Mỹ muốn thương mại "tự do và công bằng" hơn với Việt Nam (Thùy Dung)

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang đến hồi gay cấn và VN sẽ là mục tiêu tiếp theo? Trò "đu dây" của VN đã hết tác dụng. Đã đến lúc VN phải chọn phe, hoặc là phe dân chủ hoặc là phe độc tài. Sức ép từ khối dân chủ đứng đầu là Mỹ đang lớn dần với ĐCSVN.  

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam liên tục tăng và Việt Nam đã đứng thứ 5 trong số các quốc gia mà Mỹ có thâm hụt lớn nhất. Do đó, Mỹ mong muốn tăng trưởng thương mại tự do và công bằng với Việt Nam.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Việt Nam 2018: Định hướng tương lai quan hệ kinh tế song phương diễn ra ngày 10-9, ông Gilbert Kaplan, Thứ trưởng đặc trách Thương mại Quốc tế, thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho hay, quan hệ thương mại giữa hai nước đã phát triển rất mạnh mẽ, trong năm ngoái đã có kim ngạch 55 tỉ đô la.

Trong 5 năm vừa qua, hàng hàng hoá của Mỹ tới Việt Nam đã tăng 61%. Trong thập kỷ qua, hàng hoá và thương mại của Mỹ sang Việt Nam đã tăng khoảng 200%, với giá trị là 5,3 tỉ đô la.

Tuy nhiên, theo ông Gilbert Kaplan, dù tốc độ tăng trưởng thương mại giữa hai nước là rất ấn tượng nhưng “còn nhiều việc phải làm".

Năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã đứng thứ 5 trong thương mại với các quốc gia trên thế giới. Trong khi con số này trong năm 2016 là thứ 6.

“Đây là sự tăng trưởng thâm hụt thương mại lớn nhất mà Mỹ có với các nước Đông Nam Á", Gilbert Kaplan nói và dẫn chứng: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã yêu cầu rõ ràng: Mỹ cam kết thương mại tự do, công bằng và tác động hai chiều, trong đó có Việt Nam.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết trong việc thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam. Cụ thể, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Việt Nam tới Mỹ vào tháng 5-2017, nhiều hợp đồng thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không đã được ký kết.

“Chúng tôi chào đón những hợp đồng này và mong muốn những thỏa thuận này được biến thành hàng hoá của Mỹ tới Việt Nam", ông Gilbert Kaplan nói.

Dù vậy, theo vị Thứ trưởng đặc trách Thương mại Quốc tế này, những hoạt động thương mại trên chưa đủ để hai nước phát triển thương mại hai chiều. “Chúng ta cần tăng trưởng thương mại tự do, công bằng với Việt Nam và cần giải quyết vấn đề cản trở tới việc phát triển thị trường của doanh nghiệp Mỹ".

Nhân chuyến công tác tới Việt Nam lần này, ông Gilbert Kaplan sẽ có cơ hội gặp gỡ đối tác của Mỹ tại Việt Nam để tìm cách để mở rộng quan hệ thương mại. Một số vấn đề sẽ được bàn thảo là vấn đề an ninh mạng, công nghệ thông tin, thanh toán, thương mại ô tô, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, Mỹ đã trở thành một đối tác quan trọng của Việt Nam, với thương mại hai nước tăng mạnh. Nếu năm 2005, kim ngạch thương mại giữa hai nước là 7,8 tỉ đô la thì đến năm 2017 đã đạt 54 tỉ đô la.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 27,4 tỉ đô la. Trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ đã tăng 20% so với cùng kỳ.

“Điều này giúp Mỹ không phải lo ngại về việc Việt Nam xuất siêu”, ông Dũng nói và giải thích, thương mại giữa hai nước đang có xu hướng cân bằng hơn.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông sản, dệt may, trong khi Mỹ cung cấp cho Việt nam những sản phẩm công nghệ cao, trong đó có nhiều thỏa thuận mua máy bay, động cơ máy bay, với giá trị hàng tỉ đô la.

Về đầu tư, đến hết tháng 6-2018, Mỹ đã có 877 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 9,37 tỉ đô la, đứng thứ 10 trong 128 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

 TBKTSG Online (10/9/2018)