bị loại khỏi bộ máy vốn đã bị tham nhũng làm tha hóa và biến chất. Giáo sư Chu Hảo bị khai trừ đảng là một ví dụ.


Gần 200 ủy viên, kể cả chính thức lẫn dự khuyết, sẽ tham dự kỳ họp toàn thể lần thứ 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 khai mạc vào sáng thứ Ba ngày 25/12 để chuẩn bị dàn nhân sự khóa 13 sẽ lên lãnh đạo Đảng vào năm 2021.

Ngoài ra, trong kỳ họp kéo dài 3 ngày này, các ủy viên trung ương cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Bộ Chính trị và Ban bí thư mà họ đã bầu lên tại Đại hội Đảng năm 2016.

Đến kỳ đại hội lần sau, nhiều khả năng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phải về hưu ở cả cương vị lãnh đạo Đảng và lãnh đạo Nhà nước do đã cao tuổi. Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bầu ra một tổng bí thư mới.

Để chuẩn bị cho công tác nhân sự này, Trung ương Đảng đã thành lập một tổ công tác gọi là Ban chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược,

Các vị trí lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản Việt Nam, từ Ban chấp hành trung ương cho đến Bộ Chính trị, đều được quy hoạch từ những năm trước. Những người đáp ứng được hệ thống tiêu chuẩn do Đảng đề ra sẽ được thẩm tra, theo dõi và thử thách năng lực ở những vị trí khác nhau trước khi chính thức được đưa vào vị trí.

Trong số các tiêu chuẩn được đề ra để chọn người bao gồm có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình, năng lực làm việc thể hiện qua kết quả và ‘hoài bão khát vọng đổi mới’.

Trước đó, trong phiên họp của Ban chỉ đạo Quy hoạch, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh là ‘dứt khoát không đưa vào Quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng, tiêu cực, cơ hội chính trị như con lươn, con chạch là sau này rất khó’, theo tường thuật của Cổng thông tin điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Trọng cũng được cho là nhấn mạnh tiêu chuẩn về trình độ lý luận cơ bản (bản thân ông Trọng cũng là người từng nắm chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương) và trình độ hiểu biết toàn diện trên các lĩnh vực.

Cũng theo trang tin này thì việc quy hoạch cho khóa 13 có điểm khác biệt so với những lần trước là chỉ quy hoạch cho một khóa là đến năm 2026 thôi với phương châm ‘làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó’.

Hội nghị trung ương 9 này sẽ xem xét quy hoạch cho Ban chấp hành trung ương trước rồi sau đó mới quy hoạch các cơ quan lãnh đạo tối cao là Bộ Chính trị và Ban bí thư, cũng theo trang web của Đảng Cộng sản.