Stop sùng bái ông Hồ để dân Việt phát triển (Võ Ngọc Ánh)

Khi ông chết đi được ướp xác, xây lăng to hơn bất kỳ vị vua nào trong lịch sử Việt Nam. Nhà nước chưa công bố số tiền hằng năm để duy trì khu lăng và cái xác trong đó, nhưng chắc chắn là không hề nhỏ. Số tiền thay vì xây được nhiều trường học, bệnh viện, đầu tư vào khoa học, công nghệ để phát triển đất nước lại chỉ đi giữ một cái xác chết.

Bài viết này chưa đề cập đến những nghi án ông Hồ cướp công người khác khi hoạt động tại Pháp, bán cụ Phan, chuyện những người vợ, chuyện anh Nguyễn Tất Trung, chuyện Hồ Tập Chương... mà chỉ dựa trên sử liệu chính thống của nhà cầm quyền cộng sản.

Ông Hồ cũng là con người có mặt tốt, cái xấu, việc thần thánh hóa ông không có lợi cho sự phát triển của đất nước.

Năm bạn trẻ ngồi bàn kế bên gã đang rôm rã những câu chuyện học hành, việc làm, cua gái… rồi cũng đến chủ đề tôn giáo do hôm đó nhằm ngày lễ Phật Đản. Một anh bạn hùng hồn nói, “Tau không theo đạo nào cả, vì Bác Hồ có theo đạo nào đâu. Tau không theo đạo giống như bác Hồ”. Đây là một phần câu chuyện tôi được nghe trong quán cà phê tại quê nhà hơn ba năm về trước.

Hình ảnh ông Hồ được đảng cộng sản Việt Nam và chính quyền tuyên truyền như một thánh nhân để mọi người cần bắt chước học theo.

Ở Việt Nam ngay từ mẫu giáo đã bị nhồi sọ về nhân vật: “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ, râu bác dài...”, hơn 35 năm qua vẫn nằm trong đầu gã, dù gã chưa hề mê ông ‘cụ râu dài, tóc bạc’ ngày nào.

Giáo dục tuyên truyền, nhồi sọ lặp lại ở những cấp học cao hơn. Truyện kể, bài hát, quy ước ông dạy, thơ văn của ông Hồ và nói về ông Hồ... lớp nào cũng có. Đến bậc đại học vẫn không tha, phải học về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đi làm cũng không thoát vẫn phải – học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chính Minh, vẫn phải nghe nhan nhãn trên mọi phương tiện truyền thông. Dù nó không hay, không thú vị, không rõ ràng thì cũng phải khen, không được đặc câu hỏi nghi vấn về nhân vật ‘thần thánh’ này.

Cái đẹp, cái hay ở đất nước này cũng do ông Hồ nghĩ ra. Ở Việt Nam nhiều trường học treo khẩu hiệu, “Vì ích lợi 10 năm trồng cây. Vì ích lợi trăm năm trồng người” là lời của Hồ Chí Minh.

Thực chất đây là hành động ăn cắp lời của Quản Trọng, tể tướng nước Tề, sống vào khoảng 725 – 645 TCN bên Trung Quốc hiện nay trong sách Quản Tử. Nguyên văn, “...Thập niên chi kế mạc như thụ mộc. Chung thân chi kế mạc như thụ nhơn,...” Tạm dịch: “...Kế 10 năm, chi bằng trồng cây. Kế trọn đời, chi bằng trồng người,...”

Ông Hồ có đạo đức?

Ông Hoàng Chí Bảo, một nhà Hồ Chí Minh học ‘thuyết pháp’: Khi ông Hồ ở Paris có nhà tư bản tìm đến nhờ viết thơ Đường lên các bình giả cổ. Thay vì làm đúng như đặt hàng, ông Hồ viết lên đó các khẩu hiệu tuyên truyền, lên án thực dân Pháp... nhận tiền rồi bỏ trốn, báo hại người đặt hàng có nguy cơ bị ngồi tù.

Ông Bảo muốn tung hô ông Hồ tài giỏi, nhưng với người đàng hoàng, ở xứ văn minh thì đây là sự bất tín, thói lưu manh, sự láu cá. Người làm chính trị nghiêm túc, người có đạo đức, tử tế không ai hành động như vậy.

Khi đã ở trên đỉnh cao của quyền lực kiểu nói bất chấp sự thật của ông Hồ vẫn không chấm dứt. Năm 1953, với bút danh “C.B” của mình, ông viết bài “Địa chủ ác ghê” để vu khống bà Nguyễn Thị Năm và gật đầu cho việc giết bà. Nên nhớ bà Năm đã đóng góp không biết bao nhiêu tiền, công sức để nuôi dưỡng, đùm bọc ông và các đồng chí cộng sản. Sẵn sàng giết cả ân nhân cũng là một tính cách của Hồ Chí Minh.

Trong bài báo nhân dịp Chúa Giáng Sinh năm 1953 cũng với bút danh “C.B” trên báo Nhân Dân, ông Hồ cũng bất chấp sự thật nói về gia đình Nazaret của Chúa Giê-su với những lời lẽ áp đặt để phục vụ cho mục đích chính trị.

Một con người như thế có thể gọi là có đạo đức không? Hay đạo đức của ông Hồ là bất chấp tất cả để được mục đích của mình?

Giản dị?

Cuộc sống của ông Hồ luôn được nhắc đến bởi sự giản dị, nhưng cái giản dị của ông thì đối với nhiều nguyên thủ các quốc gia thì đó là sự xa xỉ, một cuộc sống vương giả khi còn sống và sau khi chết.

Ông được mô tả sống trong một ngôi nhà sàn đơn sơ. Đơn sơ đến nỗi trong ngôi nhà sàn này không thấy cả nhà vệ sinh. Nhưng xung quanh ngôi nhà sàn này là những gì?

Ai đã đi dạo trong khu này sẽ thấy nó rất rộng lớn, gã ước đoán không dưới vài ha (héc-ta), chỉ riêng ao cá đã 3.000m2. Ở giữa thủ đô đông đúc, của một quốc gia còn nghèo, đang chiến tranh, thiên tai quanh năm thì cách sống này không thể gọi giản dị. 

Sự giản dị chưa dừng lại ở đó, ngày nay địa phương nào cũng muốn xây dựng khu lưu niệm, nhà sàn, tượng cho ông Hồ với kinh phí lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng.

Khi ông chết đi được ướp xác, xây lăng to hơn bất kỳ vị vua nào trong lịch sử Việt Nam. Nhà nước chưa công bố số tiền hằng năm để duy trì khu lăng và cái xác trong đó, nhưng chắc chắn là không hề nhỏ. Số tiền thay vì xây được nhiều trường học, bệnh viện, đầu tư vào khoa học, công nghệ để phát triển đất nước lại chỉ đi giữ một cái xác chết.

Ai đã từng đọc hồi ký của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, một trí thức uyên bác, tử tế sẽ nhận thấy được sự giản dị của ông Hồ là một thủ đoạn chính trị để được tung hô.

Chính ông Hồ cũng tự tô vẽ mình để trở thành huyền thoại qua tác phẩm, “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, với bút danh T.Lan. Nhiều nguồn sử liệu tin cậy chính thống cho thấy đây là một bút danh của Hồ Chí Minh.

Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1948, căn cứ theo lý lịch thì lúc đó ông mới khoảng 58 tuổi, tuy nhiên ông tự phụ xưng mình là “Cha già dân tộc”. Một sự tự phụ chưa gặp ở tiền nhân, các nhân vật lịch sử của Việt Nam.

Bớt sùng bái ông Hồ để dân tộc phát triển

Ở Việt Nam tham quân đội là nghĩa vụ với quốc gia của mỗi công dân, nhưng người lính lại nhận mình là “Bộ đội cụ Hồ”. Danh xưng này cho thấy ông Hồ như một ông vua và quân đội phải có trách nhiệm phục vụ cho ông. Đây là hệ quả của sự tuyên truyền đến ép buộc, đưa lực lượng bảo vệ đất nước trở thành công cụ phục vụ cho cá nhân.

Không chỉ trong quân đội, việc trưng hô hình ảnh ông Hồ xuất hiện từ cổ vũ bóng đá trong sân bóng, ngoài đường phố, đến các lễ hội... mọi lúc mọi nơi. Ông Hồ như cứu cánh của tinh thần dân tộc mà một số người có quyền thế muốn áp đặt vào.

Việc tung hô lãnh tụ, nguyên thủ gã rất hiếm khi thấy ở các nước phát triển, dân chủ, văn minh. Cho nên nước họ, dân họ cứ ngày một giàu lên, dân chủ, văn minh, phúc lợi xã hội tốt, con người biết tôn trọng nhau hơn và thu hút được giỏi đến sống, làm việc.

Còn Việt Nam thì sao?

Việc tung hô ông Hồ vẫn cứ tiếp diễn và được khuyến khích. Dân Việt Nam ngày càng lùi lại phía sau với các nước phát triển, cả các nước trong khu vực. Người giàu có, tài giỏi của Việt Nam tìm đường cho con cái đi học, đi làm ở các nước tư bản không tung hô lãnh tụ, nguyên thủ. Kẻ chưa giàu thì muốn muốn đi làm cu li ở các nước tư bản, người giàu có tìm đường đi định cư, chữa bệnh, mua sắm ở nhưng nước này. Chẳng thấy mấy người chọn các nước XHCN.

Ông Hồ (có thể) là người yêu nước nhưng đã chọn nhầm đường. Việc ông chọn chủ nghĩa cộng sản cho Việt Nam đã kéo theo nhiều hệ lụy gây đau thương cho cả dân tộc, hàng triệu người chết, hàng triệu đồng bào phải bỏ nước ra đi, gia đình ly tán, dân tộc tiếp tục bị chia rẽ.

Đảng cộng sản Việt Nam liên tục đi vào những sai lầm, không còn được dân tin tưởng nên họ cổ vũ cho việc sùng bái ông Hồ như thánh nhân để tiếp tục cai trị.

Hồ Chí Minh là người như thế nào hãy để lịch sử trong một xã hội dân chủ, văn minh luận xét.

Lúc này gã nghĩ, càng nhiều người thoát khỏi cái bóng, nỗi sợ ông Hồ thì đất nước mới mở lòng ra học hỏi, tiếp nhận để phát triển được.

Võ Ngọc Ánh (6/2018)