Brazil: Bolsonaro và sự trở lại của chế độ độc tài ? (RFI)

Chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy trên quy mô toàn cầu, nó lợi dụng một tình trạng phẫn nộ -có thể chính đáng- và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mỵ dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng trong trung hạn vừa sai vừa nguy hiểm. Rồi các chính quyền dân túy đều sẽ thất bại vì lý do hiển nhiên là không thể có những giải pháp đơn giản cho những vấn đề phức tạp.

Jair Bolsonaro, một cựu sĩ quan quân đội, ứng viên của đảng cực hữu Xã Hội Tự Do (Partido Social Liberal, PSL), đã trở thành tổng thống tân cử Brazil, sau khi giành được 55,13% số phiếu tại vòng hai bầu cử tổng thống ngày 28/10/2018, vượt qua ứng viên cánh tả Fernando Haddad (44,87%). Liệu xã hội Brazil có trở lại thời kỳ độc tài hay không ? Tại sao người dân Brazil bầu một ứng viên cực hữu ? RFI tiếng Việt tổng hợp một số bài nhận định (Le Monde, Challenges, Atlantico) về vấn đề này.

Những vụ tai tiếng tham nhũng trong chính quyền tiền nhiệm cánh tả đã giúp ông Bolsonaro củng cố uy tín. Đối thủ Fernando Haddad, thuộc đảng Lao Động, dù tỏ ra giữ khoảng cách với tổng thống Lula lừng lẫy một thời, như không đến thăm ông Lula ở nhà tù nữa, vẫn không thuyết phục được số cử tri không còn tin vào người hùng ngày trước. Ngoài ra, ông Fernando Haddad đã không tập hợp được sự ủng hộ của đảng Dân Chủ Lao Động của ông Ciro Gomes, ứng viên thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil.
Ngay sau khi Bolsonaro chính thức thắng cử, ngày 29/10/2018, tổ chức Human Rights Watch (HRW) đã khẩn cấp kêu gọi “bảo vệ các quyền” dân chủ của Brazil. Giám đốc HRW khu vực châu Mỹ, José Miguel Vivanco, khẳng định “đoàn kết với họ (người dân Brazil) để đấu tranh chống lại bất kỳ ý đồ nào làm suy yếu các quyền dân chủ và thể chế mà Brazil đã xây dựng được từ ba thập kỷ nay”.
Quân đội tham gia chính phủ của tổng thống tân cử Bolsonaro
Tuy nhiên, những người ủng hộ Jair Bolsonaro hy vọng tổng thống tân cử mang lại “một nước Brazil không tham nhũng” vì trong suốt 30 năm làm dân biểu, tay ông không “nhúng chàm” bất kỳ nghi án tham nhũng nào. Tuy nhiên, nửa còn lại lo sợ “Bolsonaro sẽ thiết lập một chế độ theo kiểu phát xít Đức”. Điều này được nhà sử học Maud Chirio, chuyên gia về Brazil, khẳng định khi trả lời báo Le Monde (25/10/2018).
Khi vận động tranh cử, ông Bolsonaro dự tính tăng gấp đôi số thẩm phán để những người chống đối sẽ trở thành thiểu số trong Tòa Án Tối Cao Liên Bang, như vậy sẽ không ngăn cản việc sắc lệnh của tổng thống được thông qua. Theo sử gia Maud Chirio, ông Bolsonaro có tư tưởng chính trị cực hữu hơn cả chế độ quân sự năm 1964. Ông sẽ thiết lập một chế độ theo “kiểu phát xít Đức”, sẵn sàng sử dụng bạo lực nhiều hơn, chết chóc hơn cả thời kỳ độc tài quân sự và không thỏa hiệp với các thể chế dân chủ.
Thực vậy, theo báo Le Monde (26/10/2018)“đằng sau cái bóng của Jair Bolsonaro, giới quân sự đang phục kích” để xuất hiện trong tân nội các chính phủ. Nổi tiếng với khuynh hướng cực hữu, họ thuộc “Nhóm Brasilia”, thân cận với ông Bolsonaro. Trước hết phải kể đến người cùng danh sách tranh cử với ứng viên cực hữu, và sẽ trở thành phó tổng thống Brazil là tướng nghỉ hưu Hamilton Mourão.
Tiếp theo là đại tướng Augusto Heleno có thể trở thành bộ trưởng Quốc Phòng. Từng là chỉ huy nhiệm vụ gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc từ 2004-2005 ở Haiti, nơi nhiều toán quân của ông bị nghi ngờ phạm tội xâm hại tình dục, tướng Heleno ủng hộ việc sử dụng các tay súng bắn tỉa để triệt hạ các băng đảng buôn bán ma túy.
Người thứ ba là tướng Oswaldo Ferreira, được coi là “đầu não” của Bolsonaro về mặt hậu cần và cơ sở hạ tầng, và có thể trở thành bộ trưởng bộ Giao Thông. Ông nổi tiếng với kinh nghiệm xây tuyến đường BR-163 xuyên rừng Amazon từ bắc xuống nam.
Một nhân vật quan trọng khác, tướng Aléssio Ribeiro Souto, có thể trở thành bộ trưởng Giáo Dục. Quan điểm của ông về giáo dục rất đặc biệt, nhằm vào việc “thiết lập sự thật về chế độ 1964”, giai đoạn được bắt đầu bằng cú đảo chính và ghi dấu ấn cho đến năm 1985 với nhiều hình thức như kiểm duyệt, tra tấn và bắt bớ tùy tiện, nhưng ông lại từ chối gọi đó là “chế độ độc tài”. Với quyết tâm “xem lại kỹ lưỡng thư mục của các trường”, ông còn muốn xoá bỏ “tư tưởng cánh tả”, mà theo ông, đang làm ô uế trường học.
Cởi mở về kinh tế, mạnh tay về phong tục và trật tự xã hội
Liệu chương trình của Jair Bolsonaro có đáng lo hay không ? Trả lời trang Challenge (27/10/2018), ông Christophe Ventura, chuyên gia về Nam Mỹ thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), cho rằng đó là một chương trình hỗn hợp gồm nhiều đề xuất pha trộn.
Một mặt, người ta nhận thấy sự liên tục trong các cải cách được chính quyền tổng thống tiền nhiệm Michel Temer thông qua. Chương trình của ông Bolsonaro hướng đến tự do về mặt kinh tế với khả năng tư nhân hóa một số doanh nghiệp Nhà Nước. Ông muốn giảm mạnh chi tiêu công và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài vào Brazil. Chương trình của ông đáp ứng các yêu cầu của thị trường tài chính, điều chỉnh các hệ thống xã hội, trong đó có chế độ hưu trí. Riêng về mặt kinh tế, theo nhà nghiên cứu Christophe Ventura, trái với những gì người ta vẫn nghĩ, ông Bolsonaro sẽ không đi theo đúng đường lối của giới quân sự trong thập niên 1960-1970, những người được cho là theo dân tộc chủ nghĩa trong lĩnh vực kinh tế.
Ngược lại, ông cho thấy rõ đi theo hướng chế độ độc tài liên quan đến phong tục và trật tự. Điều này được thể hiện qua việc chọn tướng Hamilton Mourão vào vị trí phó tổng thống. Nhưng phải nói là tổng thống Michel Temer đã chuẩn bị sẵn tình thế cho người kế nhiệm Bolsonaro. Dưới thời ông Temer, giới quân sự đã có đất hành động. Ví dụ bộ Quốc Phòng và bộ Công An do giới quân sự nắm giữ. Đây là trường hợp chưa từng có kể từ khi chấm dứt chế độ độc tài.
Truyền thông phương Tây cảnh báo về mối nguy hiểm của chủ nghĩa dân túy “theo Đức quốc xã”, thậm chí là nền dân chủ của Brazil đến hồi cáo chung sau nhiều thập kỷ cầm quyền của đảng Lao Động.
Người dân Brazil ủng hộ Bolsonaro vì muốn chấm dứt tình trạng tội phạm
Báo chí phương Tây thường xuyên đăng tải những lời cáo buộc Bolsonaro là một người “phân biệt chủng tộc - phát xít - kì thị người đồng tính - kì thị phụ nữ - theo khuynh hướng bảo thủ Cơ Đốc giáo”. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu địa-chính trị Alexandre del Valle, khi trả lời trang Atlantico (26/10/2018), nhấn mạnh một điểm ít được báo chí phương Tây nhắc đến là phần lớn trong số 30 đảng chính trị Brazil, giới kinh doanh, thị trường chứng khoán, nhiều cầu thủ nổi tiếng như Ronaldinho, Cafu, Rivaldo, Lucas, hoặc ngay cả các nhà thờ Tin lành Phúc âm đầy quyền lực và các thẩm phán, đều đồng loạt bác đảng Lao Động và giúp dân biểu Jair Bolsonaro chiếm ưu thế.
Báo chí phương Tây cũng không nhắc đến sự chán nản của người dân Brazil về tình trạng Tư pháp bất lực trước các băng đảng tội phạm, buôn bán ma túy… dưới thời đảng Lao Động cầm quyền. Trong cuốn “Bản đồ bạo lực 2018” do Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng và Diễn đàn An ninh Công cộng Brazil đồng xuất bản, từ năm 2011 đến 2015, có ít nhất 300.000 nạn nhân bị chết vì bạo lực, như vậy có khoảng 160 người chết mỗi ngày, cứ 9 phút có một người chết. Chỉ riêng năm 2017, có 64.000 vụ ám sát. Con số kỉ lục này biến quốc gia đang trỗi dậy thành một trong những nước bạo lực nhất thế giới.
Nhiều cầu thủ Brazil nổi tiếng thế giới ủng hộ Bolsonaro. Ronaldinho bầu cho ứng viên cực hữu với lý do “vì một nước Brazil tốt hơn, tôi mong muốn hòa bình, an ninh và một người nào đó mang lại niềm vui cho chúng tôi”. Rivaldo, Quả bóng Vàng năm 1999, và cầu thủ Lucas Moura giải thích lựa chọn của họ trên mạng xã hội rằng “Jair Bolsonaro là ứng viên lý tưởng cho đất nước chúng ta”.
Ngoài ra, còn phải nhắc đến một bộ phận người dân Brazil mộ đạo thuộc tầng lớp bình dân, luôn gắn liền với những giá trị của Cơ Đốc giáo mà những người theo chủ nghĩa Mac của đảng Lao Động không ngừng phá vỡ, trong vấn đề hôn nhân đồng tính, nạo phá thai, người đồng tính… Các nhà thờ Tin lành Phúc âm này đại diện cho 35% người dân Brazil nên đóng một vai trò quan trọng giúp ông Bolsonaro chiếm ưu thế trong cộng đồng gắn bó với Cơ Đốc giáo.
Nhà nghiên cứu Alexandre del Valle cho rằng hiện khó có thể đánh giá tổng thống tân cử Bolsonaro theo “chủ nghĩa phát xít Đức”. Chính ông rời quân đội vì không đồng tình với cấp trên, sau đó tham gia nhiều đảng phái khác nhau trước khi trở thành thủ lĩnh của đảng Xã hội Tự Do (PSL). Về chế độ độc tài quân sự, hiện mới chỉ hạn chế ở những phát biểu gay gắt, rất phổ biến ở Brazil, Chilê hoặc Achentina, dù gây sốc nhưng lại được vài triệu công dân Mỹ La-tinh hưởng ứng.