Tái cơ cấu Bộ Công an sẽ ‘Xáo trộn rất lớn’ (BBC)

Đã từ lâu đảng cộng sản muốn tiến hành tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước vì ngân sách hàng năm phải dành đến 70% để trả lương cho cán bộ công chức nhà nước. Việc này không thể kéo dài mãi vì tham nhũng khiến thu ngân sách ngày càng khó khăn. ĐCS chọn Bộ công an để "tái cơ cấu" là một bước đi "lành ít, rủi nhiều". Tất nhiên làm được Bộ CA thì sẽ dễ dàng làm được ở các Bộ khác. Nhưng Bộ CA vốn là một cơ quan siêu quyền lực, chuyên trấn áp người dân và bảo vệ đảng đến cùng với khẩu hiệu "Còn đảng còn mình", nay đảng vẫn còn đó mà bao nhiêu tướng tá CA phải về vườn hoặc mất nghiệp thì đây quả thật là một vấn đề hết sức "tâm tư" và bức xúc.





Hôm 6/8, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 01 NĐ-CP cho thấy quyết tâm thực hiện đề án tinh giản bộ máy do Đảng ủy Công an trình và được Bộ chính trị thông qua vào tháng 4. 


Chính thức từ 7/8, Bộ Công an sẽ tái cơ cấu lại tổ chức, tinh giản bộ máy giảm 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng nhưng vẫn giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. 

Hai cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Việt Nam hôm 9/8 cho BBC biết họ đánh giá cao việc thực hiện tái cơ cấu bộ máy, tuy nhiên có những lo ngại về sự xáo trộn và thiếu tính đồng bộ.

Cuộc cách mạng lớn của Bộ?

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Trần Quốc Thuận gọi quá trình tái cơ cấu bộ công an là "đợt tái cơ cấu bộ máy quy mô lớn nhất từ trước đến nay, không chỉ ở trong ngành công an mà cả hệ thống chính trị."
"Việc thu gọn sắp xếp này, hay phải gọi là 'đại sắp xếp' là cần thiết. Và một trong những nguyên nhân cho việc tái cơ cấu đó là vì có nhiều tướng lĩnh bị kỷ luật, có nhiều vụ án ngành công an xảy ra cũng cho thấy là do bộ máy tổ chức không có hiệu quả." 

Còn nguyên Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang thì nói: "Với tư cách là người từng phục vụ trong ngành công an được 43 năm cho tới 2003, tôi cho rằng đây là cuộc cải tổ triệt để nhất, to lớn nhất."
"Tuy nhiên, tôi không rõ lý do của cuộc cải tổ này là gì nhưng tôi cảm nhận cuộc cải tổ này là nhằm để thực hiện ý muốn quyền lực, chứ không dựa trên cơ sở khoa học về tổ chức, cho nên việc này có thể nó sẽ không như ý muốn, sẽ có phản ứng ngược." 

"Nó sẽ làm xáo trộn bộ máy tổ chức của Bộ Công an, ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, đến cấp lãnh đạo, các cấp tướng."
Xáo trộn mạnh về nhân sự? 

"Nó sẽ xáo trộn ghê gớm lắm," Đại tá Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh.

Ông lý giải rằng nếu giải thể sáu tổng cục, tức có sáu tổng cục trưởng. Mà mội tổng cục có từ 5-8 tổng cục phó, tức trung bình 42 lãnh đạo cấp tổng cục.

"Những người đến tuổi về hưu rồi thì về hưu, nhưng những người còn tuổi đưa xuống cục, thì tôi không đồng tính với ông Lương Tam Quang là 'Tổng cục trưởng làm cục trưởng là bình thường'." 

"Tôi không nghĩ nó đơn giản như vậy đâu. Tổng cục trưởng xuống làm cục trưởng sẽ vấp phải mâu thuẫn trong luật công an là cục trưởng cao nhất chỉ được cấp hàm thiếu tướng, nhưng giờ trung tướng là cục trưởng.

"Rồi tổng cục trưởng về làm cục trưởng, và cấp dưới của họ, tổng cục phó giờ cũng là cục trưởng. Và vậy thì các cục trưởng, cục phó trước đó sẽ đi về đâu?"
Về việc lưu chuyển bố trí cán bộ chính quy về địa phương, ông Quang nói sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề, như gia đình của nhiều cán bộ đang ổn định tại các thành phố lớn, giờ phải chuyển đi.

"Có phải ai cũng có thể đem gia đình đi theo đâu. Nhà cửa vợ con cách mấy trăm cây số thì không yên ổn, an tâm công tác được."

Ngoài ra, trước đó trong đề án cải tổ Bộ Công an, ngoài việc giải thể 6 tổng cục còn giải thể hai đơn vị cấp tổng cục là Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Bộ tư lệnh cảnh vệ. 

Nhưng theo Nghị định 01, hai đơn vị này vẫn được giữ nguyên. 

Ông phân tích, "Có thể là vì vai trò của Bộ tư lệnh cảnh vệ là để bảo vệ các cáp lãnh đạo Đảng nhà nước còn Bộ tư lệnh CSCĐ thì là để giữ gìn an ninh trật tự, bao gồm ngăn chặn các cuộc biểu tình, tụ tập đông người. Tuy nhiên cái này là phỏng đoán của tôi, cần phải theo dõi thêm."

Ngoài ra, ông Quang còn nhấn mạnh vào việc cần phải đảm bảo rằng "quyền hạn và chức năng" của Bộ Công an phải không thay đổi.
"Trước đây Tổng cục An ninh là tổng cục phụ trách chống gián điệp nước ngoài, mà chủ yếu là gián điệp Trung Quốc. Nếu xóa bỏ Tổng cục An ninh, thì cần phải bố trí lực lượng sao đó để nó không ảnh hưởng, nếu không những người có lợi nhất chính là những tình báo Trung Quốc."

'Không chỉ dừng lại ở Bộ Công an'

Đại tá Nguyễn Đăng Quang còn cho biết: "Việc tinh giản phải làm đồng bộ và kiên quyết của tất cả bộ máy nhà nước chính phủ, chứ không chỉ riêng Bộ Công an, và phải dẹp bỏ sáu tổng cục, như vậy, Đảng cho rằng là các cấp trung gian, có thể là thừa thãi, như vậy so với các bộ các ngành khác, có dẹp bỏ các cơ quan như thế không?"

"Như Bộ Quốc phòng, ngoài Tổng cục Tham mưu và Tổng cục Chính trị, thì còn có bốn tổng cục khác, liệu có tinh giản, cải tổ như ở Bộ Công an không? 

Theo ý kiến ông Quang, nhân dịp tái cơ cấu Bộ Công an, thì nên sáp nhập Tổng cục VIII vào Cục thi hành án của Bộ tư Pháp, để đúng với chức danh và nhiệm vụ và hạn chế được các tiêu cực. 

"Thường các cơ quan điều tra thường đến trại giam họ quản lý để thẩm vấn, nếu mà nhà giam của 'người nhà mình' thì dễ thực hiện mớm cung, ép cung, và tra tấn, còn các nhà giam của các bộ ngành khác thì sẽ quản lý tốt hơn rất nhiều," ông Quang lý giải. 

Đồng tình với ông Quang, luật sư Trần Quốc Thuận cũng cho rằng cuộc "cách mạng" này không nên chỉ dừng lại ở Bộ Công an mà "cả hệ thống chính trị cơ quan Đảng cũng phải làm và phải làm triệt để, vì ngân sách không nuôi nổi, nhân dân không nuôi nổi."
"Bộ máy cồng kềnh nhiều khi tập trung lại để nắm giữ củng cố quyền lực, chứ không phải thực sự phục vụ nhân dân."

"Việc tinh giản là để kiểm soát lãnh đạo, thanh lọc bộ máy trong sạch, để lại những người tốt, có khả năng làm việc hiệu quả và lấy lại niềm tin của người dân với tổ chức lãnh đạo."