Tăng thuế hay tận thu ? (Hòa Ái)

Dân chúng tại Việt Nam bày tỏ sự phẫn nộ trước đề xuất của Bộ Tài Chính về dự án Luật sửa đổi 5 luật thuế, trong đó tăng thuế Giá trị gia tăng (VAT) từ 10 lên 12%. Dư luận lên tiếng phản đối chính sách tăng thuế mà mà họ cho rằng chính phủ sẽ áp dụng trong nay mai chẳng khác nào tận thu.

Tăng phù hợp thông lệ quốc tế ?

Truyền thông quốc nội trong tháng 8, dẫn lời của Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai khẳng định dự án Luật sửa đổi 5 luật thuế, bao gồm Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên nhằm đảm bảo an toàn cho nền tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng như người dân cho rằng các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài Chính như tăng thuế VAT từ 10 lên 12% hay áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng trà, cà phê hòa tan đóng gói kể từ đầu năm 2019 là không thuyết phục, thậm chí là phi lý, mặc dù Bộ Tài Chính lên tiếng việc tăng thuế như thế phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ Tài Chính dựa theo số liệu khảo sát mức sống dân cư Việt Nam của Tổng cục thống kê hồi năm 2014, cho thấy nhóm thu nhập thấp nhất dành gần 60% thu nhập để chi tiêu cho lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục và Bộ Tài Chính nhận thấy các hàng hóa, dịch vụ này không chịu thuế VAT nên sẽ không ảnh hưởng đến chi tiêu của nhóm thu nhập thấp nhất trong xã hội. Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, thuộc Bộ Tài Chính, ông Phạm Đình Thi tuyên bố đề xuất tăng thuế VAT từ 10 lên 12% không gây ảnh hưởng đến người nghèo. Ông Phạm Đình Thi nói rằng các mặt hàng rau, thịt…không chịu thuế VAT nên thuế VAT dù có tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì cả.
Phát biểu của ông Vụ trưởng Chính sách thuế gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng. Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải ở Sài Gòn chia sẻ với RFA rằng giới chức Bộ Tài Chính Việt Nam không có "tầm" lẫn không có "tâm", điển hình qua ông Vụ trưởng Phạm Đình Thi. Vị giám đốc này đưa ra một ví dụ đơn giản về mặt hàng cá linh trong mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ, là món ăn quen thuộc của người dân nghèo, được vận chuyển lên Sài Gòn bán với mức giá cao hơn gấp đôi do phải chịu nhiều thứ thuế, phí :
"Một sản phẩm từ miền Tây, chẳng hạn như mặt hàng cá linh. Cá linh mùa nước nổi hiện giờ đang nhiều, bán ở miền Tây mức giá 30 ngàn/kg. Khi chở lên thành phố thì giá cả đội lên khoảng 50 ngàn/kg và bán ra đến thị trường ở mức giá ít nhất là 70-80 ngàn/kg. Tất cả là do cộng dồn nhiều chi phí, thuế má".
Một số các doanh nghiệp mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cho biết tất cả mức thuế mà họ phải đóng sẽ tính vào giá thành của hàng hóa lẫn dịch vụ và nghiễm nhiên khách hàng phải chi trả tiền thuế đó.
Về phía dân chúng, không ít người nói với chúng tôi rằng chỉ cần nghe thông tin Chính phủ cho tăng thuế thì không cần biết thuế nào sẽ tăng, nhưng cuối cùng người dân là đối tượng chi trả thuế :
"Cuối cùng của việc đánh thuế thì người dân là người trả số tiền thuế đó. Người tiêu thụ sản phẩm trên thị trường phải đón nhận mức giá đã bị đội thuế lên rồi. Họ phải chịu luôn. Theo tôi nghĩ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân".

Vì sao phản đối ?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong một bài viết của bà được trang Theleader.vn đăng tải vào hôm 27 tháng 8, cho biết Bộ Tài Chính đã gửi giấy mời hỏa tốc để bà đến tham dự buổi họp của Bộ hồi trung tuần tháng 8 vừa qua cùng một số chuyên gia tài chính liên quan đến dự án Luật sửa đổi 5 luật thuế, đang được Bộ Tài Chính hoàn tất để trình Chính phủ và Quốc hội.
Tại buổi họp vừa nêu, bà Phạm Chi Lan nêu vấn đề ngân sách nhà nước luôn bội chi, nợ công đang tăng rất cao, đe dọa đến an toàn tài chính quốc gia nhưng nữ chuyên gia kinh tế nhấn mạnh nếu Nhà nước không giải quyết qua việc giảm chi mà chỉ tập trung tăng thu của dân để đảm bảo ngân sách là không công bằng với dân. Một trong những yếu tố quan trọng mà Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề nghị Bộ Tài Chính cần làm rõ là ai được lợi và ai bị thua thiệt trong chi phí và lợi ích từ việc điều chỉnh 5 loại thuế này. Bà Phạm Chi Lan còn quả quyết tốt nhất là Bộ Tài Chính không nên tăng thuế VAT vì theo bà mức thuế VAT hiện nay đã đủ cao và đóng góp rất lớn cho ngân sách, ở mức 27%.
Lý giải về các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài Chính trong thời gian qua, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đưa ra lập luận của ông với RFA trước sự lo lắng của dư luận đối với các loại thuế như thuế tài sản, tăng thuế bảo vệ môi trường, tăng thuế VAT…rằng Nhà nước đang tìm mọi cách để bù vào ngân sách bị thiếu hụt nghiêm trọng :
 "Ngân sách trung ương đang trong cơn ‘quẩn cực’, có thể năm nay vẫn bội chi tiếp tục từ 5, 5-6% GDP nhưng nguồn thu ngày càng giảm. Và nếu với tiến độ thu như thế này, từ đầu năm 2017 cho đến nay thì năm nay có thể hụt thu lên đến 11% so với dự toán đầu năm. Đây là con số rất cao. Do vậy, chính quyền đang phải tìm mọi cách để thu thuế của dân".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào ngày 30 tháng 8 nói rằng trước mắt chưa đề cập đến việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí ảnh hưởng đến doanh nghiệp, thế nhưng cả doanh nghiệp và người dân bày tỏ sự bất mãn tột độ đối với Chính phủ về chính sách thuế trong bối cảnh kinh tế tài chính của quốc gia.
Cộng đồng cư dân mạng so sánh chính sách thuế hiện hành không khác gì thời thực dân Pháp, như ông Hồ Chí Minh nêu lên trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập rằng "Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn… Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng".
Còn một số các doanh nghiệp lẫn người dân mà Đài RFA trao đổi liên quan đến dự án Luật sửa đổi 5 luật thuế đều bức xúc vì theo họ sớm muộn gì thuế cũng sẽ tăng và "Nói chung ảnh hưởng đến đời sống mà tất cả là người dân khổ".
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 01/09/2017