Cam Bốt: Thủ tướng Hun Sen "vững tâm" cầm quyền vì triệt hết đối lập (RFI)


Với 33 năm ở đỉnh cao quyền lực, ông Hun Sen đang giữ kỷ lục « trường sinh » chính trị tại châu Á. Con đường chính trị của ông còn thênh thang vì tất cả các đối thủ chính trị của ông đều bị loại khỏi cuộc chơi, trong khi những ý đồ phản đối cũng bị dập tắt.

Về mặt chính trị, trong vòng chưa đầy một năm, đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt (CNRP), từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 06/2017, đã bị giải thể. Lãnh đạo đảng, ông Kem Sokha, bị án tù.

Nhiều nhà lãnh đạo xã hội dân sự phải bỏ chạy, trong khi truyền thông độc lập buộc phải đóng cửa. Nạn nhân mới nhất là The Phnom Penh Post, tờ báo Anh ngữ lâu năm nhất tại Cam Bốt, đã bị một tập đoàn truyền thông Malaysia mua lại vào tháng 05/2018. Một trong số khách hàng của tập đoàn này chính là đảng Dân tộc Cam Bốt (CPP) của thủ tướng Hun Sen.

Trên phương diện thông tin, phần lớn các cơ quan truyền thông truyền thống đều nằm trong tay những người thân cận của thủ tướng. Người dân buộc phải cập nhật tình hình qua những kênh « không chính thức ».


Ông Hun Sen cũng hiểu rõ tầm quan trọng của không gian truyền thông và mạng xã hội. Trang Facebook của ông có hơn 10 triệu người theo, xếp hạng thứ 9 trên thế giới trong danh sách chính trị gia có nhiều người theo dõi nhất. Nhưng La Croix cho rằng độ tín nhiệm mà ông đạt được có thể nhờ vào lượng « like » xuất phát từ những « xưởng nhấp chuột » ở Ấn Độ. Nhà đối lập Sam Rainsy, hiện lưu vong ở Pháp, đã kiện Facebook ra một tòa án ở California vì « trở thành tòng phạm cho các nhà độc tài ».

«Không gian tự do ngày càng bị thu hẹp» tại Cam Bốt, theo nhận xét của ông Sek Sophal thuộc Trung tâm vì Truyền thông độc lập Cam Bốt (CCIM). Luật khi quân, được thông qua vào tháng 04/2018 theo mô hình của Thái Lan, còn bóp nghẹt thêm quyền tự do này. Nhưng chưa dừng ở đó, một nhóm liên bộ vừa thông báo thành lập Trung tâm Quản lý dữ liệu mà toàn bộ lượng lưu thông trên internet phải trung chuyển qua trung tâm này. Các nhà cung cấp internet sẽ phải đặt các phần mềm có thể được sử dụng để theo dõi, lọc và chặn các trang web bị cho là bất hợp pháp. Cùng lúc, chính phủ đang nghiên cứu một đạo luật về tội phạm mạng.

Trong một thông cáo chung, 117 tổ chức phi chính phủ địa phương đánh động : «Các biện pháp này nhằm tăng cường sự giám sát của Nhà nước, kiểm duyệt và hình sự hóa ngôn luận trên internet ở Cam Bốt».


Thu Hằng - RFI