Thành viên Hội Anh em Dân chủ bị xử 12 năm tù (BBC)

Dẫu biết chính quyền VN đã bất lực trong việc "thuyết phục" người dân VN nên họ phải nặng tay đàn áp các tiếng nói ôn hòa bất đồng dù vậy chúng tôi vẫn cực lực lên án việc kết tội và bỏ tù ông Nguyễn Trung Trực 12 năm tù và 5 năm quản chế. Quyền tự do ngôn luận và chỉ trích chính phủ là những quyền cơ bản và quan trọng nhất của công dân. ĐCSVN không xứng đáng lãnh đạo đất nước. 






Tòa án Quảng Bình đã kết án ông Nguyễn Trung Trực 12 năm 5 năm quản chế vì tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" trong phiên tòa sơ thẩm sáng nay.

Nguyễn Trung Trực là thành viên cuối cùng trong số chín thành viên lãnh đạo của Hội Anh em Dân chủ bị đưa ra xét xử, theo luật sư Nguyễn Văn Đài. Ông đã bị bắt giữ hồi tháng 7/2016. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, thân chủ của ông vẫn khẳng định mình không có tội trước tòa.
"Ông Trực nói trước tòa rằng 'Tôi là công dân Việt Nam, Nguyễn Trung Trực, tôi khẳng định là không có lật đổ bất cứ ai'"

"Tôi ủng hộ và cổ súy cho dân chủ nhân quyền và bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Tôi khẳng định sẽ đấu tranh đến cùng cho đến khi những việc này được thực thi ở Việt Nam." 

Ông Trực cũng nói sẽ kháng cáo vì ông cho rằng bản án đó không đúng.

Thêm vào đó, tại phiên tòa hôm nay, có rất nhiều công an trong cũng như bên ngoài tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.

'Không có dấu hiệu để chứng minh phạm tội'

Theo luật sư Miếng, nhiều bằng chứng kết tội ông Trực "không có dấu hiệu để chứng minh phạm tội."

"Tất cả những chứng cứ tôi yêu cầu được đưa ra xem xét thì tòa không đồng ý. 

"Hầu hết những chứng cứ đó đều là những chứng cứ không có dấu hiệu để chứng minh tội phạm chẳng hạn như mấy card visit của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, vài ba quyển sách, những cái lá đơn ông Trực viết cho những người để bồi thường Formosa."

"Nói chung là không có dấu hiệu gì để cho là lật đổ chính quyền nhân dân cả. Tôi không biết những trường hợp ấy phải xử theo cái hướng nào nhưng nếu xử là lật đổ chính quyền nhân dân thì coi như là o ép ông ấy." 

Ông Miếng cho biết thân chủ của ông cho rằng bản kết luận điều tra và cáo trạng là suy diễn, và theo hướng tiêu cực để kết tội ông Trực.

Báo công an hồi tháng 9/2017 đưa tin rằng Nguyễn Trung Trực từng "rất tích cực viết các tài liệu phản động có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc về Việt Nam; trả lời phỏng vấn và tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp tại Malaysia."

Trước đó, vào tháng Tư, bốn thành viên của Hội Anh em Dân Chủ (HAEDC) đã bị kết án với cùng tội danh với ông Trực.
  • Luật sư Nguyễn Văn Đài bị 15 năm tù, 5 năm quản chế.
  • Ông Trương Minh Đức nhận bản án 12 năm tù, 3 năm quản chế
  • Ông Nguyễn Trung Tôn bị 12 năm tù, 3 năm quản chế
  • Ông Nguyễn Bắc Truyển bị 11 năm tù, 3 năm quản chế
  • Bà Lê Thu Hà bị 9 năm tù, 2 năm quản chế
  • Và ông Phạm Văn Trội bị 7 năm tù, 1 năm quản chế.
Phiên tòa phúc thẩm hồi tháng Sáu cũng tuyên y án đối với bốn thành viên HAEDC. Sau đó ông Đài và cộng sư Lê Thu Hà đã được trả tự do và xuất cảnh sang Đức.

Ông Trực là ai, đã làm gì?

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trước đó đã kêu gọi nhà nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Trung Trực về các hoạt động nhân quyền ôn hòa và phóng thích ông ngay lập tức.

Theo HRW, ông Nguyễn Trung Trực, 44 tuổi, đã có quá trình tham gia các hoạt động ủng hộ dân chủ lâu dài. Ông từng là thuyền nhân trong trại tị nạn ở Hồng Kông hơn bảy năm vào thập niên 1990, sau đó bị trục xuất về Việt Nam vào năm 1997. 

Năm 2003, ông đi làm ở Malaysia, nơi ông tham gia Phong trào Chấn hưng nước Việt do các nhà hoạt động nhân quyền Vũ Quang Thuận và Lê Thăng Long thành lập. Phong trào này vận động cho một nước Việt Nam có hệ thống chính trị dân chủ, đa đảng. 

Trước đó hôm 10/8, luật sư Nguyễn Văn Đài đã có một bài viết trước phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Trực. 

Cáo buộc tuyên truyền chống cái gọi là "Nhà nước CHXHCN Việt Nam" ông Đài cho rằng là "hết sức phi lý và có tính chất quy chụp".

"Lý do là bởi vì các thành viên của Hội Anh em Dân chủ chỉ sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ các quan điểm cá nhân về chính trị, kinh tế, xã hội đã và đang xảy ra ở Việt Nam."

"Họ có quyền lên án, phê phán các chính sách, việc làm của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, khi gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích trực tiếp của chính họ. Đó là các quyền hợp hiến và hợp pháp của các thành viên Hội."

"Các việc làm này của họ, theo tôi, không bao giờ là nhằm tuyên truyền chống cái gọi là 'Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam' hay có thể nhằm lật đổ cái gọi là 'Chính quyền Nhân dân'".