Đổ xô sang Trung Quốc kiếm việc làm (Tiền Phong)

Lý giải tại sao không đến các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang công việc ổn định lại không gặp rủi ro, anh H. - một lao động chuẩn bị sang Trung Quốc làm thuê cho biết, để được các công ty tiếp nhận vào làm việc thì phải có trình độ nhất định với sự chứng thực, giấy tờ rất nhiêu khê từ chính quyền địa phương. Thêm nữa, phía doanh nghiệp thi thoảng lại tăng ca, tăng giờ mà lương không đổi.







Sau Tết Nguyên đán, cửa khẩu Hữu Nghị chật cứng người xuất cảnh qua biên giới sang Trung Quốc. Trong số này nhiều người không được phía Trung Quốc chấp nhận nhập cảnh, buộc quay trở lại. 

Xuất ngoại tìm việc làm

Ngày 3/3, Đại úy Hà Trọng Dược, Trạm trưởng Biên phòng (BP) cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) cho biết: trong ba ngày qua, lượng người đến làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc tăng đột biến với khoảng 4.000 lượt người/ngày. Tuy nhiên, ngày 27/2 có khoảng 200 người không được Trạm kiểm tra Biên phòng Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) cho phép nhập cảnh. “Có nhiều lý do, tuy nhiên chủ yếu là người dân ta sang Trung Quốc làm thuê chưa có giấy tờ hợp lệ. Chủ sử dụng lao động nước bạn chưa xin được giấy tạm trú...”. Đại úy Dược nói.

Gần đây trên mạng xã hội lan truyền các hình ảnh công dân nước ta vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê bị công an nước sở tại bắt giữ. Những người này bị đánh đập, tịch thu tài sản; bắt làm công việc quét dọn nhà vệ sinh... Xác nhận vấn đề này, đại diện Sở Ngoại vụ Lạng Sơn và Công an Lạng Sơn cho biết đã nắm những thông tin ban đầu và có báo cáo ngành chức năng theo thẩm quyền.

Đại tá Lê Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (XNC) Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Năm nay phía Trung Quốc kiểm soát gắt gao việc XNC. Những ai không có giấy thông hành hoặc không có mục đích cụ thể, không đúng nơi cư trú đều bị xử lý. Ví như ngày 13/2/2018, phía Trung Quốc trao trả cho ta 78 người qua cửa khẩu Cốc Nam (huyện Văn Lãng); Bình Nghi (huyện Tràng Định). Đa phần không có giấy tờ hợp lệ, 1 trường hợp đi vượt quá tỉnh Quảng Tây”. Ông Trung nói.

Theo ông Trung, lực lượng chức năng nước sở tại tăng cường tuần tra kiểm soát và tiến hành rào dây thép gai, bịt kín các đường mòn xuyên qua biên giới nên người dân quay lại phòng XNC Công an tỉnh Lạng Sơn để làm giấy tờ. “Trước Tết trung bình một ngày chúng tôi hoàn tất các thủ tục cho khoảng 300 - 400 lượt người thì sau Tết số lượng đã tăng lên gấp 2, thậm chí gấp 3 so với ngày thường. Hiện nay một ngày, đơn vị tiếp nhận và giải quyết từ 1.000-1.300 lượt người. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, chúng tôi đã hoàn tất 35.204 sổ thông hành cho người dân”. Ông Trung cho biết thêm.

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, mặc dù là ngày nghỉ thứ 7 (3/3) song Phòng XNC Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn làm việc, tiếp đón khoảng 1000 lượt người. Mặc dù đông người nhưng hiện tượng “cò mồi” làm dịch vụ giấy thông hành thuê không diễn ra như thời gian trước đây.

Sức hút ngày công cao

Mặc dù gặp phải rủi ro cao, tuy nhiên số lượng người tìm cách sang Trung Quốc làm thuê ngày càng gia tăng. Anh Hoàng Văn H. (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) cho biết: Sau mồng 8 Tết, dân bản rủ nhau sang Trung Quốc chặt mía, làm đậu, tỉa cây và làm thuê các nghề thủ công khác. “Thời điểm này, ở Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây đang vào vụ thu hoạch mía nên nhiều người đi làm công việc này. Mỗi ngày tiền công được chủ trả 80 tệ (tiền Trung Quốc quy đổi được khoảng 300 ngàn VNĐ). Thêm nữa, việc thanh toán đơn giản, trao tay nên bà con rất hào hứng”. Anh H. kể.

Do nhu cầu sử dụng lao động phổ thông tại Trung Quốc rất lớn nên không chỉ có người Lạng Sơn, người dân ở một số các tỉnh như: Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên... cũng kéo nhau vượt biên giới Việt- Trung tìm kiếm việc làm, tạo thêm thu nhập.

Lý giải tại sao không đến các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang công việc ổn định lại không gặp rủi ro, anh H. - một lao động chuẩn bị sang Trung Quốc làm thuê cho biết, để được các công ty tiếp nhận vào làm việc thì phải có trình độ nhất định với sự chứng thực, giấy tờ rất nhiêu khê từ chính quyền địa phương. Thêm nữa, phía doanh nghiệp thi thoảng lại tăng ca, tăng giờ mà lương không đổi. “Họ chờ chùng tôi làm thời gian độ 3 năm là tìm cớ đào thải, lấy người mới. Thêm nữa, tiền công thợ lành nghề cũng chỉ được khoảng 4-5 triệu/tháng; trừ tiền ăn, tiếng bảo hiểm, tiền nhà thì cũng chỉ đủ nuôi miệng ăn. Sau này, nhiều người bỏ việc ở khu công nghiệp theo đoàn người sang Trung Quốc chặt mía thuê”. Anh H nói.

Nguyễn Duy Chiến