Hành trình kiện công ty đóng tàu vỏ thép của ngư dân ở Quảng Nam (Đắc Thành)

Ông Liên chia sẻ, từ một chủ tàu giàu có trong vùng, mỗi năm đánh bắt doanh thu đạt hơn tỷ đồng. Vậy mà từ ngày chuyển qua đóng tàu vỏ thép, gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Hai người con trai của ông – những người chủ tương lai con tàu vỏ thép đã chuyển nghề biển đi làm công nhân mưu sinh.

 Gần 20 tháng không có tàu vươn khơi, vợ chồng ngư dân Trần Văn Liên vá lưới thuê. Ảnh: Đắc Thành.
 

Vào cuối tháng tám, TAND thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) mở phiên xét xử vụ án dân sự từ đơn khởi kiện của ngư dân Trần Văn Liên, xã Bình Minh (Thăng Bình) về việc tàu vỏ thép bị hỏng máy nhưng doanh nghiệp đóng tàu không khắc phục.

Kết quả, doanh nghiệp đóng tàu ở Đà Nẵng thua kiện, phải bồi thường 2,8 tỷ đồng cho ngư dân.
Những ngày sau khi thắng kiện, trên khuôn mặt ngư dân Liên vẫn chưa hết lo âu. Ông kể, con tàu vỏ thép hàng chục tỷ đồng của ông nằm bờ ở cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) gần 20 tháng nay. Trong khi đó, hai vợ chồng ông phải nhận lưới đưa về vá lấy tiền công. Mỗi ngày, họ nhận được vài trăm nghìn, số tiền giúp gia đình trang trải cuộc sống tạm thời. 

Đôi tay thoăn thoắt kết từng mảng lưới rách cho lành lặn, ông Liên kể, cuối năm 2015 thực hiện Nghị định 67 đóng tàu vỏ thép của Chính phủ, ông đăng ký vay vốn đầu tư. Nhà chức trách về tận nơi kiểm tra năng lực tài chính của gia đình, sau đó phê duyệt hồ sơ cho ông đóng tàu hơn 16 tỷ đồng.
“Ngoài số tiền vay ngân hàng, tôi bán con tàu vỏ gỗ được gần 600 triệu đồng, vay bà con thêm 200 triệu đồng để đủ tiền làm vốn đối ứng 800 triệu”, ngư dân Liên nói và hay, ông ký hợp đồng với Công ty cổ phần đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng) để làm vỏ, thân tàu với số tiền gần 11 tỷ đồng; đồng thời ký hợp đồng với Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Liên Á (Hà Nội) cung cấp máy và các bộ linh kiện, tổng giá trị hợp đồng là 2,8 tỷ đồng.

Các bên đưa ra mốc thời gian 30/4/2016 sẽ bàn giao tàu cho cho ông Liên. Biết chắc mình có tàu vỏ thép, ông vào tận Bạc Liệu mua sắp ngư lưới cụ hết hơn một tỷ đồng. Đưa lưới về, cha con ông sửa sang để nhận tàu ra khơi đúng lịch trình. Đặc biệt, để có lao động làm việc cho tàu, ông Liên hợp đồng với 10 người.

“Tôi thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng thêm 450 triệu đồng chi trả cho các lao động với mức 18 triệu đồng mỗi người trong ba tháng. Số tiền trả trước cho các lao động là 180 triệu đồng”, ông Liên chia sẻ và cho hay tìm lao động rất khó khăn, do đó phải ký hợp đồng và trả tiền trước mới có người làm việc cho mình.

Tất cả công việc cho tàu vươn khơi đã hoàn thành, ông Liên vui mừng khi ngày 25/3/2016, Công ty Bảo Duy đóng xong thân tàu và Công ty Liên Á lắp ráp máy móc. Thế nhưng tới ngày 29/3/2016, đơn vị đóng tàu thuê người chạy thử khoảng một km thì xảy ra sự cố hỏng máy.

Vị ngư dân này yêu cầu hai đơn vị sớm khắc phục sự cố để nhận tàu vươn khơi như trong hợp đồng ký kết. Tuy nhiên đơn vị bán máy và đóng tàu không nhận trách nhiệm.

“Tôi và các doanh nghiệp làm việc trên 10 lần nhưng không tìm được tiếng nói chung. Bên đóng tàu và đơn vị cung cấp máy không nhận trách nhiệm để khắc phục”, ông Liên bộc bạch và nói thêm, ông là người bị hại nên đã đề xuất nhà chức trách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ để giải quyết. Nhiều cuộc làm việc diễn ra nhưng cuối cùng bất thành.

Hơn 30 năm gắn bó nghề biển, nói về kinh nghiệm đánh bắt trên biển ông Liên dư thừa nhưng về thủ tục pháp lý đòi quyền lợi đối với ông là con số không tròn trĩnh. Kiến thức eo hẹp, ngư dân Liên bế tắc trong việc đòi bồi thường. May mắn ông có một người thân làm luật sư nghe được chuyện, và hứa giúp đỡ miễn phí quá trình ông đi khởi kiện. Hồ sơ được nộp lên tòa án, ông ủy quyền cho luật sư.

Cuối năm 2016, ông Liên chính thức nộp đơn ra tòa. Sau đó các bên mời đến tiến hành hòa giải nhưng không thành công. Ngày 9/6, TAND thành phố Tam Kỳ mở phiên xét xử. Tuy nhiên, quá trình xét hỏi có nhiều vấn đề phát sinh. Nhiều chứng cứ, tài liệu thiếu do đó tòa yêu cầu bổ sung.

Sau 18 ngày, phiên tòa lần hai được mở và tiếp tục bị hoãn lại với lý do quá trình xét xử còn thiếu sót hồ sơ. Sau gần hai tháng, chiều 30/8, phiên tòa lần ba được mở và dù thắng kiện nhưng khuôn mặt ông vẫn nặng trĩu. 

Ông Liên chia sẻ, từ một chủ tàu giàu có trong vùng, mỗi năm đánh bắt doanh thu đạt hơn tỷ đồng. Vậy mà từ ngày chuyển qua đóng tàu vỏ thép, gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Hai người con trai của ông – những người chủ tương lai con tàu vỏ thép đã chuyển nghề biển đi làm công nhân mưu sinh.

“Lúc này tôi chỉ mong Công ty Bảo Duy sớm bồi thường để tôi mua máy mới lắp vào tàu, ra khơi đánh bắt thì mới có nguồn thu trả lãi ngân hàng và nuôi gia đình”, ông Liên nói và cho hay ông đang đếm từng ngày chờ đợi vì "không thể ôm con tàu hư hỏng thêm nữa".

VNE